NGƯỜI DÂN KHÔNG TRỪNG PHẠT NHAU NHƯ VẬY. Một người đã nghĩ được tới bắn chỉ thiên trong hoàn cảnh hiểm nghèo, thường không bao giờ tận diệt...
NGƯỜI DÂN KHÔNG TRỪNG PHẠT NHAU NHƯ VẬY.
Một người đã nghĩ được tới bắn chỉ thiên trong hoàn cảnh hiểm nghèo, thường không bao giờ tận diệt đồng loại. Trừ khi ngay lúc ấy, đối thủ vẫn hoặc sẽ tấn công đe doạ tính mạng của mình và người thân. Lúc ấy, họ cảm giác nhìn thấy đồng loại của mình như một lũ “lang sói” tàn độc, họ mới xiết cò súng. Tâm lý thường như vậy.
Một người đã có ý định cảnh báo cho đối phương của mình thì không thể là một kẻ nguy hiểm, côn đồ hay tàn ác. Báo trước một cuộc tấn công hay một hành vi nguy hiểm với đối phương luôn là sự nhân văn trên thế giới này kể cả trong lịch sử các trận đánh lớn. Nhiều chỉ huy đã báo cho bên bị tấn công biết trước để sơ tán dân thường vô tội.
Đáng tiếc, toà lại tuyên án tử hình anh Hiến theo cách suy nghĩ cứng nhắc là 3 mạng người ra đi và bây giờ, anh phải đền tội.
Trong hoàn cảnh hiện tại, giết đi một con người sẽ lấy lại được ít nhất là một mảnh đất muốn thu hồi, sẽ có nhiều hơn những người sợ hãi và mất đi ý chí chống đối. Có lẽ họ nghĩ vậy!!!
Còn có nhiều phương án hài hoà hơn, vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hợp lý, hợp tình và mang tính răn đe cao. Tại sao toà án lại không sử dụng?
Ngăn cản những phát súng bắn ra không khó. Nhưng điều quan trọng hơn cả lúc này là ngăn cản những phát súng đang tự bắn vào sự nhân văn trong tâm mỗi con người.
Cách quản trị “bàn tay sắt” đối với cộng đồng chưa bao giờ hiệu quả và đem lại hạnh phúc trên thế giới này. Bởi tất cả là con người, không phải robot. Ta đảo qua trên khắp mạng xã hội, dân mình đâu có ai muốn trừng phạt anh Hiến như vậy.
Sòng phẳng ra, trên cuộc sống này, không ai được quyền miễn cái chết cho ai cả. Nhưng, thiết chế Chủ tịch nước được đặc quyền làm việc đó chính là vì tính con người. Khi pháp quyền áp dụng vào một số trường hợp, quá cay nghiệt, dã man và hà khắc, lại có xu hướng gây chia rẽ, lúc ấy tính con người là điều cao lớn hơn cả, vớt vát lại mạng sống một kẻ không may mắn gây ra lỗi lầm hoặc lỗi lầm của họ có nhiều nguyên nhân sâu xa, bất cập.
Pháp luật dùng để lấy lại công bằng trong cộng đồng, để ổn định xã hội, để đoàn kết toàn dân. Pháp luật được xây dựng bởi con người nên ngoài sự trừng phạt, nó phải giàu tính nhân văn, tiệm cận công lý chứ không phải chỉ riêng phục hận và trả giá.
Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào