Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

50 NĂM BOEING 747.

50 NĂM BOEING 747.      Đó là ngày 30/09/1968. Đám đông hàng ngàn người tụ tập tại xưởng sản xuất Boeing mới tại Everett, nằm cách 50km về p...

50 NĂM BOEING 747.

     Đó là ngày 30/09/1968. Đám đông hàng ngàn người tụ tập tại xưởng sản xuất Boeing mới tại Everett, nằm cách 50km về phía bắc thành phố Seattle. Họ đến để chứng kiến thiết kế cách tân của hãng sản xuất máy bay này.



     Thập niên 1960 đã chứng kiến nhiều thay đổi xã hội gây chấn động. Đó là cuộc chạy đua đưa phi hành gia lên Mặt Trăng, sự ồn ào của Cuộc chiến Việt Nam và những biến động trong căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh.

     Qua thập niên này, ngành khàng không đã tiến từ bước chỉ là phương tiện di chuyển dành riêng cho người giàu có thành phương tiện vừa túi tiền hơn cho phần đông dân số.

     Chìa khóa cho sự thay đổi đến từ thế hệ mới của máy bay phản lực.
  
     Chúng trở nên to hơn, nhanh hơn loại máy bay cánh quạt thời trước, và động cơ phản lực mạnh mẽ đưa máy bay lên cao hơn rất nhiều - giúp chúng vượt qua những vùng thời tiết xấu thay vì phải bay vòng qua khu vực đó.

     Điều đó có nghĩa là các chuyến bay về vùng xa xôi chỉ tốn ít thời gian hơn nhiều so với trước kia.

     Máy bay 707 của hãng Boeing đã là trụ cột cho các hãng hàng không không ngừng phát triển từ giữa thập niên 1950.

     Nó có nhiều đối thủ từ Anh, Pháp và Liên Xô.
  
     Máy bay phản lực lớn hơn có nghĩa là sẽ chở được nhiều hành khách hơn, và điều đó có nghĩa là các sân bay cũng ngày càng phải mở rộng để theo kịp nhu cầu.

     Nguồn gốc thiết kế mới của hãng Boeing không phải đến từ trong hãng, mà là từ một trong các khách hàng của hãng.
  
     Ông Juan Trippe, lãnh đạo Hãng Hàng không Toàn cầu Pan Am, đã để ý tình trạng quá tải ngày càng tăng ở sân bay.

     Trong khi số lượng chuyến bay ngày càng nhiều, thì máy bay lại chỉ có thể chở số lượng hành khách khá nhỏ. Một loại máy bay lớn hơn sẽ giúp các hãng hàng không giảm chi phí xuống.

     Trippe đề nghị hãng Boeing hãy thiết kế sản phẩm gì đó hoàn toàn khác biệt, một chiếc máy bay siêu kích cỡ, gấp đôi kích thước Boeing 707.

     Chiếc máy bay mà hãng Boeing ra mắt trong ngày này tháng Chín sẽ trở thành biểu tượng của những hành trình đường dài hào nhoáng - chiếc phi cơ có thể đưa bạn đến bãi biển đầy nắng cách xa cả lục địa.

     Nó sẽ định danh lại hình dáng và kích cỡ của sân bay, và trở thành người hùng thầm lặng của dòng máy bay vận tải trên thế giới.



     Nó có thể vận chuyển số lượng hàng hóa khổng lồ đi khắp toàn cầu ngày nay.
  
     Nó sẽ trở thành tên tuổi nổi tiếng nhờ vào kích cỡ khổng lồ, với tên gọi "Jumbo Jet" (máy bay phản lực khổng lồ).

     Nhưng với hãng Boeing, họ đặt tên chiếc máy bay này là 747.

*********



     Tuy nhiên, câu chuyện về máy bay 747 lại bắt đầu với một hợp đồng quân sự ít được biết đến.
  
     Đầu thập niên 1960, Không quân Hoa Kỳ chỉ vừa bắt đầu nhận các máy bay vận tải Lockheed C-141 Starlifter. Đây là loại máy bay phản lực vận tải bốn động cơ được thiết kế để vận chuyển 27 tấn hàng hóa đi được một khoảng cách tối đa là 5.600km.



     Nhưng không lực Mỹ cần có phương tiện gì đó lớn hơn thế.

     Vào 3/1964, Không quân Hoa Kỳ mời các hãng sản xuất máy bay đề xuất thiết kế của họ.

     Yêu cầu đặt ra là chiếc máy bay mới sẽ phải chở được 52 tấn hàng hóa bay đi xa khoảng 8.000km - hoặc có khả năng cất cánh với 81 tấn hàng trên khoang cho các chuyến bay ngắn.



     Thêm nữa, chiếc máy bay phải có khoang hàng hóa rộng 5,18m, cao 4,1m và dài 30m, đủ rộng để lái hẳn một chiếc xe tăng vào khoang.
  
     Và nó cần phải có dốc lên cả hai chiều phía trước và sau để các loại xe có thể đưa lên và đưa xuống từ cả hai đầu máy bay.

     Boeing đưa ra một mẫu thiết kế, và các hãng đối thủ cũng vậy, gồm Douglas, General-Dynamics, Lockheed và Martin-Marietta.

     Thiết kế của Boeing, Douglas và Lockheed đều được chọn để nghiên cứu tiếp.

     Mỗi hãng có cách tiếp cận khác nhau vướng mắc chủ yếu: buồng lái cần đặt ở đâu khi phải có cửa vận tải ở phía trước máy bay.

     Thiết kế của hãng Douglas để nó ở phần trên thân máy bay, nơi phía trước cánh.

     Thiết kế của hãng Lockheed thì đặt một buồng lái và một cabin thêm cho hành khách trong khung "xương sống" dài dọc theo suốt chiều dài máy bay.

     Hãng Boeing chọn cách làm lai giữa hai cách trên với mũi của chiếc 747 có thể mở ra để hàng hóa có thể được đưa vào nhanh chóng và dễ dàng
- và lựa chọn này sau đó hóa ra là quyết định vô cùng khôn ngoan.

     Thiết kế của hãng Lockheed chiến thắng trong cuộc thi của quân đội. Đề xuất của họ sau này sẽ trở thành chiếc C-5 Galaxy, chiếc máy bay lớn nhất trên thế giới trong hai thập niên kế tiếp.

     Thế nhưng thiết kế của hãng Boeing lại tạo ra ảnh hưởng với những chiếc máy bay khác trong vai trò rất khác biệt.
  
     Vào 1965, Joe Sutter, kỹ sư của hãng Boeing, người đã làm việc với chiếc máy bay 737 tầm ngắn, được chủ tịch hãng là Bill Allen mời vào tham gia một dự án mới.

     Đó là dự án máy bay khổng lồ lấy cảm hứng từ yêu cầu từ phía quân đội, và từ nỗi khao khát của Juan Trippe trong việc giải quyết tình trạng máy bay chở khách ngày càng quá tải.

     Công trình của Sutter và nhóm của ông bắt đầu một phần với cảm hứng từ thiết kế quân sự.

     Nó giữ lại sàn máy bay cao và cửa mở ở mũi máy bay, và sử dụng các động cơ 'high-bypass' (tức động cơ turbofan có hệ số tách dòng cao) được phát triển cho máy bay vận tải quân sự (các động cơ 'high-bypass' lưu thông không khí xung quanh turbine và qua turbin, tạo ra lực đẩy mạnh hơn rất nhiều với cùng lượng nhiên liệu được đốt).

     Qua tìm hiểu từ các khách hàng tiềm năng như Pan Am, Sutter nhận ra rằng các hãng hàng không cần loại máy bay có thể chở trên 190 hành khách, con số tối đa mà máy bay 707 khi đó có thể chuyên chở.
  
     Làm được vậy thì sẽ ít xảy ra tình trạng chen chúc hơn, và việc chuyên chở được nhiều hành khách hơn trong mỗi chuyến bay sẽ đồng nghĩa với việc chi phí mà mỗi hành khách phải trả sẽ giảm xuống. Các máy bay lớn hơn sẽ có chi phí vận hành rẻ hơn.

     Nhưng vẫn có một vấn đề phức tạp đi kèm.

     Thời đó, hãng Boeing đang nghiên cứu một dự án tham vọng hơn, Mike Lombardi, nhà sử học làm việc tại Boeing cho biết.
  
     "Boeing đang nghiên cứu máy bay vận tải siêu thanh (SST - Supersonic Transport) để cạnh tranh với hãng Concorde. Thời đó người ta nghĩ rằng khi máy bay Concorde và STT bắt đầu được đưa vào phục vụ, mọi người sẽ muốn bay với chúng và sẽ không muốn bay với các loại máy bay di chuyển chậm hơn vận tốc âm thanh."

     "Sutter nhận ra rằng một ngày nào đó, những chiếc máy bay này sẽ trở thành máy bay vận tải hàng hóa."

     Điều này có nghĩa là dòng máy bay với kích cỡ khổng lồ mới sẽ phải giữ nguyên cấu trúc là máy bay vận tải, với buồng lái trên khoang hành khách, vì họ nhận ra rằng thời gian nó là máy bay chở khách không còn bao lâu.

     "Việc cần đảm bảo để chiếc 747 có thể là máy bay vận tải tốt đã ảnh hưởng quan trọng với thiết kế," Lombardi cho biết. Đó là sự sáng suốt đảm bảo thành công của chiếc 747.

     Chiếc SST của hãng Boeing, có tên gọi 2707, đã không bao giờ được đưa vào hoạt động do quan ngại về việc gây ô nhiễm môi trường với tiếng ồn từ tiếng nổ siêu thanh - và chi phí nhiên liệu nhiều khủng khiếp đã khiến chiếc máy bay không được sản xuất trước khi nó bay thử.

     Thậm chí trước khi có thể chế tạo máy bay 747, hãng Boeing có một việc khác phải làm - là xây một nhà máy đủ lớn để lắp ráp 747.
  
     Chiếc 747 vô cùng to lớn - với chiều dài 76,4m từ mũi máy bay đến phần đuôi, và sải cánh rộng 68.5m - khiến người ta không thể lắp ráp chúng ở bất cứ xưởng nào sẵn có của hãng Boeing.

     Họ phải xây dựng một nhà máy lắp ráp hoàn toàn mới, đủ lớn để chiếc máy bay 747 vừa xuất xưởng có thể lăn bánh sau khi hoàn thành."

     Người ta không chỉ chế tạo một trong những chiếc máy bay lớn nhất thế giới mà họ còn phải xây dựng một trong những tòa nhà lớn nhất thế giới để lắp ráp nó," Lombardi nói. Nhà máy Everett vẫn là một trong những tòa nhà lắp ráp lớn nhất trên thế giới.

     Việc chế tạo chiếc 747 diễn ra vào thời điểm đầy tham vọng của hãng Boeing, Lombardi nhận định.
  
     Khi ấy, hãng không chỉ phải giám sát dự án 747 (và tòa nhà cần để lắp ráp máy bay) và chương trình SST có số phận hẩm hiu, mà hãng còn phải chế tạo mẫu máy bay 737 tầm trung và hệ thống sử dụng cho chương trình không gian Sao Thổ của tàu Apollo.

     Với tất cả những hoạt động này, Boeing đều phải chi tiền.

     Để có thể có tiền cho dự án 747, hãng sản xuất phải vay tiền từ ít nhất là bảy ngân hàng.

     Sutter, người sau này nổi tiếng với biệt hiệu "cha đẻ của 747", đã còn phải đấu tranh để các kỹ sư trong nhóm của ông không bị lôi kéo sang nhiều dự án khác.

     "Với việc có chừng đó các hoạt động khác nhau tại Boeing thì vấn đề không phải chỉ nằm ở chỗ thiếu ngân quỹ, mà còn ở cả chỗ thiếu hụt các kỹ sư tài năng," Lombardi nói. "Tất cả các kỹ sư tài năng đều làm việc cho dự án SST. Joe Sutter đã thực sự phải chiến đấu để có kỹ sư làm việc cho chiếc 747."

     "Tôi từng nghe chuyện kể rằng ông đến một cuộc họp và ở đó ông được yêu cầu phải nhường bớt kỹ sư cho những chương trình khác," Lombardi kể. "Ông nói: 'Vậy thì tôi không thể chế tạo nó [chiếc 747]'."

     "Ông đứng dậy và nói 'không', và rời khỏi cuộc họp, nghĩ rằng thế là xong, thể nào ông cũng bị sa thải. Nhưng Bill Allen nói với ông, 'Tôi thực sự kính trọng những gì ông đã làm trước tất cả mọi người'." Sutter sau đó không bị sa thải.

     Sau khi được giới thiệu vào tháng 9/1968, khi thế giới đã lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay khổng lồ, cột mốc quan trọng kế tiếp đến vào tháng 2/1969.

     Các phi công lái thử gồm có Jack Waddel và Biren Wigle bay chuyến thử nghiệm đầu tiên trên chiếc 747 từ Everett.   (ST)

Không có nhận xét nào