Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THƯ CỦA ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC GỬI BA VÀ CỘNG ĐỒNG KHI ANH ĐƯỢC NGƯỜI NHÀ TỚI THĂM VÀ KỂ CHO ANH NGHE VỀ CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG

THƯ CỦA ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC GỬI BA VÀ CỘNG ĐỒNG KHI ANH ĐƯỢC NGƯỜI NHÀ TỚI THĂM VÀ KỂ CHO ANH NGHE VỀ CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG —— ...

THƯ CỦA ANH TRẦN HUỲNH DUY THỨC GỬI BA VÀ CỘNG ĐỒNG KHI ANH ĐƯỢC NGƯỜI NHÀ TỚI THĂM VÀ KỂ CHO ANH NGHE VỀ CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG
——

Chiến tranh thương mại giữa Mĩ, Trung Quốc và trật tự thế giới mới – Thư 115A
Posted on 30/07/2018 by Quy Pham

Nghệ An, 26/6/2018

Thưa ba và cả nhà thương,

Hôm 23/6 chị Sáu và Quân ra thăm con kể rằng ba nói ba tin sắp có nhiều thay đổi lớn và ba sẽ khỏe để chờ con về. Con rất là vui.

Sáng hôm qua, thứ hai 25/6/2018 một phái đoàn của Liên minh Châu Âu và Đại sứ quán Đức tại VN vào đây thăm con. Đại diện gồm một anh tên là Konrad phụ trách chính trị của Đại sứ quán Đức, một cô tên là Catherine phụ trách chính trị của Phái bộ EU tại VN, một anh người Việt tên Đăng được giới thiệu là cán bộ của Đại sứ quán Đức tại VN làm phiên dịch (họ nói tiếng Anh và tiếng Đức). Cũng có lãnh đạo cùng các sĩ quan của Trại giam tham gia. Họ lắng nghe, thái độ vui vẻ, không có vấn đề gì.

Họ nói họ rất quan tâm đến con nên thông qua Chính phủ Đức và Chính phủ VN để sắp xếp cuộc gặp này. Họ muốn nghe về sức khỏe điều kiện sinh hoạt trong tù và nguyện vọng của con. Con cho biết sức khỏe của con vẫn ổn và kể thời khóa biểu một ngày của con gồm thể dục, viết thư, sáng tác (thơ, nhạc, tiểu thuyết), đọc sách báo nhà gửi, chơi đàn, học tiếng Hoa,… Con cũng khẳng định với họ rằng con không có nguyện vọng ra nước ngoài. Họ bảo họ rất nể phục con và họ cũng nghe nói nhiều về tinh thần của con. Họ thấy khó ai có được lịch sinh hoạt trong tù như con. Con nói với họ rằng con rất vui khi biết luật sư Đài được họ bảo lãnh qua Đức vừa rồi. Riêng con thì con muốn dùng cuộc sống của mình để thu hút sự quan tâm của mọi người ngày càng tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền con người, tôn trọng khác biệt. Con tin vào sự thay đổi dựa trên tinh thần đó và thấy đang có những thay đổi theo tinh thần, chiều hướng như vậy. Con hiểu luật pháp đang còn nhiều vấn đề, nhưng chỉ bằng tinh thần tôn trọng pháp luật và kiên trì đòi hỏi pháp luật phải hoàn thiện hơn thì sự thay đổi cuối cùng mới tốt đẹp. Con mong rằng họ ủng hộ và hỗ trợ cho sự thay đổi như vậy. Họ nói họ hiểu và theo sát trường hợp của con. Họ chúc con khỏe và có đủ sức mạnh để đi hết lựa chọn của mình. Họ tin con làm được vì con biết sử dụng thời gian hiệu quả. Họ khẳng định sẽ luôn quan tâm, theo dõi tình hình của con. Sau cuộc gặp, họ sẽ liên hệ với gia đình mình để thông báo về cuộc gặp này, đồng thời để trao đổi thêm những gì cần thiết. Con cảm ơn họ và cho biết cuộc gặp đã động viên con rất nhiều.

Cuộc gặp kéo dài 60 phút, đúng như thỏa thuận giữa Chính phủ Đức và Chính phủ VN. Họ hỏi rất kỹ các điều kiện ăn uống, sinh hoạt, điện thoại, gửi thư, gia đình thăm… Con có sao nói vậy, không có vấn đề gì. Họ cũng hỏi về vấn đề mắt của con như họ nghe trước đây. Con cũng kể đúng thực tế là do điều kiện điện, ánh sáng, nhưng điều kiện này đã được đảm bảo hơn 10 tháng nay. Con cũng nói rằng cũng có khi có vấn đề nhưng con phản ảnh đến Ban giám thị Trại giam để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, BGT cũng lắng nghe và giải quyết theo pháp luật. Họ nói họ nghe vậy thì rất vui. Họ cảm ơn phía VN đã tạo điều kiện để gặp.

27/6

Hôm qua thời sự VTV đưa tin VN và EU rà soát lần cuối nội dung Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA). Bộ trưởng công thương VN hi vọng Hiệp định này sẽ được ký vào cuối năm nay. Cao ủy thương mại EU hi vọng VN sẽ giải quyết những vấn đề còn lại để Hiệp định được ký kết. Thư 112C con đã trích một bài trên Thời báo KTSG số 14 (5/4/2018) nói về lí do Hiệp định này đã bị trì hoãn ký từ cuối năm 2015 đến nay là vì môi trường và nhân quyền.

VN mình rất cần Hiệp định này để giảm thiểu những tác động của các cuộc chiến thương mại nếu chúng lan rộng. Các tranh chấp giữa Mĩ với EU và các đồng mình khác, theo con, sẽ được dàn xếp sớm. Giữa họ không có những xung đột không thể thỏa hiệp, và sự tranh chấp của họ thực sự chỉ là sự cạnh tranh thuần túy thương mại. Còn tranh chấp giữa Mĩ và TQ thì thương mại chỉ là cái cớ và là công cụ để Mĩ cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo thế giới của TQ thực tế đến đâu, để Mĩ khẳng định lại vị thế siêu cường của mình. Ai mà lấy thiệt hơn về mặt kinh tế như là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá người Mĩ có thể chấp nhận đến mức nào, rồi từ đó suy ra Mĩ sẽ không dám dấn sâu vào Cuộc chiến thương mại với TQ thì người đó sẽ lầm to. Đó thật là ngây thơ.

Tập đoàn ZTE khổng lồ có cổ phần chi phối thuộc Chính phủ TQ mà Mĩ mới khều nhẹ đã ngã lăn ra, không chống đỡ nổi. Đó chỉ mới là sự cấm vận công nghệ chip chưa quá mức cao siêu so với nhiều công nghệ cốt lõi khác mà Mĩ nắm giữ. Nếu cuộc chiến lan rộng, Mĩ có thể đánh rơi rụng hàng trăm tập đoàn khổng lồ tương tự ZTE của TQ. Chưa nói đến rất nhiều hậu quả khác, chỉ riêng sự vỡ nợ của những tập đoàn này sẽ tạo nên một khoản nợ xấu cho Chính phủ TQ (vì Chính phủ đầu tư, cho vay hay bảo lãnh) lớn đến mức đủ thổi bay khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của TQ trong chốc lát. TQ hầu như chẳng có công cụ gì tương tự để trả đũa Mĩ. Đầu tư TQ vào Mĩ đã giảm đến 98% (tức là gần như không còn gì) trong 5 tháng đầu năm nay mà chẳng gây ra vấn đề gì cho Mĩ. TQ đã từng dọa về nguy cơ rút đầu tư sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho Mĩ. TQ đã làm nhưng chẳng tác dụng. Không cần đến TQ giảm đầu tư, tới đây Mĩ đã chuẩn bị để hạn chế TQ đầu tư vào Mĩ để tiếp cận công nghệ Mĩ. Hi vọng Mĩ sợ thiệt hại mà không làm thì sẽ là tiếp tục ngây thơ.

Thế giới sẽ chứng kiến và học được một bài học từ sự thất bại nặng nề của chiến lược về công nghệ của TQ, rồi sẽ không bao giờ quên rằng muốn sở hữu được công nghệ vượt trội thì quốc gia phải là một xã hội vận động tự do để tạo nên một môi trường cạnh tranh tự do. Ở đó những người giỏi nhất mới sáng tạo nên những công nghệ vượt trội cho quốc gia. TQ không có và cũng không chấp nhận một xã hội vận động tự do. Vì vậy Chính phủ TQ tin vào cách thức đặc sắc của mình là dùng sự đầu tư và bảo kê (trên danh nghĩa bảo hộ) vô song của nhà nước cho một số doanh nghiệp để chúng sở hữu công nghệ vượt trội. Thực tế mấy chục năm qua, các doanh nghiệp này đã to lớn khổng lồ nhờ sự bảo kê này nhưng khả năng công nghệ chỉ ở mức sao chép giỏi và lệ thuộc nặng nề vào những công nghệ cốt lõi của Mĩ và phương Tây. TQ hiểu nguy cơ của sự lệ thuộc này. Nhưng một lần nữa, họ tiếp tục sai lầm về phương pháp. Họ tin rằng dùng sức mạnh của thị trường khổng lồ hơn 1,4 tỉ dân của họ thì sẽ ép được các doanh nghiệp sở hữu công nghệ của Mĩ và phương Tây chuyển giao công nghệ cho họ nếu muốn tiếp cận thị trường TQ. Khi TQ công bố Sáng kiến Sản xuất tại TQ 2025 với mục tiêu trên, con đã cười vì thấy niềm tin nói trên của họ ngây ngô quá. Họ nghĩ từng doanh nghiệp đơn lẻ Mĩ sẽ không thể đủ sức thoát sức ép của Chính phủ TQ để không bị mất phần trước các đối thủ tại thị trường TQ. Các doanh nghiệp Nhật và EU cũng bị như vậy. TQ không hiểu rằng sức mạnh của những xã hội vận động tự do khi đã hợp lực lại thì chẳng có sức mạnh của những xã hội độc đoán nào địch nỗi cho dù những xã hội độc đoán đó được lãnh đạo bởi những chính phủ độc tài khổng lồ đi nữa. Khối G7 sẽ cùng nhau đánh gục tham vọng chiếm lấy công nghệ bằng ban phát thị trường của TQ. Thế giới sẽ thấy chiến lược về công nghệ của TQ hóa ra là cách để họ chỉ ra gót chân Achilles chết người, không chỉ về công nghệ mà cả về sức mạnh và tham vọng bá quyền của mình.

Một khi TQ đã buộc phải bãi bỏ sự ép buộc chuyển giao công nghệ, sự bảo hộ thị trường cho các doanh nghiệp chủ lực mà Chính phủ TQ bảo kê lâu nay để làm sức mạnh cho Chính phủ, thì các doanh nghiệp Mĩ và phương Tây có lợi thế về công nghệ sẽ chiếm lĩnh các thị phần ở TQ mà các doanh nghiệp được bảo kê ở TQ chiếm giữ lâu nay. Khi đó cán cân thương mại sẽ cân bằng và công bằng. Đây là điều Tổng thống Trump muốn và không ngừng tuyên bố lâu nay. Ông ấy đang rất quyết liệt để thực hiện thành công mục tiêu này. Nếu TQ không chấp nhận sự bãi bỏ nói trên thì họ sẽ đối diện với sự sụp đổ, bắt đầu từ các tập đoàn. Nếu Chính phủ TQ nhận ra thì họ sẽ tránh được sụp đổ. Và đó là sự bắt đầu cho tự do hóa thị trường và xã hội. Người TQ sẽ sớm nhận ra rằng người ta không thể sở hữu những gì hay ho bằng cách tước đoạt và sự bảo kê bảo hộ của nhà nước không thể giúp sở hữu công nghệ mà ngược lại. Nó chỉ tạo ra những doanh nghiệp thân hữu thúc đẩy tham nhũng và khả năng cạnh tranh quan hệ và đặc quyền, chứ không phải khả năng sáng tạo. Một khi sự bảo hộ của nhà nước đã không còn có thể nữa thì các doanh nghiệp đó sẽ lăn đùng ra mà chết như đột tử vậy, bất chấp chính phủ bảo hộ có to lớn hay tài giỏi đến đâu.

Không ai vi phạm Quy luật phát triển mà có thể phát triển tốt đẹp cả. Con người dù có giỏi giang, có sức mạnh đến thế nào thì cũng không thể vượt qua được quy luật của Tạo hóa.

28/6

Dù Quy luật phát triển đã được làm sáng tỏ, nhưng giới cầm quyền TQ vẫn phải trả một giá đắt trước khi hiểu ra được và thừa nhận những gì mình đã làm trái quy luật. Điều này có nghĩa là cuộc chiến thương mại Mĩ – TQ sẽ lan rộng và rất căng thẳng trước khi một trạng thái cân bằng và công bằng được xác lập. Chiến tranh căng thẳng sẽ kéo dài vài năm.

Nhưng con muốn viết để ba và mọi người hiểu rằng chiến tranh thương mại này là sự may mắn cho nhân loại vì nó thay cho Chiến tranh thế giới III vốn là điều rất khó tránh khỏi khi có sự nổi lên của các siêu cường mới muốn khẳng định vị thế bá quyền như Đức, Nhật trong quá khứ và TQ vào hiện tại. Nếu sự trỗi dậy hung hăng của TQ không bị kiềm chế thì không lâu nữa, khi tiềm lực quân sự của họ đủ sức đối trọng với Mĩ ở Châu Á TBD thì chiến tranh quân sự sẽ nổ ra không tránh khỏi. Họ đang ráo riết tăng cường tiềm lực này thông qua quân sự hóa ồ ạt trên Biển Đông. Mĩ, Nhật và các đồng minh phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội sử dụng chiến tranh thương mại để làm suy yếu sức mạnh hung hăng của TQ, loại bỏ nguy cơ chiến tranh thế giới. TQ lúc này cũng không còn khả năng tiên hạ thủ vi cường bằng các trận chiến chớp nhoáng được nữa, vì Biển Đông đã được quốc tế hóa cùng với cả khu vực rộng lớn Ấn Độ dương – Thái Bình dương. Anh, Pháp cũng đều tham gia vào đảm bảo tự do hàng hải, hàng không của khu vực này. Tháng trước các tàu chiến Anh, Pháp tiến vào vùng hải phận quốc tế mà TQ tuyên bố chủ quyền trái phép nhưng TQ không dám làm gì. Mĩ vừa loại TQ ra khỏi cuộc tập trận chung Vành đai TBD (RIMPAC) 2018 và yêu cầu TQ đảo ngược quá trình quân sự hóa trên Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông và chủ quyền của VN sẽ được bảo vệ thông qua cuộc chiến thương mại Mĩ – TQ đang nổ ra. TQ có rất ít cơ hội để thắng. Có người bảo họ đang nắm giữ vũ khí chiến lược là hơn 1 ngàn tỉ USD trái phiếu chính phủ Mĩ, nếu TQ bán các trái phiếu này thì Mĩ sẽ suy yếu và vì vậy mà Mĩ phải lo sợ. Nếu Chính phủ TQ mà nghe mấy chuyên gia này thì TQ sẽ còn thua sớm hơn.

Chương trình Toàn cảnh thế giới trên VTV1 ngày 24/6/18 dẫn lời tiến sĩ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ ngoại giao VN – cho rằng hành xử của TQ đã tới giới hạn chịu đựng của Mĩ. Từ thập niên 1970 Mĩ đã giúp đỡ TQ bằng mở cửa thị trường Mĩ, cho phép hỗ trợ công nghệ Mĩ cho doanh nghiệp TQ để đưa TQ phát triển, hội nhập thế giới với cam kết của TQ rằng trở thành một nước lớn có trách nhiệm trên thế giới, giống như Mĩ đã làm với Châu Âu và Nhật sau Thế chiến II. Trong khi Châu Âu, nhất là Đức, và Nhật đã làm đúng như vậy và trở thành những quốc gia dân chủ và thịnh vượng và đóng góp quan trọng vào việc xây dựng dân chủ và thịnh vượng cho thế giới thì TQ đang làm ngược lại. Con đồng ý với tiến sĩ Thái. Nhìn vào sự mở rộng ảnh hưởng của TQ ra nước ngoài trong 2 thập niên qua, chẳng khó gì để thấy họ nuôi dưỡng cho các chính phủ tham nhũng, bảo kê độc tài, bất chấp thiệt thòi đối với người dân dưới các chính phủ đó, miễn là TQ có lợi: được tiếp cận với tài nguyên, đất đai và những hợp đồng có lợi quá mức cho TQ. Đó là chưa kể những hậu quả về môi trường và xã hội mà TQ để lại cho những con người ở đó. Ở Châu Phi, những hậu quả như vậy là không thể khắc phục sau 2 – 3 thế hệ nữa. Chẳng mấy ai mà không thấy hình ảnh đó của TQ. Từ đầu năm 2004, con đã nói về nguy cơ này trong bức thư gửi cho ông Triết lúc đó là Bí thư thành ủy HCM.

Khi Mĩ và phương Tây giương chính nghĩa là buộc TQ hành xử có trách nhiệm với thế giới trong cuộc chiến thương mại thì họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế thôi. Chiến tranh thương mại sẽ lan rộng một thời gian nhưng TQ cuối cùng phải nhượng bộ, chấp nhận luật lệ quốc tế, hành xử có trách nhiệm, cạnh tranh công bằng. Chấp nhận thị trường tự do, không bảo hộ doanh nghiệp. Những điều như vậy sẽ dẫn đến xã hội vận động tự do. Sau cuộc chiến thương mại, thế giới sẽ được thấy một lần nữa sai lầm tai hại “trọng cứng khinh mềm”: Chỉ chấp nhận và bắt chước trào lưu cứng mà không học hỏi và thúc đẩy trào lưu mềm trước. Quy luật phát triển xã hội sẽ được khai sáng hơn bao giờ hết. Bao nhiêu nỗ lực khổng lồ của giới học giả TQ mấy chục năm qua cố gắng bảo vệ những lý thuyết về một nền kinh tế thị trường được định hướng bằng sự can thiệp sâu rộng của chính phủ sẽ trở nên buồn cười. Giới học giả TQ lâu nay rất nổi tiếng thế giới về những nghiên cứu như vậy. Con biết họ rất giỏi, nhưng họ đã bị định hướng nên không có tự do để nói ra chân lý.

Trong thời kỳ Mĩ rung lắc TQ, thế giới cũng sẽ bị rung lắc và ảnh hưởng lớn. Không chỉ về kinh tế đâu, mà toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội. Như con đã viết hồi đầu năm 2016, các chính phủ độc tài sẽ bị rung rụng, các quốc gia thực sự dân chủ hoặc chân thành hướng đến dân chủ bằng pháp quyền, tôn trọng quyền con người mới phát triển tốt mà không sụp đổ. Mục tiêu của Mĩ không chỉ là thương mại, mà chính yếu là trật tự thế giới. Nhưng không phải là thứ trật tự mà Mĩ ban phát cho nước này nước kia ở vị trí này vị trí nọ, mà là một trật tự theo Quy luật phát triển. Dù là nước lớn hay nhỏ thì đều phải tôn trọng luật. Dân tộc nào nỗ lực hơn thì sẽ vượt lên theo Dòng chảy của thời đại.

Ráp kịp với Dòng chảy của thời đại rồi đua nhanh và vượt lên dẫn đầu là sứ mệnh lịch sử, là mệnh lệnh của dân tộc Việt Nam đối với từng người dân Việt trong thời kỳ lịch sử này. Và con biết, dân tộc cần con vào thời khắc quan trọng này. Vì vậy con sẽ ở lại trên mảnh đất này. Dù chỉ là một thường dân hay một tù nhân, con vẫn luôn nỗ lực không tiếc sức bằng mọi cách để dân tộc hoàn thành kịp sứ mệnh lịch sử nói trên. Đó chính là mục tiêu tối thượng của con bao nhiêu năm nay.

Con mong ba, cả gia đình và mọi người hiểu và ủng hộ quyết định này của con. Đừng lo con khổ sở. Con chẳng khổ gì cả, điều kiện ở đây ổn. Đúng là con có chút vất vả, nhưng mà vui.

Viết xong thư này con sẽ viết thư cho mấy người lãnh đạo đất nước. Con nghĩ là họ đã biết, nhưng họ cần hiểu rõ hơn về sứ mệnh lịch sử, mệnh lệnh của dân tộc vào thời khắc lịch sử này. Họ thường hay nói “Tiến nhanh cùng thời đại”.

Trước khi cuộc chiến thương mại Mĩ – TQ được định đoạt, VN là một trong những nước bị tác động mạnh bởi nó. Cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do VN – EU là rất quan trọng để giúp VN giảm thiểu ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, quan hệ song phương Việt – Mĩ cũng quan trọng không kém để giúp VN tránh được những đòn trừng phạt của Mĩ lên TQ. Vì vậy cán cân ngoại giao của VN cũng sẽ thay đổi mạnh. Một Phó Thủ tướng của VN đang ở thăm Mĩ. Tối qua con xem tin này trên VTV và cảm thấy những chuyển biến nhanh trong thời gian tới. Con cảm nhận rất rõ điều này.

Diễn biến ở Đông Nam Á sẽ còn nhanh và bất ngờ hơn Đông Bắc Á với sự kiện chuyển hướng của Triều Tiên vừa rồi. Một đất nước dựa gần như tất cả vào TQ 70 năm qua giờ lại muốn Mĩ đảm bảo an ninh và thể chế chính trị cho mình. Niềm tin vào TQ sẽ còn nhiều suy giảm hơn nữa trên toàn thế giới.

Con nhìn thấy được sự dịch chuyển và tích tụ năng lượng không thể hiện trên bề mặt, dựa vào dòng chảy theo quy luật, nên con có thể biết được sự chuyển biến như thế nào. Vì vậy ba và mọi người đừng lo cho con về thời gian. Tới lúc thì chẳng ai giữ con được trong tù cả.

Mọi người hãy cứ vui vẻ, giữ sức khỏe.

Thương ba và mọi người nhiều nhiều

https://tranfami.wordpress.com/2018/07/30/chien-tranh-thuong-mai-giua-mi-trung-quoc-va-trat-tu-the-gioi-moi-thu-115a/#more-2270
—Thỏ—st




Không có nhận xét nào