BÀI HỌC TỪ CHIẾN LƯỢC "NGOẠI GIAO BẪY NỢ" Thế giới biết đến đất nước Châu Phi Djibouti bụi bặm nhiều nhất là ở hình ảnh cư dân nơi...
BÀI HỌC TỪ CHIẾN LƯỢC "NGOẠI GIAO BẪY NỢ"
Thế giới biết đến đất nước Châu Phi Djibouti bụi bặm nhiều nhất là ở hình ảnh cư dân nơi đây có thói quen nhai lá Khat – một loại lá cây bụi có chứa chất kích thích, tạo cảm giác thăng hoa. Mỗi ngày, khi cái nóng oi nồng của buổi chiều tăng lên, những người đàn ông Djibouti lại tụ tập thành từng nhóm, nhét ít lá Khat vào miệng và nhai cho tới khi đạt được cảm giác hưng phấn, bay bổng. Kết quả là, tại đất nước Phi Châu này chẳng có nghành nghề sản xuất nào cả, ngoại trừ việc buôn bán, phân phối và tiêu thụ lá Khat. Thời gian luôn trôi đi chậm rãi tại Djibouti.
Thế rồi gần đây mọi chuyện đã thay đổi. Không biết nên gọi Djibouti được ban phước hay quỷ ám với một vị trí địa lý chiến lược, nằm ngay phía tây của Bab al Mandab – eo biển hẹp giữa Châu Phi và Ả-rập, cửa ngõ vào phía nam biển Đỏ tới Kênh đào Suez, vị trí đặc biệt này bắt đầu thu hút sự chú ý của quốc tế.
Đầu tiên là Pháp, sau đó là Mỹ, Nhật và rồi bây giờ đến cả Trung Quốc cũng bắt đầu hiện diện “hình ảnh” của mình tại đất nước nhỏ bé này. Tuy nhiên, khác với Mỹ và đồng minh, Trung Quốc không chỉ mở căn cứ quân sự tại Djibouti, mà họ còn mang theo dòng vốn vay đổ vào đất nước Châu Phi này theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi, Bắc Kinh đã thông qua Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc cung cấp cho Djibouti khoản vay lên tới 1.4 tỷ USD, tương đương 75% GDP của nước này.
Kết quả là, tỉ lệ nợ công của Djibouti so với GDP đã tăng lên hơn 85%, trở thành một trong những nước thu nhập thấp có tỉ lệ nợ công cao nhất thế giới. Trong thời gian tới nếu Trung Quốc tiếp tục giải ngân theo kế hoạch đã triển khai thì tỷ lệ nợ của Djibouti sẽ nhanh chóng vượt 90% GDP và Trung Quốc là chủ nợ duy nhất.
Giờ đây, Djibouti, nơi đặt căn cứ chính của quân đội Mỹ ở châu Phi có thể sắp phải làm điều tương tự như chính phủ Sri Lanka đã từng làm vào năm ngoái, bắt buộc phải cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc thuê cảng biển Hambantota nằm ở vị trí chiến lược trong 99 năm sau khi không thể trả được khoản vay hơn 1 tỉ USD với Trung Quốc. Quay trở lại với Sjibouti, đất nước mà những người đàn ông vẫn đắm chìm trong “đam mê” từ lá Khát thì có lẽ con số gần 2 tỷ USD là không hề đơn giản.
Không chỉ riêng Sjibouti, 14 nước khác cũng đang ngập trong vay nợ từ Trung Quốc có nguy cơ rơi vào “kiệt quệ” tài chính. Trong đó, 7 nước có khả năng đứng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng nợ công là: Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan. Hầu hết các quốc gia này đều vay nợ để triển khai kế hoạc xây dựng cơ sở hạ tầng theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc vạch ra.
Điều hiển nhiên là khi hạ tầng phát triển sẽ kéo theo giao thương phát triển và kinh tế thịnh vượng hơn. Tuy nhiên vẫn đề là hầu hết các quốc gia mà Trung Quốc cho vay đều nghèo, nhân lực chất lượng thấp và có ít sự minh bạch trong chính sách điều hành của chính quyền. Như vậy chỉ với sự thay đổi về hạ tầng sẽ rất khó để các siêu dự án trong trong tương lai có cơ hội tạo ra đủ lượng tiền trang trải các khoản chi phí lãi vay và nợ gốc đến hạn phải trả.
Vấn đề quan ngại tiếp theo là thay vì tài trợ hoặc cho vay ưu đãi với các quốc gia nghèo khó, Trung Quốc lại cung cấp các khoản vay lớn liên quan đến dự án theo lãi suất thị trường, với các điều khoản thiếu minh bạch và “theo hoạt động các chuẩn mực của riêng mình”. Nơ vay tăng cao, trong khi nguồn thu trong tương lai của dự án không đủ bù đắp chi phí trả lãi và nợ gốc đang tạo ra mối lo lắng lớn tại các quốc gia này. Viễn cảnh không xa là chính phủ phải bỏ qua chi tiêu vào các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục hoặc thậm chí phải vay nợ thêm để trang trải khoản lãi vay.
Những hậu quả có thể xảy ra là tăng trưởng chậm lại, tỉ lệ lãi vay cao khiến rủi ro gia tăng và mức vay nợ tăng nhanh chóng sẽ khiến con nợ bị phụ thuộc lớn hơn vào chủ nợ vì có thể những đối tác cho vay khác không dám cấp vốn vay mới. Kết quả cuối cùng sẽ là vỡ nợ với những khó khăn kinh tế trầm trọng hoặc phải tái cơ cấu nợ và dẫn tới rủi ro mất chủ quyền. Người ta gọi chính sách mà chính phủ Trung Quốc đang sử dụng là "ngoại giao bẫy nợ", tức cung cấp các khoản vay cơ sở hạ tầng giá rẻ nhưng rất dễ dẫn đến vỡ nợ nếu các nền kinh tế nhỏ hơn không có đủ tiền mặt để trả lãi.
Trong quá khứ, Trung Quốc có những cách xử lý nợ không nhất quán và không theo thông lệ quốc tế khi làm việc với các nước nghèo. Đôi khi Bắc Kinh chịu xóa nợ như cách đã từng làm với Campuchia và Polivia, nhưng cũng có lúc đòi hỏi "con nợ" nhượng bộ về tranh chấp lãnh thổ hoặc quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng, giống như cách mà Sri Lanka và Tajikistan đã phải gánh chịu. Nhưng dù là Trung Quốc sẽ sử dụng hình thức nào đi chăng nữa thì một đất nước khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tiền từ Trung Quốc khó có thể đi ngược lại những lợi ích chiến lược của họ.
Nguyễn Hải Vân
Không có nhận xét nào