[CITIZENSHIP - QUỐC TỊCH, GIÁ TRỊ CÔNG DÂN] Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao khi một công dân Mỹ bị bỏ tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Mỹ tìm đủ mọi...
[CITIZENSHIP - QUỐC TỊCH, GIÁ TRỊ CÔNG DÂN] Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao khi một công dân Mỹ bị bỏ tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Mỹ tìm đủ mọi cách để gây áp lực ép họ phải thả; khi một người Anh gặp nạn, chính phủ Anh tìm mọi cách để giải cứu; khi một công dân Israel bị sát hại, họ tìm đủ mọi cách để bắt tên sát nhân; hay khi một người Úc bị ngược đãi ở một nước khác, chính phủ Úc lại làm hết sức để can thiệp?
Đó là giá trị công dân thông qua cái gọi là Quốc Tịch. Nó không chỉ là một khái niệm để xác minh bạn từ đâu tới, nói tiếng gì hay là người của xứ nào - mà nó còn thể hiện giá trị của quốc gia đó.
Ngày xưa thời La Mã Cổ Đại (Ancient Rome, Rome), các quốc gia khác không hề có khái niệm này. Rome không phải là thành phố đầu tiên hay quốc gia duy nhất áp dụng nguyên lý này, nhưng chính Rome đã đưa giá trị Quốc Tịch lên tầm cao mới.
Rome bắt đầu là một cái làng siêu nhỏ ở bên sông Tiber. Vì cần tăng dân số, nên họ đã tìm mọi cách để chiêu mộ người dân từ tứ xứ tới để lập nghiệp. Khác với các quốc gia khác khi đã đánh bại đối thủ, thay vì tiêu diệt thì Rome lại tìm cách kết nạp họ vào lý tưởng của Rome. Nghĩa là biến họ từ kẻ thù thành người dân của Rome thông qua khái niệm Quốc Tịch (Civitas).
Đây là bước tiến vượt thời đại vào thời điểm đó. Hy Lạp, Ai Cập hay Ba Tư cũng không hề có quan niệm này. Để được làm và coi là người Hy Lạp, bạn phải được sinh ra là người Hy Lạp. Để được đối xử như một người Ai Cập, bạn phải sinh ra là người ai cập. Một người nước ngoài không thể tự tham gia, đóng góp rồi được trao quốc tịch. Nhưng với Rome thì khác. Tuy vẫn có nhiều rào cảm và quy định, nhưng nếu bạn hy sinh và đóng góp cho Đế Chế, cho dù bạn là ai hay từ đâu tới, một khi đã nhận được quốc tịch, bạn trở thành một công dân của Đế Chế Rome.
Khi bạn là một công dân Rome, bạn không chỉ là một cá nhân, mà là một thành viên của một đại gia đình. Khi mang trong mình quốc tịch Rome, bạn đang đại diện cho một đế chế và được bảo vệ bằng sức mạnh của nó. Rome đã siêu thành công trong việc phát triển dựa trên nền tảng này. Công dân Rome đi đến đâu thì biên giới Rome đi tới đó. Bất cứ nơi đâu có dòng chữ SPQR và binh sĩ Legion thì đó là danh dự và sức mạnh của Đế Chế Rome.
Khi một công dân Rome bị tấn công, thì đó là sự tấn công đến cả tập thể. Khi một binh sĩ hay đoàn quân Rome bị sát hại, thì đó là sự sỉ nhục cho cả một đế chế. Quốc tịch là danh dự, là giá trị, và phải được bảo vệ cho tới cùng. Uy tín và sức mạnh của Rome được thể hiện qua cách họ bảo vệ công dân của mình. Đó là tại sao Rome luôn thu hút nhân tài và phát triển. Vì người ta biết rằng nếu đóng góp cho Rome, Rome sẽ bảo vệ họ.
Đó là giá trị của Quốc Tịch. Đó là tại sao khi một người Mỹ, Úc, Đức hay Anh gặp nạn thì chính phủ họ tìm đủ mọi cách để giải cứu. Vì công dân đó không chỉ là một cá nhân mà là danh dự quốc gia. Giá trị của SPQR vẫn còn tồn tại cho tới bây giờ.
PS: Hãy nhìn và coi lại giá trị quốc tịch Việt Nam. Khi người Việt bị ngược đãi, bóc lột hay giết hại thì chính phủ Việt Nam đã làm gì hay ở đâu? Danh dự quốc gia lúc đó mang nghĩa lý gì?
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào