Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGUYỄN TUÂN VIẾT GÌ VỀ JOHN MAcCAIN 51 NĂM VỀ TRƯỚC?

Thượng nghị sĩ Mỹ John MacCain vừa qua đời ở tuổi 82 (81) vì bạo bệnh. Một cựu quân nhân, và một chính trị gia suốt cuộc đời có những “duyên...

Thượng nghị sĩ Mỹ John MacCain vừa qua đời ở tuổi 82 (81) vì bạo bệnh. Một cựu quân nhân, và một chính trị gia suốt cuộc đời có những “duyên nợ” đặc biệt với Việt Nam.

Báo chí trong nước lập tức có nhiều bài viết về “người bạn lớn” thời hậu chiến, người có công lớn bậc nhất trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.
Trưa nay, lần mò lục sách đọc lại Nguyễn Tuân với bút ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” (viết dịp Noel năm 1967).
Một bút ký dài tới 28 trang sách khổ 13x19, như là một tác phẩm đặc biệt “dành riêng” cho viên phi công J. MacCain. Ngày 26/10/1067 (1967), Thiếu tá phi công Hạm đội VII Mỹ John MacCain bị bắn hạ phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch - Hà Nội. (phải đến sau Hiệp định Paris 1973 J. MacCain mới được trao trả về nước).
Bút ký của Nguyễn Tuân viết vào thời điểm J. MacCain vừa bị bắt, đang điều trị vết thương. Sinh năm 1936, lúc đó J. MaCain 31 tuổi. Còn Nguyễn Tuân đã 57 tuổi (sinh năm 1910).
Cuộc đối thoại bên giường bệnh giữa cây bút ký “con cưng chế độ” Nguyễn Tuân với viên phi công Mỹ, sau gần 51 năm, nay đọc lại, thấy gợn, thấy gai những cảm giác nhột nhạt, khó tả…
Lục trên mạng chưa thấy ở đâu đăng bút ký này, bèn ngồi gõ ra những trích đoạn, như một cách lưu tư liệu. Để tự mỗi người nhìn nhận, đánh giá …
Xin vĩnh biệt ông, John MacCain !
26.8.2018
O Trần Tuấn
“Vậy là ngày Chúa nhật 19-11-67 cả miền Bắc hạ 17 máy bay Mỹ. Riêng Hà Nội bắn rơi những 12 chiếc. Đây là một vẻ đẹp tân thời của người Hà Nội, của trời Hà Nội, của đất Hà Nội, của nước hồ Hà Nội”.
“Tôi gặp thằng (quan tư) Mích Kên tại một nhà thương, - tôi không muốn dùng chữ bệnh viện (…) Trên chiếc giường sắt sơn trắng, trên đệm trắng của nhà thương, thẳng cẳng nằm dài một người cứng đờ cánh tay (…) Giữa cái thế giới bệch bạch lôm lốp ấy, lờ đờ một đôi mắt nhiều lòng trắng và rậm lông mày. Với một bộ râu xồm đen kịt (…) Mích Kên cũng không to lắm, không cao lắm, bàn tay không vạm vỡ lắm, ngón tay không dài lắm, nhưng vẫn đủ để ấn tên lửa và cắt bom…”
“Bác sĩ dặn khẽ tôi là thằng quan tư Mích Kên này còn mệt, cần cho nó an dưỡng, nên bớt cho nó những câu hỏi hóc búa, chưa nên cho nó phải động não suy nghĩ nhiều. Thế này là chệch mất kế hoạch của tôi định hỏi chuyện thằng Kên rồi. Bởi vì trong chuyến gặp này tôi đinh ninh rằng thế nào cũng phải quăng được vào giữa mặt thằng giặc bay kia một cái sự thực này: “Cả lò nhà mày, cả họ nhà mày, đúng là một bọn ăn cướp nhà nghề. Một bọn kẻ cướp biển chuyên nghề. Ông nội mày đã từng làm đô đốc ở Thái Bình Dương. Bố mày hiện giờ là đô đốc ở Đại Tây Dương. Còn nhà ngươi thì làm thiếu tá phi công hải quân của hạm đội VII. Gia phả nhà anh thật không còn nghi ngờ gì, quả là một cái truyền thống đi ăn cướp biển đã ba đời”. Tôn trọng lời dặn của bác sĩ, tôi đành tạm cất đi mấy câu đó. Lại phải tìm một câu khác một cách khác để vào chuyện với thằng quan tư Kên phạm tội ác đánh phá nhà máy nhiệt điện Hà Nội trưa ngày 26 tháng mười 1967 (…). 
- “Xin ông một điếu thuốc lá!”, Mích Kên nói bằng tiếng Pháp. Tôi cắm một điếu thuốc Điện Biên vào mồm thằng giặc. Nó cám ơn. Tôi bật diêm châm vào mặt nó, nó nghển nghển đầu xin cám ơn. Tôi đặt cái gạt tàn thuốc lá lên ngực nó đầy lông rậm…
- “Xin ông một điếu thuốc!”. Tôi lại cắm điều thuốc Điện Biên thứ hai vào mồm thằng tư Kên con tên đô đốc Đại Tây Dương và cháu nội tên đô đốc Thái Bình Dương …
- “Vâng, thưa ông tôi bay trên miền Bắc tất cả là 23 lần. Ở miền Nam thì chưa được bay lần nào. Tôi có bay và có đánh vào Hải Phòng 6 lần. Tôi chỉ huy một phi đội hai chiếc A4 cường kích. Đó là lần đầu tôi đánh Hà Nội”.
- “Anh đánh vào nhà máy điện trung ương Hà Nội mà lúc này, đèn điện vẫn cháy đều trên đầu giường bệnh của anh, thì anh có cảm giác gì?”. - “Thưa ông tôi không buồn mà cũng không vui. Tôi chỉ mong chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc để tôi được tha về… Xin ông một điếu thuốc!”
“Viên quan tư tù Mỹ định đánh vỗ mặt vào ánh sáng Hà Nội… Ánh sáng Hà Nội không bao giờ tắt … Không còn nghi ngờ gì nữa, thằng này là hung thần Bóng Tối kẻ thù số một của Ánh Sáng”. “Tôi hỏi cái Bóng Tối Hoa Kỳ ấy: - Nếu trong tình hình nào đó mà được trở về Hoa Kỳ thì người quan tư tàu bay Hoa Kỳ sẽ làm nghề gì?” “ - Tôi sẽ viết sách (…) Tôi sẽ viết về châu Âu, những kỷ niệm mấy năm vừa rồi của tôi ở châu Âu”. “ – Tại sao không muốn viết về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam?” “ – Vì tôi cho rằng tôi chưa hiểu gì lắm về Việt Nam. Vì tôi nghĩ rằng tôi cũng chưa hiểu gì lắm về chiến tranh”.
“Thưa đồng chí bác sĩ quân y có lẽ vẫn đang đi ở hành lang ngoài cửa phòng bệnh này, hẳn đồng chí đã nghe rõ thằng quan tư Kên nó trả lời tôi một cách khốn nạn như thế đó! Bác sĩ bảo tôi đừng dồn nó, khá nên gượng nhẹ cho nhiệt độ nó tim mạch nó, nhưng nó nói như thế mà im sao được?”.
 Còn đây là đoạn hai người trao đổi về sách
– Anh thích tác giả nào?”, Nguyễn Tuân hỏi
– Thường là Xít Tanh Bếch, Hê Minh Uê. Xít Tanh Bếch viết những cuốn trước đây hay hơn những cuốn sau này. Ông hỏi tại sao Xít Tanh Bếch sau này viết kém đi, tôi cho là tại sau này già rồi nên cỗi”
- Không phải thế đâu, Xít Tanh Bếch đổ đốn ra, viết lách tồi tệ đi vì đã lẫn mất phương hướng sự thật lịch sử rồi. Nhân danh cái gì mà Xít Tanh Bếch vẫn còn khư khư treo giữ tấm bằng của giải thưởng Nô Ben? Thật là một sự buồn cũng rất bi đát kiểu Hoa Kỳ khi mà một giải Nô Ben của Thụy Điển hòa bình làm ăn lại hăng say tuyên truyền cho chiến tranh xâm lược của Mỹ. Tại sao người ta chưa thu hồi một cái bằng sắc đã trao nhầm cho Xít Tanh Bếch – một tên hiếu chiến ca ngợi sự giết choc của xâm lược Mỹ nay đã lộ nguyên hình?”
– Thưa ông, còn như Hê Minh Uê thì tôi rất thích. Ông bảo ông cũng thích Hê Minh Uê, thế tôi xin phép hỏi ông tại sao Hê Minh Uê lại tự tử?.
– Tôi cũng chưa hiểu rõ về những nguyên nhân sâu xa …. Nhưng tôi có thể biết chắc một điều này. Là cái người Mỹ tốt Hê Minh Uê đó mà còn sống thì ông ta sẽ bảo thẳng anh rằng ông ta không thích anh đâu, mặc dù anh vẫn khăng khăng thích Hê Minh Uê vì một sự thời thượng a dua nào đó…”.
- Mích Kên: “Ý định viết sách ở tôi, thưa ông, cũng mới là thoáng nẩy ra như thế thôi. Có lẽ sau này tôi sẽ đi làm quản lý ở một công ty nào đó. Tôi có một vợ và ba con. Thưa ông, tôi là một người đang thấy cần phải có hòa bình và mong chiến tranh kết thúc. Tôi còn là một người không muốn làm những gì có thể hại đến thanh danh gia đình tôi”.
- Nguyễn Tuân: “Thế này thì, bác sĩ ạ, tôi đành bỏ dở câu chuyện nói chưa hết với thằng Kên. Chỉ nghe nó nói thêm một câu một chữ nữa về “thanh danh gia đình” nhà nó là tôi có thể xung thiên lên rồi… Thằng giặc Kên này lại bàn về thanh danh gia đình của một gia đình ba đời ăn cướp bể! Tôi đã ra về và không quên vứt lên ngực thằng giặc bay Kên cả chỗ thuốc lá còn lại”.
Cuối bài bút ký này, Nguyễn Tuân kể: Nhà báo Pháp Francois Chalais – đặc phái viên Đài vô tuyến truyền hình Pháp cũng từng được vào bệnh viện gặp John MacCain. Francois Chalais nói với MacCain “Nếu anh có điều gì cần nhắn về gia đình thì tôi sẽ cho ghi luôn vào băng và chuyển hộ”.
“Sau khi nó trả lời một số câu, đến mục nhắn tin gia đình thì thằng Kên bỗng khóc nấc lên. Băng ri-coóc-đơ quay quay mãi không biết cơ man nào là vòng nhựa rồi, mà thằng Kên vãn nghẹn lời, vẫn chưa buột ra được thành tiếng, vẫn chỉ có khóc. Hình như đặc phái viên vô tuyến truyền hình Pháp dành hẳn 7 phút cho hắn nhắn tin về nhà, thế mà cả 7 phút quý báu đó, cái thằng quan tư khốn nạn ấy chỉ nói được vẻn vẹn có mỗi một câu. Nó gọi tên vợ nó và thêm vào: “…em ơi, rồi anh sẽ khỏi…”.
“Khỏi, khỏi cái gì, khỏi cái bệnh bá đạo Mỹ, khỏi cái chết xâm lược thực dân mới, khỏi cái nọc phát xít, khỏi, bứt khỏi cái nghề giặc bay, khỏi cái tự tôn mặc cảm Hoa Kỳ, hay là khỏi cái gì?”
o (Bút ký “Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào” - Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 3, NXB Văn học năm 1998 - từ trang 51 – 79)

(Chia sẻ từ Fb Trần Tuấn (ma thuật ngón) Hà Nội

Không có nhận xét nào