Tham vọng làm suy yếu lợi thế công nghệ của Mỹ và châu Âu, đồng thời thống trị thế giới về công nghệ và trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc đã dùng...
Tham vọng làm suy yếu lợi thế công nghệ của Mỹ và châu Âu, đồng thời thống trị thế giới về công nghệ và trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc đã dùng những chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài người Hoa chủ yếu là từ Mỹ và châu Âu, đồng thời tìm mọi cách, bằng mọi thủ đoạn hợp pháp và bất hợp pháp để mua bán, chiếm đoạt công nghệ tiên tiến ở khắp nơi trên thế giới. Kể cả trong những lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật đặc biệt cao, liên quan trực tiếp đến quân sự và quốc phòng.
Trung Quốc dùng tiền mua “phần cứng” và trí tuệ nhân tạo
Người Trung Quốc tiến hành chính sách này trước hết là ở Mỹ và ngay chính Trung Quốc. Bắt đầu bằng việc gài điều khoản “chuyển giao công nghệ bắt buộc” vào các hợp đồng đầu tư của các Công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Tiếp theo là tìm mọi cách xâm nhập vào thị trường công nghệ cao của Mỹ và Châu Âu để mua “lúa non” công nghệ cao.
Một ví dụ điển hình về sự quan tâm của Trung Quốc đối với các Cty công nghệ khởi nghiệp Mỹ, là trường hợp Cty Neurala, một Cty khời nghiệp chuyên nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (Al). Không quân Mỹ đã từng liên hệ với Neurala để nhờ Cty này hỗ trợ trong việc chế tạo các robot quân sự. Nhưng họ lại không muốn tài trợ cho việc hợp tác. Kết quả là cuối cùng, Neurala đã nhận được kinh phí nghiên cứu từ một Cty đầu tư Trung Quốc. Đó lại là một Cty được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ.
Trung Quốc trong những năm gần đây, đã tích cực đầu tư vào các Cty công nghệ khởi nghiệp ở Mỹ. Những Cty đang làm việc trong những lĩnh vực động cơ tên lửa, cảm biến cho drone hải quân, kỹ thuật điện tử mềm cho máy bay, robot và trí tuệ nhân tạo. Điều này gây ra mối quan ngại sâu sắc ở Washington. Vì việc sở hữu các công nghệ như vậy, cho phép thúc đẩy nhanh sự phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc. Một đối thủ cạnh tranh quân sự của Mỹ.
James Lewis, đại diện của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, nhận định: "Lý do để lo ngại, xuất phát từ thực tế Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh quân sự. Các nhà đầu tư Trung Quốc có thể tìm cách tác động vào các Cty khởi nghiệp để họ thiết lập những mối quan hệ hữu ích cho Trung Quốc, với các công ty khác. Bằng cách này, người Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các quyết định về việc cấp giấy phép và những vấn đề sở hữu trí tuệ. Chưa kể đến việc các nhà đầu tư Trung Quốc luôn có quyền tiếp cận mặc định, đến quá trình sáng tạo và áp dụng công nghệ mới, đến các chương trình máy tính.
Người Mỹ lưu ý rằng, người Trung Quốc rất quan tâm đến những Cty khởi nghiệp làm việc với “phần cứng”, chứ không phải những Cty phát triển phần mềm hoặc ứng dụng của điện thoại di động. Người Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở bất cứ dự án nào, nơi các nhà đầu tư khác rút lui. Họ thường sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào “phần cứng”. Theo đại diện của Cty Neurala, ở Mỹ rất khó để tìm kinh phí, cho những dự án khởi nghiệp kiểu như vậy.
Một trong những chiến thuật ưa thích của các nhà đầu tư Trung Quốc là họ khuyến khích các Cty công nghệ khởi nghiệp Mỹ do họ đầu tư, mua lại công nghệ của những Cty Mỹ khác. Đặc biệt là những Cty vốn không hề biết rằng công nghệ của họ được mua bằng tiền Trung Quốc. Cũng như về vai trò đằng sau của những nhà đầu tư Trung Quốc.
CB Insights thông báo rằng vào năm 2015, chỉ riêng trong Thung lũng Silicon, Trung Quốc đã đầu tư 9,9 tỷ USD vào các Cty công nghệ khởi nghiệp Mỹ. Một số tiền gấp bốn lần so với một năm trước đó. Còn theo tờ The New York Times, các nhà đầu tư Trung Quốc được Bắc Kinh hỗ trợ, đang cố gắng thuê những đại diện người Mỹ của mình ở Thung lũng Silicon giúp họ mua công nghệ ngay trong trái tim đổi mới sáng tạo của nước Mỹ.
Thông thường, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào những công nghệ có khả năng thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh trong tương lai. Chẳng hạn, như drone, robot và trí tuệ nhân tạo. Theo thông báo từ Defense Group, Trung Quốc nhận thấy rằng Quân đội Mỹ ngày càng dựa nhiều vào các yếu tố này. Nghĩa là Trung Quốc cũng cần có công nghệ trong những lĩnh vực nói trên, để chống lại người Mỹ.
Mỹ ngăn chặn rò rỉ công nghệ
Trong cuộc chiến chống rò rỉ công nghệ, người ta đề xuất trao những quyền hạn lớn hơn cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ để ủy ban này, trong những giao dịch với các quỹ và Cty Trung Quốc, có điều kiện đánh giá đúng tiềm năng đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ, các ủy ban này thường chủ yếu là theo dõi các giao dịch lớn.
Trong khi đó, người Trung Quốc hay tìm cách đầu tư ngay từ giai đoạn đầu, vào những công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ. Vì vậy, các giao dịch nhỏ này, dễ dàng trôi qua bên dưới tầm radar của các cơ quan kiểm soát.
Đồng thời, cũng trong năm 2015, Lầu Năm Góc đã thiết lập một Đơn vị thử nghiệm, chuyên trách theo dõi đổi mới công nghệ quốc phòng. Có chức năng giúp xác định những Cty khởi nghiệp công nghệ, có nhiều triển vọng để đầu tư.
Tham vọng thâu tóm công nghệ châu Âu
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thâu tóm các công nghệ của Mỹ từ lâu đã không còn là một điều bất ngờ. Trong năm 2016, hàng loạt những hoạt động tương tự của Trung Quốc ở châu Âu, cũng đã được công bố.
Chẳng hạn tháng 05/2016, Cty Aixtron Liên bang Đức, nhà sản xuất thiết bị chuyên dụng cho việc chế tạo chip điện tử, đã chấp nhận đề nghị mua Cty từ Quỹ đầu tư Chip Grand Fujian Trung Quốc. Nhưng vào tháng 10/2016, Bộ Kinh tế Đức cho biết quyết định này đã bị Chính phủ Đức hủy bỏ.
Theo báo Handelsblatt nước Đức, việc hủy bỏ quyết định bán Cty này, xảy ra sau khi các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo người Đức, rằng các công nghệ của Cty Aixtron, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo tổ chức Ernst & Young, khối lượng giao dịch do các nhà đầu tư Trung Quốc tiến hành ở Đức, trong nửa đầu năm 2016, lên đến 10,8 tỷ đô la. Nếu tính đến ngày 31/10/ 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua tổng cộng 58 Cty Đức (nhiều hơn 19 Cty, so với 2015). Giao dịch đình đám nhất, là việc Tập đoàn Midea Group Trung Quốc mua lại với giá 4,6 tỷ euro, cổ phần kiểm soát của Kuka - nhà sản xuất robot công nghiệp then chốt nước Đức.
"Ở châu Âu, hoàn toàn thiếu vắng những suy nghĩ chiến lược về đầu tư nước ngoài. Một khi thỏa thuận giao dịch có ý nghĩa xét về phương diện kinh tế, lập tức nó được phê duyệt và cho phép. Đây là một điều rất sai lầm". Ông Marcus Ferber, thành viên Nghị viện Châu Âu than phiền.
“Huyền thoại” về một Trung Quốc lạc hậu
David Dodwell trong chuyên mục bình luận của mình trên South China Morning Post đã nhận xét, rằng sự khác biệt chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc, là nước Mỹ do các luật sư cai trị. Trong khi người cai trị Trung Quốc là các kỹ sư. Và Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì mới, mà các nước phát triển khác sẽ không làm.
Chương trình sáng kiến Trung Quốc "Made in China 2025", được vay mượn đến 40% từ Quan niệm "Công nghiệp 4.0" của Đức. Nhưng tốc độ và hiệu quả việc triển khai thực hiện chính sách tự cung tự cấp công nghệ thì thật tuyệt vời. Thanh toán điện tử thông qua điện thoại thông minh, được sử dụng rộng rãi. Năm 2020, mạng 5G sẽ bao phủ toàn Trung Quốc.
Việc tiếp cận siêu máy tính và drone là phổ biến. Các bằng sáng chế nội địa Trung Quốc hiện đang tăng trưởng chưa từng có. Ngoài ra, là kỹ thuật in 3D mạch máu từ tế bào gốc, cũng như kính thiên văn radio. Trọng tâm phát triển đất nước được đặt vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trong những lĩnh vực khoa học chính xác.
Danh sách những thành tựu của Trung Quốc từ những năm 2000, về phát triển và ứng dụng công nghệ, có thể tiếp tục rất dài.
Trong khi giới tinh hoa Mỹ bắt đầu lo sợ, rằng Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ, trong việc phát triển công nghệ. Thì những người Mỹ bình thường, vẫn tiếp tục thói quen chế nhạo người Trung Quốc, như "những người chỉ có thể ăn cắp và sao chép một cách vụng về" y như cách đây 20 năm.
Những cáo buộc của Mỹ, rằng người Trung Quốc với sự hỗ trợ của nhà nước, đang cố gắng bằng mọi cách, đẩy nhanh phát triển công nghệ. Theo quan điểm của David Dodwell, là một điều rất khôi hài. Ai chẳng biết, rằng chính người Mỹ cũng luôn được nhà nước hỗ trợ, trong việc giúp các Cty công nghệ cao của mình, đạt được sự thống trị toàn cầu.
Mỹ thiệt hại từ 150 đến 240 tỷ USD do Trung Quốc ăn cắp công nghệ
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ chống Trung Quốc do Tổng thống Trump phát động ngày 06/07/2017, được tuyên bố chính thức là nhằm chống lại việc Trung Quốc, từ lâu và một cách hệ thống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng những số liệu cụ thể chưa được công bố. Hôm nay, chúng tôi xin phép bổ xung những số liệu này.
Theo thông báo mới đây của Bộ Thương mại Mỹ, sở hữu trí tuệ trong năm 2014 đã tạo ra 6.600 tỷ USD giá trị gia tăng, chiếm gần 50% GDP của đất nước. Lĩnh vực này tạo công ăn việc làm cho 48 triệu công dân Mỹ và góp hơn 800 tỷ USD xuất khẩu.
Qua những dữ liệu này, có thể dễ dàng thấy rằng, vấn đề bảo hộ bản quyền và bằng sáng chế là quan trọng sống còn đối với người Mỹ. Và Trung Quốc trong vấn đề này là "đối thủ chính." Theo Ủy ban chống hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Mỗi năm thiệt hại kinh tế Mỹ, do những hành vi trộm cắp công nghệ ước tính khoảng 300 tỷ USD. Trong đó phần thiệt hại của kinh tế Mỹ do Trung Quốc gây ra, được đánh giá là từ 150 tỷ USD đến 240 tỷ USD.
Chính sách lôi kéo nhân tài của Trung Quốc
Kể từ năm 2012, đã có hơn 2.5 triệu sinh viên du học ở nước ngoài, quay về Trung Quốc. Riêng năm 2016, tổng số người được quay về là 432 nghìn, nhiều hơn 58% so với năm 2012. Để thu hút được nhân tài trong số du học sinh, Trung Quốc đã thi hành một số chính sách khuyến khích đặc biệt. Bắt đầu từ 2008, Bắc Kinh đã thực hiện chương trình thu hút nhân tài với tên gọi "1000 nhân tài (đến 2017 con số thực tế đã hơn 7000), bao gồm những chuyên gia giỏi nhất.
Những chuyên gia này được cấp một gói hỗ trợ nghiên cứu (grant) trị giá 317 nghìn USD, và một khoản chi phí cá nhân gần 80 nghìn USD. Ngoài ra, chi phí nhà ở và y tế do nhà nước trả. Họ cũng có mức lương khá cao và được thưởng hậu hĩnh. Khi có công bố khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín hệ ISI, hoặc bằng sáng chế quốc tế. Đồng thời, có rất nhiều chương trình tương tự khác, ở trung tâm và địa phương trong mọi lĩnh vực. Làm cho việc hồi hương về Trung Quốc làm việc trở thành thuận lợi đối với du học sinh.
Năm 2017 theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (WIPO) Thụy Sĩ, trong toàn bộ đơn xin cấp bằng sáng chế trên thế giới được đệ trình xét duyệt, có 42,8% đã đăng ký ở Trung Quốc. Ở Mỹ chỉ có 19,4%. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc là 10,2%. Còn lại ở Châu Âu là 5,1%, và "phần còn lại của thế giới" là 15,8%
Trần Công Tâm
Không có nhận xét nào