Nhiều bạn đọc cả hai bài trước của tôi vẫn không hiểu được vì sao sách công nghệ giáo dục lại có cách chỉ dẫn học sinh lớp Một cách đọc hay ...
Nhiều bạn đọc cả hai bài trước của tôi vẫn không hiểu được vì sao sách công nghệ giáo dục lại có cách chỉ dẫn học sinh lớp Một cách đọc hay đánh vần từ tiếng Việt “kì lạ”, thậm chí còn quy cho một âm mưu “Hán hóa”, “Bùi Hiền hóa” nào đó của những người soạn sách giáo khoa.
Rõ là những người này có hai vấn đề: 1) thiếu kiến thức âm vị học trầm trọng, và 2) sự phòng vệ do ám thị nặng nề sức mạnh Hán hóa hoặc Bùi Hiền hóa.
Tôi cố gắng giải hai vấn đề trên, trong đó vấn đề thứ nhất thuộc chuyên môn sâu, ở đây chỉ có thể nói gọn bằng cách đơn giản nhất (sẽ thiếu chuẩn xác và không đầy đủ). Muốn đòi hỏi đầy đủ và chuẩn xác khoa học thật sự thì phải viết cả giáo trình vậy.
1) Như bài trước tôi có chỉ dẫn: Âm thuộc phạm trù âm thanh (nhận diện bằng thính giác) và Chữ thuộc phạm trù hình ảnh (nhận diện bằng thị giác). Quan hệ giữa hai phạm trù này hoàn toàn võ đoán. Đối với chữ viết tượng hình, giữa tự hình và âm tuyệt đối không có quan hệ gì với nhau. Đối với chữ viết ghi âm, tưởng là quan hệ tất yếu nhưng lại không tất yếu. Ta dễ nhầm tưởng là Chữ và Âm có quan hệ vì ngay từ đầu ta mặc định chữ đó là mang âm đó. Sự thực con chữ mà ta viết và đặt tên cho nó như A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, G,… rồi ghép lại thành từ chẳng liên quan gì đến âm ta đọc lên. Bằng chứng, cùng bảng chữ cái Latin ấy nhưng người Pháp đọc khác, người Anh đọc khác. Tính quy ước là đặc điểm hàng đầu của mọi ký hiệu, trong đó có ký hiệu ngôn ngữ, dù là Chữ hoặc Âm.
Ngay sự mặc định một con chữ mang một âm nhất định vẫn không thể nào thống nhất được quan hệ giữa Âm và Chữ. Chữ chỉ là một ký hiệu đại diện cho Âm nếu là chữ ký âm (Riêng chữ tượng hình thì tồn tại độc lập, vì có khi nó ra đời trước cả âm, theo Derrida). Chữ cũng có tính khu biệt riêng của nó, đến mức không phụ thuộc âm thanh. Cho nên có hiện tượng một âm được viết nhiều chữ khác nhau và ngược lại. Đây là hiện tượng phổ quát của mọi ngôn ngữ. Chẳng hạn, chữ c, g, th… trong tiếng Anh nhiều âm đọc khác nhau (như chữ c âm là /k/ hoặc /s/, chữ g âm là /g/ hoặc /dʒ/,…) tùy vị trí của nó khi cấu tạo từ. Còn các nguyên âm đôi /ei/, /ɪə/, /ai/, /eə/… thì có rất nhiều mẫu tự khác nhau ở các từ khác nhau. Bạn nào học tiếng Anh thì biết, tôi không phải dẫn chứng dài dòng thứ tri thức tối thiểu ấy.
Mục đích của tôi dẫn ra điều trên là để nói rằng, tiếng Việt không là ngoại lệ.
Việc ba chữ cái c, k, q chỉ là ba cách viết được quy ước khi kết hợp với các loại nguyên âm (hoặc với âm đệm /u/) của một hiện thực ngữ âm là /k/. Cũng như thế, các chữ g và gh, ng và ngh chỉ là hai cách viết của một hiện thực ngữ âm là /g/ và /ŋ/…
Không có gì ngạc nhiên khi hiện thực ngữ âm tiếng Việt chỉ có 3 nguyên âm đôi /ie, ɯɤ, uo/ được viết thành nhiều dạng chữ cái: iê, ia, ya, yê, ươ, ưa, uô tùy theo quy ước kết hợp với phụ âm, âm đệm, âm cuối khi cấu tạo từ. Do thói quen đánh vần theo tên chữ nên mới khó nhận diện chứ cứ đọc theo âm tiết thì lỗ tai bình thường cũng nhận rõ. Chẳng hạn ia-n = iên, chứ không phải i-ê-n = ên.
Chữ có chức năng khu biệt độc lập so với âm thanh, cho nên việc đòi hỏi Chữ phải thống nhất với Âm là thiếu hiểu biết. Mặc dù Hội Ngữ âm quốc tế đã đưa ra Bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế (IPA) với tham vọng dùng nó để vừa ký âm vừa làm chữ viết cho tất cả mọi ngôn ngữ trên thế giới nhưng bất khả. Một là số lượng chữ cái quá lớn, bất tiện. Hai là dù có sáng chế thêm nhiều hơn nữa vẫn không thể ghi hết tất cả các âm vốn phức tạp và đa dạng của ngôn ngữ các dân tộc. Ba là, quan trọng hơn, Chữ luôn là đại diện có tính quy ước, chỉ cần dùng hạn định một số lượng chữ cái trong một bảng ký tự đã có nào đó vẫn có thể mặc định cho người học đọc theo Âm của hiện thực.
2) Điều tôi giải thích trên cũng đã giải luôn cái mặc cảm, rằng cách phát âm của sách tiếng Việt công nghệ hoặc sách giáo khoa hiện hành nằm trong âm mưu “Hán hóa” hay “Bùi Hiền hóa”? Xin thưa, các nghiên cứu này là thành tựu của ngữ âm học thế giới và ngữ âm học tiếng Việt đã có từ đầu thế kỷ XX. Sách của GS. Hồ Ngọc Đại thử nghiệm từ thời Lê Duẩn chống Tàu, 1978. Không liên quan gì đến quá trình Hán hóa nghìn năm trước kia hoặc bây giờ. Càng không liên quan gì đến chữ viết ngớ ngẩn vừa rồi của Bùi Hiền. Bùi Hiền có ý đồ đồng nhất Âm và Chữ để cải tạo chữ viết tiếng Việt theo cách Latin hóa chữ Trung Quốc của người Trung Quốc. Trong khi ở đây, những người biên soạn sách vẫn giữ quan điểm khu biệt Âm và Chữ một cách hiển minh.
Tất nhiên, tác dụng tích cực hay tiêu cực của việc khu biệt này đối với dạy chữ cho học sinh lớp Một là điều đáng nói, kể cả những sai lầm về mặt khoa học trong bản thân sự khu biệt Âm và Chữ trong sách giáo khoa mà tôi đã chỉ ra trong hai bài trước.
Thật đau lòng khi giải trình điều này trước dư luận là việc của các chuyên gia ngữ âm học (GS.TS đông như quân Nguyên), trong khi không phải việc của tôi mà tôi lại phải mất thời gian nói thay cho họ!
Chu Mọng Long
-----------
Tham khảo Bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế (IPA) và Bảng kí âm tiếng Việt.
Không có nhận xét nào