HỢP NHẤT HAI CHỨC DANH VÀ CÔNG THỨC 'THẦN THÁNH' BỞI Truyền thống tính toán khác thường của thể chế toàn trị được cho là thường k...
HỢP NHẤT HAI CHỨC DANH VÀ CÔNG THỨC 'THẦN THÁNH' BỞI
Truyền thống tính toán khác thường của thể chế toàn trị được cho là thường không thích chân lý hiển nhiên. Chẳng hạn, họ có thể thích công thức 2+2 = 5 chứ không phải 2+2 bằng 4, vì 2+2 cộng một phần không phải sự thật thì sẽ bằng 5.
Cái này là theo phát hiện của một ngòi bút thiên tài, George Orwell trong tiểu thuyết vĩ đại mang tên ‘1984’, khi ông mô tả về một xã hội giả tưởng nhưng được vô số nhà phê bình và người đọc trên thế giới nhận xét rằng nó ‘rất tương hợp với mô hình’ của chế độ lãnh đạo tại nước Đức hồi Thế chiến II và chủ nghĩa xã hội ngày nay.
‘Đó là chốn mà các công dân của đất nước Oceania buộc phải sống trong cảnh thống khổ, sợ hãi, và tràn ngập lòng căm ghét hận thù’, với sự cai trị của một ‘anh Cả muôn năm’, anh Cả nhòm vào tất cả mọi hang lỗ từ vi mô tới vĩ mô…,” nhà văn viết.
“Trong đó, nếu nhà lãnh đạo nói về sự kiện nào đó rằng ‘nó chưa hề xảy ra’ – thì vâng, nó chưa hề xảy ra. Nếu ông ta nói rằng hai cộng hai là năm – thì vâng, hai cộng hai bằng năm. Viễn cảnh này làm tôi thấy kinh sợ hơn cả bom đạn.”
Nói gần nói xa, chẳng qua cũng là nói tới chuyện Việt Nam hiện nay và với cái chết đột ngột của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, việc nhất thể hóa chức Tổng Bí thư với Chủ tịch nước, như nhiều người quan tâm, cũng có thể có khả năng nào đó biến thành sự thật, dù Văn phòng Trung ương Đảng đưa ra tín hiệu cuối tuần này rằng Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN chưa cứu xét ngay phương án bổ sung ủy viên Bộ Chính trị vào cơ cấu đầy quyền lực này, cũng như sẽ cần chuẩn bị hết sức ‘chu đáo, cẩn trọng’ để Quốc hội bầu người thay thế chính thức Chủ tịch Quang.
Tuy nhiên, theo tôi, ông Trần Đại Quang qua đời ‘dường như rất đúng lúc’ và có vẻ ‘Bên thắng cuộc’ đã ‘dọn đường’ kỹ lưỡng cho việc này, nhất là khi Quốc hội Việt Nam sắp họp vào tháng 10 này.
Hiển nhiên có lợi?
Và tôi xin đặt ra câu hỏi đây có phải việc hiển nhiên, có lợi cho dân nước không?
Sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc sửa Hiến pháp, sửa điều lệ Đảng để lên ‘ngôi Hoàng đế đỏ’ suốt đời nhằm không bị hạn chế bởi nhiệm kỳ, ông ta từ chỗ chỉ là đảng trưởng của đảng Cộng sản, chỉ đại diện cho một phần nhỏ công dân – gần 90 triệu đảng viên- nghiễm nhiên làm ‘Hoàng đế đỏ’ quyền lực vô hạn, được đóng dấu hợp thức đại diện cho toàn quốc gia Trung Quốc với trên 1,4 tỉ dân. Thế phải chăng là ‘một cộng một bằng ba và hơn thế nữa’?
Thể chế cộng sản đã gần như hợp nhất với sự chuyên quyền của chế độ phong kiến mà họ đã đánh đổ gần một thế kỷ nay. Kết hợp chyên chính vô sản với chế độ phong kiến, mang màu sắc chiếm hữu nô lệ, với những đầu lĩnh như Kim Nhật Thành đến Kim Jong Un, Fidel Castro ở Cuba và vừa rồi là Tập Cận Bình ở Trung Quốc, những ‘mảng tường vỡ’ còn sót lại của Chủ nghĩa Xã hội trên thế giới mà vừa rồi đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công trực diện, không thương tiếc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, dường như đã không thèm giấu giếm tham vọng vô biên của họ, rất mạnh bạo trong việc kéo lùi lịch sử lại vài thế kỷ!
Và đến đây, phải chăng nỗi khát khao trở thành ‘Hoàng đế đỏ’ở Việt Nam của ai đó có thể cũng sục sôi như Hỏa diệm sơn, chỉ chờ cơ hội?
Thế còn công thức 1+1 bằng Một thì sao?
Chức Tổng bí thư – chỉ là của một đảng – Đảng Cộng sản ở Việt Nam – chỉ đại diện cho khoảng 4, 6 triệu đảng viên – rất ít so với gần 97 triệu người Việt Nam hiện nay. Người đứng đầu đảng này đương nhiên không có quyền đại diện, cũng không hành động vì quyền lợi và nguyện vọng của dân Việt Nam.
Hiến pháp 2013 vẫn quy định đảng không nằm trong hệ thống Nhà nước, chỉ có Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước. Chủ tịch nước là chức vị do Quốc hội bầu, về nguyên tắc không phải do đảng.
Thực vậy, Điều 86 Hiến pháp năm 2013 quy định: Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chỉ có Chủ tịch nước mới là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng…, có thể tuyên bố tình trạng chiến tranh…
Vậy, nếu được thực hiện nghiêm chỉnh, tử tế, không phải là hình thức và ‘phù phép’, sẽ là hợp lý, tránh sự chuyên quyền độc đoán quá mức của đảng. Hợp nhất chức Chủ tịch nước vào Tổng bí thư khi đó sẽ là một việc làm gây nhiều nguy cơ.
Tổng Bí thư là một chức vụ không chính danh về phương diện hệ thống Nhà nước – như các Bàn tròn của BBC Tiếng Việt trong dịp Chủ tịch Quang qua đời cũng ít nhiều đề cập, vì Nhà nước và quốc gia với đảng không và chưa bao giờ là một. Không tin hãy thử mở trưng cầu dân ý và hỏi người dân Việt Nam một cách đàng hoàng, ‘không khuất tất’, ‘quyền biến’ mà xem.
Khi cho Tổng Bí thư kiêm luôn Chủ tịch nước, theo một số ý kiến phản biện có góc nhìn khác, là đã vi phạm Hiến pháp. Việc này sẽ là ‘đánh cắp’ quyền được có đại diện của gần 93 triệu công dân ngoài đảng về phương diện quốc gia.
Khi không có đảng đối lập, các đảng khác cùng cạnh tranh, nhân quyền và tự do ngôn luận ‘bị bóp nghẹt’, không thể minh bạch hóa thông tin để các lực lượng khác cùng giám sát, ‘sự lộng quyền’ này đương nhiên là không giới hạn.
Vậy là theo phương thức 1+1=1, theo góc nhìn này, thì quyết không thể bằng 2. Và những quý vị đang suy nghĩ về cái lợi ‘kinh tế, tài chính, thủ tục’ khi hợp hai trong một, xin hãy vui lòng nhìn xa hơn và tôi xin đa tạ.
Phương án ‘Hoàng đế Đỏ’?
Trước hết, chữ ‘Hoàng đế Đỏ’ xuất hiện trên truyền thông quốc tế và ngay cả các nhà bình luận quốc tế của phương Tây trên nhiều tờ báo lớn sử dụng, kể cả ở châu Á, ở đây nó được dùng lại để gọi tên một mô hình quyền lực có tính tham khảo.
Theo người viết bài này, nguy cơ là sau khi hợp nhất hai chức vụ lãnh đạo cao cấp nói trên, điều gì sẽ xảy ra nếu Quốc hội Việt Nam sẽ sửa Hiến pháp để không giới hạn số nhiệm kỳ của Chủ tịch nước – nghĩa là cũng không giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, như tiền lệ bên Trung Quốc. Nếu như vậy, liệu là ‘Hoàng đế đỏ Việt Nam’ lên ngai vàng và không chỉ một vị này mà mở đường cho cả các vị sau?
Một lần nữa, tôi lại kêu gọi các quí vị muốn tiết kiệm tiền bạc, tài chính, thủ tục hãy suy nghĩ cho thật xa, và tôi nghĩ không phải là kết hợp hay không kết hợp mà trả lại dân chủ và quyền tự quyết lập nhà nước và chính quyền cho nhân dân mới là cứu cánh, tức là mục đích cuối cùng và cao nhất, và phải được cân nhắc để làm ngay mà không trì hoãn.
Thực vậy, một Tổng bí thư đảng mà ‘độc quyền’, mà đang không mang tính chính danh của một nguyên thủ, bỗng qua cái chết bất ngờ của Chủ tịch nước đương nhiệm, lại được ‘đóng dấu hợp thức’ kiêm thêm Chủ tịch nước, dẫn đến người chỉ đại diện cho một nhóm quyền lực trong đảng trở thành một nguyên thủ đại diện cho cả quốc gia!
Kể từ 2013, khi Quốc hội Việt Nam thông qua điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi, quy định đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đến nay e rằng có quá nhiều dẫn chứng có thể chứng minh sự tai hại của việc lạm quyền này.
Đây được cho là đã trở thành ‘bàn đạp hữu hiệu’ cho việc ông Nguyễn Phú Trọng ‘lên ngôi’ bất thường tại Đại hội đảng lần thứ 12. Ngay sau đó đảng đã làm thêm một việc mà theo nhiều người là trái Hiến pháp và gây tranh cãi. Đó là yêu cầu Quốc hội khóa 13 bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng của nhiệm kỳ khóa 14 – khi Quốc hội khóa 14 còn chưa có.
Chính vì sự ‘liên tục vi phạm’ những nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp mà tại nhiệm kỳ này, mà người ta có thể ‘làm liều’ nhiều việc nữa mà chẳng e sợ gì. Chẳng hạn như là chưa bao giờ số người bị bức cung, nhục hình, tra tấn đến chết trong đồn công an lại tăng nhanh đến như vậy. Như một dấu ngoặc minh họa ở đây được mở ra, năm 2017, 2018 là năm có nhiều người bất đồng chính kiến bị khủng bố, bắt giam với những bán án tù nặng chưa từng có mặc dù theo Hiến pháp và luật là họ hoàn toàn vô tội.
Và cũng từ khi sửa Hiến pháp, trong nhiệm kỳ cầm quyền sau Đại hội đảng 12 đến nay, với lãnh địa gần như tuyệt đối của phe đảng, đất nước Việt Nam đứng trước quan ngại của nhân dân và nhiều giới là ‘tăng sự lệ thuộc chưa từng thấy’ vàoTrung Quốc với vô số văn bản ký kết được giới quan sát coi là ‘gấp gáp’ khó hiểu.
Động thái gây chấn động gần đây, sau vụ dự luật về ba đặc khu kinh tế, hành chính là việc được cho là sự ‘tháo khoán’ cho đồng nhân dân tệ lưu hành sang song với VN đồng tại biên giới phía Bắc, với vô số cửa khẩu, bên cạnh đó, có thể mở toang ‘rước’ cả triệu người Trung Quốc vào một lúc nếu muốn (thông quan, thông thủ tục nhập dư, di trú, lao động, thông tiền tệ và cả thông xe nữa).
Và người ta còn sợ là tình hình này Việt Nam sẽ cho nước láng giềng Trung Quốc sự thoải mái to lớn vào khống chế an ninh và khai thác biển Đông- mà thực sự là họ đang dọa nạt và cả xâm chiếm lâu nay, mặc cho nhân dân hết sức phẫn nộ.
Việt Nam có thể sẽ là Cuba, là Bắc Triều tiên, cộng một phần xấu của Trung Quốc ở phần lạc hậu, nghèo đói, chậm hàng thế kỷ so với thế giới, theo tôi, nếu và khi ‘Hoàng đế đỏ’ lên ngôi và luật An ninh mạng, từng được Chủ tịch Trần Đại Quang chỉ vài tháng trước ký ban hành, ‘bịt miệng’ tất cả?
Khi ấy, sẽ ra sao nếu ‘Hoàng đế đỏ’ ở xứ to lớn hơn đi tiếp nước cờ, không chế và nắm chặt ‘yết hầu’ Việt Nam, từ kinh tế, tới an ninh và chính trị?
Phải chăng công thức 1+1= 1, hoặc bằng 3, cũng như ‘2+2=5, là cái xã hội khiến nhân loại ‘rùng mình ghê sợ’ lại sẽ là cái mà nhà cầm quyền ở Việt Nam đang dẫn gần 100 triệu dân đi tới?
Trước mắt, tôi nghĩ hãy canh chừng Quốc Hội bằng giám sát và phản biện và nhiều công cụ khác.
Trong đó, nếu công dân không lên tiếng đủ mạnh để bảo vệ quyền chính đáng của mình và Hiến pháp, thì e rằng không có gì bảo đảm là Quốc hội sẽ không hợp nhất hóa ngay sắp tới cho hai chức nói trên, sau khi họ có thể trì hoãn trước, trong hay là sau Đại hội đảng 13 một chút.
Và công thức sẽ là 1+1=1 hoặc bằng 3. Không có chân lý, vì đảng bảo thế, để rồi bước tiếp theo, rất nhanh thôi, biết đâu Quốc hội với đa số những người vừa ‘ngủ gật vừa nhấn nút’ ấy sẽ có thể khai tử Hiến pháp thêm lần thứ ‘n’, nhằm đặt lên đầu dân tộc Việt Nam một ‘Hoàng đế đỏ’ cai trị vô thời hạn thì sao?
Nhà văn Võ Thị Hảo
Không có nhận xét nào