Khi Giầy Dép Có Cánh Giầy dép thường được đi ở chân, là thứ phải cọ xát trên mặt đdường, dẫm đạp lên bùn đất, bụi bặm, đờm dãi bẩn thỉu, đô...
Khi Giầy Dép Có Cánh
Giầy dép thường được đi ở chân, là thứ phải cọ xát trên mặt đdường, dẫm đạp lên bùn đất, bụi bặm, đờm dãi bẩn thỉu, đôi khi trên con đường làng gần nhà tôi còn có cả cứt của bọn chó vô kỉ luật, bọn chưa được học phép tắc của con vật trong chế độ XHCN.
Chính vì thế mà khi nó bỗng dưng mọc cánh, rời khỏi mặt đất và bay về phía mặt quan chức, hay nói chính xác hơn là quan chức đại diện để giải quyết một sự việc bất công thì chiếc giầy, chiếc dép sẽ trở thành một vật thể có tính biểu tượng cao.
Chiếc giầy hay dép biết bay ấy sẽ là hiện thân của sự phản kháng của người dân trước bất công và hành động cho chúng cất cánh ấy được những người yêu thích sự phản kháng đúng đắn ủng hộ và ca ngợi là điều tất nhiên.
Đôi khi có những hành động không gây tổn hại về thể chất cho ai nhưng lại có một ý nghĩa rất lớn. Một cái tát, một chút nước bọt, một cái cười khinh bỉ. Trong một xã hội trọng danh dự, một thái độ thể hiện sự khinh bỉ còn đau đớn hơn một nắm đấm làm gẫy đi bộ hàm nhai. Nhưng trong một xã hội có văn hoá sống thấp kém thì đối tượng đích của những hành động ấy chưa chắc đã cảm thấy như vậy.
Với tình hình này, khi đội ngũ dân oan ngày càng đông trên đất nước này, tôi đoán những chiếc giầy, chiếc dép ngoài nhiệm vụ nâng niu bàn chân Việt, sẽ còn đảm đương thêm trách nhiệm cao cả nữa là biết bay. Những quỹ đạo bay lượn của giày dép biết bay sẽ mang đầy chất anh hùng ca, sẽ được hậu thế nhớ mãi.
Tôi biết là tác giả của vụ giầy bay bị phạt 750.000 đồng, nhưng nếu có bị tới 700 triệu đồng thì tôi tin rằng cộng đồng sẽ sẵn sàng quyên góp ủng hộ để nhiều chiếc dép được bay hơn nữa.
Có nhiều ý kiến cho rằng không nên làm vậy, giầy dép chỉ nên cam phận làm giầy dép, giầy dép không phải là chim, sao lại đảm đương thêm trách nhiệm biết bay làm gì?
Xin thưa là nếu mọi việc cứ theo quan niệm cũ rích như vậy thì những giọt nước mắt Thủ Thiêm cho dù đã chảy thành sông cũng không ai biết tới. Quan niệm ấy cũng gần với quan niệm là người dân phải biết tôn trọng quan chức. Tất nhiên là người dân cần tôn trọng quan chức nhưng là tôn trọng quan chức tốt, chứ không phải quan chức xấu, những kẻ cướp đội lốt quan chức để cướp của người dân thấp cổ bé họng, những kẻ mở mồm là vì dân nhưng thực chất chỉ coi dân như những con bò sữa ngốc nghếch mà thôi.
Tất nhiên, nơi chiếc giầy bay đến không nhất thiết là quan chức xấu, mà trong một số trường hợp sẽ chỉ là đại diện của chính quyền để giải quyết hậu quả của hành động cướp bóc trước ấy của các đồng chí xấu của các vị, cho nên các vị có phải chịu nhiệt một chút cũng là điều dễ hiểu và cũng không nên coi hành động ấy là sự xúc phạm cá nhân tới các vị.
Và cũng xin đừng phán xét gì thêm, phán xét sẽ chỉ tạo thêm động lực cho những chiếc giầy dép khác biết bay. Sự đau khổ, mất mát của người dân đã chất thành núi rồi, nước mắt đã thành sông rồi, do vậy mà nếu một vài chiếc giầy dép bỗng ngẫu hứng dám cất cánh bay, âu cũng là một sự giải toả sự phẫn nộ hoàn toàn có lý mà thôi.
Của đau con xót, chỉ có người mất đất mới thấy hết được sự khốn cùng và nỗi uất ức của họ. Kẻ nào cao giọng phán xét hành động ấy là những kẻ đạo đức giả, vô cảm và ngu xuẩn. Nếu có chút não và cảm xúc của con người thì nên ngậm miệng lại là hơn.
Mà đây là một chủ đề thú vị, tại sao các thi sỹ ở Việt Nam không làm thơ về chiếc giầy biết bay nhỉ?
Tôi nghĩ khi xây dựng nhà hát giao hưởng và nhạc kịch, các kiến trúc sư nên lấy hình chiếc giày đang bay làm cảm hứng nghệ thuật. Nếu làm được thế, người dân Thủ Thiêm sẽ năng vào hơn.
Chau Doan
Không có nhận xét nào