LUẬN VỀ BIỂU TÌNH 1- Biểu tình (tức là hội họp hoặc tập hợp ở nơi công cộng một cách ôn hòa và trật tự nhằm biểu thị thái độ đối với những ...
LUẬN VỀ BIỂU TÌNH
1- Biểu tình (tức là hội họp hoặc tập hợp ở nơi công cộng một cách ôn hòa và trật tự nhằm biểu thị thái độ đối với những vấn đề quốc nội hoặc quốc tế hoặc ủng hộ hay phản đối các chính sách của nhà nước) là một trong những quyền của người dân được ghi trong Hiến pháp của hầu hết các nước dân chủ. Bảo vệ quyền biểu tình thể hiện sự tôn trọng những nguyện vọng của thiểu số dân cư, được coi là một trong những biện pháp bổ khuyết cho nền dân chủ.
Hiến pháp Mỹ gộp quyền biểu tình chung với quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận vào Tu chính án thứ nhất với quy định cấm Quốc hội ban hành bất cứ đạo luật nào hạn chế những quyền này. Hiến pháp nước ta cũng gộp quyền biểu tình vào một số quyền khác, nhưng lại nêu việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Điều rất lạ là nhiều nhà trí thức, nhà báo, facebooker… tỏ ra sốt ruột về việc chưa có luật biểu tình, như thể nếu không có luật biểu tình thì quyền biểu tình của người dân không được xác lập. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ quán tính “người dân chỉ làm những gì luật pháp cho phép”, trong khi chúng ta đã bước vào thời đại “người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm”. Chưa có luật là chưa có quy định giới hạn việc thực hiện quyền biểu tình, có nghĩa là người dân có thể thực hiện quyền này theo Hiến pháp, nếu quá đà (gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến giao thông, sử dụng bạo lực, v.v…) đã có luật khác điều chỉnh.
Trên đây là tóm tắt về bản chất của quyền biểu tình trong một nhà nước pháp quyền. Những người muốn biểu tình theo đúng cái nghĩa ôn hòa trên đây nên hiểu rằng không có Luật biểu tình sẽ tốt hơn là có Luật biểu tình. Và nếu có Luật biểu tình thì tình hình sẽ xấu hơn khi có Nghị định biểu tình và sẽ xấu hơn nữa khi có Thông tư về biểu tình, cứ mỗi bước như vậy thì quyền tự do sẽ bị thu hẹp thêm một nấc.
2- Trước khi được giới hạn trong việc bày tỏ thái độ ôn hòa trong xã hội dân chủ pháp quyền, biểu tình vốn là sản phẩm của đấu tranh xã hội, là một trong những phương tiện mà những người làm chính trị dùng để tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền, giành chiến thắng trong bầu cử hoặc thâu tóm quyền lực vì những mục tiêu rất khác nhau, tốt có xấu có. “Tổ tiên” của nó là các nhà chính trị tả khuynh và dân túy. Khẩu hiệu thường thấy là : tự do dân chủ, chống ngoại bang, chống áp bức bóc lột, đòi dân sinh dân chủ, bảo vệ môi trường, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc… Những người cộng sản khi chưa cầm quyền thường sử dụng hữu hiệu công cụ này như là một hình thức thấp của đấu tranh cách mạng, đó là “đấu tranh hợp pháp”. Các nhà chính trị dân túy khi chưa cầm quyền thì sử dụng thường xuyên công cụ này. Các nhà chính trị theo khuynh hướng tự do hoặc hữu khuynh ít sử dụng công cụ này, nếu có thì chẳng qua cũng “mượn” công cụ của đối thủ.
Theo bài bản của cái nghĩa thứ 2 này thì biểu tình nhất định phải có tổ chức, phải lựa chọn khẩu hiệu, phải “phát động quần chúng”, tóm lại là phải có lãnh đạo. Biểu tình tự phát không bao giờ huy động được đông người, thậm chí có khi chỉ có một người như người phụ nữ biểu tình quanh năm suốt tháng trước cổng Tòa Bạch ốc Mỹ trước đây.
Phương châm của biểu tình là phải tạo ra được sự đàn áp của chính quyền. Phải bị đàn áp thì mới quay phim chụp ảnh đưa ra tố cáo để tạo sự căm phẫn trong dân chúng nhằm tập hợp thêm lực lượng. Biểu tình mà không bị đàn áp thì coi như công cốc, chẳng ai quan tâm. Cho nên, nếu không bị đàn áp thì phải khiêu khích để bị đàn áp, khiêu khích không được thì phải gây gỗ, gây gỗ không được thì phải tấn công nhân viên nhà nước để họ đáp trả, sự đáp trả đó coi như là đàn áp. “Mục đích biện minh cho phương tiện”, đó là quan niệm của hầu hết những người làm chính trị sử dụng biểu tình, vì vậy họ không coi đó là sự giả dối.
Những người cộng sản từng là chuyên gia tổ chức biểu tình. Hơn ai hết, họ biết rõ một cuộc biểu tình mà không bị đàn áp là một cuộc biểu tình thất bại, rằng đàn áp biểu tình chỉ là sự tiếp tay tạo ra thắng lợi cho cuộc biểu tình đó mà thôi. Vì vậy, họ chỉ giữ trật tự và phòng vệ để tránh xảy ra bạo loạn. Chỉ có những người điên mới chủ trương đàn áp biểu tình và những người này đáng phải bị loại ra khỏi hệ thống công vụ.
Cuộc biểu tình lớn ở nhiều nơi diễn ra ngày hôm qua, mỗi người có cái nhìn riêng của mình, nhưng muốn hiểu đúng bản chất sự kiện thì trước hết cần hiểu bản chất của biểu tình.
Tôi tuyệt đối tôn trọng những người xuống đường bày tỏ thái độ một cách ôn hòa về những bức xúc đối với những vấn đề quốc gia đại sự. Nhưng tôi dứt khoát chống lại việc lợi dụng biểu tình để phá hoại tài sản của nhà nước và nhân dân, lợi dụng biểu tình để gây rối trật tự công cộng, làm phiền nhiễu cuộc sống bình thường của người khác.
Đi biểu tình có thể là yêu nước, có thể là một hành vi thời thượng, dù mục đích gì thì đó cũng là quyền hiến định. Nhưng mỗi người có cách yêu nước riêng của mình. Những người biểu tình và những người ủng hộ biểu tình không nên cho rằng phải biểu tình và ủng hộ biểu tình mới là yêu nước. Nghĩ đến quan niệm này tôi thấy sợ hãi. Với quan niệm chỉ có biểu tình hoặc ủng hộ biểu tình mới là yêu nước, nếu như những người chủ xướng các cuộc biểu tình vừa rồi mà lên cầm quyền trong tương lai thì họ sẽ giữ độc quyền yêu nước, nên rất có thể những người không đi biểu tình hoặc không ủng họ biểu tình trong quá khứ sẽ bị họ tính sổ, thậm chí sẽ bị họ đàn áp.
HOÀNG HẢI VÂN
Không có nhận xét nào