Chỉ có sự thật mới giải phóng con người cho dù đó là sự thật đau đớn nhất. HÃY CÔNG TÂM NHÌN LẠI BẢN HIẾN PHÁP QUÂN CHỦ CHUYÊN CHẾ MẠO DANH ...
Chỉ có sự thật mới giải phóng con người cho dù đó là sự thật đau đớn nhất.
HÃY CÔNG TÂM NHÌN LẠI BẢN HIẾN PHÁP QUÂN CHỦ CHUYÊN CHẾ MẠO DANH CỘNG HOÀ 1956.
Thế nào là cộng hoà ?
Theo nghĩa rộng nhất, một nền cộng hòa (Tiếng Latinh: res publica) là một bang hay một quốc gia được lãnh đạo bởi những người không dựa sức mạnh chính trị của họ vào bất kỳ một quy luật nào vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhân dân trong bang hay nước đó. Một vài định nghĩa nhấn mạnh sự quan trọng của sự tự trị và Luật pháp như là một phần của những điều kiện cần cho một nền cộng hòa.
Hiến pháp là văn kiện Luật pháp cao nhất để định hướng và điều chế mọi sinh hoạt của một quốc gia. Từ nội dung văn kiện đó, các nhà làm luật thiết kế một “hệ thống Luật và Nguyên tắc căn bản để quy định bản chất, các chức năng và những giới hạn của một chính phủ” . Nghĩa là trên căn bản và trong khuôn khổ đó của Hiến pháp mà một hệ thống pháp luật “thực tế và tất nhiên” được hình thành để điều hướng và làm trọng tài cho xã hội. Vì vừa quy định “bản chất” lẫn “chức năng” nên khi ta phân tích và phê bình một Hiến pháp thi chính là chúng ta đang phân tích và phê bình vừa bản chất chính trị vừa phần thể hiện chính trị của một chế độ. Hiến pháp 1956 của Đệ nhất Cộng hòa là sản phẩm đầu tay của chế độ Ngô Đình Diệm (chứ không phải là thừa kế liên tục từ một chế độ khác) cho nên phê phán Hiến pháp 1956 chính là phê phán căn cước chính trị của chế độ Đệ nhất Cọng hòa, dù ông Diệm có coi Hiến pháp không ra gì khi tuyên bố một cách phản dân chủ trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963 rằng “sau lưng Hiến pháp còn có tôi”.ơ
Hiến pháp, trên thực tế và nói cho cùng, còn là một khế ước chính trị giữa người dân và chính quyền đã được các vị dân cử thảo luận và biểu quyết tại Quốc hội. Tính “cưỡng hành” (enforcement) của Hiến pháp có tính chính trị (nhiều hơn là Luật pháp) mà ở đây là quyền lực chính trị. (Ví dụ điều 3 của Hiến pháp 1956 xác định “Tổng thống lãnh đạo Quốc gia” như điều 4 của Hiến pháp 1992 của Hà Nội xác định “Đảng Cộng sản Việt Nam,... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”). Vậy, phê bình chế độ chính trị của chính quyền Ngô Đình Diệm thì không thể không đem Hiến pháp ra mà mổ xẻ. Và sau khi phê bình Hiến pháp 1956, không thể không đối chiếu với thực tế chính trị, mà đó mới là điều quan trọng, của chế độ nầy sau 7 năm cầm quyền kể từ ngày Hiến pháp được ban hành (1956-1963).
* * *
Hiến pháp 1956 do Quốc hội biểu quyết ngày 20/10/1956 được Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành ngày 26/10/1956, thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa. Hiến pháp gồm 98 điều, chia làm 8 thiên. Hiến pháp tuy là do sự đóng góp của nhiều người , kể cả đóng góp một cách gián tiếp của các chức sắc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam (như linh mục Bữu Dưỡng và nhóm Tinh Thần), nhưng nội dung chính vẫn do ông Ngô Đình Nhu, người được cho là lý thuyết gia của chế độ, duyệt xét chung quyết. Bản Hiến pháp này, ngoài một vài từ ngữ mà trên mặt … tượng thanh có vẻ rút ra từ “chủ nghĩa” gọi là “Nhân Vị” như “giá trị siêu việt”, “nhân vị”, “duy linh”, “Đấng tạo hóa”, ... còn nội dung thật sự của nó chỉ là một nỗ lực “đầu Ngô mình Sở” (từ của ông Đoàn Thêm trong Những Ngày Chưa Quên, Đại Nam, 1969) của một ít thần học Thiên Chúa giáo Âu châu, pha trộn vài điều của Tổng thống chế Mỹ và một ít triết lý Đông phương mà thôi. Tiếc rằng nỗ lực đó hoàn toàn thất bại. Có hai lý do để giải thích sự thất bại này: Thứ nhất là vì lúc bấy giờ (và sau đó tan dần không còn dấu vết gì đáng kể theo sự sụp đổ của chế độ vào năm 1963) thuyết Nhân Vị của ông Nhu là tổng hợp trụy thai còn hỗn tạp và còn ở dạng sơ khai nên không có những yếu tính đặc thù để tạo ra nét độc đáo riêng cho Hiến pháp; và thứ hai là vì nhu cầu quyền lực chính trị quá lớn nên ông Nhu đã bất chấp nội dung “Nhân Vị” - dù còn mơ hồ chưa thành hình - để đưa vào Hiến pháp những nguyên tắc chuyên chính độc tài, chà đạp sinh hoạt dân chủ của quốc gia và quyền tự do của công dân, với mục đích tập trung quyền hành vào một thiểu số thống trị. Nghĩa là áp đặt càng nhiều càng tốt tính độc tài trong bộ luật căn bản và cao cấp nhất của quốc gia.
Thật vậy, muốn xem một hiến pháp là dân chủ hay độc tài, hai đề mục cần được quan tâm nhất là: Quyền lực quốc gia, qua cơ cấu và cách vận hành bộ máy chính quyền, xem thuộc về ai; và Quyền hành của công dân được công nhận và quy định như thế nào?
Hiến pháp Đệ nhất Cộng hòa, trong thiên “Điều khoản Căn bản”, điều 2, viết rằng “Chủ quyền thuộc về toàn dân” nhưng ngay đoạn 3, điều 3 thì lại xác định “Tổng thống lãnh đạo quốc dân” , nghĩa là tách rời hai ý niệm “chủ quyền” và “quyền lực” ra khỏi nhau. Làm sao nhân dân có thể làm chủ được quốc gia khi Tổng thống - chứ không phải họ - lãnh đạo quốc dân?, dù “quốc dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử và nhiệm vụ lập pháp cho quốc hội cũng do dân cử” (điều 3, đoạn 1). Mà “ủy” theo bản dịch Pháp văn chính thức lại có nghĩa là “phong” (investir) tức là trao toàn quyền. Một cách thực tế, cứ 5 năm, người dân cầm lá phiếu để “phong” một ông Tổng thống để cai trị mình rồi trở về không còn tham dự gì vào quyền lực quốc gia nữa (như dùng quyền truất phế - impeachment – Tổng thống thông qua người đại diện của mình ở Quốc hội chẳng hạn …) . Như ta sẽ thấy rõ trong bản Hiến pháp ở các mục sau, cũng như trên thực tế của 7 năm cai trị, Tổng thống Diệm tập trung trong tay những quyền hành “hợp hiến” to lớn mà Quốc hội chỉ là một bộ phận phụ thuộc được dùng để luật hóa các quyết định chính trị của hành pháp mà thôi. Cũng do đó, tinh thần Tam quyền Phân lập cơ bản được đề ra trong Hiến pháp chỉ còn là chiêu bài xảo trá để đánh bóng cho chế độ mà thôi.
Chủ quyền thuôc về toàn dân và Tổng thống lãnh đạo quốc dân nghe không khác gì Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ... của Hiến pháp Cộng Sản 1992 hiện nay tại Việt Nam. Điểm khác biệt đáng nói là Cộng Sản tập trung quyền lực vào một chính trị bộ 15 người còn hiến pháp 1956 của đệ nhất Cọng hòa thì tập trung quyền lực vào một Tổng thống Diệm (hay một gia đình, cho đúng với thực tế). Nguyên tắc chủ quyền đã bị chà đạp như thế, đến quan niệm “toàn dân” thì lại càng mơ hồ hơn nữa. Bản dịch tiếng Pháp đăng trên công báo là “Chủ quyền thuộc về toàn thể quốc dân” và chữ “quốc dân” này còn được dùng nhiều lần trong Hiến pháp.
“Quốc dân”, theo lý thuyết dân chủ Tây Âu mà hiến pháp 1956 mô phỏng (vì ông Nhu chịu nhiều ảnh hưởng của Tây hơn của Mỹ), là một tập thể trừu tượng không những bao gồm thế hệ hiện tại mà còn cả các thế hệ đã qua và sau này nữa, nó là một “pháp nhân khác biệt với những cá nhân hợp thành quốc gia” và luật có thể ấn định những điều kiện để hành xử chức năng “quốc dân” đó như điều 18 đã quy định rằng “quyền bầu cử và ứng cử phải theo thể thức và điều kiện luật định” hoặc điều 50 xác định rằng phải hội “đủ các điều kiện khác dự liệu trong luật tuyển cử”.
Vì quốc dân (national Vietnamien, Vietnamese national) không phải là nhân dân (peuple Vietnamien, Vietnamese people) nên ngay cả cái chủ quyền mà người dân miền Nam được nắm giữ một cách trừu tượng ở phần đầu của Hiến pháp thật ra cũng chỉ là một thứ chủ quyền lý thuyết trên giấy tờ mà thôi.
Như vậy, hai nguyên lý căn bản nhất làm cơ sở chỉ đạo cho hiến pháp 1956 là Chủ quyền của ai và Ai lãnh đạo đã nói lên rất rõ ý đồ của ông Ngô Đình Nhu muốn tập trung quyền lực vào một cá nhân Tổng thống để có thể cai trị một cách độc tài, phản dân chủ. Cho nên ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy quyền Hành pháp của Tổng thống chẳng những đã lấn át quyền của Quốc hội mà có khi còn bao gồm cả tính Lập pháp nữa.
Thật vậy, Tổng thống có quyền bổ nhiệm và cách chức tất cảcác công chức dân và quân sự (điều 37), nghĩa là một vị quận trưởng hay một trung úy đại đội trưởng cũng có thể bị ông Diệm, từ dinh Độc Lập, trực tiếp ra lệng miệng cách chức mà không cần thông qua một quy trình của Bộ Nội vụ hoặc bộ Quốc phòng; bổ nhiệm các sứ thần (điều 35), là tổng tư lệnh tối cao của quân đội (điều 37); có quyền ân xá, ân giảm, hoán cải hình phạt, huyền án (điều 37); ký kết, phê chuẩn các hiệp định quốc tế, thay mặt quốc gia trong việc giao thiệp với ngoại quốc (điều 35), tuyên chiến và ký kết hòa ước với sự thỏa thuận của chỉ một nửa túc số quốc hội (điều 36); tuyên bố tình trạng khẩn cấp báo động, giới nghiêm (điều 44); tổ chức trưng cầu dân ý (điều 40). Và vì các vị thẩm phán tối cao đều do Tổng thống bổ nhiệm (và, khác với Hiến pháp Mỹ, bị xem như một công chức nên có thể bị Tổng thống cách chức) nên trên thực tế Tổng thống chẳng những đã trực tiếp nắm gần hết mọi cơ cấu của Hành pháp từ cấp Bộ trưởng, Tướng lãnh cho đến nhân viên hốt rác, anh binh nhì … mà còn có khả năng khuynh loát và điều động Tư pháp nữa.
Quyền Lập pháp dù nói là thuộc về Quốc hội (điều 55) nhưng trên thực tế Tổng thống cũng có quyền làm luật. Tuy nhiên, trong khi quyền làm luật của Tổng thống được bảo đảm là bất khả xâm phạm thì ngược lại, quyền làm luật của Quốc Hội có thể bị Tổng thống khống chế. Thật vậy, ngoài cái quyền đương nhiên được chuyển dự thảo ra Quốc hội (để hầu hết) được phê chuẩn nhanh chóng (điều 56), hiến pháp 1956 còn cho phép Tổng thống, vì lý do khẩn cấp, có quyền ban hành sắc luật giữa hai khóa họp Quốc hội (điều 41), hoặc trong “tình trạng khẩn cấp, chiến tranh, nổi loạn, khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính”, Tổng thống có thể được Quốc hội ủy quyền ra sắc luật thường xuyên (điều 41). Điều khôi hài là chỉ có Tổng thống mới được nhận định và tuyên bố trong trường hợp nào thì tình trạng trở thành khẩn cấp (điều 44).
Vì ngân sách là sức mạnh huyết mạch của chế độ nên ông Ngô Đình Nhu đã duy trì cho được điều 43 của Hiến pháp để đề phòng đối lập có thể làm tê liệt chính quyền. Điều 43 viết rằng “trong trường hợp ngân sách không được Quốc hội chung quyết trong thời hạn ấn định ở điều 60 thì Tổng thống có quyền ký sắc luật ngân sách cho tài khóa sau” và “nếu về sau Quốc hội có bác bỏ hoặc sửa đổi những điều khoản của sắc luật ngân sách thì Quốc hội phải giải quyết các hậu quả gây nên do việc bác bỏ hoặc sửa đổi”. Thật chưa có một hiến pháp hiện đại nào có lối văn vừa cảnh cáo vừa đe dọa quốc hội (tức là người đại diện của dân) quái đản như điều 43 này!
Cũng trong hiến pháp này, về thể thức biểu quyết của Quốc hội, “một dự án hoặc dự thảo luật được Quốc hội chấp thuận chỉ có giá trị nếu hội đủ túc số 1/3 tổng số dân biểu” (điều 69). Quy định “đa số 2/3 phục tùng thiểu số 1/3” phản dân chủ này chỉ có thể giải thích bằng ý đồ chính trị đen tối của ông Nhu muốn đề phòng trường hợp tổng số dân biểu gia nô của mình bị trở thành thiểu số trong Quốc hội. Nhưng trong khi Quốc hội “dễ dãi” với Tổng thống như thế thì ngược lại khi Tổng thống phủ quyết một đạo luật của lập pháp, Quốc hội phải hội đủ túc số 3/4 khó khăn mới được tái thông qua. Mà 3/4 này phải “minh danh đầu phiếu” (điều 58) để Tổng thống điểm mặt xem ai đã dám chống lại quyền phủ quyết của mình!
Ngoài ra Tổng thống có quyền đình chỉ việc áp dụng một hoặc nhiều đạo luật trong những vùng mà Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp (điều 44). Một viện Bảo hiến có được quy định để nghiên cứu và quyết định xem các điều khoản có bất hợp hiến không, nhưng viện này gồm 9 người thì vị chủ tịch và 4 thẩm phán hay luật gia đã do Tổng thống bổ nhiệm rồi (điều 86). Cuối cùng, Tổng thống có quyền đề nghị sửa đổi hiến pháp (điều 90) và Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp phải “tham khảo ý kiến” không những của Viện Bảo hiến (bù nhìn) rồi mà còn của cả Tổng thống nữa (điều 91).
Tóm lại, theo Hiến pháp 1956 này, cái Hiến pháp đã làm bình phong dân chủ cho chế độ Ngô Đình Diệm suốt 7 năm, thì Tổng thống có đầy đủ quyền lực để triệt tiêu hoặc làm tê liệt các đạo luật nào mà mình không vừa ý cũng như để ban hành và thi hành các đạo luật nào có lợi cho mình.
Nếu Tổng thống đã khống chế Quốc hội như vậy, thì ngược lại Quốc hội có quyền gì đối với Tổng thống không ? Tổng thống không bắt buộc phải điều trần trước Quốc hội, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội và không thể bị Quốc hội bất tín nhiệm để lật đổ. Tổng thống tiếp xúc với Quốc hội “bằng thông điệp” và nếu muốn “có thể dự các phiên họp của Quốc hội”, cũng như chỉ “khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết tình hình Quốc gia” (điều 39).
Qua những điều kể trên, ta thấy rõ rằng khi thiết kế ra Hiến pháp này, quả thật ông Nhu đã muốn cho anh mình trở thành một thứ Đế vương phong kiến với những hình thức và ngôn ngữ có vẻ dân chủ tự do... Chính ông Ngô Đình Diệm cũng đã công khai bày tỏ sự tán đồng nội dung của bản Hiến pháp này trong bài phỏng vấn của nhật báo Pháp Le Figaro số ra ngày 23 và 24 tháng 3 năm 1959: “Cần phải nhớ lại quá khứ của chúng tôi. Chế độ chính trị ở Việt Nam thời nào cũng vậy, đã thành lập trên nguyên tắc điều khiển việc nước không phải do những đại biểu của quốc dân mà do những ông vua có những tể tướng sáng suốt phụ tá... Chúng tôi phải lập lại ở Việt Nam hệ thống luân lý như ngày xưa” Ông Nhu đúng là vị “tể tướng sáng suốt” đã sơn son thếp vàng cho ông vua Ngô Đình Diệm phong kiến của thời đại quân chủ lên làm nguyên thủ của nước Việt Nam Cộng hòa theo Tổng thống chế, để xây dựng tự do dân chủ cho miền Nam chống Cộng! .
Quan niệm thứ nhì của Hiến pháp 1956 mà ta phải xét đến là quyền hành của người dân được quy định như thế nào trong chương “Quyền lợi và Nhiệm vụ của người dân”. Đây cũng là chương nói lên rõ ràng nhất cái kỹ thuật lừa bịp tinh vi của ông Ngô Đình Nhu, cha đẻ của Hiến pháp 1956, phát xuất từ sự đánh giá sai lầm sức mạnh của một chế độ dân chủ tự do, và sức mạnh vô địch của quần chúng trong cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù như Cộng sản.
Phát xuất từ quan niệm cơ bản rằng chỉ cần một chính quyền mạnh (trong nghĩa bạo lực quân sự hoặc bạo lực chính trị) là chế độ có thể tồn tại vững bền, Hiến pháp 1956 đã nhân danh chủ nghĩa chống Cộng để kiểm soát và giới hạn tối đa mọi quyền tự do và dân chủ của người dân. Quan niệm này không đếm xỉa đến nhân dân như là sức mạnh trụ cột và trường kỳ của miền Nam Việt Nam, cũng như không đếm xỉa đến sinh hoạt dân chủ như là vũ khí hữu hiệu nhất để đối kháng với kẻ thù.
Thật vậy, sau khi đã mở đầu Hiến pháp với một mớ từ ngữ ma quái trong triết lý Duy linh và sau khi đã bắt buộc phải xác định một cách không thể tránh được những nguyên lý căn bản mà Hiến pháp nào (kể cả Hiến pháp Cộng sản) cũng phải đề ra như “quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của con người” (điều 5), “mọi người dân đều có quyền sinh sống tự do và an toàn” (điều 9), thì đến lúc đi vào từng chi tiết cụ thể của từng sinh hoạt của người dân, mọi điều đưa ra cho có vẻ tự do dân chủ đều bị giới hạn lại ngay bằng một điều khác liền.
Hiến pháp xác định “quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được công nhận” nhưng điều 25 ngay sau đó lại nói rằng việc sử dụng các quyền này phải “theo những thể thức và điều kiện luật định” (Luật định như Dụ số 23 về việc thành lập Nghiệp đoàn bắt phải nộp điều lệ để chính quyền cứu xét và quyết định, nhưng Dụ này lại không định ra một giới hạn nào cả về thời gian cứu xét). Hiến pháp cũng xác định có quyền đình công nhưng cũng ngay trong điều 25 đó thì “quyền đình công không được thừa nhận đối với nhân viên và công nhân trong các ngành hoạt động liên quan đến quốc phòng, an ninh công cộng hoặc các nhu cầu thiết yếu của đời sống tập thể” nhưng lại không có một văn kiện “luật định” nào giải thích rõ ràng các ngành đó cả mà chỉ do Tổng thống hoặc chính quyền xác định lấy.
Cũng vậy, nói rằng “tính cách riêng tư của thư tín không thể bị xâm phạm” nhưng lại thêm “trừ khi cần bảo vệ an ninh công cộng hay duy trì trật tự chung” (điều 12); cho người dân có quyền “tự do đi lại và cư ngụ” rồi lại thêm ngoại trừ trường hợp “luật pháp ngăn cản vì duyên cớ vệ sinh hay an ninh công cộng”; xác định người dân có quyền “tự do xuất ngoại” nhưng trừ “trường hợp luật pháp hạn chế vì lý do an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh hay lợi ích công cộng” (điều 13); nói rằng có quyền “tự do hội họp và lập hội” nhưng giới hạn “trong khuôn khổ luật định” (điều 15); Hiến pháp cũng công nhận là “chỉ có thể bắt giam người khi có câu phiếu của cơ quan có thẩm quyền” mà lại không xác định “cơ quan có thẩm quyền” là những cơ quan nào cho nên sau này có rất nhiều cơ quan mật vụ an ninh chìm nổi của ông Nhu, ông Cẩn, không nằm trong hệ thống của Bộ Tư pháp mà vẫn có quyền bắt người dù có hoặc không có trát tòa.
Nói chung, để kiểm soát và bóp nghẹt quyền của người dân, Hiến pháp 1956 đã tung ra một mớ gươm Damoclès treo trên đầu người dân với những từ ngữ mà chính quyền muốn giải thích như thế nào cũng được như “điều kiện luật định, lý do quốc phòng, an ninh công cộng, an toàn chung, trật tự chung, lợi ích công cộng, đạo lý công cộng...” Và để bảo đảm tối đa sự kiểm soát này, Hiến pháp còn nâng chủ trương nầy lên thành nguyên tắc tổng quát trong điều 28: “quyền của mỗi người đều được xử dụng theo những thể thức và điều kiện luật định”. Điều 28 quỷ quyệt này đóng kín một cách hoàn toàn và vĩnh viễn tất cả mọi hy vọng của người dân về một sinh hoạt dân chủ và an toàn cá nhân dưới chế độ, đồng thời trao lại một cách hoàn toàn và vĩnh viễn quyền sinh sát vào tay một thiểu số gia đình họ Ngô đang nắm quyền lực trong tay.
Dương Hoài Linh
Không có nhận xét nào