Đối thoại Shangri-La 2018: Tướng Ngô Xuân Lịch chỉ ‘trả bài’! June 4, 2018 Share on Facebook Tweet on Twitter Shangri-La lần thứ 17 đã gây...
Đối thoại Shangri-La 2018: Tướng Ngô Xuân Lịch chỉ ‘trả bài’!
June 4, 2018
Share on Facebook Tweet on Twitter
Shangri-La lần thứ 17 đã gây ấn tượng nhất với phong cách ‘trả bài’ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Ảnh: QĐND
Thiền Lâm
Vietnam _ Cali Today News – Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore từ ngày 31/5 đến 3/6 năm 2018 rốt cuộc đã gây ấn tượng nhất với phong cách ‘trả bài’ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
“Mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực”,và “Thay vào đó, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị” – tờ ‘báo nhà’ Quân Đội Nhân Dân của Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn phát biểu của tướng Lịch.
Giải pháp được ông Lịch ‘kiến tạo’ là “Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương, là con đường tốt nhất”.
Nhưng sau khi ‘đọc bài’ không khác gì người tiền nhiệm – ‘tướng chữa bệnh’ Phùng Quang Thanh, tướng Lịch đã không một lần đề cập đến cái tên Trung Quốc, bất chấp hành động khiêu khích mới nhất của Bắc Kinh là đưa máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa, gây ra một bước leo thang quân sự mới mà khiến cả Hoa Kỳ lẫn các quốc gia Nhật Bản và Úc phải lo ngại.
Tại Đối thoại Shangri-La vào tháng Sáu năm 2014, nghĩa là ngay trong thời điểm vụ Hải Dương 981, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vẫn ‘nói như vẹt’ tại diễn đàn rằng việc đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế là giải pháp cuối cùng và vẫn ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Giữa năm 2014, chính giàn khoan này đã gây ra một cú sốc ghê gớm đối với chính thể Hà Nội và khiến người dân Việt sôi máu căm phẫn. Hình ảnh ngự trị của nó suốt gần ba tháng trên Biển Đông đã làm bùng nổ một cuộc biểu tình lên tới hàng chục ngàn người ở Sài Gòn – vừa chống Trung Quốc vừa phản ứng với tư thế gập lưng sát đất của chính quyền Việt Nam. Nhưng trong lúc đó, Quốc hội đầy rẫy ‘nghị gật’ của Việt Nam lại không ra nổi một nghị quyết về Biển Đông.
Từ sau vụ Hải Dương 981 cho tới nay, Trung Quốc đã đưa cả giàn tên lửa của đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, nhiều tàu cá Việt Nam vẫn bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển. Các vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt và bắn giết ngư dân Việt đột ngột tăng mạnh kể từ tháng Bảy năm 2017 – thời điểm Việt Nam đưa giàn khoan Repsol – liên doanh với Tây Ban Nha – ra khu vực Bãi Tư Chính để khoan thăm dò dầu khí, cho đến nay.
Nhưng trước tất cả cảnh nạn trên, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn chỉ rập khuôn với cách cách ‘lên tiếng phản đối’ của người phát ngôn bộ ngoại giao, nghĩa là chỉ đánh võ miệng mà không có một hành động đủ nặng ký và đủ thuyết phục để phản ứng với Trung Quốc.
Cũng cho tới nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn không dám công khai việc Việt Nam đưa giàn tên lửa ra Trường Sa vào năm 2016 để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong khi phía Trung Quốc luôn công khai tuyên bố một cách thách thức những hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Một trong những tác giả của ‘sự im lặng của bầy cừu’ (như tên một bộ phim đã đoạt giải Oscar) như trên là Nguyễn Chí Vịnh – cấp phó của tướng Phùng Quang Thanh và nay là phó cho tướng Ngô Xuân Lịch. Nhiều người ở Việt Nam đã hiểu rõ thái độ lấp lửng cố hữu dài của viên tướng 3 sao này. Dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, tướng Vịnh bị một số dư luận cho rằng “có yếu tố thân Trung Quốc”. Biểu hiện rất dễ nhận ra của Nguyễn Chí Vịnh là trong hầu hết những cuộc “đối ngoại” với giới quân sự và các lãnh đạo Bắc Kinh, ông Vịnh luôn sử dụng một loại văn phong mô tả bầu không khí “Bốn tốt” lẫn “Mười sáu chữ vàng”, thậm chí cả vào lúc tàu hải cảnh Trung Quốc công khai tấn công các tàu cá và giết hại ngư dân Việt Nam.
Xem ra cho tới nay, quan điểm và thái độ của tướng Vịnh vẫn không được cải thiện.
Rốt cuộc, bạc nhược và hèn yếu vẫn là đặc trưng lớn nhất của một chế độ luôn tuyên rao “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,” thêm một lần nữa minh chứng cho cái hiện thực khốn quẫn về chính quyền Việt Nam chỉ giỏi “hèn với giặc, ác với dân.”
Cách phát ngôn chung chung và vô thưởng vô phạt của tướng Ngô Xuân Lịch tại Đối thoại Shangri-La 2018 đã thêm một lần nữa mang đến thắng lợi cho đội ngũ chuyên gia tâm lý chiến của Bắc Kinh.
Trong nhiều năm qua, thái độ và hành vi xử thế của giới chóp bu Việt Nam đã được Bắc Kinh nghiên cứu rất kỹ, đã bị ‘nắn gân’ và áp dụng chiến thuật lấn từng bước cả trên bộ lẫn trên biển.
Vụ việc lấn từng bước mới nhất của phía Trung Quốc là vào tháng Năm năm 2018, hàng loạt du khách nước này đã được trang bị áo ‘lưỡi bò’ và ngang nhiên phô trương tại sân bay Cam Ranh của Việt Nam. Nhưng cho tới nay, toàn bộ các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam – từ chính quyền và công an tỉnh Khánh Hòa đến Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tổng cục Du lịch… vẫn hầu như tê liệt mà không có nổi một phản ứng cho ra hồn.
Không có nhận xét nào