XIN NHẤN MẠNH LẠI MỘT LẦN NỮA LÀ ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC HOÀN TOÀN CÓ ĐỦ CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ ĐƯỢC TRẢ TỰ DO Nếu còn ai có một chút băn khoăn về...
XIN NHẤN MẠNH LẠI MỘT LẦN NỮA LÀ ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC HOÀN TOÀN CÓ ĐỦ CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ ĐƯỢC TRẢ TỰ DO
Nếu còn ai có một chút băn khoăn về căn cứ cơ sở pháp lý trả tự do cho ông Thức thì tôi xin chia sẻ như sau:
THỨ NHẤT: Năm 2009 ông Thức bị bắt về tội hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ luật hình sự 1999, sau đó bị kết án 16 năm tù.
---------------
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
----------------
Theo như nội dung trên của Điều 79 Bộ luật hình sự khi đó thì yếu tố cơ bản hình thành lên một hành vi phạm tội là "Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức" nhằm chống chính quyền. Vậy để kết tội ông Thức thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được ông Thức đã thành lập hoặc tham gia tổ chức chống chính quyền nào.
Kết quả điều tra cho thấy ông Thức chưa gia nhập một tổ chức chống chính quyền nào. Còn về tổ chức mà ông Thức thành lập thì ông cũng chưa thành lập một tổ chức nào ngoài một nhóm có tên gọi là "Nhóm nghiên cứu Chấn".
Ở thời điểm bị điều tra, kết quả cho thấy nhóm này gồm có 5 người trong đó gồm ông Thức và ba nữ nhân viên công ty, mà sau đó vì tính chất ít nghiêm trọng nên ba phụ nữ không bị xử lý hình sự. Ngoài ra còn một người nữa nhưng đã sớm rời khỏi nhóm này.
Cơ quan tố tụng xoáy vào nhóm nghiên cứu Chấn và quy cho đó là tổ chức chống chính quyền, nhưng thực ra đó chưa phải là tổ chức chống chính quyền. Nhóm đó không có điều lệ nội quy tổ chức, không có tên gọi của tổ chức, không có phân cấp trên dưới, số thành viên ít ỏi.
Cái khả dĩ nhất có thể chấp nhận được thì đó chỉ là tiền thân của một tổ chức chính trị trong tương lai mà thôi. Và do vậy xét theo sự phạm tội thì đó mới chỉ là hành vi chuẩn bị.
Tuy nhiên có một vấn đề cần hiểu cho đúng là, cho dù đó là hành vi chuẩn bị thì đối với tội danh đó sẽ vẫn bị xử lý hình sự như thường. Vì Bộ luật hình sự năm 1999 tại Điều 17 về chuẩn bị phạm tội thì: "Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện."
Tức là đối với những tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì hành vi chuẩn bị phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm về tội định phạm.
THỨ HAI: Điểm mới của Bộ luật hình sự 2015 về tội hoạt động chống chính quyền có lợi cho ông Thức:
----------------
Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
------------------
Như vậy, theo khoản 3 Điều 109 này thì hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ chịu hình phạt từ 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Và theo như Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự 2015, luật sửa đổi 2017 thì:
"Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới... và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
Theo quy định nêu trên áp dụng vào trường hợp của ông Thức thì luật mới quy định hình phạt nhẹ hơn đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, do vậy ông Thức sẽ thuộc diện được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Nhưng luật mới quy định hình phạt chỉ không quá 5 năm, trong khi ông Thức đã thụ án sang năm thứ 10 của bản án 16 năm. Và do vậy trường hợp của ông Thức không phải là để xét giảm hình phạt nữa mà phải trả tự do ngay vì thời gian thụ án đã vượt quá mức hình phạt mới rồi.
THỨ BA: Có một vấn đề là ông Thức không nhận tội, vậy phải làm thế nào? Cùng với tính chất loại án về an ninh quốc gia thì đây sẽ là 2 yếu tố gây khó khăn trong việc xử lý áp dụng cơ chế khoan hồng so với các phạm nhân thông thường khác.
Bộ luật hình sự hiện tại có một số cơ chế như: Miễn chấp hành hình phạt (Điều 62); Giảm mức hình phạt đã tuyên (Điều 63); Tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66) nhưng đều không áp dụng được cho trường hợp của ông Thức vì các yếu tố là tội đặc biệt nghiêm trọng, tội an ninh quốc gia và không nhận tội.
Bản thân ông Thức không nhận tội song ông cũng không từ bỏ những nỗ lực đấu tranh và cơ hội nắm lấy để được trả tự do, và điểm mới của Bộ luật hình sự là một cơ sở pháp lý cho việc này. Luật sư đã giúp phân tích chỉ ra cho thấy toàn bộ hành vi việc làm của ông Thức chỉ mang tính chất chuẩn bị.
Xét theo tính chất thuần tính pháp lý như vậy thì đã có đủ cơ sở để ông Thức được trả tự do rồi, vấn đề là làm theo cách nào để các ban ngành nhà nước có thể thực hiện mà thôi. Và sau khi cân nhắc thì tôi thấy không có giải pháp nào khác ngoài việc áp dụng cơ chế đặc xá trong trường hợp đặc biệt của Luật đặc xá và đề nghị các ban ngành áp dụng theo cách này. Tất nhiên là họ có thể nghe theo hoặc không, hoặc họ có thể tống xuất ông Thức ra nước ngoài mà không đoái hoài đến nguyện vọng được sống trên quê hương của ông Thức.
Luật sư phải làm theo luật và nêu ra phương hướng có căn cứ cơ sở pháp lý. Theo quy định về đặc xá trong trường hợp đặc biệt thì đối với một số trường hợp nhất định mà vì những yếu tố đối nội và đối ngoại, cơ quan có thẩm quyền sẽ đặc xá trả tự do cho phạm nhân mà không có yêu cầu đi kèm là phải nhận tội thành khẩn như đối với các trường hợp đặc xá thông thường.
Đây thực ra là giải pháp lối ra được luật dự liệu cho các ban ngành nhà nước, xử lý giải quyết đối với những trường hợp tù nhân lương tâm được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Và đây là cách làm duy nhất cho trường hợp của ông Thức vì yếu tố không nhận tội.
Nhưng cũng cần thấy là, nếu áp dụng cơ chế đặc xá đặc biệt thì chỉ cần các yếu tố đối nội đối ngoại là đủ, chỉ cần dư luận trong và ngoài nước quan tâm là đủ, mà không cần tính đến điểm mới của bộ luật hình sự.
Song thực tế lâu nay gia đình đã đấu tranh nhiều rồi và dư luận đã quan tâm nhiều rồi mà vẫn chưa đạt kết quả. Trong con mắt của các ban ngành nhà nước thì vẫn chưa đủ yếu tố cần thiết để ông Thức được tự do. Thì nay có thêm một yếu tố về điểm mới của luật hình sự, luật sư đã phân tích chỉ ra các yếu tố pháp lý của vụ án, để cho thấy đã có đầy đủ căn cứ pháp lý, sự chính đáng hợp lý cho ông Thức được trả tự do.
Sự chính đáng hợp lý đó sẽ là sở cứ cho chính nghĩa mà nếu chống lại sẽ là phi nghĩa. Những đề xuất nghiêm túc, thận trọng và đúng mực được hy vọng sẽ đến tai các ban ngành và lay động đến cả những nhận thức xơ cứng nhất, thành kiến nhất, mà nếu không giải quyết thì tự các ban ngành ở vào thế vi phạm pháp luật trái nghĩa.
Và như chính ông Thức nói là "để pháp luật được thượng tôn" thì các ban ngành phải giải quyết trả tự do cho ông Thức. Do vậy tôi xin nhấn mạnh lại rằng việc yêu cầu trả tự do cho ông Thức có đầy đủ cơ sở pháp lý từ chính các quy định pháp luật hiện tại.
Ngô Ngọc Trai
Không có nhận xét nào