VẤN ĐỀ TIỀN LƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói: "lương thấp thì không thể đòi hỏi trách cao" khi bào chữa ch...
VẤN ĐỀ TIỀN LƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói: "lương thấp thì không thể đòi hỏi trách cao" khi bào chữa cho vụ nhân viên kéo đường ray vô trách nhiệm để xảy ra lật tàu.
Đến lượt Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn về chất lượng giáo dục cũng nói lời tương tự: "học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao".
Cách đây vài hôm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đề xuất thay đổi thu học phí thành "thu theo giá dịch vụ" tức "thu giá" giống như Bộ Giao thông vận tải.
Vậy là hai bộ đã thông nhau. Tôi đề nghị sáp nhập hai bộ này thành Bộ Thông Dục, vì chỉ cần một người phát ngôn là đủ.
Điều hai ông nói không có gì mới. Dân gian vô học từng nói "tiền nào của nấy". Nhưng đó là câu nói dành cho chất lượng của lúa gạo, củ mì, củ khoai. Marx đã nâng lên thành chất lượng hàng hóa gắn liền với giá cả.
Điều dân gian nói và điều Marx nâng lên thành học thuyết kinh tế không liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo, thậm chí không liên quan đến trách nhiệm của người lao động.
Đối với nhà sản xuất và người lao động, không ai muốn sản phẩm của mình chất lượng thấp để bán ra với giá rẻ mạt. Chẳng qua do thiên tai mất mùa, lúa gạo, củ khoai, củ mì chất lượng kém mà phải bán ra với giá bèo. Còn đối với trách nhiệm lãnh đạo, Marx chưa bao giờ xem trách nhiệm lãnh đạo được đo bằng đồng lương, nếu không nói, rằng trong công thức giá trị thặng dư của ông chỉ có vạch trần bản chất ngồi mát ăn bát vàng của bọn tư bản, bọn bóc lột xương máu người lao động bằng giá trị thặng dư khổng lồ.
Cả dân gian và Marx, không ai quy giá cả sản phẩm về phía người sản xuất hay lao động mà quy hết về phía người tiêu thụ, trừ phi quy trình sản xuất và tiêu thụ ấy thuộc về cơ chế độc quyền. Câu "tiền nào của nấy" là dân gian nói người mua ham rẻ thì buộc phải tự lựa chọn mua sản phẩm chất lượng thấp chứ không phải do người sản xuất muốn sản phẩm của mình chất lượng thấp. Cũng như thế, Marx chỉ trích chủ nghĩa tư bản độc quyền đã đẩy người tiêu thụ vào thế buộc phải tiêu thụ hàng hóa chất lượng kém với giá thành cao. Marx luôn khẳng định quan hệ giữa SẢN XUẤT (cung) - HÀNG HÓA - TIÊU THỤ (cầu), trong đó CẦU đóng vai trò quyết định, và SẢN XUẤT luôn tìm cách nâng chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xã hội và gia tăng lợi nhuận. Nhưng chủ nghĩa tư bản độc quyền tham lam, vô liêm sỉ làm cho quy luật đó hoàn toàn phá sản, một mặt tăng giá cả đắt đỏ, mặt khác lại giảm tối đa tiền công lao động và chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận.
Ai dám chắc với ông Thể, ông Nhạ, rằng phí giao thông, phí giáo dục tăng cao thì chất lượng đường sá, chất lượng giáo dục và trách nhiệm lãnh đạo cao lên? Trong khi đường sá thì chỉ cần tráng lên một lớp nhựa đường mỏng là thu lợi ngàn tỉ, chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học lâu nay chỉ là đổi mới giả tạo, vẫn lối dạy học nhồi sọ, nhưng các dự án thì ngốn hàng tỉ tỉ tiền vạy nợ và thuế của dân, học phí của sinh viên học sinh tăng mãi nhưng gần như chỉ có mục đích ăn chia chứ đã đầu tư cho giáo dục bao nhiêu?
Đừng hiểu điều ông Nhạ nói tăng "học giá" là kéo theo tăng lương hay thu nhập cho người lao động là giáo viên. Sự thật là lâu nay học phí các hệ tăng liên tục, nhưng mức lương và thu nhập giáo viên không đổi. Chỉ có một thứ tăng, đó là tiền quản lý phí, tức tiền trách nhiệm. Và sự thật, tiền trách nhiệm tăng (10% tổng thu) nhưng chẳng thấy trách nhiệm ông lãnh đạo nào được nâng lên, trong khi chất lượng giáo dục ngày một xuống cấp thảm hại!
Độc quyền sinh sát về chính trị và nhân sự, độc quyền về kinh tế, đến mức chỉ duy trì mỗi quốc lộ độc đạo để thu tiền, độc quyền làm chương trình và in sách giáo khoa để thu lợi nhuận... thì làm gì có chuyện lương cao trách nhiệm sẽ cao. Có chi hàng triệu triệu tỉ cho lãnh đạo, thậm chí cho người lao động ở những ngành độc quyền trong cái cơ chế há mồm độc quyền đó, tôi dám chắc sự vô trách nhiệm vẫn cứ vô trách nhiệm.
Từng có hàng vạn ông lương thấp nhưng thừa tiền xây biệt thự, biệt phủ, nhưng không ông nào có trách nhiệm và chẳng mấy ông ngồi tù, trách nhiệm cao làm gì?
Khi nào xóa bỏ hẳn cơ chế độc quyền với thị trường hoàn toàn tự do thì hãy to mồm nói về tiền lương đi đôi với trách nhiệm, ông Thể, ông Nhạ ạ!
Đó là tôi chưa dẫn Lenin: "Dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại". Lenin nói về lãnh đạo đấy! Đã dốt thì thà vô trách nhiệm chứ hăng hái với trách nhiệm xem chừng phá tan nát cả đất nước này.
Tôi nghi ngờ trình độ giáo sư tiến sĩ của mấy ông này, mặc dù chỉ cần trình độ thấp nhất là kinh tế học Marx - Lenin với bằng lý luận trung cấp hay cao cấp mà các ông buộc phải học qua.
http://doctin24h.info/bo-truong-phung-xuan-nha-hoc-phi-thap-kho-doi-hoi-chat-luong-giao-duc-cao/
Chu Mọng Long
Không có nhận xét nào