Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

SAO KHÔNG HỌC TỪ NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA ?

SAO KHÔNG HỌC TỪ NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA ? Vừa chuẩn bị tăng thuế môi trường qua xăng dầu, nhà nước lại rục rịch tăng học phí, tôi nh...

SAO KHÔNG HỌC TỪ NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CỘNG HÒA ?

Vừa chuẩn bị tăng thuế môi trường qua xăng dầu, nhà nước lại rục rịch tăng học phí, tôi nhớ lại thời đi học dưới chế độ cũ. 

Hồi đó tôi học đến lớp 7 thì mồ côi, sống dưới cái đáy thấp nhất của xã hội, nếu như phải đóng học phí như bây giờ thì chắc chắn tôi đã thất học, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi học được, vì tôi đỗ vào trường công, chỉ lo cái ăn, chẳng phải đóng một đồng học phí nào.

Tôi không nói chính trị chính em gì ở đây, các đồng bào làm nghề chỉ điểm đừng cho là tôi ca ngợi giáo dục “ngụy” nhé. Ông Nguyễn Minh Triết cũng học trường công "ngụy" miễn phí lên đến đại học. Nền giáo dục đó hay dở tôi không bình luận, nhưng cũng trang bị kiến thức căn bản đủ để ông ấy sau này làm đến chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam mà không cần phải “bổ túc” kiến thức từ nền giáo dục XHCN.

Nói vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận tính “ưu việt” của nền giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa do hai nhà khoa học lừng danh nước ta đứng đầu : giáo sư Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng Giáo dục và giáo sư Tạ Quang Bửu, bộ trưởng đại học & THCN. Các đồng bào chống Cộng chớ có coi thường chất lượng đào tạo của nền giáo dục này, nhưng cái “ưu việt” mà tôi muốn nói là chế độ miễn phí hoàn toàn, từ mẫu giáo đến đại học, VNDCCH không có trường tư. Vấn đề là nền giáo dục đó không thể áp dụng trong kinh tế thị trường được.

Nền giáo dục Việt Nam cộng hòa đi theo một đạo lý rất dễ hiểu : Tiểu học cưỡng bức, tất nhiên miễn phí. Từ lớp 6 trở lên đến đại học, trường công miễn phí. Muốn vào trường công, phải thi. Thi không đỗ vào trường công thì học trường tư, học phí tùy trường, trường bán công cũng là trường tư nhưng có sự hỗ trợ tài chánh của nhà nước. Nhân tài được chọn lọc theo hình chóp ngay từ phổ thông : đỗ tú tài 1 đã là những người giỏi, đỗ tú tài 2 là những người giỏi hơn. Đỗ tú tài 2 coi như đủ trình độ vào học đại học không phải thi nữa, trừ một số ngành quan trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng hoặc an toàn như Y dược, kiến trúc, v.v... Thầy dạy lớp 6, lớp 7 của tôi chỉ đỗ tú tài 2 trường Trần Quý Cáp (Hội An) nhưng kiến thức sâu rộng. Thời đó thầy giáo nói chung không nghèo khó, tiền lương thầy giáo cấp 2 đủ nuôi cả gia đình. Thầy tôi độc thân, mỗi tháng ăn tiêu còn để dành được khoảng trên dưới 1 cây vàng mà không phải dạy thêm dạy bớt gì hết. Thầy dạy cấp 3 dĩ nhiên thu nhập nhiều hơn.

Nước ta sau một thời tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng giáo dục thì như gà mắc tóc, nạc không ra nạc mỡ không ra mỡ. Chi phí giáo dục chiếm tới 20% tổng chi ngân sách, thuộc hàng cao nhất thế giới, nhưng trường công vẫn thu học phí. Bộ máy giáo dục công lập gồm thầy giáo và người quản lý do nhà nước trả lương lên tới 1,2 triệu người. Nhà nước ôm đồm giáo dục đang khiến cho thầy không ra thầy trò không ra trò. Thầy giáo lẽ ra là những người được xã hội trọng vọng nhất, lại biến thành nhóm người yếu thế nhất trong xã hội, rất ít người có thể sống được bằng tiền lương.

Nghe nói Bộ Giáo dục thỉnh thoảng đi học nước này nước kia, nhưng càng học, càng cải cách thì càng rối rắm. Chúng ta từng học làm kinh tế thị trường, cuối cùng thì thấy rằng VNCH đã làm kinh tế thị trường như những gì chúng ta đã học. Sao chúng ta không học trực tiếp cách làm giáo dục của chế độ cũ ? Hãy gác sang một bên những định kiến chính trị. VNCH là chế độ từng tồn tại trên đất nước ta, những gì tốt đẹp mà họ để lại, trong đó có thành tựu về giáo dục, là của chính chúng ta chứ !

Tùy theo sức chịu đựng của nền kinh tế mà chúng ta đặt mục tiêu giáo dục cưỡng bức. Đã giáo dục cưỡng bức thì miễn phí hoàn toàn. Cũng tùy theo sức chịu đựng của nền kinh tế, chúng ta xác định khả năng nhà nước có thể gánh vác giáo dục công lập tới đâu để thu hút học sinh giỏi, đã công lập thì cũng miễn phí hoàn toàn. Trên cơ sở đó, tư nhân hóa toàn bộ các cơ sở giáo dục không nằm trong giới hạn công lập và có chính sách mở rộng tối đa cho tư nhân gánh vác. Nhà nước quản lý chương trình thống nhất (chương trình thống nhất chứ không phải sách giáo khoa thống nhất), thi cử thống nhất, bằng cấp thống nhất. Chuyện đó đừng học đâu xa, nên học VNCH vì VNCH đã làm. 

Với một ngân sách giáo dục theo tỷ lệ như hiện nay, nếu làm được như trên thì chắc chắn trẻ em sẽ được phổ cập giáo dục miễn phí, học sinh giỏi học trường công cũng được miễn phí, thầy giáo cũng sẽ sống được bằng lương. Từ đó mới tính chuyện cao xa hơn được.

Cái khó lớn nhất là làm sao chuyển phần lớn đội ngũ giáo viên công lập sang khu vực tư. Những bộ óc sáng suốt nhất nên tập trung giải quyết vấn đề này.

HOÀNG HẢI VÂN



Không có nhận xét nào