Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGHĨA TRANG CỦA QUÂN ĐỘI VNCH GIỜ ĐÂY RA SAO?

NGHĨA TRANG CỦA QUÂN ĐỘI VNCH GIỜ ĐÂY RA SAO? ... Ta như người lính thua trận Nằm giữa sa trường nát gió mưa Khép mắt cố quên đời chiến sĩ L...

NGHĨA TRANG CỦA QUÂN ĐỘI VNCH GIỜ ĐÂY RA SAO?

... Ta như người lính thua trận

Nằm giữa sa trường nát gió mưa

Khép mắt cố quên đời chiến sĩ

Làm thân cây cỏ gục ven bờ

Chợt nghe từ đáy hồn thương tích

Vẳng tiếng kèn, truy điệu mộng xưa…

Ký giả Brennon Jones của báo International Herald Tribune viết: Thân nhân của những người chết không thể đến viếng mộ phần người quá cố vì sợ bị tai mắt của chế độ cộng sản dòm ngó, còn những người bỏ nước ra đi, nay được gọi là Việt Kiều, khúc ruột ngàn dậm thì mãi chạy theo cuộc sống gay go ban đầu nơi xứ lạ, nên khó có dịp trở về chốn cũ thăm lại mồ mã gia tiên của mình.

Dân chúng địa phương cho biết nghĩa trang quân đội Gò Vấp đã được xây thành một khu chế xuất công nghiệp. Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi nằm ngay trung tâm Saigon là nơi an nghĩ của các quan chức Pháp trong thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, cũng là nơi an táng hai anh em cố tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu nay là khu giải trí và vườn trẻ của thành phố Hồ Chí Minh.

Từ lâu khu nghĩa trang quân đội Biên Hòa không được trùng tu vì là khu vực quân sự "nhạy cảm". Chính quyền cấm không một ai được vào thăm mộ. Trong một miêu tả trước đây, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Những tượng đài đổ vỡ, đường đi chỉ là đất với sỏi... Bên ngoài nghĩa trang cũng không khá hơn, cửa tiệm và nhà dân lấn đất nghĩa trang, cột đá và cầu thang trước đây là lối đi vào nghĩa trang thì nay bị cây cối, dây leo quấn hoàn toàn". Trước năm 2006, 12.000 mộ bị mất nắp xi măng. Tượng Thương tiếc bị kéo đổ sau 1975. Nghĩa Dũng đài bị cắt cụt một đoạn.



-----------

Tôi trở lại nơi này sau gần bốn mươi năm. 
Bốn mươi năm với bao nhiêu dâu bể , bao nhiêu đổi thay. Đổi thay đến tìm đường trở lại cái nơi đã từng đến không ít lần cũng gian nan vất vả không kém.
Liên chở tôi vào khu Đại học Quốc Gia _ Thủ Đức rồi cứ lần mò hỏi thăm mãi mới giáp mặt với bức tường của Nghĩa Trang . Lạ lùng là dù đã được đổi là Nghĩa trang Bình An nhưng hỏi cái tên mới này thì hầu như những người dân quanh đây không ai biết mà họ chỉ nhớ cái tên của một thời đã xa lơ xa lắc : Nghĩa trang Quân Đội _ Biên Hòa .


Con đường hẹp, vắng lặng chạy lượn vòng bức tường cao màu xám cũ rích ngăn cách cái thế giới im lặng bên trong kia với cái thế giới đầy đua chen, gian trá bên ngoài này , nhỏ Liên chở tôi len lỏi men theo con đường để đến nghĩa trang. Tháng tư năm nay trời nắng như đổ lửa. Tôi chọn ngay ngày sinh nhật mình để trở lại cái nơi tôi cứ đau đáu một nỗi niềm , cái nơi mà tôi nghĩ đã không còn trên mặt đất dù nó từng là chứng nhân của một trang sử buồn đau của đất nước. Chưa vào trong nghĩa trang lòng tôi đã dâng lên cái cảm xúc khó tả , thật khó mà phân tích nó như thế nào nhưng tôi biết nó là nỗi buồn ..buồn kỳ lạ ! 


Ghé quán nước trước mặt Nghĩa Trang mua hai bó nhang, cô chủ quán nước chỉ tôi một nhóm người đang ngồi ở một cái bàn nhỏ :
- Chị đi thăm mộ hả, mấy cô bác đó cũng đi thăm mộ đó chị .
Một người phụ nữ lớn tuổi trong số những người vừa được giới thiệu hỏi tôi:
- Em đi thăm mộ hả ? Tên gì ? Chết năm nào.?
Tôi lắc đầu nói mình chỉ đến đây thăm nghĩa trang chứ thân nhân không còn nằm đây .


Thấy chúng tôi vào, người bảo vệ mời tôi vào phòng để làm thủ tục.
Hơi ngạc nhiên vì thấy vào thăm người chết mà cũng phải khai lý lịch trích ngang, tôi bảo nhỏ Liên khỏi vào để mình tôi vào thôi. Biết tôi không vào thăm thân nhân mà chỉ thăm nghĩa trang, người bảo vệ lấy một tờ giấy in sẵn ghi tên tuổi , địa chỉ của tôi, hơi tần ngần khi tôi bảo không mang theo chứng minh nhân dân nhưng rồi anh ta cũng bảo tôi ký tên dưới tờ khai rồi chỉ đường cho tôi vào khu nghĩa trang.


Thấy tôi và Liên , hai người, một là người đàn ông hơi lớn tuổi và một thanh niên mà sau này tôi mới biết họ là người dân quanh đây, sống bằng nghề chăm sóc những ngôi mộ trong nghĩa trang này.đi theo hỏi thăm, khi biết chúng tôi chỉ đến thăm nghĩa trang , họ tích cực hướng dẫn tôi vào Nghĩa Dũng Đài đễ thắp hương.
Nghĩa Dũng Đài to lớn nằm sừng sững trong cái nắng tháng tư gay gắt. Thanh kiếm dài trên cái tháp cao không còn, bức tường hoen úa màu xám thời gian cho tôi cái cảm giác nặng lòng đến lạ. Khói hương bay trong cái nắng buổi trưa, trong cái không gian im lặng buồn buồn, tôi có cảm giác nghe được tiếng đập của trái tim mình, cảm giác có lỗi với bao vong linh nằm đây, cảm giác mình nợ họ ít nhất một lời xin lỗi sau bằng ấy năm..


Chúng tôi đi qua những khu mộ thấp thoáng trong rừng cây, khung cảnh điêu tàn bao trùm khắp nghĩa trang làm tôi cứ nghẹn ngào muốn khóc. Lá vàng rụng đầy trên những lối đi, trên những ngôi mộ bị bỏ quên không được chăm sóc. Không ít ngôi mộ chỉ còn nắm đất, không còn tên tuổi. Được sự hướng dẫn của hai người chăm sóc mộ chúng tôi đến thắp nhang cho ngôi mộ người Chiến Sĩ Vô Danh mang huyền thoại bức tượng Thương Tiếc của người lính bằng đồng đen đứng sừng sững trước cổng vào Nghĩa Trang Quân Đội một thời. Thân nhân đã đắp lại mộ cho anh nhưng trên ngôi mộ vẫn ghi danh trên cái bia đá : CHIẾN SĨ VÔ DANH với cái hình gợi nhớ …



Bỗng dưng tôi nhớ mình của bốn mươi năm về trước, mỗi lần theo mẹ đến đây thăm mộ cậu , tôi luôn e dè , sợ sệt nhìn bức tượng đen nhẻm cao to trước cổng . Anh ngồi sừng sững dưới bầu trời cao, cái mũ sắt hơi ngả về phía sau lộ khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt xa xăm buồn buồn…Bức tượng này, chính người thợ điêu khắc đã khắc trong sân một ngôi chùa của khu gia binh tôi ở từ nhỏ…Ngày nào, tôi cũng đến xem người thợ đục đẽo những đường nét trên bức tượng , thế mà khi nhìn người lính ấy ở đây …cái tâm hồn cô gái nhỏ mười bảy, mười tám tuổi là tôi lúc bấy giờ cứ vừa ngưỡng mộ vừa sợ sệt.


Hồi ấy cổng chính nằm ngay Quốc Lộ I. Con đường vào nghĩa trang là một con đường đẹp với hai hàng cây rợp bóng. Mẹ luôn bắt tôi mặc áo dài khi đi thăm mộ cậu. Cứ bước xuống khỏi chiếc xe lam , nắm tay mẹ băng qua con đường xa lộ lúc ấy chưa lắm xe cộ như bây giờ để vào nghĩa trang là tôi luôn nghe nhịp tim mình đập mạnh. Vạt áo dài màu sẫm của mẹ và vạt áo trắng của tôi cứ thấp thoáng trong những hàng mộ trắng toát sạch sẽ, thẳng tăm tắp… Mẹ lâm râm khấn vái trước mộ , tôi đứng bên cạnh nhìn khói hương nghi ngút trước di ảnh cậu trong bộ đồ trắng Hải Quân, uy nghi, hiền lành. Mẹ tôi lúc nào cũng khóc khi đến đây… bà thương đứa em trai đã cùng mình tha hương không có ngày trở lại quê nhà. Tôi và mẹ thắp nhang cho những ngôi mộ quanh đó rồi ra về… Và lúc nào tôi cũng ngoái lại phía sau nhìn những hàng mộ trắng toát lần cuối với nỗi rưng rưng.

Sau tháng 4.1975 tôi và mẹ trở lại đây một lần nữa… Những ngôi mộ có cái bị đập phá, có cái bị ghi những câu phỉ báng trên mộ bằng màu sơn đen ác đôc. Chưa lần nào mẹ khóc bên mộ cậu nhiều bằng lần này… Nghĩa trang khác hẳn, hoang tàn , đổ nát, buồn tênh, hình ảnh này ám ảnh tôi một thời gian dài mỗi khi nhớ cậu. Tôi không có dịp trở lại đây một lần nào nữa . Do phải đi dạy xa nhà, ngày bốc mộ cậu tôi không có mặt…
Tôi trở lại nơi này sau bằng ấy năm, không còn với tâm hồn mong manh của cô gái nhỏ gần bốn mươi năm trước , nơi đây cũng không còn là cái nghĩa trang sạch đẹp rộng hơn 60 ha ngày xưa. Hơn 58 ha được sử dụng vào mục đích khác… Hàng trăm ngôi mộ của những người lính ngày xưa còn nẳm lại nơi này là chứng nhân của những đổi thay tàn khốc bởi sự chuyển dịch của thời gian và bởi sự ác độc của con người. Cứ như họ bình thản đi qua sự quên lãng , sự vô tình ..Sự im lặng của họ sao mà dội lại lòng tôi trong ngày trở lại này nỗi buồn mênh mang đến thế…


Hai người hướng dẫn đưa tôi đến thăm mộ hai vị tướng còn nằm lại đến giờ phút này cùng đồng đội. …Tôi nhìn di ảnh của ông, tươi tắn với nụ cười ngạo mạn dù không còn quân phục, chẳng còn cấp bậc, tôi chạnh nghĩ biết đâu ở lại đây lại là chọn lựa của ông. 
Người đàn ông lớn tuổi cho tôi biết ở đây có một ngôi mộ tập thể của hàng trăm người lính chưa được chôn cất sau ngày Saigon thất thủ, ..họ đã bị lùa xuống cùng một hố mà anh là một trong những người bắt buộc phải đào. Nghe kể ,chẳng biết hư thực thế nào mà cứ như ai bóp trái tim mình nghèn nghẹn…. Chúng tôi từ giã hai người chăm sóc mộ với lời hứa rằm tháng bảy trở lại để được hướng dẫn thăm ngôi mộ tập thể kia…


Trở ra bằng con đường khác với lúc đến , nó lạ đến tôi không còn nhận ra đó chính là con đường đẹp với hai hàng cây rợp mát dẫn vào nghĩa trang cách đây gần bốn mươi năm. Con đường cũng thay đổi, hai bên là nhà cửa san sát, chẳng có cây cối..cái nắng tháng tư rát bỏng đổ xuống mặt đường…


Cuộc chiến đi qua gần 40 năm. Nó đi qua thời gian nhưng nó chẳng đi qua nỗi nhớ của nhiều người , bởi nó quá phi lý, bởi nó quá khốc liệt, bởi nó quá tàn nhẫn. Cả cái dân tộc này, ở cả hai miền Nam Bắc có bao nhiêu người đã ngã xuống với cái mà ít ra họ đã từng nghĩ là điều tốt đẹp …Và giá mà nó thực sự đem đến điều tốt đẹp cho cái mảnh đất đẫm máu này … 

Không có nhận xét nào