Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về bản dịch Bản chế Văn phong vương của vua Gia Khánh phong cho vua Gia Long của thầy Cao Tự Thanh

Về bản dịch Bản chế Văn phong vương của vua Gia Khánh phong cho vua Gia Long của thầy Cao Tự Thanh Hay sự dịch câu 盡敵旋殲夫逋薮 thành ra "ph...

Về bản dịch Bản chế Văn phong vương của vua Gia Khánh phong cho vua Gia Long của thầy Cao Tự Thanh

Hay sự dịch câu 盡敵旋殲夫逋薮 thành ra "phá địch diệt thù nơi bụi rậm" là cả một vấn đề đáng lên tiếng.

Mà bạn có thể đọc tại đây >> http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/viewFile/26558/22883.



Mình vốn yêu thích thầy Cao Tự Thanh qua bản dịch Đại Nam Thực Lục.  Ấy thế mà đọc bản dịch bài chế phong vương quan trọng bậc nhất này, sao mình lại có cảm giác là thầy cho ai đó mượn tên để dịch bài chế này nhỉ ? Hình như vụ cho mượn tên này rất phổ biến ở Việt Nam đúng không bạn ? 

Mời bạn đọc luôn vài dòng mình phân tích, nếu mình có sai gì, xin bạn cứ lên tiếng.  Mình chỉ thắc mắc là một bài chế phong vương quan trọng bậc nhất của thời quân chủ Việt Nam đến vậy, mà sao cho đến nay ở Việt Nam, chả có cơ quan / tiến sĩ / thầy đồ nào (Sử Học / Hán Nôm / Bộ Giáo Dục, Sở Văn Hóa Thừa Thiên Huế / Nguyễn Phúc Tộc / các thầy đồ nào đó nổi tiếng) cảm thấy cần bỏ ra chút thời gian để dịch cho thật đàng hoàng nhỉ ? Mà vô tay thầy CTT, cá nhân mình thấy thầy lại dịch có quá nhiều vấn đề mà ta cần xem lại.

Mời bạn:

*******
列爵分土,懷柔推敷錫之恩,開國承家,選建篤忠貞之眷. 
Liệt tước phân thổ, hoài nhu suy phu tích chi ân, Khai quốc thừa gia, tuyển kiến đốc trung trinh chi quyến. 

Bản dịch thầy Cao Tự Thanh: Phong tước chia đất, thương người xa cần sáng việc ban ơn, mở nước nối nhà, yêu kẻ tốt để nêu lòng khuyến đức.

Bản dịch Quốc Sử Di Biên Hà Nội: Trẫm nghĩ phong tước chia đất, thường yêu sủng ân cho khắp.  Mở nước nối nhà, chọn dựng dốc lòng trung trinh.

Brian (dịch lại): Phong tước chia đất, vỗ về yên phục người xa để tỏ rõ sự ân sủng (của triều đình).  Mở nước nối nhà, chiếu cố việc (chọn người) trung trinh đôn hậu.

Ở đây nếu bạn để ý, là 2 câu:

懷柔推敷錫之恩 - Hoài nhu suy phu tích chi ân - theo bạn, thầy Cao Tự Thanh dịch luôn thành ra là "thương người xa cần sáng việc ban ơn" là đúng không ? Bạn hiểu câu dịch này của thầy ra sao ? Bạn có thấy câu dịch vậy hơi tối nghĩa không ? Mình phải đọc cả câu chữ Hán và suy ngẫm lâu mới hiểu đúng và đủ cho câu dịch này của thầy đó bạn.  Thế bạn đọc mà không biết chữ Hán, bạn có hiểu không ? 

選建篤忠貞之眷 - Khai quốc thừa gia, tuyển kiến đốc trung trinh chi quyến - rõ ràng ở đây không hề có sự "yêu kẻ tốt để nêu lòng khuyến đức" như thầy Cao Tự Thanh dịch gì cả, mà đáng ra câu này theo mình cần dịch là "(Mở nước nối nhà), (cần) chiếu cố (đến) việc chọn người trung trinh đôn hậu".  Có nghĩa là sao ? Nghĩa là thiên triều (triều Thanh) cho rằng trong việc chọn người tiếp nối cai trị đất nước (chư hầu), sự chọn người trung trinh đôn hậu là quốc sách, chứ họ đâu có ra quốc sách là chọn vua chư hầu cần thực hiện sự "yêu kẻ tốt để nêu lòng khuyến đức" đâu nhỉ ? Ta đang bàn đến việc chính trị, sự bầu lãnh đạo quốc gia, chứ có phải là chọn sư sãi trong chùa cho Tăng đoàn đâu mà chọn kẻ tốt để khuyến đức bạn nhỉ ? 

********
撫遐封於雁列,四方是維,循大卞於鴻寰,百辟為憲.
Phủ hà phong ư nhạn liệt, tứ phương thị duy, Tuần đại biện ư hồng hoàn, bách bích vi hiến.

Bản dịch thầy CTT: Vỗ về nơi xa theo thứ tự, bốn phương là giềng, Gìn giữ phép lớn trong trần hoàn, chư hầu là lệ.

Bản dịch QSDB: Vỗ cõi xa ở nơi hàng nhạn, giữ cả bốn phương; giữ phép cả đối với hoàn cầu, làm gương muôn nước.

Ở đây cụm từ Bách Bích 百辟 chắc là chỉ cho chư hầu lẫn bá quan, tức là Trăm Họ, tức là bao gồm cả thiên triều lẫn thiên hạ, chứ làm gì mà chỉ giới hạn vào "chư hầu" để mà thầy CTT dịch câu Bách bích vi hiến 百辟為憲 thành ra là "chư hầu là lệ" nhỉ ?

********
要服者貢,咸遵朝矩以馳誠,民功曰庸,各懋邦圖而謹度.
Yêu phục giả cống, hàm tuân triều củ dĩ trì thành, Dân công viết dung, các mậu bang đồ nhi cẩn độ.

Bản dịch thầy CTT: Cõi xa tới cống, theo quy củ tỏ trung thành, Công lập cho dân, vì nước nhà đều cẩn thận.

Bản dịch QSDB: Nơi yên phục dâng cống, theo phép tổ nộp lòng thành; công với dân thì dùng, giữ nước tuân sửa hậu độ

Brian (dịch lại): Cõi xa đến cống, theo quy củ triều đình mà (làm theo để) truyền (cho thiên hạ rõ) lòng thành; dùng (tức sự được trao quyền lãnh đạo đất nước chư hầu) khi có công lao với người dân, (do đó) các việc mưu đồ tốt đẹp của nước nhà cần suy lường cẩn trọng.

Ở đây:

民功曰庸 Dân công viết dung - thầy CTT dịch là công lập cho dân.  Mình không hiểu câu dịch "công lập cho dân" là gì ? Bạn hiểu không ? 

Còn mình thấy, ở đây, 民功曰庸 Dân công viết dung có nghĩa là "nếu dùng (tức là cho làm vua chư hầu) thì cần dùng người có công với dân", vậy thì mới vần với câu sau là nên việc mưu đồ quốc gia cần phải suy lường cẩn trọng. 

Còn khi mình đọc câu dịch của thầy CTT "Công lập cho dân, vì nước nhà đều cẩn thận.", mình chả hiểu thầy muốn tỏ ý gì cho câu dịch ấy.  Nếu bạn hiểu, xin nêu ra luôn.

********
爾阮福映:名通象驛,境邇龍編.
Nhĩ Nguyễn Phước Ánh: Danh thông Tượng dịch,  Cảnh nhĩ Long Biên. 

Bản dịch thầy CTT: Nguyễn Phước Ánh ngươi: tên vang Tượng Quận, đất cạnh Long Biên. 

Bản dịch QSDB: Ngươi, tên bày trượng dịch, cõi gần Long Biên

Brian (dịch lại): Nguyễn Phước Ánh ngươi: tên vang đất (trạm) Tượng, cõi cạnh Long Biên

Ở đây, Tượng Quận nằm ở đâu thì chắc ta ai cũng đọc nhiều trên mạng, khỏi cần bàn.  Nhưng nếu đúng là có cụm từ Tượng dịch 象驛, mà dịch 驛 là trạm dịch, ấy chắc là thiên triều có ý viết về nơi "hành chánh Tượng (Quận / Lâm)" tức có nghĩa là thiên triều coi nơi này là một nơi nào đó mà còn nằm trong tầm ảnh hưởng của thiên triều (vì có chữ dịch tức trạm dịch).  Thế mà sao thầy CTT lại dịch thành ra một vị trí địa lý độc lập là Tượng Quận nhỉ ? Hay mình nghĩ sai ?

Và không hiểu tại nhóm dịch giả viện Hán Nôm lại dịch thành ra là "tên bày TRƯỢNG DỊCH" mặc dù trong bản chữ Hán kèm theo (mà thầy CTT đăng trong bài viết của thầy trang 113) có viết rõ ràng là TƯỢNG DỊCH 象驛 ?

********
稱兵挽息於仇方,盡敵旋殲夫逋薮.
Xưng binh vãn tức ư cừu phương, Tận địch toàn tiêm phù bô tẩu. 

Bản dịch thầy CTT: Dấy quân dẹp nạn ở láng giềng, Phá địch diệt thù nơi bụi rậm. 

Bản dịch QSDB: Đem quân đánh kẻ thù, hả giận bắt giặc trốn

Brian (dịch lại): Dấy binh dẹp yên nơi đất thù, tận diệt toàn bộ quân địch đang ẩn trốn kia

Trước tiên, cụm từ Cừu Phương 仇方 mà thầy CTT dịch ra "láng giềng" là hoàn toàn có vấn đề.  Theo thầy, Cừu Phương 仇方 lấy ý trong Thi, Đại nhã, Hoàng hỹ “Tuân nhĩ cừu  phương, đồng nhĩ huynh đệ” (Hỏi láng giềng của ngươi, làm anh em với ngươi), thường dùng  chỉ chung các nước láng giềng, đây chỉ vùng Đàng Ngoài cũ thời Lê Trịnh mà Tây Sơn quản lý từ 1788.  Mình tra mạng, thì thấy như vậy nè >> 《詩.大雅.皇矣》:"詢爾仇方同爾兄弟。"鄭玄箋:"詢謀也怨耦曰仇。仇方謂旁國諸侯。"一說指敵國。見宋朱熹集傳。 Ấy tức là, thầy CTT chỉ lấy nghĩa đoạn đầu "詢爾仇方同爾兄弟" để mà suy ra Cừu Phương 仇方 là nước láng giềng.  Nhưng than ôi, trong cả câu giảng ấy, còn có cả đoạn sau "一說指敵國。見宋朱熹集傳" (http://www.chinesewords.org/dict/20073-493.html), tức là "nhất thuyết chỉ địch quốc.  Kiến Tống Châu Hy toàn truyện", nghĩa là "còn một thuyết chỉ cho nước thù địch.  Xem toàn truyện Tống Châu Hy".

Như vậy ở đây, Cừu Phương 仇方 cần là nước thù địch chứ làm gì là nước láng giềng nhỉ ? Chả lẽ triều đình nhà Thanh không biết cả Tây Sơn và quân chúa Nguyễn Ánh là kẻ thù của nhau sao, mà lại nhã nhặn viết là dẹp yên nước láng giềng1 ?  Mà bạn thấy đó, 稱兵挽息於仇方 Xưng binh vãn tức ư cừu phương, thầy CTT dịch là "Dấy quân dẹp nạn ở láng giềng", nó hoàn toàn làm loãng đi cả ý chí mạnh mẽ của câu dịch "Dấy binh dẹp yên nơi đất thù", đất thù hoàn toàn khác với nước láng giềng bạn ạ.  Thù trong ấy có rất nhiều điều để mà đánh, chứ không phải đi đánh cướp đất láng giềng.  Chả hiểu thầy CTT có ý gì không khi lại dịch câu này qua ý khác ?

Và tệ hơn nữa, làm thế nào mà câu 盡敵旋殲夫逋薮 Tận địch toàn tiêm phù bô tẩu, thầy CTT lại dịch thành "Phá địch diệt thù nơi bụi rậm" nhỉ ?  Từ cổ kim đến nay, mình chưa thấy có quân đội nào mà phá địch diệt thù nơi bụi rậm cả. Đọc lên mà tưởng thầy dùng Google Translate.  Đáng ra trong câu này, 盡敵旋殲 Tận địch toàn tiêm có nghĩa là diệt hết tất cả quân địch đó bạn, tức là tận diệt địch quân chứ không là phá địch diệt thù gì cả.  夫 Phù ở đây là kia (bên kia / nơi kia).  Bôn tẩu 逋薮 chắc là Bôn đào tẩu 逋逃藪 tức là nơi kẻ có tội ẩn nấp.  Như vậy, 盡敵旋殲夫逋薮 Tận địch toàn tiêm phù bô tẩu có nghĩa là tận diệt toàn bộ bọn địch đang lẩn trốn kia.  Vậy đọc cả câu này 稱兵挽息於仇方,盡敵旋殲夫逋薮 Xưng binh vãn tức ư cừu phương, Tận địch toàn tiêm phù bô tẩu, với câu dịch "Dấy binh dẹp yên nơi đất thù, tận diệt toàn bộ bọn địch đang lẩn trốn kia" nghe rất hào hùng và đúng với những gì ta biết.  Còn câu thầy CTT dịch "Dấy quân dẹp nạn ở láng giềng, Phá địch diệt thù nơi bụi rậm" thì hóa ra văn bất thành cú, mình thật sững sờ, ai ngờ thầy CTT lại dịch một câu văn hòa hùng thành ra "bụi rậm" như vậy.

********
稟天威而执訊,堪淨鲸濤,越溟漲以攄悰,虔恭雉盡.
Lẫm thiên oai nhi chấp tấn, kham tịnh kình đào, Việt minh trướng dĩ sư tông, kiền cung trĩ tận.

Bản dịch CTT: Nhân oai trời mà bắt giặc, bể lặng nghê kình, Vượt biển tối để theo về, thỏa lòng thần tử.

Bản dịch QSDB: Bầy mưu mô bắt tấn, im sóng cá kình, vượt biển cả mà đến chầu, vào dâng trĩ trắng

Brian (dịch lại): Nhơn oai trời mà bắt giặc, có thể (làm) lặng sóng kình nghê (kình là cá voi đực - nghê là cá voi cái); Vượt biển cả mà vui sướng quay về, thành tâm tận tụy cung kính (loài) trĩ (cống).

Ở đây, 溟漲 minh trướng là biển cả / biển lớn / biển mênh mông chứ làm gì mà là "biển tối" như thầy CTT dịch nhỉ ? Và 攄悰 sư tông có nghĩa là sung sướng mà theo về, mà đến, nhưng chả hiểu sao cụm từ "sung sướng" bị biến mất trong bản dịch ?

Và 虔恭雉盡 kiền cung trĩ tận có nghĩa là thành tâm tận tụy dâng kính (loài) trĩ (cống), thế mà không hiểu sao thầy CTT lại dịch thành ra là "thỏa lòng thần tử" ?  Chả hiểu thành tâm dâng trĩ để cống làm thế nào mà lại trở ra thành câu "thỏa lòng thần tử" nhỉ ? Để nói rõ hơn, ấy là thiên triều cho rằng sứ đoàn chư hầu "thành tâm dâng trĩ cống để xin chế phong vương" chứ không phải chỉ là vua Việt Nam "thỏa lòng thần tử khi vượt biển tối để theo về", đúng không bạn ? Hay là thầy CTT dẹp luôn cả ý cống trĩ vì không muốn hạ bệ nước Việt mình trong bài dịch của thầy ? 

....

Và bài dịch này còn dài dài nữa, mình mới coi sơ qua thôi.  Bạn thích, cứ đọc từ từ và lượm sạn.

Đọc bài dịch này xong, mình lại đặt dấu chấm hỏi:

. Tại sao ở Việt Nam người ta thích dịch "văng ra khỏi lề" thế nhỉ ? Ở Mỹ, nguyên tắc dịch là chính xác rồi mới đến hoa mỹ.  Dịch mà không chính xác là không chấp nhận được.  

. Tại sao một áng văn Hán ngữ cực hay đến vậy mà mình tìm trên mạng lại chả thấy ai viết về nó nhỉ (ngoại trừ bài dịch này của thầy CTT và trong bản dịch QSDB) ?  

. Làm sao thầy CTT dịch kỳ đến thế nhỉ ?  Nhất là câu "Phá địch diệt thù nơi bụi rậm".  Mình còn chút xíu nữa là rớt xuống ghế.  Mình thấy thầy CTT dịch Đại Nam Thực Lục hay lắm mà.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian

P.S: Ừ, bạn cứ tự nhiên gởi đến thầy Cao Tự Thanh bài viết này.  Mình cảm thấy bất ngờ vì bài dịch này của thầy, hy vọng thầy hay bạn cũng chỉ cho mình các chỗ mình nêu là đúng hay sai để chúng ta cùng học hỏi.

Không có nhận xét nào