Công an đúng hay sai trong việc phạt anh thợ điện 90 triệu đồng vì “tội” đổi 100 đô la ?. Nhiều người cho rằng công an làm “đúng luật”. Luật...
Công an đúng hay sai trong việc phạt anh thợ điện 90 triệu đồng vì “tội” đổi 100 đô la ?.
Nhiều người cho rằng công an làm “đúng luật”. Luật ở đây là NGHỊ ĐỊNH 96/2014/NĐ-CP về việc “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.
Điều 24.3.a của nghị định “Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối”:
“Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”.
Lập luận này cho rằng anh thợ điện đã “bán” 100 đô tại “tổ chức không được pháp thu đổi ngoại tệ”. “Tổ chức” ở đây là tiệm vàng Thảo Lực ở Cần thơ.
Ngay cả Thống đốc Ngân hàng nhà nước mới đây trả lời phỏng vấn báo chí cũng cho rằng công an làm đúng luật. Theo ông thì luật “sai”, cần phải tu chính lại.
Anh thợ điện bị phạt là vì vậy.
Theo tôi, một điều luật (nào đó) không phải muốn áp dụng (hay giải thích quyền biến) thế nào cũng được. Người ta không chỉ phải xem xét tới thời hiệu, đối tượng, hoàn cảnh… của luật mà còn xét tới tình huống sự việc (phạm luật) đã xảy ra.
Về “đối tượng”, Nghị định 96/2014 có áp dụng cho hành vi “đổi 100 đô” của anh thợ điện hay không ?
Theo tôi là không.
Bởi vì hành vi “đổi” 100 đô không thể đưa vào mục “hoạt động ngoại hối”.
Thế nào là “hoạt động ngoại hối” ?
Luật Ngân hàng Nhà nước VN điều 6 về “định nghĩa từ ngữ” khoản 3 :
“3. Hoạt động ngoại hối là hoạt động của người cư trú, người không cư trú trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối.”
Hành vi đổi 100 đô có phải là một “giao dịch vãng lai” hay là một hành vi “giao dịch vốn” ?
Giao dịch vãng lai là gì ? Tham khảo các văn phòng Luật ở VN, ta thấy có định nghĩa chung về “giao dịch vãng lai”:
“Giao dịch vãng lai là giao dịch giữa người cư trú (NCT) với người không cư trú (NKCT) không vì mục đích chuyển vốn. Trên nguyên tắc, các giao dịch này được tự do thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, miễn sao phù hợp với các qui định của pháp luật hiện hành về kiểm soát ngoại hối. Các giao dịch vãng lai chủ yếu bao gồm:
– Thanh tóan và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ
– Chuyển tiền một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam
– Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài
– Mang tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất nhập cảnh”...
Xét ngữ cảnh của định nghĩa, ta kết luận rằng hành vi đổi 100 đô không liên quan đến hoạt động “giao dịch vãng lai”.
“Giao dịch vốn” là gì ?
Theo Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 của UB Thường vụ QH, điều 4:
“Giao dịch vốn là giao dịch chuyển vốn giữa người cư trú với người không cư trú trong các hoạt động sau đây:
a) Đầu tư trực tiếp;
b) Đầu tư gián tiếp;
c) Vay và trả nợ nước ngoài;
d) Cho vay và thu hồi nợ nước ngoài;
đ) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
Xét ngữ cảnh của Pháp lệnh, hiển nhiên việc đổi 100 đô la không phải là hành vi “giao dịch vốn”.
Hành vi đổi 100 đô có thể ghép vào “các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối” hay không ?.
Tập quán của luật quốc gia hay quốc tế, ngay cả ở các Tòa án quốc tế, người ta đồng thuận rằng khi một điều khoản (hay điều luật) trong một văn bản có nội dung không rõ rệt, thì việc giải thích văn bản cần thận trọng.
Để có thể ghép việc đổi 100 đô vào “các giao dịch khác” ta cần phải xét đến “mục đích” của Nghị định nhắm đến các đối tượng nào, về các hành vi nào ?
Ta cũng cần xét đến hành vi “đổi 100 đô” có “có ý phạm tội” hay không ?
Hiển nhiên Nghị định 96/2014 chỉ nhắm đến các đối tượng mua bán ngoại hối để kiếm lời, hoặc các các “giao dịch” có tính “quốc tế” như đầu tư (trực tiếp và gián tiếp), vay hoặc trả nợ nước ngoài v.v…
Việc đổi 100 đô như vậy không thuộc phạm vi nhắm tới của Nghị định 96/2014.
Và hiển nhiên, việc đổi 100 đô anh thợ điện không hề có chủ ý phạm bất kỳ một điều luật nào. Nếu đây là hành vi phạm luật, thì việc nhà nước nhận từ Việt kiều nước ngoài mỗi năm hàng chục tỉ đô la, phần lớn qua các cá nhân “bình thường” như anh thợ điện, là một hành vi phản bội, phi đạo đức. Tương đương như việc nhổ vào nồi cơm đang ăn.
Kết luận là anh thợ điện không có tội gì hết cả. Nếu anh có tội, thì nhà nước đã phạm tội (trầm trọng) từ 40 năm nay.
Nhất Tuấn Trương
Không có nhận xét nào