Hôm 16/8/2018, Uỷ ban Nhân quyền LHQ (Cơ quan giám sát thực thi Công ước ICCPR) đã công bố một bảng “Danh sách các Vấn đề quan tâm” (List of...
Hôm 16/8/2018, Uỷ ban Nhân quyền LHQ (Cơ quan giám sát thực thi Công ước ICCPR) đã công bố một bảng “Danh sách các Vấn đề quan tâm” (List of issues) để chuẩn bị cho phiên họp xem xét báo cáo của nhà nước VN về việc thụ hưởng các quyền Dân sự và Chính trị của người dân Việt Nam theo Công ước ICCPR, mà Việt Nam là thành viên từ năm 1982.
Ủy ban Nhân quyền yêu cầu phía Việt Nam báo cáo trả lời, làm rõ các vấn đề mà Uỷ ban quan tâm tại phiên đối thoại định kỳ lần thứ 3 giữa nhà nước với Uỷ ban, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2019.
Có thể nói đây là Công ước “xương xẩu” khó chơi, vì nó bao gồm các quyền thách thức trực tiếp đến các chế độ độc tài, cực kỳ nhạy cảm đối với nhà nước VN.
Thực tế là nhà nước VN gặp rất nhiều khó khăn khi báo cáo đánh giá việc thực hiện Công ước này. Như VN đã báo cáo định kỳ gần đây nhất là lần thứ 2 vào năm 2002 nhưng không đạt yêu cầu, bị Uỷ ban yêu cầu báo cáo bổ sung lại và báo cáo định tiếp theo lần thứ 3 vào năm 2004. Nhưng mãi từ đó đến nay, tức trễ 13 năm, giờ VN mới chịu nộp báo cáo lần 3, mà lẽ ra theo quy định của Công ước quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ báo cáo định kỳ 4 năm/ lần hoặc khi Uỷ ban yêu cầu.
Trước khi đi vào nội dung Uỷ ban nhân quyền quan tâm đến vấn đề gì, tôi hy vọng những người hoạt động nhân quyền và các tổ chức xhds quan tâm và dành thời gian đóng góp tham gia vào tiến trình báo cáo định kỳ lần 3 này.
Cơ chế Công ước này cho phép các tổ chức xhds có thể nộp báo cáo, cung cấp thông tin bằng văn bản về thực trạng nhân quyền VN cho Uỷ ban dựa trên Danh sách các vấn đề Uỷ ban đang quan tâm. Sau đó có thể đăng ký dự khán vào phiên đối thoại chính thức giữa Uỷ ban với nhà nước dự kiến diễn ra vào tháng 3/2019 tại trụ sở LHQ ở New York, và có thể đăng ký phát biểu trong những cuộc họp liên quan do Uỷ ban tổ chức. v.v...
Cách đây khoảng 2 năm, ở VN có Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã tham gia rất tích cực vào tiến trình báo cáo định kỳ Công ước Xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử Phụ nữ (CEDAW). Tuy nhiên tiến trình báo cáo Công ước này đã không thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhiều tổ chức xhds khác, chắc có vẻ xuất phát từ nội dung như tên gọi của nó, chỉ gói gọn nhân quyền cho “phái Nga Mi”.
Giờ đây, với công ước ICCPR là khoáng đại giang hồ, liên quan trực tiếp tất cả môn phái từ Võ Đang cho đến Cái Bang, hay Thiếu Lâm... Hy vọng các môn phái sẽ là một nhân vật chính cho mỗi chương trong “đại hội võ lâm” sắp diễn ra. Tôi xin trích chọn 24 bí kiếp võ công mà Uỷ ban Nhân quyền đang quan tâm:
(Số thứ tự khác với bản chính theo bảng Danh sách vấn đề của Uỷ ban và được rút gọn hơn so với bản chính)
1. Ủy ban yêu cầu cung cấp thông tin về việc áp dụng Công ước trong thực tế, vị thế của công ước so với pháp luật quốc gia, bao gồm việc dẫn chiếu điều khoản của Công ước trong các phiên tòa. (Vì Uỷ ban nhận thấy những người chỉ vì thực hiện quyền theo Công ước ghi nhận lại bị đưa ra toà rồi tống vô tù vì tội xâm phạm “an ninh quốc gia” quá nhiều).
2. Ủy ban yêu cầu cung cấp thông tin về chức năng và hoạt động của Ban chỉ đạo Nhân quyền quốc gia. (Ban Chỉ Đạo Nhân quyền do ông tướng công an đứng đầu, ra đời nhằm chỉ đạo công tác chống lại luận điệu xuyên tạc và đấu tranh với thế lực thù địch trong lĩnh vực nhân quyền - nó không phải là một cơ quan bảo vệ nhân quyền mà làm điều ngược lại ).
3. Ủy ban Nhân quyền nêu đích danh “Hội Cờ đỏ” là một tổ chức phát ngôn gây hận thù, bạo lực, kích động tôn giáo, và hỏi nhà nước Việt Nam về các biện pháp được tiến hành để điều tra, truy tố liên quan về vấn đề này.
4. Cung cấp thêm thông tin về khuôn khổ pháp lý chống khủng bố. Làm rõ sự khác biệt giữa “khủng bố chống chính quyền nhân dân” (điều 113 của Bộ luật hình sự) và “khủng bố” (điều 299 Bộ luật hình sự). Cung cấp thông tin về các vụ việc trong đó hoạt động khủng bố đã cấu thành cơ sở pháp lý để truy tố và kết quả của những vụ việc này.
5. Cung cấp con số về người bị tử hình và mô tả tiêu chí và cách thức đánh giá tội phạm nào có thể coi là “nghiêm trọng nhất” dẫn đến tử hình. Đồng thời cung cấp thông tin về các bước đã được tiến hành để tiến tới một lệnh đình chỉ xử tử chính thức.
6. Hãy bình luận về các cáo buộc tra tấn và đối xử vô nhân đạo của các nhân viên thực thi pháp luật như một hiện tượng rộng khắp để lấy được thông tin hoặc lời thú tội. Đồng thời hãy phản hồi về các cáo buộc rằng (a) tra tấn và đối xử tàn bạo với các cá nhân dẫn đến tử vong khi bị giam giữ; (b) những vụ tử vong đó thường được báo cáo là tự tử; và (c) gia đình bị sức ép không dám phản ứng lại các kết luận như vậy.
7. Hãy cho biết có hay không các quy định về phân loại tù nhân. Hãy bình luận về các cáo giác rằng tù nhân lương tâm là mục tiêu bị (a) tra tấn và đối xử tàn bạo, bao gồm bị giam giữ không được tiếp xúc hay liên lạc với bên ngoài, bị mất tích cưỡng bức, phải chịu những đau đớn nghiêm trọng về thể xác và tinh thần, bị biệt giam, bị từ chối chăm sóc y tế và bị chuyển trại như một cách trừng phạt; và (b) bị ngược đãi bởi các bạn tù dưới sự khuyến khích hoặc đồng tình hoặc làm ngơ của công an hoặc công chức.
8. Làm rõ liệu (a) một cơ chế độc lập đã được thiết lập để thường xuyên giám sát và thanh tra tất cả các nơi giam giữ; và (b) các tổ chức độc lập có được phép giám sát điều kiện giam giữ.
9. Hãy bình luận về các báo cáo rằng các trung tâm cai nghiện của nhà nước áp dụng lao động cưỡng bức như một “biện pháp điều trị”, bóc lột người trong đó như là làm lao động sản xuất ra hàng hóa cho thị trường địa phương và xuất khẩu, và ngược đãi người từ chối làm việc.
10. Hãy cung cấp thêm thông tin về các quy định về tạm giam, về thời hạn tối đa giam giữ trước khi xét xử, bao gồm cả với những “tội xâm phạm an ninh quốc gia”, và về các biện pháp trong lĩnh vực này để đảm bảo là Công ước được tôn trọng trong thực tế. Hãy bình luận về các cáo buộc chính quyền dùng thời gian giam giữ dài trước khi xét xử để lấy lời thú tội.
11. Hãy nêu các bước và biện pháp được đưa ra để (a) thực hiện quan điểm của Nhóm làm việc về giam giữ tùy tiện, đặc biệt về việc giam giữ sai trái với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Quan điểm số 27/2017), người viết blog dưới bút danh “Mẹ Nấm” (Mother Mushroom); và (b) trả tự do cho tất cả các cá nhân bị giam giữ sai trái liên quan đến “xâm phạm an ninh quốc gia” và đền bù cho họ. Hãy bình luận về các cáo buộc rằng việc giam giữ hành chính, đặc biệt ở các trung tâm cai nhiện, hoặc giam giữ tại nhà vẫn còn phổ biến.
12. Hãy báo cáo về các biện pháp cụ thể để đảm bảo trong thực tế việc các thẩm phán hoàn toàn độc lập và vô tư với đảng cầm quyền và nhánh hành pháp, bao gồm các thủ tục bổ nhiệm và bãi nhiệm thẩm phán. Hãy bình luận về các cáo buộc rằng hầu hết các vị trí cao cấp trong hệ thống tư pháp là do các cán bộ đương nhiệm hoặc trước kia là công chức của Bộ Công an và Trung ương Đảng Cộng sản.
13. Hãy bình luận về các cáo buộc rằng luật sư bào chữa thường (a) bị ngăn cản tham vấn khách hàng cho đến khi bắt đầu phiên tòa; (b) được cho không đủ thời gian để chuẩn bị các lập luận pháp lý; (c) bị ngăn cản tiếp cận bằng chứng; và (d) không biết nhân chứng được triệu tập ra tòa và không được kiểm tra chéo hay thử thách lời chứng. Hãy bình luận về các cáo buộc vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa bên kiểm sát và bên bào chữa, đặc biệt là các thẩm phán thường tùy tiện (a) yêu cầu luật sư im lặng hoặc đuổi luật sư khỏi phòng xử án; và (b) từ chối triệu tập chuyên gia và nhân chứng do bên bào chữa yêu cầu. Hãy báo cáo về tình trạng tồn tại các biện pháp khắc phục cho những người bị vi phạm quyền xét xử công bằng. Hãy làm rõ điều 19.3 Bộ luật hình sự, trong đó có thể đòi hỏi luật sư vi phạm nghĩa vụ bảo mật giữa luật sư – khách hàng. Hãy bình luận về các báo cáo rằng các phiên tòa có kết quả là các hình phạt hình sự hà khắc thường kết thúc chỉ trong một ngày hoặc thậm chí ngắn hơn. Hãy cung cấp thông tin về các cáo buộc về việc tái diễn từ chối nguyên tắc suy đoán vô tội trong thực tế, đặc biệt với các vụ việc về an ninh quốc gia, và rằng điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép trì hoãn sự tham gia của bên tư vấn bào chữa cho đến khi có kết luận điều tra.
14. Hãy làm rõ thêm các yếu tố trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tháng 1/2018, đặc biệt về việc dỡ bỏ những hạn chế về tự do tôn giáo. Hãy làm rõ đặc biệt về (a) định nghĩa tôn giáo trong luật mới; (b) quá trình có được đăng ký và công nhận của các tổ chức tôn giáo; (c) khả năng thách thức kết quả từ chối đăng ký của Ủy ban Tôn giáo ở cấp quốc gia; (d) yêu cầu bắt buộc hoạt động tôn giáo phải có phê duyệt trước của cấp có thẩm quyền, bao gồm hoạt động liên quan đến việc cầu nguyện; và (e) hạn chế đối với tự do tôn giáo trong thực tế theo các quy định về “an ninh quốc gia” và “đoàn kết dân tộc” trong luật này. Hãy cung cấp thông tin về quy định pháp luật công nhận quyền phản đối theo lương tâm với nghĩa vụ quân sự và giới thiệu cơ chế phục vụ dân sự thay thế dành cho những người phản đối nghĩa vụ quân sự vì lương tâm.
15. Hãy bình luận về các báo cáo rằng người lãnh đạo và tín đồ của các nhóm tôn giáo, đặc biệt là những nhóm không đăng ký, tiếp tục bị ép từ bỏ niềm tin của họ, là đối tượng giám sát và bị đe dọa, sách nhiễu, bắt bớ, tra tấn và kết tội về những “vi phạm an ninh quốc gia”, đặc biệt là trong số dân thiểu số Degar/người Thượng và người Hmong. Hãy bình luận về các báo cáo về can thiệp làm gián đoạn hoạt động tôn giáo, từ chối tiếp cận giáo dục, đặc biệt là với trẻ em có cha mẹ là người Thiên chúa giáo, ép buộc các cộng đồng tôn giáo tái định cư, phá bỏ cơ sở thờ tự tôn giáo và tịch thu đất đai và tài sản của cộng đồng tôn giáo và tín đồ của một số nhóm tôn giáo một cách có chủ ý. Hãy bình luận về các cáo buộc về các chiến dịch truyền thông thóa mạ tôn giáo và cộng đồng tôn giáo và những lời kêu gọi của các quan chức cấp cao về việc xóa bỏ một số cộng đồng tôn giáo.
16. Hãy bình luận về các báo cáo về việc có một đợt đàn áp tự do biểu đạt từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2-18. Về điều 109 Bộ luật Hình sự về “các hoạt động chống chính quyền nhân dân”; điều 116 về “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”; điều 117 về “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; và điều 331 về “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”, hãy (a) làm rõ sự tương thích của các quy định này với Công ước, và đặc biệt với điều 19 Công ước; (b) bình luận về các báo cáo rằng các quy định này được sử dụng như một công cụ để đàn áp chính trị và bắt bớ, giam giữ và kết tội những người bảo vệ nhân quyền, người bất đồng chính kiến, thành viên của các nhóm tôn giáo, dân tộc thiểu số và thành viên của các tổ chức phi chính phủ; và (c) đưa ra con số những người bị kết tội theo các quy định này các biện pháp được tiến hành để trả tự do cho họ.
17. Hãy cung cấp thông tin về Luật An ninh mạng mới được thông qua vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, và làm rõ sự tương thích của luật này với điều 17 và 19 của Công ước, đặc biệt là về các điều khoản (a) xác định nội dung hợp pháp và bất hợp pháp trên mạng; (b) yêu cầu các công ty từ chối dịch vụ, kiểm duyệt hay thông báo cho chính phủ về những người xuất bản nội dung bị cấm; và (c) yêu cầu các công ty lưu giữ thông tin cá nhân liên quan đến an ninh quốc gia. Hãy mô tả các biện pháp bảo vệ pháp lý để đảm bảo các quyết định ảnh hưởng đến tự biểu đạt và quyền riêng tư sẽ là đối tượng rà soát của tòa án. hãy (a) bình luận về các cáo giác rằng Internet bị giám sát chặt chẽ và cung cấp số liệu về các blog hoặc website bị chặn trong giai đoạn báo cáo và lý do chặn; và (b) giải thích chức năng và hoạt động thực tế của “các đơn vị an ninh mạng” giám sát việc công dân sử dụng internet. Hãy mô tả các bước đã tiến hành để thúc đẩy truyền thông mở và đa nguyên, bao gồm số các kênh truyền thông tư nhân hiện có. Hãy cung cấp thêm thông tin về khuôn khổ pháp lý quy định việc nhà nước kiểm soát truyền thông, bao gồm Luật Báo chí 2016, và bình luận về những cáo giác về các biện pháp xử phạt đang được áp dụng cho việc xuất bản những nội dung không được chính phủ phê duyệt.
18. Hãy bình luận về các báo cáo về các vụ việc tra tấn và đối xử tàn bạo có mục đích chính trị với những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động, bloggers, nhà báo do công an mặc thường phục hoặc các nhóm côn đồ thực hiện mà không hề bị truy xét. Hãy cung cấp thông tin chi tiết về các biện pháp cụ thể hoặc đã được đặt ra để bảo vệ người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động, các bloggers và nhà báo khỏi bạo lực, sách nhiễu và đe dọa.
19. Hãy cung cấp thêm thông tin về Nghị định 136/2007/ND-CP và bình luận về những cáo buộc rằng các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền thường xuyên bị cấm xuất cảnh theo nghị định 136. Đồng thời hãy bình luận về các cáo buộc rằng các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền bị đặt trong tình trạng thử thách hoặc giam lỏng tại nhà khi được thả khỏi nơi giam giữ để hạn chế việc đi lại của họ.
20. Hãy bình luận về những cáo giác rằng luật sư đại diện cho các nhà hoạt động, người bảo vệ nhân quyền hoặc bất kỳ vụ việc nào liên quan đến “an ninh quốc gia” bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện, bị đe dọa kỷ luật và thu hồi giấy phép, bị tước giấy phép, bị truy tố một cách sai trái dựa trên những lời buộc tội mang tính vu cáo, chẳng hạn như trốn thuế, và là đối tượng bị sách nhiễu, bị trả thù, bị tấn công thân thể, bao gồm bởi lực lượng công an, mà thủ phạm không hề bị truy xét. Hãy cung cấp thông tin chi tiết về việc đưa ra bất kỳ biện pháp bảo vệ nào để ngăn chặn sự tái diễn những hiện tượng trên, đảm bảo tính độc lập hoàn toàn của luật sư và bảo vệ họ khỏi bị trả thù.
21. Hãy cung cấp thông tin về các bước đã tiến hành để sửa đổi các quy định và thực hành làm hạn chế tự do hiệp hội, bao gồm việc xóa bỏ (a) các thủ tục đăng ký phức tạp đối với các tổ chức độc lập; và (b) những hạn chế về tổ chức hay tiến hành các hoạt động chính trị, tôn giáo hay các hoạt động khác không nhất quán với mối quan tâm của Nhà nước hoặc an ninh, quốc phòng và “khối đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam” (ĐIều 4 Nghị định 12). Hãy cung cấp thông tin về trạng thái “hội có tính chất đặc thù” có thể được biệt đãi. Hãy bình luận về những quan ngại rằng việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng và nghị định và quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài có thể đặt ra những hạn chế lớn hơn và kiểm soát hơn với hoạt động của các hiệp hội. Hãy cung cấp thông tin về số các hiệp hội trong nước hoạt động về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
22. Về đoạn 21 trong kết luận khuyến nghị trước của Ủy ban và việc chưa thông qua luật về biểu tình, hãy bình luận về các cáo giác rằng tự do hội họp vẫn bị hạn chế. Hãy mô tả nghị định 38/2005/ND-CP và các quy định liên quan rằng việc tụ tập hơn năm người phải được thông báo trước với Ủy ban Nhân dân có thẩm quyền. Hãy cung cấp số liệu về số các đơn xin phép hội họp ôn hòa và số đơn được cấp phép trong giai đoạn báo cáo. Hãy bình luận về các báo cáo rằng công nhân và các nhà hoạt động về lao động là đối tượng bị đe dọa, sách nhiễu và bắt bớ sau khi họ nêu những quan ngại về điều kiện làm việc và đồng thời báo cáo về những quy định về thiết lập công đoàn độc lập và việc bảo vệ hoạt động của công đoàn độc lập. Hãy bình luận về những cáo giác về sử dụng vũ lực quá mức và bắt bớ của nhà chức trách để giải tán các cuộc biểu tình phản đối việc lấy đất và các cuộc biểu tình liên quan đến thảm họa sinh thái từ nhà máy thép Formosa.
23. Hãy báo cáo về các biện pháp được tiến hành để (a) khuyến khích và thúc đẩy đa nguyên chính trị; (b) đảm bảo bầu cử tự do và trung thực; và (c) đảm bảo quyền ứng cử của công dân không bị phụ thuộc vào sự phê duyệt của Đảng Cộng sản Việt Nam hay của tổ chức chính trị có liên kết với đảng. Hãy cung cấp thông tin về sự tồn tại và chức năng của một ủy ban bầu cử quốc gia độc lập, hay bất kỳ cơ chế tương tự nào có trách nhiệm xem xét các tranh chấp trong bầu cử, và điều kiện để chuyển các tranh chấp đến cơ quan này. Hãy cho biết về các biện pháp nhằm giải quyết tham nhũng, đặc biệt là việc mua chuộc công chức có ảnh hưởng đến các hoạt động công và làm tổn hại đến pháp quyền, và bình luận về các cáo giác rằng các biện pháp chống tham nhũng hiện nay chỉ mang tính chọn lọc và bị sử dụng sai mục đích để nhằm đến việc hạ uy tín một số cá nhân.
24. Về đoạn 19 Kết luận khuyến nghị trước của Ủy ban, hãy bình luận về các báo cáo rằng các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn là những người nghèo nhất và chịu nhiều phân biệt đối xử dựa trên các định kiến, bị ngược đãi về tôn giáo; chịu sự đè nén với các truyền thống văn hóa của họ, bị bắt bớ tùy tiện, bị tịch thu đất đai của tổ tiên và mất nơi ở, bao gồm cho các dự án phát triển và việc xây dựng các đập thủy điện, trong nhiều trường hợp không có tham vấn trước hay không được đền bù thỏa đáng. Đồng thời hãy báo cáo về các biện pháp được đưa ra để chấm dứt việc ngược đãi người Degar/người Thượng. Hãy cung cấp thông tin về các biện pháp đã lên kế hoạch về việc thiết lập một cơ quan để giám sát có hiệu quả quyền của người dân tộc thiểu số và thông qua một văn bản pháp luật toàn diện để bảo vệ các quyền của họ.
————
Ủy ban Nhân Quyền xây dựng Danh sách các Vấn đề nêu trên dựa trên một quá trình thu thập thông tin đáng tin cậy, có cơ sở và bằng chứng rõ ràng. Sau phiên đối thoại với nhà nước kết thúc, Uỷ ban sẽ ra một văn bản chính thức, được gọi là bảng “Quan sát Kết Luận”, trong đó nêu lên từng vấn đề mà Uỷ ban thấy quan ngại và đưa ra các khuyến nghị, rồi tiếp tục giám sát quốc gia thực hiện các khuyến nghị này, rồi tiếp tục yêu cầu quốc gia báo cáo định kỳ theo thời hạn yêu cầu của Uỷ ban, thường là 4 năm/ lần.
Thực tế cho thấy nhà nước không hề tỏ ra lo ngại đối với các văn bản “Quan sát Kết luận” từ phía Uỷ ban, bởi lẽ Uỷ ban không có hành động chế tài kèm theo để buộc thực thi văn bản này, mà nhà nước lo ngại các tổ chức xhds mở các chiến dịch hành động thực thi các Quan sát Kết Luận của Uỷ ban. Nó giống như các môn phái võ lâm nhặt được quyển “bí kiếp công phu”, rồi tập luyện sử dụng nó để đánh... “anh trùm cuối”.
Những ai đã từng đọc được các Kết luận của Uỷ ban Nhân quyền họ đều ngộ ra rằng việc thực thi dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đang có một lỗ hổng vô cùng nghiêm trọng. Nó khắc họa nên một khung cảnh ảm đạm và tồi tệ về thực trạng nhân quyền tại VN. Làm sao có thể kiểm soát và xử lý được thông tin này khi nó là một văn bản chính thức của Liên Hợp Quốc được các tổ chức XHDS bắt lấy, phát tán, vận động và đấu tranh trên cơ sở nội dung của nó?
Quả thật nhà nước VN khá lúng túng trong cách xử lý khi đối diện với vấn đề này. Trong bối cảnh này, nếu có lời tham vấn cho nhà nước, tôi thẳng thắn nói rằng, có 2 phương án: Một là, rút ra khỏi Công ước, nghỉ chơi với nó để không còn bị ràng buộc; hoặc hai là, chấp nhận cuộc chơi thì phải nghiêm chỉnh tuân thủ Luật của nó.
Về phương án 1: Khi tiến hành phiên đối thoại, đại diện nhà nước VN cứ đập bàn, chỉ thẳng mặt vào các thành viên của Uỷ ban Nhân quyền mà bảo: “nếu các vị tiếp tục sử dụng những thông tin sai trái và xuyên tạc về tình hình nhân quyền VN thì chúng tôi sẽ rút tên ra khỏi Công ước, sẽ chấm dứt quan hệ và sự ràng buộc với quý vị”. Dọa trước nếu không thay đổi thì hành động luôn. Có thể làm như cách Hoa Kỳ đã làm khi rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ cách đây thấy tháng. Rút ra rồi khỏi phải nghe những lời chói tai, khỏi phải báo cáo báo kiết gì nữa cho mệt. Cũng chẳng có thiệt hại gì, cùng lắm nghe vài tiếng chỉ trích rồi sẽ chóng phai.
Phương án 2: Khi chấp nhận vẫn là thành viên Công ước thì phải tuân thủ và thi hành Luật của nó. Phải thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các Quan sát Kết luận của Uỷ ban. Vì nó là lời giải, là sự tư vấn để quốc gia đi vào tương lai trong sự tiến bộ, thịnh vượng cùng nhân loại. Chống chế hoặc đối phó với nó chỉ đưa đất nước vào sự sa lầy trong những tội ác và bất ổn, mang đến các hậu quả có thể dự báo được.
———-
Bản gốc Danh sách vấn đề của Uỷ ban Nhân quyền (tiếng Anh):
https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/TBSearch.aspx?Lang=En&CountryID=192
Xem bảng dịch tiếng Việt do Không gian Nhân quyền thực hiện:
http://hrs.org.vn/wp-content/uploads/2018/08/CCPR_C_VNM_Q_3_VN-1.rtf
Ảnh: giấc mơ tương lai
Không có nhận xét nào