Nhân dân bất hạnh. Hôm nay là 10-6-2018. Ngày hôm nay, tôi đã không thể nào ngăn nổi nước mắt của mình khi xem các clip về những đoàn người ...
Nhân dân bất hạnh.
Hôm nay là 10-6-2018. Ngày hôm nay, tôi đã không thể nào ngăn nổi nước mắt của mình khi xem các clip về những đoàn người biểu tình ở Hà Nội, ở Sài Gòn, ở đây, ở đó trên đất nước Việt Nam tôi.
Nước mắt ấy dành cho đất nước khốn khổ của tôi, một đất nước mà tôi từng mơ về tương lai tươi thắm ngọt lành.
Nước mắt ấy dành cho dân tộc tôi, một dân tộc đã từng bất chấp sống chết để không làm nô lệ.
Nước mắt ấy dành cho thân phận lầm lũi của nhân dân tôi, những con người đã từng gào thét hai chữ “Tự do”.
Việt Nam của tôi, chiến tranh kết thúc đã quá nửa đời người rồi mà hôm nay, hàng ngàn người dân trăn trở với hiện tình đất nước vẫn phải xuống đường vì sợ hãi một tương lai nô lệ, vì khát khao giữ lấy quyền được tự do.
Trong số hàng ngàn người đi bên nhau trên những con phố hôm nay ở Hà Nội, Sài Gòn, họ là những bác sĩ vốn chỉ muốn cứu người, những giáo viên chỉ tâm huyết trồng người, những kĩ sư muốn gắn bó với công trình, công nhân muốn làm việc ở nhà máy, tiểu thương muốn ra chợ kiếm tiền...
Người Việt mình không muốn phải xuống đường như thế. Nhưng, họ cần bày tỏ thái độ không đồng thuận với kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế. Họ cần bày tỏ chính kiến một cách ôn hoà, để được Chính phủ lắng nghe và xem xét lại dự Luật An ninh mạng. Họ xuống đường mang theo nỗi sợ hãi. Đó là nỗi sợ tự do trên không gian mạng sẽ không còn như hiện nay nếu dự Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua.
Chưa khi nào tôi thấy thương người dân nước Việt của mình đến thế. Dù đất nước cứ ì ạch mãi, dù nền kinh tế cứ bệ rạc mãi, dù tham nhũng thì vô độ, lãng phí thì tràn lan, quan chức thì tha hoá biến chất, công chức thì quan liêu cửa quyền... đã làm khốn khổ người dân Việt Nam tôi, nhưng hôm nay tôi thấy nhân dân mình thực sự bất hạnh. Bởi vì, khi những quyền thứ cơ bản có nguy cơ bị xâm hại bởi một dự luật mông lung, người dân muốn bày tỏ thái độ với Chính phủ, mà gần như vô vọng.
Hôm nay, tôi đã không ngăn nổi nước mắt mình rơi xuống khi nhìn thấy những hình ảnh người dân đã phải đổ máu trên quê hương. Dù vì lý do gì, mỗi khi giọt máu của dân rơi xuống bởi nắm đấm nào đó được tung ra trong đám đông hỗn loạn, là mỗi lần khoảng cách giữa người dân và bộ máy chính quyền lại xa hơn. Có lẽ nào, người ta đã quên rằng, trấn áp cơn thịnh nộ của nhân dân bằng bạo lực thì sẽ bị đáp trả bằng bạo lực tột cùng của sự căm phẫn?
Lên tiếng về các vấn đề của đất nước là trách nhiệm của mỗi công dân, là nhu cầu thôi thúc từ bên trong của những người có nhiều trăn trở về vận mệnh đất nước mình. Lẽ ra, Chính phủ cần tạo điều kiện cho họ bày tỏ chính kiến về những dự luật mà Chính phủ trình Quốc hội. Bởi vì, việc phản biện về dự Luật An ninh mạng, dự Luật Đặc khu là quyền công dân được pháp luật cho phép.
Dự Luật An ninh mạng, với những đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ internet phải đặt máy chủ, văn phòng đại diện, lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, từ đó cung cấp thông tin người dùng khi được yêu cầu, có thể khiến tự do trên internet của người dân bị tước đoạt. Trong khi đó, một bộ phận người lãnh đạo duy trì được quyền lực của mình.
Thế nhưng, quyền lực chính trị chỉ có nhiệm kì. Quyền lực của nhân dân mới là mãi mãi. Trong mọi chính thể, nhân dân luôn luôn là chính nghĩa. Nhân dân luôn luôn đúng. Một chính quyền muốn đối đầu với nhân dân là một chính quyền không có chính nghĩa. Một chính quyền muốn ban hành những điều luật mà người dân, trong quá trình giám sát và phản biện chính quyền, dễ dàng bị biến thành tội phạm thì đó đích thực là một chính quyền tội phạm.
Tôi không nói chính quyền hiện nay như vậy. Bởi họ đã tiếp thu phần nào nguyện vọng của dân về dự Luật Đặc khu.
Thế nên, hơn lúc nào hết, Chính phủ cần nghiêm túc nhìn nhận lại dự Luật An ninh mạng như một thông điệp về Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ luôn lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt dân vào trung tâm của sự phục vụ trong mọi quyết sách của mình.
Nhân dân mình rất rộng lượng. Chỉ cần biết hương về phía dân, dân sẽ giang tay đón nhận. Chỉ cần thực sự coi dân là gốc thì dân sẽ trao cho thứ quyền lực với sức mạnh có thể rời núi lấp bể. Quyền lực ấy có tên là Quyền lực Nhân dân.
Nhân dân vẫn luôn là nhân dân như thế. Gặp bất hạnh sẽ đi tìm hạnh phúc. Bị xô ngã sẽ sẽ đứng lên chống đỡ. Bị vùi xuống sẽ vùng lên phản kháng. Nhận bạo lực sẽ trả bằng bạo lực...
Nhưng, nếu trao cho dân hi vọng, dân sẽ đáp lại niềm tin và tín nhiệm.
Chọn nhân dân là con đường duy nhất cho chính thể hiện nay.
Bạch Hoàn
Không có nhận xét nào