Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VƯƠNG QUỐC MÈO

VƯƠNG QUỐC MÈO  (Đề vắn tắt trả lời nhiều câu hỏi của các bạn đọc quan tâm sau khi đọc “Hà Giang – một chương bất tử) Ôm hết mỏm cực Bắc Việ...

VƯƠNG QUỐC MÈO 

(Đề vắn tắt trả lời nhiều câu hỏi của các bạn đọc quan tâm sau khi đọc “Hà Giang – một chương bất tử)

Ôm hết mỏm cực Bắc Việt Nam, Cao nguyên đá Đồng Văn, Vương Quốc Mèo (H’mong) xưa trải rộng trên một khu vực 2.352km2 gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Trước khi chia tách vào năm 1962, cả 4 huyện này được gọi chung là cao nguyên Đồng Văn, miền đất di sản ngày nay. Dân số hiện tại của vùng công viên địa chất vào khoảng 250.000 người, trong đó người Mông đông nhất, chiếm khoảng 77%. Ngoài ra còn có thêm 16 dân tộc khác như Tày, Dao, Nùng, Lô Lô, Giáy, La Chí, Pà Thẻn, Cờ Lao, Kinh... quần tụ hợp thành một đại gia đình các dân tộc sống rải rác trong 224 làng bản khắp cao nguyên đầy những triền đá/

Điểm nhấn của toàn vùng là Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, có độ cao trên 1.700m so với mực nước biển. Cách đó chỉ chừng 200m đường chim bay là điểm cực Bắc của đất Việt, nằm giữa lòng sông Nho Quế, ranh giới tự nhiên phân chia cương thổ 2 nước Việt - Trung. Cột cờ đầu tiên được Lý Thường Kiệt dựng nên bằng nguyên một gốc samu lớn đem về từ Quảng Tây (Trung Quốc) sau khi hạ thành Ung Châu trên đất Tống, năm 1076.

Dưới chân cột cờ có một bản người Lô Lô lâu đời, gọi là Lô Lô Chải (bản người Lô Lô). Đến giữa tháng 1/2011,  Lô Lô Chải vẫn chỉ có 96 nóc nhà, 492 nhân khẩu. Ít ỏi, nhưng những người Lô Lô này cùng với một bản người Pu Péo nhỏ khác bên kia núi Rồng lại là những chủ nhân đầu tiên của cao nguyên đá. Tổ tiên họ là những người có mặt sớm nhất và có công khai phá đầu tiên miền đất Đồng Văn, trước cả thời điểm Lý Thường Kiệt dựng cột cờ Lũng Cú.

Người Lô Lô thật ra chỉ là một danh xưng tự nhận, thực chất là một bộ phận của người Di Trung Quốc, nay đã bị “nhập tộc” chung đại dân tộc Choang vùng Vân Nam - Quý Châu. Người Di từng có chữ viết riêng, nhưng đến nay thì người Lô Lô ở Việt Nam có thể đọc được văn bản Di cổ đã hầu như biệt bóng.

Bản Lô Lô này còn giữ 2 báu vật là cặp "khà dừ" (trống đồng), một trống đực, 1 trống mái có niên đại từ thế kỷ XIV. Ngày thường, trống được chôn xuống đất, khi có tang ma hay lễ lạt lớn mới được đào lên, chọn đàn ông đã yên bề gia thất, hội đủ tiêu chuẩn thủ trống. Từ cặp trống đồng này, người Lô Lô Chải có thêm một cách giải thích, rằng Lũng Cú là cách đọc âm của từ Long Cổ, nghĩa là Trống Rồng!

Đồng chủ nhân của cao nguyên đá Đồng Văn, người Tày là dân tộc có kho tàng phonklore (văn hóa dân gian) phong phú nhất. Tuy nhiên, chỉ có người Dao là sắc dân cổ ở Đồng Văn có văn tự riêng, một kiểu chữ Nôm Dao dùng ký tự chữ Hán ghi cách đọc âm tiếng Dao như kiểu chữ Nôm của người Việt miền xuôi.

Người Mông được ghi nhận đến muộn hơn, mãi cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII mới có mặt tại Đồng Văn. Về nguồn gốc, tuy còn rất nhiều tranh cãi, song các nhà dân tộc học hầu như đều đồng ý rằng, người Mông Việt Nam nói chung và người Mông cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) nói riêng là một đại tộc tách ra từ liên minh bộ lạc Cửu Lê sinh sống tập trung ở vùng Kinh Châu - Giang Hoài (nay thuộc tỉnh Hồ Nam và một phần tỉnh Quý Châu, Trung Quốc). Liên minh bộ lạc này hình thành trên cơ sở sự thống nhất các bộ lạc Miêu - Dao cổ có lịch sử khoảng 5.000 năm. Trong lịch sử, đã có không ít những danh thần dũng tướng lưu danh thiên cổ là người Miêu (Mông). Lẫy lừng hơn cả phải kể đến đại tướng quân Mông Điềm đời Tần, Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ thời Hán – Sở tranh hùng.

Suốt một tiến trình lịch sử dài dằng dặc, trong sự giao thoa, khi tương tác, khi chống đối với đại tộc Hán, liên minh bộ lạc Miêu - Dao đã có những biến động chia tách lớn cả về hai mặt địa lý và xã hội. Sau hàng thiên niên kỷ, địa bàn sinh sống của người Cửu Lê đã ngày một bị dồn sâu xuống phía Tây Nam khu vực địa bàn của người Hán, tập trung chủ yếu ở vùng Cao nguyên Vân - Quý (Vân Nam - Quý Châu). Trong quá trình thiên di, xã hội Cửu Lê cũng biến động dữ dội nhiều đợt, vừa phân rã, vừa phát triển thành các tộc Tam Miêu, Kinh Man, Kinh Sở, Vũ Lăng Man và cuối cùng phân hóa thành các tộc Miêu - Dao như ngày nay.

Bạn tôi, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, biệt danh Sơn H’mông cho rằng: "Cho đến nay, chưa ai có thể đưa ra một giả định có tính thuyết phục về thời gian cũng như trình tự phân hóa của các hệ phái Miêu". Kết quả của chuỗi phân hóa này lại tiếp tục hình thành nên hàng loạt sắc dân Mông mang các đặc điểm vừa mang nét tương đồng, vừa có sự khu biệt, gọi bằng những cái tên Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh, Mông Hoa, Mông Trắng... Quá trình phân tách diễn ra chủ yếu trong thời Minh - Thanh. Như vậy, về nguồn gốc, trước khi xuất hiện và cùng chung sống trên cao nguyên Đồng Văn, hai dân tộc Mông và Dao đã có quan hệ rất gần về nguồn cội.

Để lý giải nguyên nhân thiên di của người Mông vào Việt Nam, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dựa vào những biến động xã hội ở khu vực Nam và Tây Nam Trung Quốc giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII trở về sau. Tuy nhiên, về mốc thời gian lẫn nguyên nhân lịch sử, các giả thiết đều mang những điểm "chỏi" nhau cơ bản và gay gắt. Giả thiết được xem là hợp lý nhất, được nhiều nhà nghiên cứu cả Trung lẫn Việt đồng tình nhất có khuynh hướng gom quá trình thiên di này thành 4 đợt có quy mô lớn.

Đợt thứ nhất diễn ra vào mạt kỳ nhà Minh, giữa thế kỷ XVII. Trong hai năm 1658-1659, quân Thanh lần lượt đánh chiếm Quý Dương (Quý Châu) và Côn Minh (Vân Nam), đuổi Vua Minh Vĩnh Lịch chạy sang Myanmar. Hơn 2.000 người Mông thuộc 4 dòng họ là Vù, Hạng, Lý, Giàng - vì tránh loạn lạc - đã từ Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam di cư đến vùng núi Việt Nam, gần biên giới Việt - Trung.

Đợt thứ hai diễn ra vào nửa sau thế kỷ XVIII (theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn thì có thể sau thất bại của cuộc "khởi nghĩa Càn Gia" 1795 - 1796), đi thẳng từ Quý Châu, xuống cao nguyên Đồng Văn.

Đợt thứ ba vào nửa cuối thế kỷ XIX, thời các triều vua Hàm Phong, Đồng Trị nhà Thanh, thủ lĩnh của các dòng họ Lý, Dương, Vù và Vàng dẫn đầu các đoàn người Mông từ Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Vân Nam chia làm 3 đường trong vòng 5 năm (một đường qua Quảng Tây, hai đường qua Vân Nam) tiến xuống vùng núi rộng lớn thuộc cả Đông và Tây Bắc Việt Nam.

Đợt di cư thứ tư - đợt lớn nhất - diễn ra sau cuộc chiến tranh Nha phiến của Trung Quốc (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). Hơn 1 vạn người Mông chia làm nhiều đoàn theo nhiều con đường khác nhau tiến vào khu vực miền núi ở cả phía Đông và phía Tây Bắc Việt Nam, trong đó có các huyện vùng cao nguyên Đồng Văn. Một bộ phận trong họ chỉ lấy Bắc và Tây Bắc nước ta làm điểm dừng chân, rồi tiếp tục di cư sang Đông và và Đông Bắc Lào, sau đó sang Đông Bắc Thái Lan.

Còn có một nguyên nhân xã hội khác bắt nguồn từ tập quán canh tác "đao canh hỏa chủng" (tức phát - đốt - chọc - trỉa). Đất đai canh tác bị thu hẹp và giảm độ phì, tình trạng "nhân mãn" xảy ra, người Mông từ phương Bắc lại di cư thành từng đợt lẻ tẻ theo từng nhóm nhỏ lùi dần về phương Nam. Tiến trình này xảy ra liên tục trong nhiều thế kỷ.

Bất đồng trong cách kiến giải về nguyên nhân và mốc thời gian, nhưng hầu hết các kết quả nghiên cứu lẫn tài liệu điền giả đều có xu hướng thống nhất rằng nguồn gốc người Mông cao nguyên Đồng Văn khởi phát từ cao nguyên Vân - Quý, đông nhất là từ Quý Châu. Nhiều bản làng Mông Hà Giang vẫn còn truyền tụng câu hát: "Quý Châu là quê hương yêu dấu của đồng bào Mông ta./ Vì người Mông ta đói rách/ vì dân Mông ta không có chữ' thua kiện người Hán nên phải mất nương/ vì người Mông ta không có chữ nên phải dời quê".

Gia phả chép bằng chữ Hán của Giàng (Dương), họ Vàng (Vương) ở Đồng Văn, Mèo Vạc cũng khẳng định tổ tiên họ sang Việt Nam đã được 16-17 đời, khoảng trên dưới 300 năm. Nơi đến đầu tiên được xác định là các xã thuộc huyện Mèo Vạc hiện nay. Trong dân ca được lưu truyền trong cộng đồng Mông nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Pháp, Mỹ, Thái Lan có một đoạn rất phổ biến kể về nơi phát tích: "Con cá ở dưới nước/ Chim bay ở trên trời/ Chúng ta sống ở vùng cao/ Con chim có tổ, Người Mông ta cũng có quê hương/ Quê hương ta là Mèo Vạc...".

Bây giờ là 77%, nhưng trước Cách mạng tháng Tám 1945, người Mông chiếm tới 88% toàn vùng Cao nguyên Đồng Văn. Trong cơ cấu nhân học, người Mông đích thực là một đại tộc trong  một siêu tộc, nhân số tổng cộng lên đến gần 10 triệu người, ly tán khắp nơi trên thế giới. Bài ca thiên di của một dân tộc hàng  ngàn năm đi tìm đất sống tiếp tục được người Mông cất lên ở những vùng đất phên dậu.

Ở cực Bắc (và cả nhiều nơi khác ở Đông - Tây Bắc) Việt Nam, đoàn ly dân ấy cũng đã tìm được một không gian sinh tồn cùng các sắc dân khác để viết tiếp những chương mới bi tráng cho dân tộc mình. Không có chữ viết, những biến cố lịch sử hàng trăm năm của người Mông trên cao nguyên đá đã bị bụi thời gian phủ lấp trong quên lãng. Ký ức lịch sử  miền Đồng Văn vì thế chỉ còn đọng lại trong một khoảng thời gian khá mới mẻ, từ khi thực dân Pháp chiếm đóng được Hà Giang vào năm 1887.

Tuy xây dựng được 3 đồn binh Bạch Đích, Yên Minh và Đường Thượng nhưng thực dân Pháp vẫn phải công nhận  và dựa vào tầng lớp thổ ty, địa chủ phong kiến các dân tộc ở địa phương để thiết lập một bộ máy thống trị theo bậc thang xã - tổng - châu - tỉnh. Quyền lực thực dân vẫn buộc phải chấp nhận chế độ "quân sự quản chế", nghĩa là  mỗi dân tộc, dòng họ đều có quyền thiết lập một đạo binh riêng, bảo vệ địa bàn và quyền  lợi của thủ lĩnh dòng tộc kiêm chúa đất. Toàn miền Đồng Văn được chia thành 4 khu vực chính.

Khu vực phía Bắc (huyện Mèo Vạc ngày nay) do thổ ty Dương Tụ Nghĩa (tiếng Mông đọc Dương là Giàng) cai quản. Đoạn giữa (nay là huyện Đồng Văn) do thổ ty Nguyễn Chánh Quay (người Tày) quản lý. Khúc kế tiếp từ Sà Phìn đến Phố Bảng do thổ ty Vương Chính Đức chiếm cứ. Phần phía Nam, thuộc huyện Yên Minh ngày nay do hai thổ ty Nguyễn Chánh Tư và Nguyễn Doãn Quý (người Kinh) thống trị.

Với sách lược "chia để trị", ở mỗi dân tộc, thực dân Pháp lại công nhận sự tồn tại của một bộ máy cai trị riêng. Người Mông phân quyền từ trên xuống có Tổng giáp - Mã phài - Séo phài. Vùng các dân tộc Tày, Dao, Giáy, Kinh có Chánh tổng - Lý trưởng - Trưởng thôn - Kỳ mục. Vùng  người Thái  do Bang tá  đứng  đầu. Trong 3 đồn binh được thiết lập giai đoạn đầu, đồn Đường Thượng do một thổ ty người Thái - Bang tá Đào Văn Ất - chỉ huy, đặt dưới sự chỉ đạo quân sự toàn vùng của một viên quan ba người Pháp.

Đấu tranh vũ trang chống Pháp vẫn nổ ra liên tục. Trong 3 năm (1903 -1905), quan binh Pháp đã nhiều lần phải điêu đứng bởi liên tục bị các toán quân khởi nghĩa do thủ lĩnh người Mông Sùng Mí Chảng chỉ huy tập kích. Nghĩa quân lấy núi Tù Sán làm căn cứ. Đáng tiếc, khởi nghĩa Sùng Mí Chảng không có điều kiện liên kết rộng rãi với thủ lĩnh dân tộc của các nơi khác trong vùng, lại thiếu chặt chẽ trong tổ chức nên đã bị Pháp cài người, mua chuộc, phá hoại làm tan rã.

Phía Mèo Vạc, thổ ty Dương Tụ Nghĩa không giấu giếm ý đồ thâu tóm quyền lực Mông và bành trướng sự thống trị lên toàn vùng cao nguyên đá. Ông tự xưng là "Vua Mèo", thuê thợ từ châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sang dựng cho mình một tòa lâu đài bằng đá khối và gỗ quý ở xã Sủng Chà. Tỏ rõ năng lực lãnh đạo của  một ông vua (tự xưng) trong việc giải quyết những khó khăn trong đời sống của "thần dân", đồng thời tìm cơ hội phát triển cho xứ sở đang cai quản, Dương Tụ Nghĩa đã cho mời thầy phong thủy Tàu sang Sủng Chà nhắm tìm nơi xây hồ trữ nước, trồng sen, thả cá trên đá núi.

Khéo nhắm địa thế, giỏi xây dựng, dù không có nước mạch, hồ treo Sủng Chà vẫn quanh năm đầy ắp khoảng 10.000m3 nước, nhờ tích tụ và giữ lại được nước mưa. Ý tưởng, sự nghiệp cùng danh vị "Vua Mèo" của ông được con trai là Dương Trung Nhân tiếp tục phát huy và khuếch trương.

Ngày nay, dinh thự đá của "Vua Mèo" Mèo Vạc đã bị phá hủy, nhưng hồ treo của nhà họ Dương thì vẫn còn. Toàn huyện Mèo Vạc đã xây dựng  thêm 9 hồ chứa nước lớn gấp hàng chục lần hồ cũ của họ Dương, trong đó có cả hồ Sủng Chà đã được mở rộng. Có thể xem "Vua Mèo" Dương Tụ Nghĩa là "nhà thủy lợi học" đầu tiên trên cao nguyên đá, người đầu tiên có sáng kiến xây hồ treo trữ nước.

Được Pháp công nhận nhưng khi tìm cách mở rộng quyền lực ra toàn cao nguyên đá, họ Dương Mèo Vạc đã vấp phải một trở lực lớn từ dòng họ Vương (Vàng) ở Đồng Văn.

Sau một thời gian chống nhà Thanh và cùng nhân dân Việt Nam đánh Pháp, Lưu Vĩnh Phúc thu quân Cờ Đen về bên kia biên giới Việt - Trung. Tàn quân Cờ Đen ở lại Hà Giang do Hà Quốc Trường chỉ huy, tuy vẫn phản Thanh, kháng Pháp nhưng đã biến chất thành một đám giặc cỏ, liên tục sát hại  hàng loạt thủ lĩnh các dân tộc thiểu số, nhằm độc chiếm châu Đồng Văn, nuôi ý đồ hùng cứ vùng rẻo cao Hà Giang kéo dài qua tận bên kia sông Nho Quế thuộc Châu Vân Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), lập tiểu quốc riêng để xưng bá. Pháp - Thanh đã nhiều lần hợp binh tiễu trừ nhưng vẫn không diệt được đám thảo khấu Cờ Đen đã hóa thành thổ phỉ, ngược lại còn phải chịu nhiều tổn thất.

Vương Chính Đức, tên thật theo tiếng Mông là Vàng Dúng Lùng sinh năm 1865 ở làng Pá Tró (làng Con Gấu), xã Sà Phìn (nay thuộc huyện Đồng Văn). Thông minh, rất giỏi thổi khèn Mông, ở tuổi 30, Vàng Dúng Lùng được người Mông Sà Phìn, Phó Bảng bầu lên làm thủ lĩnh thay cho thủ lĩnh Vàng Dí Tủa không may đột tử vì... bội thực sau khi ăn hết một nồi to cháo bí đỏ!.

Vàng Dúng Lùng đã đưa nghĩa quân Mông vào rừng rậm, núi cao lập nên các đội "nghĩa binh hươu nai" đương đầu với giặc Cờ Đen. Đến năm 1900, đạo giặc cỏ Pháp phục không được, Thanh hàng không xong đã bị "nghĩa binh hươu nai" tiêu diệt. Hà Quốc Trường bị Vương Chính Đức chặt đầu. Giành Đồng Văn vào tay người Mông, Vàng Dúng Lùng tiếp tục chỉ huy nghĩa binh kháng Pháp và chống lại âm mưu lấn chiếm của nhà Thanh.

Trong 9 năm trời, “nghĩa binh hươu nai” dựa vào núi đá hiểm trở, đèo dốc cheo leo đã liên tục bẻ gãy tất cả các đợt tấn công lên Đồng Văn của các đạo binh Pháp. Đến năm 1909, Pháp điều một đạo quân hỗn hợp lớn từ Bảo Lạc (Cao Bằng) sang, phối hợp với các đạo địa phương binh khố xanh Tày - Thái tấn công Đồng Văn. Trận chiến khốc liệt, Vàng Dúng Lùng thua trận, buộc phải nhường Đồng Văn cho Pháp đóng đồn.

Lại rút vào rừng, ông tiếp tục mộ binh đánh Pháp. Sau 4 năm ròng rã, đến tháng 10/1913, Vàng Dúng Lùng đã giành thắng lợi vang dội. Pháp phải ký Hòa ước Pháp - Mèo với nhiều điều khoản có lợi cho người Mèo. Đó là Pháp  phải triệt thoái quân đội khỏi Đồng Văn, gồm cả các đội quân lê dương lẫn các đội quân bản địa do Pháp chỉ huy, trả Đồng Văn lại cho người Mông cai quản bằng chế độ tự trị, dưới quyền một đại lý Pháp và một bộ máy hành chính có tính chất đại diện của triều đình nhà Nguyễn. Muốn thu mua thuốc phiện, các đại lý thuốc phiện Pháp phải tăng giá lên 5 lần, từ 2 hào lên 1 đồng cho mỗi lạng (tính theo đơn vị cân vàng). Hòa ước này được ký bởi một bên là tướng Pháp Jenera  Pecneucin và bên kia là Vàng Dúng Lùng, ký tên theo chữ Hán là Vương Chính Đức.

Thật ra, khi ký một hòa ước tưởng chừng như đầy bất lợi như thế, chính quyền thực dân Pháp đã nhằm đến việc đạt được tình thế có lợi lớn hơn. Kéo dài  giao tranh, Pháp khó có thể giành  thắng lợi tuyệt  đối trước đội quân thông thạo địa hình do Vương Chính Đức lãnh đạo, biết tận dụng tối đa địa hình hiểm trở để kháng chiến  lâu dài. Trong khi đó, không lập lại được trật tự, Pháp sẽ mất một khoản lợi to lớn từ thuốc phiện.

Từ  năm 1897, sau khi nhậm chức, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã xác định thuốc phiện là quốc sách, là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách thuộc địa của nhà nước bảo hộ. Tại Sài Gòn, chính quyền đã cho xây hẳn một nhà máy chuyên nấu thuốc phiện. Lãi thu được từ thuốc phiện chiếm tới 1/3 tổng thu nhập của toàn Đông Dương. Với năng lực cung cấp khoảng 20 tấn thuốc phiện/năm, Đồng Văn có khả  năng thay thế một lượng thuốc phiện lớn phải nhập về từ vùng vịnh Bengal (Ấn Độ)  từ Công ty Đông Ấn. Quyền lợi kinh tế buộc chính quyền thuộc địa phải hy sinh, cắt giảm quyền lực quân sự và cai trị.

Đó là lý do vì sao  đến năm 1923, vua Khải Định đã phong tặng Vương Chính đức bức hoành phi có 4 đại tự “Biên chinh khả phong”.

NGUYỄN HỒNG LAM
















Không có nhận xét nào