Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG CÓ MÙA THU

NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG CÓ MÙA THU KÝ của NGUYỄN HỒNG LAM  Thôi, đừng ồn ào kháo chuyện thi cử Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn...vớ vẩn nữa. Chuyện...

NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG CÓ MÙA THU

KÝ của NGUYỄN HỒNG LAM 

Thôi, đừng ồn ào kháo chuyện thi cử Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn...vớ vẩn nữa. Chuyện những đứa trẻ sống trong nhung lụa, bị tham vọng của người lớn làm hỏng sự vô tư, trong sáng nhắc thế đủ rồi. Cuộc đời ngoài kia vẫn còn có những tuổi thơ tận khổ đáng để quan tâm hơn hơn. Dẫu 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn thế nữa, vẫn có những phận người xa lạ cứ hằn trong tâm trí. Họ không là cây cỏ vô danh, mà có mấy ai trong chúng ta từng nhớ đến sự tồn tại của họ đâu?

******

Nhà nhỏ, xóm nhỏ, nằm kẹt trong hốc núi. Cơ hồ không mấy ai biết mà thăm viếng chốn này. Chỉ ngọn gió Nam Cồ là thường trực ruổi qua. Loanh quanh, bị núi chắn, không biết dạt về đâu, gió lại thốc tháo đuổi nhau ra. Chúng tôi bước vào, một con bé lấm lem từ đâu chạy ùa về, không chào không hỏi, nhìn khách bằng cái nhìn vừa tò mò, vừa nghi kỵ. Nó dứt khóat không mở cửa. 

Tôi hỏi: “Mẹ đi đâu?”. Vẫn đứng giữa sân, không rời mắt khỏi ông khách lạ, nó hét tóang lên bằng thứ thổ ngữ miền núi Tây Phú Yên, nghe chói lỏi: “Bè mé ởi, có ông nào hỏi gì kìa!”

Cô bé ấy tên là Trần Thị Mỹ Xuyến,  nhân vật chính trong một bi kịch số phận bắt đầu từ 9 năm về trước và vẫn đang tiếp diễn

 THẢM KỊCH MỘT CUỘC SINH THÀNH

Nghèo, một chữ bẻ đôi không biết, cả đời làm thuê, năm 1988, Ngưyễn Dưỡng lập gia đình. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Bình, mồ côi, không họ hàng thân thích, trôi dạt đâu từ Bình Định đến Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, Phú Yên làm thuê làm mướn, cũng hòan tòan không biết chữ. Không cưới hỏi,  Dưỡng đưa vợ về Xuân Phước cất một túp lều trên phần đất được người chị ruột nhường cho. Họ nghèo đến nỗi khi hai cậu con trai nối nhau ra đời,  ngay cả một  cái tên tử tế để đặt cho con, Dưỡng cũng không nghĩ ra nổi, chỉ gọi con bằng hai cái tên hết sức nôm na xách qué là “thằng Chó” và “thằng Tí”.  Họ không làm khai sinh cho con, bởi bản thân họ cũng chưa bao giờ đăng ký hộ khẩu.

Năm 1995, chị Bình lại có thai  lần thứ ba, Nguyễn Dưỡng chỉ chuẩn bị được một thúng lúa và một ít than củi chờ vợ vượt cạn. Ngày vợ gần sinh, Dưỡng không đưa vợ ra trạm xá xã vì không có tiền. Trưa hôm đó, chị vợ đau đẻ, rên la dữ dội, bà con lối xóm lo lắng kéo đến rất đông. Dưỡng bảo: “Bà con cứ về đi, vợ tôi sinh dễ lắm”. Dốt nát sinh ra  chủ quan. Hai lần sinh nở trước, chị Bình cũng không  đi trạm xá. Lần đầu, chị được một bà cô của chồng đỡ đẻ. Lần sau, Dưỡng tự đỡ lấy. Theo sự chỉ dẫn của vợ, anh cắt rốn cho con bằng một nút lạt. Cả hai lần đều mẹ tròn con vuông nên Dưỡng nghĩ chắc lần này cũng thế!

Khi không thể chịu đựng hơn được nữa, linh cảm đàn bà khiến chị Bình đóan được điều gì sắp xảy ra. Thu hết sức tàn, chị giục chồng: “Anh mổ bụng em cứu con ngay không nó chết ngạt mất”. Vét nhẵn túi, Dưỡng đưa cho đứa con trai lớn 500 đồng giục nó đi mua lưỡi lam. Một lát thằng bé chạy về không, vì lưỡi lam gía 800đồng, chỉ co 500 đồng người ta không bán. Đã giữa chiều, hàng xóm đi làm hết cả nên không biết cậy nhờ ai. Vợ vẫn giục cuống quýt khiến Nguyễn Dưỡng bấn xúc xích cả lên. Anh chạy vội xuống bếp xách con dao thái rau heo lên, liếc sơ qua chiếc rựa cùn và làm ngay ngay, không vô trùng, không gây mê, không gây tê gì cả. Dao cùn quá, day mãi vẫn không đứt, anh ta vớ ngay chiếc liềm cắt cỏ rạch lên bụng vợ một đường dài. Máu chảy lênh láng ướt đẫm cả giường chiếu. Ruột gan người đàn bà khốn khổ trào ra, Dưỡng hốt đặt sang một bên, thọc tay vào bụng vợ lôi đứa con ra, cắt rốn cho nó cũng bằng chính chiếc liềm. Một đứa bé gái. Thấy máu chảy qua nhiều, sợ vợ chết, anh đặt nó sang giường bên cạnh, vội vã hốt gan ruột nhét vào bụng cho vợ rồi  lấy chỉ khâu quần aó may lại. Sau này, Dưỡng thuật lại: “Nó bảo sao em làm thế. Em may bụng vợ như người ta may miệng bao!” Chị vợ đau quá, không đủ sức rên, hai hàm răng nghiến chặt và liên tục giãy giụa. Khi Dưỡng nghiến răng siết chặt nốt chỉ cuối cùng thì chị Bình giật người lên, thở hắt ra lần cuối. Chị chết ngay trên giường đẻ vì mất máu! Hôm đó là ngày 8-1-1996.

Bà mẹ trẻ xấu số được chính quyền địa phương lo việc ma chay, mộ phần tươm tất.. Các cơ quan bảo vệ pháp luật  cũng vào cuộc với tất cả sự bối rối. Khởi tố hay không khởi tố? Thiếu tá Lưu Văn Hùng, lúc đó còn đeo quân hàm đại úy, đội trưởng đội điều tra Công an huyện Đồng Xuân nhớ lại: “Chúng tôi hết sức hoang mang. Xét  về hành vi, Nguyễn Dưỡng đã cấu thành tội danh giết người, hậu quả hết sức nghiêm trọng. Nhưng động cơ của anh ta lại là để cứu người, cộng vào đó là sự thiếu hiểu biết trầm trọng trong nhận thức, phải kết án anh ta thì quá đau lòng. Những đứa trẻ vừa mất me, lại còn quá nhỏ…”.
Cuối cùng, sau khi cân nhắc đủ đường, luật pháp đã dành cho đối tượng tất cả tính nhân đạo mà nó mang. Hồ sơ được xếp lại, không có lệnh khởi tố với sự đồng ý tuyệt đối của các bên dự bàn. Không ai muốn tính sổ với một nỗi đau đã đi đến tận cùng, cũng không ai muốn kéo dài thêm bi kịch bằng một phiên tòa.

ĐỜI NHƯ CỎ DẠI 

Hai ngày sau cái chết của chị Bình, một người đàn bà từ huyện Sông Cầu đã đến Đồng Xuân định xin đứa bé về nuôi. Nén nhang thắp vội cháy chưa kịp tàn, nhìn gia cảnh của nạn nhân, bà ta đã đổi ý ngay. Một người phụ nữ khác cũng được Công ty Minh Phụng từ TP Hồ Chí Minh cử ra đặt vấn đề nuôi dưỡng hoặc chu cấp việc nuôi dưỡng cháu. Thấy vậy, người chị ruột của Nguyễn Dưỡng dứt khóat giành nuôi cháu. Cái cớ tình máu mủ mà chị ta viện ra có pha một chút vụ lợi không dấu diếm được ai. Một cô gái khác tên là Trần Thị Mâu, bị chồng ruồng bỏ cũng đến xin Duỡng cho nhận bé làm con. Bốn ngày sau khi sinh thành và mất mẹ, cháu bé được chị Mâu nhận về, lấy họ mình đặt cho cháu cái tên Trần Thị Mỹ Xuyến.

Chị Mâu sinh năm 1970, cũng quê ở Xuân Phước. 21 tuổi chị về làm dâu một gia đình bên xã Kỳ Lộ hơn một năm, thì bị chồng ly dị. Con cái chỉ là cái cớ để gã chồng trăng gió biện minh cho cách sống buông thả vô trách nhiệm. Chị Mâu trở lại xã Xuân Phước làm thuê làm mướn nuôi bà ngọai đã già trong túp lều nát. Học chưa hết lớp 6, chữ nghĩa bị cái nghèo cái khổ thổi bay đâu hết cả, Mâu cứ đinh ninh lời gã chồng bội bạc là sự thật, rằng chị là một người đàn bà “không biết đẻ”. Vì thế chị nằng nặc xin bé Xuyến làm con cho thỏa khao khát thiên chức làm mẹ, dù làm gì ra tiền để nuôi con thì Mâu vẫn chưa hình dung ra hết.

Giữ đúng lời hứa, Công ty Minh Phụng đă trợ cấp cho mẹ con chị Mâu 500 ngàn đồng /tháng. Nhưng chỉ sau ba tháng, vụ án Minh Phụng nổ ra, nguồn trợ cấp duy nhất ấy bị cắt đứt. Ban đầu bú sữa bò, sau húp nước cháo, bé Xuyến vẫn lớn lên, bụ bẫm. Con nhà khó không quen đòi hỏi làm khổ cha khổ mẹ. Vả lại, chỉ hơn một năm sau đó, bé Xuyến đã có em, cũng mang họ mẹ là Trần Đức Nghĩa. Trong những ngày làm thuê làm mướn, Mâu tình cờ quen và phải lòng Trương Văn Kim, một người đàn ông đã có vợ và 3 con ở xã Xuân Quang. Mâu đặt điều kiện: “Anh về nói với vợ. Hễ chị ấy sang nói đồng ý không đánh ghen thì em về ở với anh”. Vợ Quang đến thật, 3 lần. Hai người đàn bà nắm tay nhau khóc một hồi, cuối cùng chị vợ của Kim cũng bằng lòng cho chồng lấy vợ lẽ, không óan trách hay ghen tuông gì,  bao nhiêu tủi hờn nuốt ngược vào trong. “Gặp bả, em run muốn chết, đâu dám hỏi han, chỉ nghe anh Kim gọi chị ấy là Loan thì biết tên chị là Loan”. Những mối tơ duyên chắp vá thường rất kiệm ngôn. Đã quá thừa thãi nỗi buồn, người đàn bà mất chồng cũng chẳng định gây thêm rắc rối cho một người đàn bà khác cũng khốn khổ không kém gì mình! 

 Vợ mất, Nguyễn Dưỡng như một người mất hồn cứ ngồi bóp trán, đầu gối chạm mang tai, mặc kệ ai làm gì thì làm. Chẳng thiết làm ăn gì nữa, anh ta  chỉ tìm cách nguôi ngoai trong đáy chén tiêu sầu. Chẳng bao lâu, Dưỡng  đã trở thành một kẻ nát rượu. Bao nhiêu tiên thiên hạ từ tâm gửi cho, Dưỡng đều trút hết vào đáy chai, chẳng hề gửi cho chị Mâu lấy một đồng để chăm lo cho bé Xuyến. Gửi được con, anh ta lại đòi lấy luôn cả … mẹ. Cái lý của gã say cùn không chấp nhận được: “Bà làm mẹ con tui thì bà phải là vợ tui”. Khi thấy Trương Văn Kim dọn về nhà Xuyến ở, ma men lại xui gã đến gây gỗ. Gã cứ xộc vào nhà Mâu mà hét tóang lên: “Thằng có tới hai ba vợ, thằng không có vợ nào nghĩa là sao?”! Không chịu nổi Trương Văn Kim lao ra. Hai người đàn ông xông vào đánh nhau. Dĩ nhiên phần thắng không thuộc về gã say càn quấy. Từ đó, Dưỡng biến mất, bỏ mặc con gái mình bữa đói bữa no trong vòng tay của cặp vợ chồng rổ rá cạp lại.

Cả hai vợ chồng Mâu – Kim đều thất nghiệp, sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn khi có khi không. Việc nuôi hai  đứa trẻ trở thành gánh nặng, chỉ cốt lo cho chúng được ngày ba bữa cơm, mắm muối có gì ăn nấy là tốt lắm rồi. Hết mẫu giáo, chị em bé Xuyến cũng được mẹ cho vào học lớp 1. “Con nhà…nòi hay sao ấy, nó học mãi vẫn không thuộc nỗi mặt chữ. Học 4 năm liền, hết trường công lại chuyển sang phổ cập ban đêm, con bé vẫn không thể vượt qua lớp 1, phải cho nghỉ luôn, trong khi thằng cu Nghĩa em nó thì đã vào được lớp 3.”- Mâu kể. Vừa giận vừa thương con, chị bẻ roi quất, nó khóc thét lên. Kim can vợ: “Thôi đừng đánh, tội nghiệp nó. Di truyền rồi, không dạy được đâu!”. Bất lực, chị Mâu khóc, vờ lôi quần áo bé Xuyến ra nhét vào giỏ, dọa: “Trả mày về với ba mày.” Mỗi lần như vậy, bé Xuyến lại khóc thét, ôm ngang chân chị: “Con chừa rồi, con ngoan rồi, bè mé đừng đuổi con. Mai mốt bự lên, con đi làm mướn nuôi bè mé!”. 

Lâu lắm, gã nát rượu Nguyễn Dưỡng mới tạt qua thăm con một lần. Cha vào cửa trước, con bé trốn ra cửa sau, sợ cha như sợ cọp! Bé Xuyến sợ là phải. Dù được sống với cha, cuộc đời hai người anh của nó cũng chẳng hạnh phúc gì hơn. Hồi còn học mẫu giáo, cả hai đều từng được đi thi bé khỏe bé ngoan. Thật ra ngoan hay không thì chưa biết, nhưng khỏe thì chắc chắn. Dù chỉ ăn lóc cùng sắn với khoai, hai đứa bé trai ấy cũng lớn lên, răng cỏ tuy xộc xệch, da đen nhẻm nhưng chẳng biết đau ốm là gì. Cũng như đứa em sống nhờ tình thương của người xa lạ, chúng chỉ học hết mẫu giáo là thôi. Dưỡng gửi hai đứa con đi ở đợ chăn bò cho hai chủ khác. Đầu năm 2005, khi đến ứng trước tiền lương của thằng con lớn, anh ta đã bị nó đuổi thẳng: “Ba về đi, tiền đó để cho tui làm vốn”. Ừ thì về, gã say không tự ái. Vả lại, cuối cùng thì gã cũng đã có cơ hội tục huyền với một cô gái làm thuê khác ở huyện Sơn Hòa và theo vợ về quê mới định cư. Đầu tháng 9-2005, khi chúng tôi tìm đến, gã đã có thêm một đứa con trai mới 1 tuần tuổi. Ngôi nhà được nhà nước xây cho ở thôn Long Hà, thị trấn La Hai chỉ còn lại người mẹ già của gã lủi thủi một mình!

Nhà chị Mâu cũng đã xây. Năm 2000, được địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng, hai vợ chồng cóp nhặt thêm một ít xây được một căn nhà cấp 4, cửa đóng bằng tôn, rộng chừng 20 m2 bên cạnh túp lều tranh của bà ngọai đã già. Tài sản có giá nhất của đôi vợ chồng nghèo là một giếng đất, thành xếp bằng đá núi. Đáy giếng phủ đầy rêu và rác, là nơi dung thân của một mớ cóc nhái, nòng nọc. Chẳng bao lâu nữa, không thóat đi được đâu, có lẽ chúng cũng sẽ chết. Giếng nhà nghèo, đến nước cũng cạn trơ, làm sao sống nổi?

Cuộc mưu sinh cũng đã đến hồi cùng quẫn, Kim theo một người bà con bỏ vào TP Hồ Chí Minh làm thuê, ba tháng này vẫn không hề có tin tức gửi về. Ba mẹ con ở nhà sống lắt lay trong đợi chờ bằng khỏan thu nhập khỏang 15-20 ngàn đồng/ngày của chị Mâu. “Bữa nay nắng, hổng ai mướn bả, tụi con ăn cơm muối hòai”. Bé Xuyến nói leo xen vào câu chuyện. Chị Mâu mắng con bé rồi ngồi thừ ra. Sự thật tình thương của người mẹ nuôi đã giúp bé Xuyến được lớn lên, nhưng lại không đủ sức, cũng không mấy để ý trong việc dạy dỗ để cháu có thể trưởng thành một cách đủ nghĩa. Bé Xuyến nói năng rất hỗn. Nói chuyện với khách cả hai mẹ con đều gọi nhau bằng “bà!

VĨ THANH 

Tôi nhớ rất rõ là bé Xuyến chỉ mới 9 tuổi, thế nhưng chị Mâu thì cứ khăng khăng là con bé đã lên 11, đọc vanh vách cả ngày sinh của em là 18-11-1995. Thì ra, chị tính theo ngày âm, lệch một năm so với ngày sinh tính theo dương lịch của bé là 8-1-1996, cộng với  tuổi Mụ nên 9 tuổi hóa thành 11. 

Bằng tuổi ấy, bé Xuyến cũng chỉ đặc biệt say mê chơi với búp bê và chỉ giúp mẹ được duy nhất mỗi việc là nấu nồi cơm. Nó dọa chị Mâu: “Bè mè không mua bấp bơ là tui hổng nâu cơm cho bè đâu”. Dành dụm mãi, chị Mâu mới mua được cho nó một con búp bê, lọai phiên bản rẻ tiền của cô búp bê Barber lùng danh quí phái, giá chỉ 2000đồng. Suốt ngày, con bé quên cả nhiệm vụ trông nhà, cứ lang thang khắp xóm xin vải vụn để khâu váy dài váy ngắn cho “bấp bơ” cưng của nó. Bàn tay non nớt, đường kim thô vụng, nó đã khâu được vài ba bộ váy, một cái võng và một tấm chăn cho nàng Barber đủ đồ nghề lên sàn diễn, “y như trong ti vi mấy nhà kia vậy”. Hai chân của chiếc bàn xộc xệch trong nhà được nó tận dụng, biến thành nơi mắc võng ru búp bê. Nhìn nó say mê đưa võng, tôi lại chạnh lòng. Có bàn tay nhân ái nào ru nổi giấc mơ đủ đầy cơm áo và và giúp nó lớn khôn nổi hay không?

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà ấy đúng vào ngày khai giảng. Thế nhưng, tiếng trông tựu trường rộn rã vẫn không gợi lên chút náo nức nào trong đôi mắt già trước tuổi và có vẻ cứng cỏi, gan lỳ của cô bé ấy. Mắt trẻ thơ không đong đầy ao ước, phía tương lai có cơ hội nào để tìm được thành công? Câu hỏi tự mình đặt ra, với chúng tôi, lời đáp đã trở nên lẩn quẩn. Chị Mâu thì ca cẩm: “phải chi nó học thật giỏi, mai mốt còn gửi đi làm công nhân may thì sướng biết mấy. Giờ thì chịu rồi, một chữ bẻ đôi cũng không nhớ nỗi, lại “đâm sừng” (ý nói ngang ngược) y như ba nó, có xin đi ở đợ chắc cũng không ai dám nhận. Đời nó rồi  cũng không khá gì hơn bố mẹ đẻ của nó đâu”.

Hơn chín năm nay, tôi vẫn luôn đau đáu với câu hỏi: những cuộc đời trong bi kịch kinh hòang ấy giờ sống ra sao? Nhiều lần dò hỏi, tôi chỉ nhận được từ những đồng nghiệp biết chuyện một lời khuyên: “Quá đủ rồi, đừng rắc muối lên vết thương của người ta nữa!” Thật tình, tôi chỉ tìm đến thăm với mong ước được nhìn thấy cuộc sống của họ đã tốt đẹp hơn, không bao giờ phải trở thành nhân vật của một trang viết nào nữa cả. Nhưng thực tế đã bắt tôi phải làm điều ngược lại. Nếu quả thật như vậy là nhẫn tâm tôi sẽ xin được gánh trách nhiệm một mình. Muốn hiểu rõ mình hơn, xin hãy thử lắng nghe giấc mơ của người khác. Người nghèo khó, ngược lại, cả đến giấc mơ cũng phải tiết kiệm. Với những cuộc đời như vợ chồng chị Mâu – anh Kim, bé Xuyến, bé Nghĩa và cả hai người anh đang ở đợ chăn trâu của nó nữa, tòan bộ giấc mơ không hề thóat ra khỏi sức nặng của chén cơm. Không lẽ kiếp làm người của họ cứ đau đớn và lẩn quẩn mãi trong bi kịch vậy hay sao? Nhữn câu hỏi ấy, chúng tôi xin gửi về bạn đọc. Lòng tốt, tình người chắc hẳn vẫn không hề thiếu. Chỉ mong sao, lòng từ tâm của bạn đọc nở hoa đúng chỗ. Để những cuộc đời kia sớm thóat vòng lẩn quẩn và không bị vùi sâu dưới đáy của tuyệt vọng một kiếp người!

Ven sông Kỳ Lộ, Đồng Xuân, Phú Yên, chớm thu 2004



Ảnh: Một đoạn sông Kỳ Lộ mùa cạn nước/

P/S: Tôi post nguyên văn bài viết cũ, không nhắc thêm câu chuyện 15 năm sau. Chỉ xin vắn tắt: bé Xuyến giờ đã lập gia đình, đã có một con gái nhỏ. Vẫn rất khó khăn, nhưng cuộc sống đang bình yên trong vất vả. Vì vậy, mong bạn đọc không cmt hay hỏi quá sâu những điều có thể gây tổn thương. Có những điều dẫu biết cũng chỉ nên để lắng trong ưu tư thân phận…

NGUYỄN HỒNG LAM

1 nhận xét

  1. đọc bài viết, em thấy xót xa xen lẫn cảm động với những mảnh đời kém may mắn...

    Trả lờiXóa