LÒNG YÊU NƯỚC CÓ BỊ KÍCH ĐỘNG, LỢI DỤNG ĐƯỢC KHÔNG? Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống...
LÒNG YÊU NƯỚC CÓ BỊ KÍCH ĐỘNG, LỢI DỤNG ĐƯỢC KHÔNG?
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Vụ giàn khoan 981, vụ chuẩn bị thông qua dự luật đặc khu có thể xem là hòn đá thử vàng lòng yêu nước.
Điều ấy cũng có nghĩa là lòng yêu nước xuất phát từ con tim của mỗi người dân, nó thức dậy mạnh mẽ khi người dân nhìn thấy đất nước như một phần máu thịt của mình có nguy cơ hoặc bị kẻ khác giày xéo.
Lòng yêu nước là thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Vậy lòng yêu nước có bị lợi dụng, kích động được chăng? Nói chính xác là có. Nhưng ở nghĩa chính xác này, phải nói rằng, ai lợi dụng, kích động được lòng yêu nước, người đó chỉ có thể là thiên tài. Lý Bôn lợi dụng, kích động được lòng yêu nước mà đuổi được giặc Lương lập nên nước Vạn Xuân. Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt lợi dụng được lòng yêu nước mà hai lần đại thắng quân Tống. Nhà Trần lợi dụng được lòng yêu nước mà ba lần chiến thắng quân Mông – Nguyên. Lê Lợi – Nguyễn Trãi lợi dụng được lòng yêu nước mà đánh đuổi được quân Minh. Quang Trung lợi dụng được lòng yêu nước của dân mà đại phá quân Xiêm lẫn quân Thanh.
Không nhờ có lòng yêu nước của dân, Hồ Chí Minh không thể làm nên cách mạng tháng Tám và kháng Pháp, kháng Mỹ thành công.
Lòng yêu nước như ngọn lửa trong lòng dân. Xúc phạm, gây tổn thương lòng yêu nước sẽ bị ngọn lửa của lòng yêu nước thiêu cháy.
Khác với những ý kiến ngang ngược, coi thường, quy chụp, xuyên tạc lòng yêu nước của dân như tiếp thêm dầu vào lửa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh lòng yêu nước và cảnh giác của người dân. Đó là ý kiến khôn ngoan. Biết lắng nghe lòng yêu nước của dân thì không sợ mất nước. Trong phát ngôn của ông, tôi nghe ra điều ấy.
Sự cố bạo động ở Phan Rí, tôi không rõ có kẻ nào kích động, lợi dụng lòng yêu nước như VTV đang tuyên truyền hay không. Chỉ có thể nói rằng, sự quá khích từ phía người biểu tình và sự đàn áp thẳng tay của chính quyền không là giải pháp, bởi bạo lực từ cả hai phía chỉ kích động thêm bạo loạn.
Bài học ở Trung Đông đang diễn ra nhãn tiền. Lòng yêu nước có thể tập hợp nhân dân thành sức mạnh, nhưng lòng yêu nước cũng có thể chia bè xẻ cánh thành bạo loạn và nội chiến kéo dài. Quốc hội và chính quyền kêu gọi nhân dân bình tĩnh. Nhưng tôi không thấy ai kêu gọi chính quyền bình tĩnh. Theo tôi, không chỉ bình tĩnh mà còn thức tỉnh. M. Foucault nói: “Quyền lực chỉ là thứ mong manh, nếu chức năng duy nhất của nó là trấn áp”.
Tôi hoan nghênh lực lượng CSCĐ Bình Thuận đã nhân nhượng trong tình huống cần thiết. Tôi cũng không cổ vũ sự bạo động từ phía người biểu tình. Nhưng sự kêu gọi đàn áp của nhà báo Mai Thanh Hải là hành động quá khích gây thêm sự đối lập căng thẳng theo cách của bọn Hồi giáo cực đoan.
Đối thoại dân chủ, hòa bình chỉ có được từ thực tâm của các bên đối lập, cũng là giải pháp tối ưu của thế giới hiện đại.
------------
Chú thêm: Chính quyền đàn áp chính danh trong trường hợp khẩn cấp đối với tội phạm thì được, bởi quốc gia nào cũng phải làm. Nhưng việc dùng côn đồ hoặc giả danh côn đồ đàn áp biểu tình là tự tạo ra nguy hiểm cho mình và cho cả đất nước. Bởi đến một lúc nào đó, các phe nhóm đối lập nào cũng có thể lợi dụng côn đồ hoặc giả danh côn đồ trà trộn vào đám đông để gây bạo loạn và chính quyền không thể kiểm soát được. Bạo loạn ở Trung Đông bắt đầu từ đó. Tôi theo sát thời sự để bình luận khách quan và cảnh báo thiện chí như vậy, không nghe thì thôi. Khi có bạo loạn, tôi phắn, vì tôi chẳng khoái trò chơi bạo lực. He he…
Chu Mọng Long
Không có nhận xét nào