Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TÌNH SỬ BI KỊCH KHÔNG GHI TRONG CÁO TRẠNG

Viết báo một thời gian dài, tôi nhận ra mình hay đi chệch hương, lạc đề tài. Cầm trong tay có lẽ đã có tới cả ngàn hồ sơ kiện tụng, tranh ch...

Viết báo một thời gian dài, tôi nhận ra mình hay đi chệch hương, lạc đề tài. Cầm trong tay có lẽ đã có tới cả ngàn hồ sơ kiện tụng, tranh chấp, khiếu nại....các kiểu, không hiểu sao cuối cùng khi viết, câu chuyện trong mắt tôi lại ra một chiều hương khác. Tôi không có khả năng tư duy kiểu quan tòa, không phán xét được ai cả, chỉ đầy nguy cơ lây nỗi đau buồn của nhân vật. Câu chuyện cũ này là một trong số những vụ việc lạc đề như thế. 

Những hân vật chính trong câu chuyện đều đã đi hết phần đời của họ. Bạn chỉ đọc thôi, đừng cmt chỉ trích hay nặng lời với ai cả nhé...
*
*   *

Cuối cùng thì công lý đã song hành cùng đạo lý. Ngaỳ 12-12- 2006, TAND TP Huế mới tổ chức được phiên phúc thẩm.  Bị đơn Nguyễn Thị Tâm được Toà tuyên “thắng”, được giữ lại nguyên vẹn mảnh đất vườn của ông bà tiên tổ. Nguyên đơn, người chồng cũ cạn tình cạn nghĩa Nguyễn Văn Nghệ được tuyên là... phải chịu toàn bộ khoản án phí. Hàng trăm người đang hồi hộp theo dõi phiên toà đã đứng bật dậy vỗ tay ào. 

Tuy thắng, bà Nguyễn Thị Tâm vẫn không vui, không tài nào vui được. Bỏ lại sau lưng sự ồn ã, gay gắt của những cuộc tranh tụng, bà lại lặng lẽ quay về đối diện với những mất mát của riêng mình. Đó là những dư vị đắng chát của một cuộc hôn nhân không ghi trong cáo trạng.

 Bà Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1941, tại xã Thuỷ Xuân, huyện Hương Trà, nay là phường Trường An, TP Huế. Nhà nghèo,  có tới 17 anh chị em. nên anh chị em nhà bà hầu như đều thất học, tất tật đều sống bằng nghề cày thuê cấy rẽ cho những gia đình giàu có...

Những năm 1960, chị Tâm được hai người bà con ở cùng xóm tên là Tôn Thất Chánh và Hồ Đăng Lương đã bỏ tiền ra thuê nhà số 125 đường Chi Lăng, nay là đường Điện Biên Phủ, TP Huế để mở quán bán cơm tháng cho sinh viên Đại học Huế. Cả hai đều là cán bộ Cách mạng hoạt động hợp pháp, góp tiền cho mở quán cho cô em họ để có chỗ tiện việc lui tới hoạt động công khai. Năm 1965, cả hai đều bị lộ. Tôn Thất Chánh bị địch bắn chết. Hồ Đăng Lương bị  bắt, đến năm 1969 thì chết trong tù.
Ngoài sinh viên, còn có một lính Cộng Hoà tên là Nguyễn Văn Nghệ thường xuyên ghé quán. Mục tiêu của anh lính chính là cô chủ hiền lành chất phác. Đầu cua, trán bóng, cử chỉ  thô lỗ sặc mùi lính tẩy của anh ta khiến chị Tâm ghét cay ghét đắng. Bao nhiêu lời bóng bẩy xa gần lẫn quà cáp làm thân của anh lính, cô đều trả lại hết, dứt khoát không nhận. 

Nhưng cũng không thoát. Hai giờ sáng một đêm tối trời, khi cô Tâm chỉ còn một mình đang lui hui dọn hàng nấu cơm sáng thì gã lính xuất hiện. Người quen nên chó không sủa, cô đã trở thành người đàn bà của gã lính tẩy. Không chồng mà chửa, đời người đàn bà coi như bất hạnh cầm tay. Dù muốn hay không thì khi cái thai đã lùm lùm hơn 5 tháng, cô Tâm cũng đành phải bằng lòng làm vợ anh lính Nguyễn Văn Nghệ và tiếp tục sống trong căn nhà thuê ở đường Chi Lăng. Hai đứa con của họ lần lượt ra đời: Nguyễn Thị Kim Đính sinh cuối năm 1965 và Nguyễn Văn Hùng sinh tháng 1 – 1968.

Tiếng súng giao tranh Tết Mậu Thân vừa nổ thì trung sĩ Công binh sư đoàn 1 kiêm  chuyên viên tâm lý chiến quân đội Sài Gòn Nguyễn Văn Nghệ mất tích. Phan Phúc, một người cháu gọi chị Tâm bằng dì ruột làm du kích cũng bị nguỵ quyền phát hiện và bắn chết. Ngôi từ đường, nơi mẹ đẻ của chị đang sinh sống cbị lính đốt trụi. Ông cụ thân sinh mất đã lâu, thương người mẹ sống một mình vò võ trong khi bản thân thì chồng đang mất tích, chị Tâm đã rời nhà trọ, ôm con về vườn cũ dựng một mái nhà tranh sống chung với mẹ. Ngày 28 –11-1969 chính quyền Sài Gòn đã gửi giấy báo tử cho chị, xác nhận trung sĩ Nguyễn Văn Nghệ đã tử trận ngày 4-2-1968.

 Thấy vườn nhà chị Tâm rộng rãi, lại nằm gần đường, ông Nguyễn Văn Đồng, một nhà tư sản buôn bán lớn đã thuê mặt bằng làm nơi tập kết hàng. Ông buôn đủ thứ, từ xăng dầu, hàng quân tiếp vụ cho đến rượu, bia nước ngot. Để giúp đỡ mẹ con người đàn bà goá chồng, nhà buôn này đã cấp vốn, chỉ mối lái cho chị Tâm buôn bán, phần lời chị hưởng, phần vốn trả lại cho ông.

Chung nhà, chị nhận ra người đàn ông này hội tụ rất nhiều phẩm chất mà chị hằng ao ước. Là nhà buôn lớn, giàu có nhưng ông hầu như chỉ ăn cơm nhà, không hề ăn chơi nhậu nhẹt gì cả. Đến bữa, ông chỉ thích cơm với cá kho, canh rau vặt mà chị nấu giúp. Đi làm ăn xa bằng xe hơi riêng cũng cơm đùm cơm nắm, nước sôi để nguội rót vào chai mang theo, tuyệt đối không là cà hàng quán bao giờ. Chị chưa bao giờ thấy ông ồn ào to tiếng với ai. Với mẹ con chị, ông càng tỏ ra đặc biệt quan tâm, đi đâu xa chẳng bao giờ quên quà cáp mang về...Cuối cùng thì điều gì đến cũng phải đến, năm 1970 chị Tâm tái giá với ông Đồng.

 Sau ngày tái giá, thương ông Nguyễn Văn Lữ, bố đẻ của người chồng cũ đau ốm triền miên không ai chăm sóc, chị Tâm quyết định đưa ông về chung sống để chăm sóc thuốc thang. Người chồng mới Nguyễn Văn Đồng cũng không hề phản đối. Năm 1972, ông Lữ mất, bất chấp sự phản đối của nhiều người trong gia đình, không muốn an táng một người ngoại tộc trong đất vườn nhà, chị Tâm vẫn cương quyết lo cho ông Lữ một nấm mồ yên lành ngay cạnh nhà để tiện bề hương khói.  

Công việc kinh doanh của hai vợ chồng chị ngày càng phát đạt. Trên nền nhà cũ, họ dựng nên một ngôi nhà tranh năm gian. Ông Đồng có một buồng riêng hai vách, bên trong đặt một tủ lớn hai đáy. Buổi tối, ông thường vào buồng đóng kín cửa và ngồi riêng một mình hàng tiếng đồng hồ. Bằng linh cảm của một người vợ, chị Tâm biết chồng mình không đơn thuần chỉ là một nhà buôn. Nhưng việc của chồng, chỉ không bao giờ hỏi, cũng không bao giờ tự ý bước vào căn buồng riêng của chồng. Theo yêu cầu ông, chị thường xuyên cất hàng chuyến cung cấp cho những trại lính, những căn cứ quân sự mới lập trên khắp Vùng I chiến thuật. 

Một lần vào mùa hè đỏ lửa 1972, đúng khi chị Tâm đang giao cả trăm két bia cho một đơn vị quân đội Sài Gòn ở Hải Lăng, Quảng Trị thì chiến sự nổ ra. Chậm chân một bước, chỉ đã bị một mảnh đạn pháo găm vào hông. Chuyển vào Đà Nẵng điều trị, các bác sĩ khẳng định: hiện tại thì không việc gì, nhưng khi lớn tuổi, mảnh đạn nằm quá sâu trong thân thể không gắp ra được sẽ chèn dây thần kinh, chị có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại. Lúc đó, chị không mấy lưu tâm đến vết thương bình phục khá nhanh, chỉ chăm chú buôn bán nuôi con, chăm sóc chồng, tự lấy thế làm mãn nguyện. Tháng 12-1973, họ có thêm một cô con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Đan Thuý.

Sau Tết năm 1975, dường như dự cảm được điều gì hệ trọng, ông Đồng bảo vợ chỉ bán nốt sồng hàng còn lại, không nhập thểm hàng mới. Giao cho vợ một quyển vở học trò ghi dày đặc công nợ, ông bảo: “Nếu có chuyện gì xảy ra, anh không ở nhà thì em cứ thu hồi số nợ nần ấy mà nuôi con”. Quả nhiên, đúng ngày Huế giải phóng, ông biến mất. Thiên đường đổ sụp, chị Tâm đinh ninh là ông đã chết.

Bất ngờ, chỉ sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng (30-4-19750 một vài hôm, một chiếc xe jeep cắm cờ giải phóng đã đỗ xịch trước ngôi nhà 5 gian của chị. Từ trên xe, ông Đồng bước xuống trong bộ quân phục quân giải phóng với quân hàm thiếu tá.

 Thì ra, ông chính tên là Nguyễn Tuất, một cán bộ thuộc Cục nghiên cứu (Tiền thân của Tổng cục Tình báo quân đội sau này), Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam sắm vai nhà tư sản Nguyễn Văn Đồng để công khai hoạt đồng tình báo giữa lòng TP Huế. Giữa niềm hạnh phúc tột cùng vì người chồng trở về nguyên vẹn, chị Tâm đã chết lặng lòng khi nghe người ông thú thật: trước khi gặp chị, ông đã có vợ và hai con ở Hà Tĩnh. 

Kể từ đó, thỉnh thoảng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội công tác, ông Đồng mới có dịp ghé Huế thăm mẹ con chị. Thôi thì duyên phận thời loạn lạc, chị Tâm cũng đành chấp nhận. Dù ngắn ngủi, cuộc đời chị cũng đã có những tháng ngày êm đềm hạnh phúc, cũng coi như thoả nguyện đàn bà. Lại thêm một giọt máu nữa của ông Đồng đang lớn dần lên trong bụng chị.

Tháng 8 – 1975, chị Tâm sinh cháu Nguyễn Văn Tuấn. Ngày đi sinh, vừa ra đến ngõ, bất ngờ chị chạm mặt với người chồng cũ. Nguyễn Văn Nghệ không hề tử trận. Anh ta bị quân giải phóng bắt làm tù binh và được đưa ra miền Bắc học tập cải tạo, sau giải phóng thì được tha về. Người đàn bà đang oằn mình sắp vượt cạn nên hai người không kịp chào nhau. Nhưng khi chị Tâm ôm đứa con còn đỏ hỏ trở về nhà, Nguyễn Văn Nghệ đã hàm hồ trấn giữ ngang cửa, dứt khoát không cho chị bế đứa con của “người chồng  Cộng sản” bước vào ngôi nhà của chính họ! Anh ta đuổi mẹ con chị chạy dài. Chính quyền địa phương phải can thiệp, anh ta mới hậm hực bỏ đi, sau khi ném lại cho cô vợ cũ hàng đống những lời thô tục đầy đe doạ và thoá mạ.

Hai năm sau, họ ra toà ly dị. Thời gian và những khổ đau, thiệt thòi mà vợ con từng phải gánh chịu không làm dịu bớt những toan tính bất lương trong cái đầu hằn học của gã chồng cũ xuất thân lính tẩy. Triệt để lợi dụng vị thế có người thân đang nắm giữ những vị trí cao trong ngành toà án, gả rắp ranh chiếm đoạt ngôi nhà tranh và mảnh vuờn của vợ con. Chị Tâm kháng án nhưng không ăn thua. Trong phiên phúc thẩm xử ngày 16-5-1977, TAND tỉnh BìnhTrị Thiên đã tuyên “giao một phần đất vườn cho anh Nghệ quản lý và sử dụng”, bất chấp mảnh vườn đó là của cha mẹ chị Tâm mua, được chính quyền Đại Nam Trung Kỳ cấp từ năm 1936! Khi còn là vợ chồng, Nguyễn Văn Nghệ cũng chưa từng sống ở đó lấy một ngày! 

Sự cẩu thả của ngành tư pháp thuở ấu trĩ còn thể hiện trong hình thức phân chia. An tuyên hết sức mơ hồ: “Ranh giói đất được tính từ điểm mốc là cây trứng gà lớn nhất (phía trái kể từ cổng vào), chạy dọc đến bụi tre ở cuối góc vườn và từ cây trứng gà nói trên cắt chéo mảnh vườn cho đến góc bên phải ở cuối vườn, trong đó có mộ của bố anh Nghệ, một số các mộ khác và các cây lưu niên gồm: một cây dừa, hai cây mức, một cây vú sữa, một cây bưởi (có kèm theo bản vẽ)”! Đổi lại, chị Tâm được giao nuôi hai đứa con, mỗi tháng Nguyễn Văn Nghệ phải góp mỗi tháng 10 đồng.

An vừa tuyên, Nguyễn Văn Nghệ đã lập gia đình mới  và đưa vợ con vào Đồng Nai sinh sống, không hề quay trở lạ, dù là để thăm nom hai đứa con hay thắp hương mộ bố đẻ lấy một lần. Mảnh đất anh ta cũng không màng tới, bởi đơn giản đó chỉ là một thẻo vườn tạp chẳng mấy giá trị, bán cũng chẳng ai mua. Trốn biệt là thượng sách, ít nhất cũng trốn được khoản đóng góp nuôi con 10 đ/tháng
Năm 1982, sau một thời gian đau ốm, ông Nguyễn Văn Đồng từ trần. Những người đồng đội cũ của ông trong ngành tình báo đã tự nguyện đứng ra xác nhận, giúp chị Tâm được công nhận là người có công với nước, được thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Hai người con của chị với ông Đồng cũng được hưởng chế độ con cán bộ quân đội từ trần.

Năm chị Tâm, giờ đã là bà Tâm, bước sang tuổi 60 (2001) thì vết thương cũ tái phát. Bà bị liệt nửa người, suốt ngày nằm mọp một chỗ. Đúng lúc đó, ông Nguyễn Văn Nghệ lại quay về. Xã Thuỷ Xuân đã thành phường Trường An, con hẻm lầy lội cảnh vườn nhà cũng đã được trải nhựa phẳng phiu, trở thành đường Thanh Hải thuộc nội thành TP Huế. Đất đai lên giá vùn vụt, Nguyễn Văn Nghệ nhìn thấy một “cơ hội bạc tỉ” trong mảnh vườn tạp mà ông ta không thèm ngó ngàng suốt 24 năm qua. Đứng chống nạnh trước sân nhà vợ cũ, ông ta ngang ngược tuyên bố sẽ “đòi lại ngôi nhà, miếng vườn bán ăn cho sướng miệng”. Đâm đơn ra toà, ông Nghệ xin thi hành bản án ly hôn tuyên từ ...năm 1977, nhằm đòi lại mảnh vườn. Đánh lận con đen, trong đơn ông Nghệ tự nhận mình là “cán bộ thoát ly ra miền Bắc, hồi hương sau năm 1975,  về hưu chưa có nhà ở”, xin đòi lại mảnh đất của người khác để...xây từ đường thờ cúng tổ tiên(!). Căn cứ duy nhất để đòi đất là mộ của bố ông vẫn còn nằm trên mảnh đất đó!

 Những điều khôi hài và khó hiểu lại xảy ra. Không hiểu sao chính quyền Phường Trường An vẫn ký xác nhận vào đơn của ông Nghệ, một người không thuộc quyền quản lý của phường, cũng không có một chút căn cứ nào chứng tỏ có quyền lợi hợp pháp trên mảnh đất đó, tạo cớ cho ông Nghệ khởi kiện. Dựa thế một số cán bộ phường, ông Nghệ ngang nhiên đuổi người con út của bà Tâm với ông Đồng ra khỏi chính căn nhà của họ. Kết quả là vì việc này, một số cán bộ phường đã phải nhận án kỷ luật.

 Nhiều lần, khi ông Nghệ xuất hiện và chửi bới thì chính hai người con đẻ của ông là người phản đối gay gắt nhất. Thậm chí, anh con trai NguyễnVăn Hùng đã không ngần ngại tuyên bố sẽ “ném cổ ông (bố đẻ) ra đường”. Bà Tâm thì một mực lên án ông là kẻ “lừa tình, lừa tiền, lừa sự nghiệp”.  TAND TP Huế thụ lý vụ kiện, có công văn đề nghị Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường Tỉnh thừa Thiên Huế để xác định rõ vị trí và diện tích thửa đất đang tranh chấp. Tuy nhiên, bản vẽ của của bản án phúc thẩm năm 1977 quá mơ hồ “không có tỉ lệ, không có kích thước, không có mốc giời phân chia”, trong khi hai bên nguyên – bị thì chưa bao giờ thống nhất nên Trung tâm cũng đành “xin chịu”, không thể lập bản vẽ như yêu cầu của Toà. 

Trong phiên sơ thẩm ngày 26-1-2006, bà Tâm vẫn không quên ân tình cũ, nhất là ân tình với người đã khuất. Bà đồng ý giao cho ông Nghệ 100m2 trên phần đất có phần mộ của cha ông. Nhưng với lòng tham thì chừng đó là quá ít. Và không hiểu ông chạy chọt cách nào, Toà sơ thẩm đã tuyên cắt gần 500 m2 đất vườn giao cho ông Nghệ như yêu cầu của chính ông. Toà án tự đưa người xuống vẽ, đích thân chủ toạ phiên toà ký xác nhận(!?). Rất nhanh, ông Nghệ nhẩm ngay ra con số của thắng lợi: 500m2 đât, mỗi mét ít nhất cũng 2 triệu đồng, sơ sơ ông bỏ túi được tỷ bạc – một khoản lợi đáng kể so với công sức và chi phí mà ông phải bỏ cho một vụ kiện lộn sòng!

Bản án đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận và công luận. Báo Thừa Thiên Huế đã đăng bài tỏ ý hoài nghi tính trung thực , đúng tinh thần pháp luật của bản án đã tuyên. Bà Tâm kháng cáo. Lẽ ra, phiên phúc thẩm đã diễn ra vào ngày 25-4-2006, nhưng sau khi xem xét, Toà đã quyết định hoãn để xác minh lại nguồn gốc hợp pháp của thửa đất. 

Lẽ ra ông Nghệ không nên phát đơn khởi kiện để tranh giành của chính vợ con ông một thửa đất đã rõ ràng là không hề thuộc về ông. Nhưng e rằng, nói chuyện đạo lý với một kẻ đầy nhẫn tâm chỉ là điều vô ích. Luật “thủ đắc vô căn” có từ thời vua Minh Mạng và đến nay vẫn được luật pháp thừa nhận  ở điều  khoản 1 điều 255 Bộ luật dân sự thì “người chiếm hữu được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai, trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu của tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu...”, huống hồ bà Tâm có thừa đủ chứng lý để chứng minh quyền sở hữu hợp lệ. Dư luân vẫn tin rằng đến phiên phúc thẩm, những đòi hỏi vô lý và quá quắt của Nguyễn Văn Nghệ sẽ bị bác bỏ, phần thắng sẽ thuộc về bị đơn Nguyễn Thị Tâm. Quả nhiên, trong phiên phúc thẩm ngày 12-12-2006, luật pháp đã tỏ ra sáng suốt và chính xác.

Kẻ ưu thời mẫn thế đọc biết chuyện này ắt sẽ chạnh lòng. Mảnh vườn tạp đó dường như đã từng chứng kiến cả một thiên tình sử dài và hy hữu với không ít chương bi tráng. Tiếc thay, lòng người bội bạc, lòng tham đã biến khoảnh vườn kia trở thành một sân khấu bi kịch của sòng đời. Với bà Nguyễn Thị Tâm, phần thắng được tuyên cũng hoàn toàn vô nghĩa.Mảnh vườn của tổ tiên có giữ lại được nguyên vẹn thì cũng không thể bù nổi nghĩa vợ chồng, cha con sau mấy mươi năm đã trở nên tan nát!

N.H.L- NGUYỄN HỒNGLAM 

Ảnh: Bà Tâm trước phiên tòa (2006), ngôi nhà, mảnh vườn, vài giấy tờ...











Không có nhận xét nào