PHÀN NÀN LẠM THU, PHỤ HUYNH ĐƯỢC MỜI LÊN XÃ ‘UỐNG NƯỚC CHÈ’ Ngày 1-9, một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, T...
PHÀN NÀN LẠM THU, PHỤ HUYNH ĐƯỢC MỜI LÊN XÃ ‘UỐNG NƯỚC CHÈ’
Ngày 1-9, một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội phàn làn trên nhóm From Sơn Đồng (Facebook), về việc trường này lạm thu những khoản đầu năm. Phụ huynh này viết như sau:
“Tha thiết được duyệt đăng bài.
Hôm qua tôi có đọc được một bài viết về vấn đề đóng học trường cấp 1. Đã đọc mấy bài rồi nhưng 1 nốt nhac sau thấy xóa chứ không phải là lần duy nhất nên tôi cũng có đôi phần thắc mắc. Nếu tôi nói sai hay hiểu không đúng về vấn đề gì thì mọi người cùng góp ý cho tôi hiểu hay tại nhà nghèo nên nghĩ tiêu cực quá.
Bài lần trước là cuối năm học có giấy báo mua đồng phục và sách vở thì được nhưng kể ra năm học mới mua cũng được thì cần gì phải gấp gáp. Còn quần áo mặc chưa chật cũng khuyên phụ huynh nên mua là sao nhỉ?
Chưa kể thay đổi mẫu quần áo xoành xoạch để làm lý do phải mua và phụ huynh không từ chối được. Hay để đầu năm đóng thì nhiều quá nên chia ra cho dễ thở?
Năm học trước còn có cái kế hoạch mua áo màu da cam làm áo chào cờ chắc các phụ huynh cũng biết nhỉ. Dự định làm áo dã ngoại nhưng nhiều người không muốn thì chuyển thành áo mặc thứ 2 chào cờ. Chào cờ phải mặc áo trắng quần xanh chứ trước giờ truyền thống vẫn vậy mà phụ huynh lớp 5 không muốn mua vì còn có 1 năm học cuối không muốn mua áo dã ngoại 1 năm có 1 lần phí quá. Có lớp phản ứng dữ lắm nhưng cuối cùng vẫn phải theo ý nhà trường.
Các cô bảo có hơn trăm mà tiết kiệm thế. Những khổ nỗi nhiều cái hơn trăm đóng nhiều quá nhà đông con tiền đâu đi học?
Các làng khác nghe kể còn phải sửng sốt sao Trường Tiểu học Sơn Đồng đóng nhiều thế.
Bảo dưỡng máy tính, đóng tiền máy chiếu, số tiền quá nhiều... vân vân và mây mây. Thật lòng nhiều phụ huynh sợ hãi việc nhận giấy báo đóng tiền nhưng cá nhân ko ai dám lên tiếng vì con em còn đang đi học. Sợ trái ý con mình lại khó khăn nên tặc lưỡi cố đấm ăn xôi cho con biết đc cái chữ. Tôi nghĩ nên đóng góp những thứ cơ bản và cần thiết để các con biết được cái chữ, nên được con người- chứ những thứ ngoài lề thì hạn chế hết mức có thể, việc quan trọng là tạo điều kiện tốt nhất cho các con. Cùng là nông dân thôi nên kiếm tiền còn khó khăn lắm ạ.
Trên là 1 vài ví dụ thôi chứ nhiều thứ phụ huynh thắc mắc lắm. Nên các anh chị comment để cùng nhau bàn luận.
Nếu có ai gọi điện khuyên xoá tôi sẽ ghi âm và chụp màn hình đăng công khai tiếp. Dù tôi đúng hay tôi nói sai thì cứ comment hoặc đăng bài lên trang loa xã này cho nhiều người cùng hiểu chứ gặp riêng thì mình tôi hiểu chứ nhiều ng thắc mắc lại hiểu sai cho nhà trường.
Quản trị viên hay ai mà xoá tôi sẽ đăng lên trang Hoài Đức để cả huyện tham khảo tiền đóng học của các làng xã là công bằng nhất. Nếu các trường khác cũng vậy thì trường mình làm đúng cũng là cách cho toàn thể phụ huynh hết thắc mắc và để ban quản lý nhà trường nhẹ lòng khỏi phải giải thích với từng phụ huynh.
Bài viết này chỉ là thắc mắc, tôi cũng đã thắc mắc với giáo viên của con nhưng không được cô giải đáp nhiệt tình và thấy cô khó chịu không muốn tiếp nên đành phải lên đây tham vấn, chứ không lăng mạ hay chỉ mặt đặt tên ai chắc không phạm pháp mọi ng nhỉ.
Cảm ơn mọi người đã đọc hết!”.
Sau khi thông tin này được đăng tải, một thành viên trong Hội Phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Đồng cho biết có cô giáo đã tìm tới tận nhà để “nói chuyện”. Sau đó, cán bộ xã đã nhiều lần gọi phụ huynh này lên "uống nước chè". Thậm chí, có một người được cho là người nhà của Hiệu trưởng còn thường xuyên nhắn tin, bình luận dọa nạt sẽ “úp” các phụ huynh khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Trước sự việc này, đêm qua (3-9) hơn 20 thành viên Hội phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Đồng đã họp kín, đi đến thống nhất, phản ảnh 9 nội dung:
1. Vấn đề biên lai thu tiền:
Nhà trường thu tiền của phụ huynh học sinh nhưng không có biên lai, phiếu thu theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Xin Nhà trường cho chúng tôi được biết lý do tại sao nhiều năm nay Nhà trường không viết phiếu thu khi thu tiền của phụ huynh học sinh?
2. Tiền học thêm tháng 8/2018:
Tháng 8/2018 Nhà trường thu tiền học hè là 800.000 đồng/1hs/1 tháng.
Xin hỏi Nhà trường thu theo quy định nào?
Theo chúng tôi được biết Trường Tiểu học Song Phương chỉ thu 500.000 đồng/1hs/1 tháng, Tiền Yên là 750.000đồng/1hs/ tháng....
Nếu tính theo quy định thu tiền học thêm thì 1 tháng học sẽ thu: 23 (buổi) x 3 (tiết) x 7.000 (đồng) = 483.000 đồng. Tiền nước uống và tiền vệ sinh: 12.000 + 10.000 = 22.000 đồng. Tổng cộng chỉ là 505.000 đồng. Vậy tại sao trường lại thu 800.000 đồng?
3. Tiền học tiếng anh có yếu tố người nước ngoài:
Năm học 2017-2018 Nhà trường có khoảng 1.000 học sinh, mỗi học sinh phải đóng 130.000 đồng/ tháng. Như vậy tổng số tiền học tiếng anh cho cả năm học là 1.170.000.000 đồng. Với chương trình học tiếng anh yếu tố người nước ngoài kết hợp với Trung tâm Victoria này chúng tôi có đề nghị như sau:
- Đề nghị Nhà trường cung cấp ngay cho chúng tôi Hợp đồng ký giữa Nhà trường và Trung tâm Victoria. Vì chúng tôi là người đầu tư cho con học nên chúng tôi được quyền được biết.
- Phí học 130.000 đồng cho 4 tiết học có người nước ngoài là quá cao so với các trung tâm dạy tiếng anh. Một lớp trung bình 35 học sinh, 1 tiết học sẽ phải đóng 1.137.500 đồng (35 hs * (130.000 đồng/4)), nhưng ở trung tâm trung bình 15 học sinh, 1 tiết học chỉ phải đóng 15 hs * 20.000 đồng = 300.000 đồng.
- Bên cạnh đó Trường Yên Sở. Học phí cho việc học tiếng anh có yếu tố người nước ngoài này chỉ là 70.000 đồng/1hs/1 tháng.
- Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học, chúng tôi đã ký vào phiếu đăng ký học tiếng anh do Nhà trường in sẵn vì do Nhà trường lồng tiết học này vào thời gian học chính của học sinh nên buộc lòng chúng tôi phải đồng ý. Đây có phải là 1 sự ép buộc thay cho sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường?
- Do chi phí học quá cao (1.170.000.000 đồng cho 1 năm học) mà không hiệu quả. Nên Phụ huynh chúng tôi đồng lòng yêu cầu Nhà trường không áp dụng chương trình này vào năm học 2018-2019. Nếu Nhà trường vẫn áp dụng, yêu cầu Nhà trường tổ chức cho vào buổi học ngoài giờ để không ảnh hưởng tới thời gian học chính khóa của các cháu.
4. Tiền Quỹ hội phụ huynh học sinh toàn trường:
Năm học 2017-2018, Quỹ hội phụ huynh toàn trường thu 250.000đồng, nhưng chúng tôi không được thông qua khi có nhu cầu chi và cuối năm không được thông báo tổng kết thu chi của khoản này.
Từ năm học 2018-2019 trở đi chúng tôi đề nghị như sau:
- Quỹ hội phụ huynh toàn trường sẽ do Hội phụ huynh của trường giữ và tự quyết định thu chi.
- Khi có nhu cầu chi đề nghị thông báo tới hội trưởng phụ huynh từng lớp, và chỉ được chi khi được đồng thuận trên 50%.
- Cuối kỳ, cuối năm phải có bảng tổng kết thu chi thông báo cho toàn bộ phụ huynh của trường.
5. Về vấn đề áp dụng bảng tính thông minh và máy chiếu:
Theo chúng tôi được biết chương trình này đã được áp dụng tại một số trường học nhưng không hiệu quả, tại sao nhà trường vẫn triển khai áp dụng?
Việc triển khai này đã làm đúng ý nghĩa của việc trên tinh thần tự nguyện của Phụ huynh học sinh chưa? Tại sao Nhà trường lại áp dụng đại trà khối lớp 1 và làm sẵn phiếu đăng ký để phụ huynh ký? Trong khi đó Phụ huynh có con mới vào lớp 1 chưa hiểu được chương trình này năm nay mới được thử nghiệm tại nhà trường.
Để tránh tình trạng như chương trình học VNEN đã áp dụng tại trường nhưng không hiệu quả. Phụ huynh chúng tôi đề nghị nhà trường không áp dụng chương trình này để tránh lãng phí thời gian và tiền của phụ huynh cho việc đưa con cháu chúng tôi vào để thử nghiệm.
6. Về vấn tiền bảo trì máy tính:
Việc học tin học được áp dụng cho khối 3, 4, 5, tổng 18 lớp, tính trung bình mỗi lớp 35 học sinh. Nhà trường thu mỗi cháu 150.000 đồng. Như vậy tổng tiền thu được là: 94.500.000 đồng.
Phòng tin học của nhà trường có 20 máy tính. Xin hỏi Nhà trường với số tiền 94.500.000 đồng để bảo trì 20 máy tính có hợp lý không?
7. Về vấn đề đồng phục:
Đồng phục của từng trường sẽ màu áo truyền thống để có thể phân biệt được học sinh các trường. Đề nghị Nhà trường không thay đổi mẫu đồng phục khi không có lý do chính đáng, để tránh lãng phí học sinh phải thay đồng phục hàng năm khi vẫn mặc được năm phục của năm trước.
Đề nghị nhà trường nâng cấp chất lượng đồng phục cho các con và đề nghị trước khi đặt may đồng phục Nhà trường kết hợp với Hội phụ huynh học sinh trường chọn lựa loại vải cho phù hợp với học sinh tiểu học.
Theo ý kiến phản ánh của nhiều phụ huynh, phụ huynh không đăng ký may đồng phục cho con nhưng nhà trường vẫn phát. Như vậy có phải là ép buộc phụ huynh phải mua đồng phục cho các con? Đề nghị Nhà trường làm rõ vấn đề này.
8. Về vấn đề vệ sinh trường học:
Mỗi học sinh đóng 90.000 đồng/năm cho chi phí dọn vệ sinh. Như vậy toàn trường khoảng 1.000 học sinh, tổng số tiền là 90.000.000 đồng.
Xin hỏi Nhà trường chi số tiền này như thế nào? Vệ sinh ra sao mà học sinh không dám đi vệ sinh ở trường do nhà vệ sinh quá bẩn. Để các con nhịn đi vệ sinh cả 1 buổi học như vậy có đáng phải nhìn nhận lại không?
9. Về vấn sữa học đường:
Theo Điều 2 của Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tp. Hà Nội ngày 5/7/2018 về việc thực hiện đề án chương trình sữa học đường thì: Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Chỉ đạo làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh và học sinh trên địa bàn nắm rõ, đồng thuận và tự nguyện tham gia Chương trình sữa học đường
Như vậy Chương trình này phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh chứ không phải bắt buộc áp dụng.
Với thông tin về 1 số trường hơp ngộ độc sữa học đường, phụ huynh chúng tôi đề nghị không áp dụng chương trình này với con em chúng tôi tại trường Tiểu học Sơn Đồng.
Được biết, cũng trong ngày hôm qua, Trường Tiểu học Sơn Đồng đã phát đi giấy mời họp phụ huynh toàn trường để chuẩn bị công việc cho năm học mới, trong đó có giải quyết việc phụ huynh tố nhà trường lạm thu.
Thế nhưng, oái oăm thay, tới trưa nay một số phụ huynh mới nhận được giấy mời họp (còn nhiều phụ huynh chưa nhận được); thứ nữa, hôm qua là ngày nghỉ bù Tết Độc lập khiến phụ huynh băn khoăn về buổi họp gấp gáp này.
Liên quan tới vấn đề này, trả lời phóng viên báo kiến thức sáng nay (4-9), ông Nguyễn Hữu Tháng - Trưởng Công an xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) xác nhận sự việc và cho biết thêm: Vừa qua Công an xã vừa thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND xã mời phụ huynh đăng bài phản ánh việc tố trường Tiểu học Sơn Đồng thu chi không rõ ràng lên mạng xã hội Facebook đến trụ sở làm việc.
Ông Tháng cho hay: “Việc đăng tải thông tin dễ nảy sinh ra mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cũng như ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. Phát hiện như vậy lãnh đạo UBND xã chỉ đạo công an mời người dân đăng bài ra để trao đổi, làm rõ.
Mời phụ huynh đăng bài lên mạng xã hội đến trụ sở UBND là để lắng nghe, nếu đúng thông tin đăng như phản ánh UBND sẽ chỉ đạo trường Tiểu học Sơn đồng làm rõ. Hiện tại, UBND xã đã làm việc với nhà trường, yêu cầu nhà trường thu đúng, đủ, theo quy định của pháp luật”.
Được biết, ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cũng đã nắm được thông tin này.
Nhờ 500 anh em theo dõi Záo Zụk giúp sức! Trân trọng.
Hoàng Hải
Không có nhận xét nào