Trang mạng Bussiness Insider cho biết, dù Trung Quốc đang cố gắng thay đổi chiến lược sản xuất với những tiêu chí mới nhằm thực hiện ý đồ tr...
Trang mạng Bussiness Insider cho biết, dù Trung Quốc đang cố gắng thay đổi chiến lược sản xuất với những tiêu chí mới nhằm thực hiện ý đồ tràn ngập thế giới về hàng hóa “made in China” nhưng vẫn vấp phải làn sóng tẩy chay ngày dâng cao.
Từ hàng độc hại bình dân…
Hệ thống cảnh báo RAPEX của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa những miếng dán hoạt hình Trung Quốc vào danh sách nguy hiểm do chứa thành phần không đảm bảo an toàn sức khỏe. Đây là một trong số hàng chục ngàn mẫu đồ chơi độc hại được phát hiện ở châu Âu năm 2015. RAPEX liệt kê nhiều sản phẩm đồ chơi độc hại, trong đó có 395 loại xuất xứ từ Trung Quốc phải thu hồi, thuộc các nhóm: búp bê, động vật, súng nhựa; robot điều khiển từ xa; miếng dán hoạt hình; đồ chơi nấu ăn, thú nhồi bông và các đồ dùng khác như phao, kính bơi, thảm ghép xốp, ghế hơi… Trong số này, có 169 loại chứa chất độc hại mà phần lớn là thành phần phthalate.
*Búp bê made in China nhiễm độc xuất sang EU
Các món đồ chơi này đều chứa lượng phthalate vượt tiêu chuẩn chất lượng 0,1% của EU. Phthalate vốn dùng để làm mềm nhựa và được coi là một trong những nhóm chất độc nhất đối với sức khỏe con người. Chúng tấn công cơ thể qua đường hô hấp và tiêu hóa, nếu tiếp xúc nhiều, chất này làm rối loạn hệ nội tiết mà cụ thể là hormone giới tính, khiến quá trình dậy thì ở trẻ diễn ra quá sớm hoặc bị trì hoãn. Phthalate làm tăng nguy cơ hen suyễn và ung thư, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn ở nam giới và ung thư vú, ung thư tử cung ở phụ nữ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Rochester, phthalate còn có tính kháng nội tiết tố sinh dục nam, khiến bé trai trở nên nữ tính.
Đài truyền hình Nga đưa tin về bàn ủi made in China gắn vi mạch gián điệp
Từ lâu nay, thực phẩm và thuốc men của Trung Quốc luôn xếp số 1 trong danh sách bị chặn lại ở biên giới hoặc bị thu hồi theo lệnh của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ và Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu. Thế nhưng, các hãng thuốc Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn thị trường thế giới: 70% lượng penicillin, 50% lượng aspirin, 33% lượng tylenol và rất nhiều kháng sinh, enzim, vitamin (90% lượng vitamin toàn cầu có xuất xứ từ Trung Quốc).
Melamine là một chất hữu cơ rất giàu đạm. Khi kết hợp với formaldehit sẽ tạo thành keo melamine rất bền nên được dùng để làm phoocmica, bảng trắng. Nó còn được sử dụng trong sản xuất chất cháy chậm, phân bón hoặc nhựa siêu dẻo. Đó là thứ hóa chất hữu ích nhưng nếu “bổ sung melamine” vào các sản phẩm như sữa bột trẻ em, thức ăn chó, mèo… sẽ trở thành chất “giết” thận. Năm 2008, vụ bê bối sữa melamine bắt đầu ở Bắc Kinh, khi Thủ tướng New Zealand - bà Helen Clark, thông báo cho Bắc Kinh về hiện tượng sữa nhiễm độc, phải gần 1 tháng sau đó, chính quyền Trung Quốc mới có phản ứng nhưng lại theo hướng ngăn chặn truyền thông đưa tin về sự cố. Tính đến cuối năm 2008, ở Trung Quốc có gần 300.000 trẻ em bị bệnh sỏi thận và suy thận, 6 trẻ chết. 22 công ty sản xuất sữa đã cho melamine vào sản phẩm để tăng đạm. Điều đáng nói là các nhà sản xuất đã có tiền sử cho melamine vào thực phẩm từ trước, tuy chỉ giới hạn ở thức ăn chó, mèo. Đồ ăn nhiễm độc đã làm chết hàng chục ngàn chó, mèo ở châu Âu, Mỹ và Nam Phi.
*Đến sản phẩm gián điệp cao cấp
Hầu hết mặt hàng công nghệ cao “made in China” đều khiến người dùng phải dè chừng bởi ẩn chứa sau đó là nhiều mối nguy hiểm khó lường. Cuối năm 2013, dư luận thế giới xôn xao về vụ việc các mẫu ấm đun nước và bàn ủi Trung Quốc bị phát hiện có vi mạch gián điệp được gắn bên trong. Các vi mạch này có khả năng khai thác các mạng wifi không đặt mật khẩu ở phạm vi lên tới 200m. Nhờ đó, chúng có thể phát tán mã độc và gửi dữ liệu tới máy chủ nước ngoài.
*Điện thoại di động Trung Quốc có sẵn chương trình thu thập thông tin trái phép
Vi mạch này có kích thước rất nhỏ, thường được gắn tinh vi lên vị trí tay cầm hoặc phần đế của ấm nước, bàn ủi nên vừa khó bị phát hiện vừa ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, nhất là khi những món đồ gia dụng này hoạt động. Ngoài ra, các đồ dùng này bắt buộc phải chạy bằng điện, đây cũng chính là nguồn năng lượng nuôi sống những chip gián điệp này. Có nhiều cách để chip gián điệp chia sẻ thông tin đã ăn cắp đưa đến kẻ chủ mưu. Phổ biến nhất là qua kết nối wifi công cộng, nhất là những mạng không cài đặt mật khẩu sẽ giúp việc truyền thông tin được dễ dàng hơn rất nhiều.
Ví dụ như chiếc điện thoại Star N9500 giá rẻ của Trung Quốc được bán trên các nhà bán lẻ online lớn. G Data Software đã đặt mua một chiếc hồi tháng 5-2014 và phát hiện mã độc hại của phần mềm gián điệp được giấu thật sâu trong phần mềm chính của nhà sản xuất cài đặt sẵn trên thiết bị này. Thorsten Urbanski, người phát ngôn của G Data, cho biết hãng mình đã đặt mua chiếc điện thoại này sau khi nhận được những lời phàn nàn của nhiều người tiêu dùng. Các chuyên gia của hãng đã bỏ ra hơn một tuần lễ để lần theo dấu vết của nhà sản xuất nhưng vẫn không tìm được một dấu vết nào. Hãng tin AP phát hiện chiếc điện thoại này được bán trên nhiều website bán lẻ lớn của một loạt công ty ghi địa chỉ ở Thẩm Quyến (miền Nam Trung Quốc) và họ cũng không tìm ra được thông tin về nhà sản xuất.
Hãng G Data cho biết, phần mềm gián điệp cài trong Star N9500 có thể cho phép tin tặc đánh cắp dữ liệu cá nhân, đặt các cuộc gọi “đểu” hoặc bật tắt camera và microphone của điện thoại. Thông tin đánh cắp được tự động chuyển tới một máy chủ ở Trung Quốc. Trong khi đó, Bjoern Rupp, giám đốc hãng tư vấn an ninh di động GSMK ở Berlin (Đức), nói rằng những trường hợp như vậy lâu nay phổ biến hơn người ta nghĩ.
*Làn sóng tẩy chay dâng cao
Những vụ bê bối thực phẩm giả, sản phẩm tiêu dùng sử dụng các hóa chất nguy hại cho sức khỏe, hàng công nghệ cao cài mã độc… đã khiến cả EU lẫn Mỹ cùng phát động cuộc chiến chống lại hàng hóa Trung Quốc, chiến dịch này cũng đã diễn ra ở nhiều nước châu Á.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa tổ chức một cuộc họp báo phát động chiến dịch tẩy chay hàng kém chất lượng, đặc biệt là đồ chơi, có xuất xứ từ Trung Quốc. Với việc đầu tư 70.000EUR để làm video tuyên truyền cho chiến dịch này, cho thấy các nước châu Âu đã rất quyết tâm bài trừ hàng “made in China”. Hiện có khoảng 58% mặt hàng ở châu Âu bị EU xếp vào diện nguy hiểm được sản xuất tại Trung Quốc. EU cũng cho rằng, người tiêu dùng cần tìm nhãn CE trên sản phẩm để đảm bảo chúng tuân theo đúng quy định về an toàn, sức khỏe và vệ sinh môi trường.
Năm rồi, một số quan chức của Phillipines cũng đã kêu gọi người dân tẩy chay hàng Trung Quốc. Và trong một cuộc thăm dò dư luận, có đến 70% ý kiến người dân đồng tình với lời kêu gọi này. Nước Mỹ cũng từng tổ chức tháng tẩy chay hàng Trung Quốc kéo dài 1 tháng, các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra các so sánh giữa hàng thật và hàng giả, cũng như những thông tin phân tích về lợi ích của việc tẩy chay hàng Trung Quốc. Thậm chí, người Mỹ còn cho rằng người Trung Quốc cố ý xuất khẩu hàng hóa giá rẻ độc hại sang thị trường Mỹ. 70% người Mỹ cho rằng các ưu đãi thương mại với Trung Quốc nên bị treo lại một thời gian. Báo chí cũng đưa ra con số rất thuyết phục rằng, nếu 200 triệu người Mỹ giảm mua 20USD hàng Trung Quốc, thì cả nước đã bớt được hàng tỷ USD thâm hụt thương mại hàng năm. Và một tháng phát động chiến dịch sẽ giảm được 1/12, tức 8% hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm. Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các cơ quan chính phủ không được phép sử dụng các thiết bị công nghệ do các công ty được “sở hữu, chỉ đạo hoặc tài trợ bởi Trung Quốc” sản xuất, chế tạo, lắp ráp, nếu không được sự cho phép của cơ quan thực thi pháp luật liên bang.
Trước đó, Chính phủ Australia cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei cho hệ thống băng thông rộng quốc gia của nước này, đồng thời không cho phép Huawei tham dự đấu thầu dự án xây dựng đường truyền băng thông rộng trị giá gần 38 tỷ USD. Các nước khác như Canada, Ấn Độ cũng hết sức đề phòng trước những hiểm họa an ninh mà phía công ty Trung Quốc có thể mang lại.
Trước làn sóng tẩy chay hàng hóa giá rẻ độc hại “made in China”, các công ty, doanh nghiệp Trung Quốc đã dùng mánh lừa gắn mác “made in PRC” (viết tắt của People republic of China: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) khiến người tiêu dùng nhầm tưởng sang sản phẩm của các quốc gia khác. Những thứ hàng hóa phải ngụy trang kiểu “made in PRC” nhiều khả năng là những sản phẩm có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, bản quyền… bởi những người làm ra chúng chấp nhận xóa tên đất nước họ để thay bằng một cái tên vô thừa nhận chỉ với mục đích kiếm lời. Thực tế, việc các doanh nghiệp Trung Quốc “qua mắt” người tiêu dùng bằng cách biến các sản phẩm “made in China” tai tiếng thành những hàng hóa sản xuất từ một nước rất mới “made in PRC” đã xuất hiện cách đây khoảng 1 năm và trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận Mỹ và Ấn Độ.
Phi Long
(TỔNG HỢP)
Không có nhận xét nào