Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

HẬU QUẢ CHÍNH TRỊ CỦA GIAN LẬN THI CỬ HÀ GIANG

HẬU QUẢ CHÍNH TRỊ CỦA GIAN LẬN THI CỬ HÀ GIANG  Các vương triều Á Đông, trong khi mong muốn giữ địa vị thống trị cha truyền con nối cho hoàn...

HẬU QUẢ CHÍNH TRỊ CỦA GIAN LẬN THI CỬ HÀ GIANG 

Các vương triều Á Đông, trong khi mong muốn giữ địa vị thống trị cha truyền con nối cho hoàng tộc của mình, đã tìm thấy ở chế độ khoa cử chẳng những một phương tiện tuyển lựa nhân tài, mà còn một cách thức đem đến bình đẳng cơ hội một cách tương đối cho xã hội. 

Thần dân trong các xã hội đó, dẫu xuất thân có sang hèn khác nhau, đều có thể tiến lên nấc thang xã hội cao hơn qua con đường khoa bảng. Vị trí ‘dưới một người trên triệu người’ phần nào đủ sức hấp dẫn những kẻ dũng lược ưa phiêu lưu khỏi nuôi chí phản loạn, trong khi vinh hoa quan quyền nhờ học hành thi cử đủ sức quyến rũ đám đông chối từ những lời kêu gọi can qua. [1]

Điều kiện của bí quyết cai trị trên là kỳ thi nhất định phải công bằng, và cố nhiên gian lận phải bị trừng trị nặng nề. 

Bởi vậy, khi nào chế độ khoa cử còn nghiêm ngặt, vương triều còn bền vững. Đến khi khoa cử suy đồi, chẳng hạn bởi nạn tập ấm tuỳ tiện (ưu tiên con cái quan lại) hay mua quan bán tước lan tràn, thì mầm nội loạn bắt đầu nảy nở. 

Phiên bản hiện đại của chế độ khoa cử gồm hai bộ phận: thi tuyển công chức và thi đại học cấp quốc gia. Với những biến thể khác nhau, các xứ Đông Á như Nhật, Hàn, Tàu ngày nay vẫn áp dụng lề lối này. 

Việt Nam cũng không nằm ngoài khuôn khổ đó, song khâu thực thi thì đã bết bát đến mức báo động. 

Được giao về địa phương dưới mỹ từ phân cấp, kỳ thi biên chế công chức từ nhiều năm nay đã trở thành một thị trường mua bán nửa công khai nửa bí mật. Như cách nói dân gian - nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ - đám đông dân chúng không còn thấy chỗ của mình trong guồng máy quốc gia nếu chỉ có mỗi trí tuệ. 

Thế thì người dân chỉ còn đặt lòng tin vào bình đẳng cơ hội đến từ kỳ thi đại học cấp quốc gia với cái chép miệng: ‘thôi thì không quen biết, không tiền bạc chạy vào nhà nước được, thì học lấy cái bằng ra làm tư nhân vậy’. Chút tin tưởng sót lại đó hẳn cũng đã dao động ít nhiều trước thực tế vài năm qua không ít cử nhân ra trường thất nghiệp, nay lại bị đả phá tận gốc rễ bởi gian lận thi cử bị phát giác, đầu tiên ở Hà Giang, và có vẻ như không dừng lại ở Hà Giang. 

Thiểu số nhiều tiền sẽ có thêm lý do để ra đi tìm đường tị nạn giáo dục cho con cái, trong khi số còn lại, uất ức không tìm ra lối thoát tiến thân xã hội, sẽ tự gieo vào lòng mình thêm một mầm phản kháng. 

Chỉ khi nhìn ở góc độ đó, sự kiện Hà Giang mới bộc lộ đầy đủ khả năng của nó trong việc phá huỷ lòng tin xã hội đối với thể chế chính trị hiện hành, nhất là khi những người nắm quyền chẳng hề cho thấy sẽ có một giải pháp căn cơ cũng như tỏ ra có đủ năng lực để thực thi giải pháp đó. 

[1] Xã hội học có khái niệm lưu chuyển xã hội (social mobility) chỉ sự thay đổi địa vị xã hội của cá nhân. Khoa cử nghiêm túc thời trước có thể, phần nào đó, mang đến lưu chuyển dựa trên thực tài (merit-based mobility), trái ngược với dựa trên bảo trợ (patronage-based mobility).

Anh Tuan




Không có nhận xét nào