VỀ MỘT BÀI VIẾT TRÊN VNEXPRESS: CHÍNH GIỚI NHẬT THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ ĐẶC KHU? Bài này VNExpress đăng từ cuối năm ngoái nhưng mình chưa đọc, gần...
VỀ MỘT BÀI VIẾT TRÊN VNEXPRESS: CHÍNH GIỚI NHẬT THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ ĐẶC KHU?
Bài này VNExpress đăng từ cuối năm ngoái nhưng mình chưa đọc, gần đây thấy có người share nên mình muốn trao đổi đôi lời.
Một cách vắn tắt, bài viết bắt đầu bằng những mô tả về đời sống khó khăn của người dân cũng như cơ sở hạ tầng lạc hậu ở Vân Đồn, trước khi điểm qua một số mốc thời gian chứng tỏ Việt Nam đã chậm trễ ra sao với đề án đặc khu nhất là khi so sánh với Trung Quốc, nêu ra những lợi ích cả về kinh tế lẫn cải cách mà đề án đặc khu được kỳ vọng sẽ đem đến, để rồi kết thúc bằng mong ước đổi đời của người dân địa phương một khi đặc khu thành hình. [1]
Dĩ nhiên chừng đó là chưa đủ để thuyết phục rằng đề án đặc khu là đúng đắn và cần thiết. Không ít địa phương ở Việt Nam người dân cũng khó khăn và mong ước được đổi đời như Vân Đồn, trong khi đề án đặc khu đâu chỉ đơn giản là vài trang quyết định hành chính mà thực chất là một khoản đầu tư công khổng lồ (ước tính cần 12,7 tỷ USD từ ngân sách nhà nước) cần phải cân nhắc cẩn trọng khả năng thành công nếu không muốn chịu hậu quả nặng nề trong trường hợp thất bại. [Về điều này mình đã phân tích trong bài Đề Án Đặc Khu Việt Nam - Ảo Tưởng Thành Công nên không bàn thêm ở đây, mời xem trong link bên dưới]
Dù sao thì đây cũng chỉ là khác nhau về cách tiếp cận và mình tôn trọng cách tiếp cận của tác giả.
Tuy nhiên, đáng bàn hơn là đoạn trích dưới đây của bài viết trong đó tác giả đề cập đến cuộc thảo luận của chính giới Nhật Bản về vấn đề đặc khu:
“Trong khi đó, tại Nhật Bản, một nền kinh tế giàu có lâu đời, thủ tướng Shinzo Abe mất một năm kể từ khi nêu ra để có luật dành cho các đặc khu kinh tế. Bất chấp sự thịnh vượng, Nhật Bản cảm nhận được các trì trệ và sự cấp thiết trong thay đổi. Ông Abe, trong lời hứa của mình về đặc khu kinh tế vào năm 2014, tuyên bố nó sẽ là “mũi khoan vào tảng đá của các nhóm lợi ích”. Nhật Bản cần có đặc khu kinh tế để “xóa sạch những lề luật bám rễ tại các địa phương”, theo cách nói của Masato Imai, một lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập.” (Trích)
Người đọc tinh ý sẽ cảm thấy chút gì đó hơi gượng ở đây, bởi lẽ không hiểu vì sao mà lãnh đạo đảng đối lập lại phát biểu THEO HƯỚNG ỦNG HỘ Thủ tướng đương nhiệm của đảng cầm quyền - một điều gần như không thể trong các thể chế dân chủ đa nguyên như Nhật Bản.
Mà gượng là phải vì đây là một TRÍCH DẪN SAI Ý.
Kỳ thực thì chuyện đặc khu đã gây ra nhiều tranh cãi ở Nhật, và Thủ tướng Abe đã bị chỉ trích bởi scandal ưu ái giúp bạn thân của ông ta mở được thêm một trường thú y mang tên Kake Gakuen ở đặc khu Imabari thuộc tỉnh Ehime - trường mới đầu tiên trong vòng 50 năm qua ở Nhật. Scandal này nghiêm trọng tới mức cùng với một số vụ tai tiếng biệt đãi thân quen khác đã đe doạ vị trí Thủ tướng của Abe - một trong những chính khách trên đỉnh quyền lực lâu nhất của Nhật thời hậu chiến. [2]
Thế còn thủ lĩnh đảng đối lập Masato Imai, thực sự ông ấy đã nói gì? Xin trích nguyên văn:
“Ý định ban đầu của hệ thống đặc khu là xoá sạch những quy chế bám rễ ở một khu vực giới hạn.
“Trong trường hợp Kake Gakuen, đầu tiên là vẫn chưa rõ việc quy chế này có thực sự cần xoá sạch hay không, nếu xét tới nhu cầu về một trường thú y mới. Và hai nữa, trao ưu đãi chỉ cho Kake Gakuen, vốn gần gữi với Thủ tướng Abe, là một vấn đề.” [3]
Rõ ràng là thủ lĩnh đảng đối lập chẳng hề ủng hộ chương trình đặc khu của Thủ tướng Abe chút nào, nếu như không muốn nói rằng còn PHÊ PHÁN QUYẾT LIỆT chương trình đấy.
Thật là trớ trêu khi tác giả, trong khi dẫn ví dụ Nhật theo hướng ủng hộ đề án đặc khu Việt Nam, lại vô tình cung cấp một bằng chứng cho thấy không nên thực hiện đặc khu, vì đến ngay cả Nhật thì chương trình đặc khu cũng bị thao túng bởi lợi ích bè phái. Lại trớ trêu hơn nữa khi đây cũng chính là lý do mà các chuyên gia phản đối đề án đặc khu Việt Nam: chính sách về đặc khu đã bị thao túng quá sâu sắc bởi các nhóm lợi ích được gọi bằng cái tên mỹ miều trong dự luật là ‘nhà đầu tư chiến lược’.
---
[1] https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dac-khu-kinh-te-cuoc-doi-cho-20-nam-3665209.html
[2] https://www.cnbc.com/2017/07/23/japan-pm-shinzo-abe-faces-parliament-grilling-as-support-drops-following-questions-of-school-scandal.html
https://www.theguardian.com/world/2018/apr/16/japan-shinzo-abe-tipped-to-resign-june-cronyism-scandal
[3] https://www.ft.com/content/490b51be-5729-11e7-9fed-c19e2700005f
Đọc thêm:
Đề Án Đặc Khu Việt Nam: Ảo Tưởng Thành Công
https://www.facebook.com/100000147078725/posts/2175516202463261/
Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào