Thị trường dầu thời gian qua có những biến động khó lường, tuy nhiên xu hướng tăng vẫn là chủ đạo. So với đầu năm, giá dầu hiện đã tăng hơn ...
Thị trường dầu thời gian qua có những biến động khó lường, tuy nhiên xu hướng tăng vẫn là chủ đạo. So với đầu năm, giá dầu hiện đã tăng hơn 11,5%, thậm chí đầu tháng 7 có mức tăng hơn 23%. Với dự báo nguồn cung có thể thiếu hụt trong thời gian tới, các dự báo đều nghiêng về hướng thị trường "vàng đen" sẽ còn tiếp tục leo cao.
Chặn nguồn cung của Nga và Iran
Nguồn cung thiếu hụt thứ nhất đến từ Iran. Ngày 6/8, sau khi Tổng thống Iran - Hassan Rouhani - bác bỏ đề xuất đàm phán của Mỹ về vấn đề hạt nhân, chỉ vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran ở một loạt lĩnh vực, trong đó, đặc biệt thực thi các chính sách cấm vận nặng nề hơn nhắm vào ngành dầu mỏ nước này.
Theo đó, Mỹ đã tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran từ ngày 7/8, nhằm không cho Iran mua USD; đồng thời chặn giao thương về kim loại, than, phần mềm công nghiệp và ô tô của nước này với các quốc gia khác. Lệnh trừng phạt ngặt nghèo hơn nhằm vào ngành dầu lửa của Iran sẽ được Mỹ tiếp tục triển khai vào tháng 11 tới.
Gần đây, Washington đã đề nghị các quốc gia cắt giảm nhập khẩu dầu lửa của Iran về mức "0" trước ngày 4/11, nếu không sẽ chịu sự trừng phạt của Mỹ. Với các biện pháp trừng phạt cứng rắn, Chính phủ Mỹ khẳng định sẽ triệt tiêu nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, điều mà giới chức Iran xem như một cuộc chiến tranh kinh tế.
Đồng riyal của Iran thời gian qua đã giảm đến 40%, xuống mức thấp nhất so với đồng USD, khiến nhiều người Iran rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng và mua USD vì sợ đồng riyal suy giảm hơn nữa.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 2 trên thế giới, sau Saudi Arabia. Với việc cấm xuất khẩu một số mặt hàng và công nghệ "nhạy cảm" của Mỹ sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này, tất yếu sẽ ảnh hưởng lên các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga vì ngành công nghiệp 11 triệu thùng/ngày phụ thuộc rất nhiều vào các trang thiết bị lọc dầu ở nước ngoài.
Thu lợi cho nước Mỹ
Việc Mỹ trừng phạt Iran và Nga còn nhằm mục tiêu tranh giành thị phần xuất khẩu của 2 nước này, khi mà ngành khai thác dầu khí đá phiến của Mỹ đang phát triển hơn bao giờ hết. Đặc biệt là với giá dầu tăng cao như hiện nay đã đảm bảo mức độ sinh lời cho các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ, cùng với việc gây ra nguồn cung thiếu hụt từ các quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn thì Mỹ có khả năng thao túng giá dầu để đẩy giá lên cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho những doanh nghiệp nước này.
Không chỉ đối mặt nguồn cung thiếu hụt từ Iran hay Nga, Venezuela - quốc gia từng xếp vị trí thứ 8 trong số 10 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng đang tiếp tục đối mặt với muôn vàn khó khăn. Sau khi nền kinh tế sụp đổ, chi phí để duy trì việc khai thác dầu thô không còn được đảm bảo, thì mới đây Tổng thống Maduro vừa trải qua một vụ ám sát, dù may mắn thoát chết nhưng cũng đã gây ra sự rúng động tại quốc gia này và cho thấy thực trạng kinh tế - xã hội Venezuela vẫn chìm trong khủng hoảng.
Theo dự báo mới nhất, giá dầu có thể sớm vượt ngưỡng 80 USD/thùng hoặc thậm chí là 90 USD/thùng trước hành động tái trừng phạt Iran của Mỹ. Cụ thể, Morgan Stanley dự báo sản lượng dầu của Iran - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba của OPEC, đến quý IV/2018 sẽ giảm 1 triệu thùng/ngày, còn 2,7 triệu thùng/ngày, trong khi một báo cáo tuần trước cho thấy sản lượng khai thác của Saudi Arabia trong tháng 7 giảm 200.000 thùng so với tháng 6.
Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tăng trưởng tốt, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ tại các quốc gia phát triển, theo đó nhu cầu dầu vẫn ngày càng tăng, trong khi nguồn cung đứng trước nguy cơ thiếu hụt sẽ gây ra sự mất cân bằng trong thị trường tài sản truyền thống này.
Cùng với việc Mỹ ngày càng trở thành nhà cung cấp dầu cho thế giới thông qua công nghệ khai thác dầu đá phiến, trong khi những đối thủ lâu đời như Nga, Iran hay Venezuela hoặc đang trong khủng hoảng hoặc bị cấm vận, còn những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu khác là đồng minh của Mỹ thì việc thao túng giá trong thị trường này đang dễ dàng hơn bao giờ hết.
Với giá dầu đã từng hơn 110 USD/thùng, giới đầu tư vào loại tài sản này kỳ vọng sẽ sớm lên lại các mốc cao kỷ lục trước đây. Và với một vị tổng thống khó lường như Trump không ngại áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên các quốc gia đối thủ, thì giá "vàng đen" đang có cơ hội để quay trở lại "ngưỡng cửa thiên đường".
Therealrtz
Không có nhận xét nào