SUY NGHĨ VỀ ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC. Trong giấy tờ hành chánh nào của Việt Nam, hàng chữ mở đầu đều ghi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ ng...
SUY NGHĨ VỀ ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC.
Trong giấy tờ hành chánh nào của Việt Nam, hàng chữ mở đầu đều ghi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới hàng chữ đó là khẫu hiệu Độc Lập - Tự Do - Hạnh phúc.
Thế nhưng khi dự án ba đặc khu được thực hiện, là lúc dân tộc ta đã bị tước mất Độc Lập, vì kẻ thù đã lợi dụng vào những cam kết để xâm chiếm và thống trị nước ta một cách dễ dàng không tiếng súng. Đó là âm mưu lâu đời của chúng. Cho nên chúng mới yêu cầu Ván Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Khi chúng hoàn tất âm mưu, ta sẽ chẳng còn Độc Lập khi mọi thứ từ chính trị, kinh tế, văn hoá, văn học nghệ thuật đều chịu sự thống trị và điều khiển của ngoại bang. Một dân tộc không còn tự chủ, không còn được tự quyết thì chắc chắn dán tộc đó đã không còn Độc Lập.
Khi Luật An ninh mạng được thông qua vào ngày mai, dân Việt sẽ bị tước mất Tự Do. Kể từ đó, người dân sẽ bị bịt miệng, những suy nghĩ của dân sẽ bị kiểm soát. Dân có thể bị chụp mũ, bị kết tội bất cứ giờ nào khi thể hiện chính kiến của mình trên mạng truyền thông.
Dự luật định trao cho “lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông” có quyền yêu cầu chặn “share”, xoá các thông tin mà “lực lượng” này cho rằng là “tuyên tuyền chống nhà nước” và “yêu cầu các nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet cho người có các bài viết đó”.
Đúng ra đây là công việc của toà án, toà án chưa quyết định mà công an đã yêu cầu xoá tài liệu của người dùng là việc làm không hợp pháp.
Chỉ có toà án mới có quyền tuyên bố hành vi nào là “tuyên truyền chống nhà nước”. Nếu VN có tính tới yêu cầu buộc gỡ các “fake News” trên MXH thì cũng chỉ nên tiến hành sau khi có phán quyết của Toà.
Đặc biệt, dự luật không những không bảo đảm an ninh mà còn đe doạ quyền tự do cá nhân của người dân khi yêu cầu các công ty dịch vụ internet “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản”.
Người dân không chỉ có nhu cầu được bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ “các thế lực thù địch” mà còn cần được bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ sự lạm quyền của những người thi hành công vụ. Quyền tự do cá nhân, quyền riêng tư chỉ có thể bị can thiệp khi có trát của toà. Không có một đất nước có luật pháp nào, cảnh sát lại được trao cho quyền đó.
Luật An ninh mạng là sợi dây thòng lọng tròng vào cổ người dân, người dân sẽ trở thành con ngựa bị bịt mắt chỉ biết một lề để đi. Hệ thống truyền thông sẽ trở thành như trại lính hay trại tù được điều khiển bằng một lời hô, mọi sáng tạo sẽ bị xóa sạch, tư duy cá nhân sẽ bị hạn chế tối đa, đến một lúc nào đó ta sẽ sống trên ốc đảo cách biệt thế giới bên ngoài. Nó xâm phạm quyền con người một cách thô bạo và cản trở sự giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Và cũng do đã có luật, người ta có thể đưa dân ra toà án và bỏ tù bất cứ lúc nào chỉ vì một bài viết trên mạng xã hội hay trong trang riêng của mình.
Hai luật ra đời cùng thời gian, cả hai tước mất Độc Lập của dân tộc và quyền Tự Do của mỗi con người. Điều duy nhất còn lại là Hạnh Phúc thì do vị trí của anh trong xã hội quyết định. Nếu anh là cán bộ, là lãnh đạo thì anh và gia đình là những người Hạnh Phúc bởi vì anh đã được sống theo tiêu chuẩn của xã hội tiến lên chế độ cộng sản rồi. Nếu anh là doanh nghiệp có gắn bó với cán bộ lãnh đạo tạo thành nhóm lợi ích, là sân sau thì có thể anh cũng là người được hưởng hạnh phúc vì được cùng hưởng lợi với các quan chức. Số phận nhân dân còn lại khó được hạnh phúc vì đời sống quâ khó khăn, thực phẩm quá độc hại, không khí quá ô nhiễm, cuộc sống bấp bênh, không biết lúc nào sẽ bị bắt, không biết lúc nào sẽ bị lấy đất, lấy nhà, không biết bao giờ mới được hưởng những quyền căn bản của một con người. Sống như đồng bào ở Bình Thuận, những người dân bị cướp đất ở Thủ Thiêm, ở quân 2, quận 9, ở Củ Chi, và rất nhiều nơi nữa trên đất nước này, những người đang bế tắc đành phải liều mình để mong có cơ hội cứu mình, cứu gia đình mình thì làm sao nói đến hạnh phúc.
Và như thế, lúc ấy câu khẩu hiệu trên trở thành lố bịch và buồn cười. Nó đã từng là cái bánh vẽ nhưng bây giờ nó thành biếm ngữ, thành trò cười. Nó chẳng còn giá trị nào trên văn bản. Nó trở thành thừa thãi một cách vô ích trong hình thức đơn từ, văn thư, nghị quyết, quyết định của hệ thống hành chánh Việt Nam. Khẩu hiệu đó trở thành sáo rỗng và không thực tế.
Có lẽ lúc đó phải sửa lại khẩu hiệu, nhưng mà không biết thay những tử đó bằng những từ mới nào đây cho hợp với thực trạng và thời thế.
Không biết tui có bi quan quá không nhỉ?
12,6.2018
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào