Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LẠI VỀ ‘LỆ KIÊNG HUÝ VÀ PHƯƠNG NGỮ MIỀN NAM’

Lại về lệ kiêng húy và phương ngữ miền Nam  Ngẫu hứng ngồi viết khi nhớ em - người con gái Hán Nôm  hay chữ  Nhờ các bạn thương mà chỉ cho m...

Lại về lệ kiêng húy và phương ngữ miền Nam 

Ngẫu hứng ngồi viết khi nhớ em - người con gái Hán Nôm  hay chữ 

Nhờ các bạn thương mà chỉ cho mình đọc cả 2 bài của thầy Cao Tự Thanh >> https://trucnhatphi.wordpress.com/2007/12/01/hoang-hu%E1%BB%B3nh-phuc-ph%C6%B0%E1%BB%9Bc-vu-vo-v%E1%BB%9Bi-v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-kieng-huy/, và bài phản luận của thầy An Chi tại đây >> https://petrotimes.vn/cao-tu-thanh-phu-nhan-le-kieng-huy-263961.html.

Nhờ đọc 2 bài này, mà mình lại hiểu thêm về lệ kiêng húy và phương ngữ miền Nam.

Phần phản luận của thầy An Chi có tính thuyết phục khá cao và biện luận thật chặt chẽ.  Nhưng mình có dò lại quyển Chữ Húy của thầy Ngô Đức Thọ và thấy còn có vài vấn đề sau đây mà chúng ta nên cùng 2 thầy Cao Tự Thanh và thầy An Chi tìm hiểu rõ hơn nữa về lệ kiêng húy và phương ngữ miền Nam.




****

1. Những trích đoạn mà thầy An Chi đưa ra về lệ kiêng húy ở miền Nam, chúng CHỈ GIỚI HẠN trong gian đoạn từ thời Minh Mạng 6, tức là từ năm 1825 trở đi.  

Nhưng câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra, là từ thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong cho tới hết thời Gia Long trước thời Minh Mạng, có hay không lệ kiêng húy ở miền Nam ? Điều này thầy An Chi không viết.  Ngược lại, chính vì thầy Ngô Đức Thọ đã khẳng định rằng CÓ trong sách của thầy, nên mình đưa ra câu suy luận là thầy Thọ sai.

Thầy Ngô Đức Thọ đã khẳng định lệ kiêng húy thời các chúa Nguyễn này ở phần "Hiện tượng kiêng âm tên húy các chúa Nguyễn" nằm từ trang 120 tới trang 124.  Nhưng những gì thầy đưa ra chỉ có thể là giả thiết (assumption - 假设) theo truyền thuyết dân gian chứ chưa thể là một giả thuyết (hypothesis - 假说) có tính khoa học.

Thầy Ngô Đức Thọ chưa hề cho ta biết là thầy đã dựa vào sử liệu nào để chứng minh rằng thời các chúa Nguyễn, các âm Hoàng / Nguyên / Nhân đã được kiêng âm như thầy viết cả.  Bạn đọc thêm bài viết này của mình tại đây >> https://www.facebook.com/brian.wu.121772/posts/2089644111286540.

Và, nếu ta không có chứng cớ để khẳng định lệnh kiêng âm đã có từ thời các chúa Nguyễn, và nếu đúng là các âm Hoàng / Nguyên / Nhân chỉ được kiêng âm theo lệnh kiêng âm thời Minh Mạng năm 1825 trở đi, thì từ thời Minh Mạng 1825 này, cho đến thời Pháp chiếm miền Nam những năm 1860s chỉ khoảng 40 năm.  Bốn mươi (40) năm là một thời gian quá ngắn để mà các biến âm Huỳnh / Ngươn / Nhơn bám trụ và trở nên các ngữ âm chính thức của phương ngữ miền Nam cho đến tận ngày nay.

Nên nếu ai đó nói có thuyết Huỳnh / Ngươn / Nhơn, được đặt từ lệ kiêng húy Minh Mạng 6 năm 1825, đều này cần bị xem lại.

Mình không biết thầy An Chi có khẳng định điều này hay không, nên viết là "ai đó".

****

2. Thầy An Chi đã trích đoạn lệnh kiêng âm năm Minh Mạng 6 (1825) "Lệnh kiêng húy lần thứ 2: Tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 6 [1825] (…) Kiêng âm, không được dùng để đặt tên người, 11 chữ: Kim 淦, Hoàng 潢, Nguyên 源, Lan 瀾 (…)”." chắc là để chứng minh đây là chứng cớ cho việc âm "Hoàng" được đọc trại thành âm "Huỳnh" từ đây.

Nhưng thật sự, nếu chúng ta đọc thật kỹ đoạn kiêng âm này trong sách của thầy Ngô Đức Thọ ở trang 132, tức là đoạn này: "Kiêng âm, không được dùng để đặt tên người, 11 chữ: Kim 淦, Hoàng 潢, Nguyên 源, Lan 瀾, Tần 瀕, Thái 溙, Chu 淍, Thụ 澍, Khoát 濶, Hiểu 曉, Thuần 淳", thì ta thấy rõ vài vấn đề sau đây:

a. Chữ 淦 không hẳn đọc là Kim.  Chưa có nghiên cứu nào khẳng định chữ 淦 đọc là Kim cả.  Và ngay cả khi mà hội đồng Nguyễn Phước Tộc khẳng định chữ 淦 đọc là Cam, họ vẫn chưa hề đúng, vì hội đồng Nguyễn Phước Tộc đã tự cho phép mình chọn chữ Cam là một trong những cách đọc phiên thiết của chữ 淦 mà thôi.  Chữ 淦 này chánh ra đọc là CÁM 古暗切,音紺.  Và ta có cả 4 cách đọc phiên thiết chữ 淦 này theo bộ Khang Hy Tự Điển, đó là Cám / Cam / Yêm / Hàm (bạn xem bài mình viết tại đây >> 



Tại sao hội đồng Nguyễn Phước Tộc không chọn cách đọc âm CÁM, YÊM, HÀM mà lại chọn cách đọc CAM thì không ai biết.

Vậy với 4 cách đọc phiên thiết và một cách đọc ngày này là KIM, ta CHƯA THỂ KHẲNG ĐỊNH lệ kiêng âm 淦 là 100% kiêng âm KIM, mà không là kiêng âm Cam / Cám / Yêm / Hàm chẳng hạn.

b. Nếu đúng là có lệ kiêng âm Hoàng-Huỳnh bắt đầu từ lệ kiêng âm 1825 này, thế thì ta sẽ giải thích ra sao về vài chữ còn lại như Lan, Tần, Thụ, Khoát, Hiểu, Thuần, là những chữ chưa hề được kiêng âm trong phương ngữ miền Nam ? Như vậy, khi thầy An Chi đưa ra trường hợp kiêng âm Hoàng-Huỳnh dựa vào lệ kiêng âm 1825, thầy chọn trường hợp đúng với cách giải thích của thầy, nhưng cũng như thầy Ngô Đức Thọ, các trường hợp không đúng như Lan, Tần, Thụ, Khoát, Hiểu, Thuần thì thầy An Chi không đưa ra giải thích tại sao các chữ này không hề bị kiêng âm trong phương ngữ miền Nam ?  Như vậy là thầy An Chi đã áp dụng phương pháp suy luận Confirmation Bias.  Chúng ta có lẽ cần chờ thầy viết rõ hơn nữa về các trường hợp không kiêng âm Lan, Tần, Thụ, Khoát, Hiểu, Thuần trong phương ngữ miền Nam để có một cái nhìn toàn diện về suy luận của thầy liên quan đến lệnh kiêng âm 1825 này.

Vậy thuyết kiêng âm trong phương ngữ miền Nam được bắt đầu từ lệ kiêng âm năm Minh Mạng 6 (1825) là KHÔNG CÓ cơ sở.  Đúng là  có lệ kiêng âm, nhưng chúng ta chưa có đủ sử liệu / dữ liệu để mà chứng minh rằng lệ kiêng âm này chính là nguồn gốc cho việc đọc trại đi các âm Hoàng-Huỳnh / Nguyên-Ngươn / Nhân-Nhơn, v.v trong phương ngữ miền Nam (vì nhiều chữ khác như Lan, Tần KHÔNG HỀ BỊ đọc trại đi trong phương ngữ miền Nam).

Như vậy, câu kết luận của thầy An Chi "Hiển nhiên là lệnh mà Ngô Đức Thọ ghi nhận đã đáp ứng yêu cầu nghiêm cẩn mà Cao Tự Thanh đã nêu" là chỉ đúng một nửa sự thật, vì khi ta đọc câu văn trên trong sách của thầy Ngô Đức Thọ về lệnh kiêng âm 1825 và so sánh với thực tiễn trong phương ngữ miền Nam, chúng ta hoàn toàn chưa thể khẳng định 100% rằng lệnh kiêng âm 1825 là nguồn gốc của việc đọc trại âm Hoàng-Huỳnh (vì nhiều chữ khác cùng trong lệnh trên chưa bao giờ bị đọc trại ra ở miền Nam cả).  Lệnh kiêng âm có đó, nhưng biết đâu sự đọc trại Hoàng Huỳnh đã có từ rất lâu, liên quan đến việc cấu tạo ngôn ngữ pidgin trộn giữa tiếng Tàu và tiếng Việt ở miền Nam, và có trước cả lệnh kiêng âm này thì sao ? 

****

3. Thầy An Chi cũng viết về đoạn này trong sách thầy Ngô Đức Thọ "Sở dĩ có lệnh kiêng húy này là do một lần vua xem tờ tâu của bộ binh, trong đó có một người là Lê Tiến Hoàng 黎進黄 (đây chánh cống là chữ “hoàng” = vàng - AC) trùng âm húy của Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế (là chữ “hoàng” [潢] - AC), vua bèn bắt đổi tên là Lê Tiến Bình 黎進平. Nhân đó, vua truyền cho các cơ quan ở Quốc tử giám cùng với người của Nội các và bộ Lễ sai lục tất cả các chữ húy đã chép trong sách Hoàng triều ngọc điệp, kể thêm cả tên húy của hoàng hậu, ban bố cho trong ngoài đều biết” (Ngô Đức Thọ, sđd, tr.156).", để chứng minh nhà Nguyễn có lệnh kiêng âm này.

Theo thầy Ngô Đức Thọ, đây là phần thuộc lệnh kiêng húy lần thứ 4 tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 (1861) - "Xuống dụ ban bố lệnh cấm đặt tên người đồng âm với chữ húy của bản triều".

Nhưng nếu ta đọc bảng kê 47 chữ húy theo lệnh kiêng húy 1861 này, thì sự cấm "đặt tên người đồng âm" vẫn thỉnh thoảng bị vi phạm.  Mà không nói đâu xa, ngay trong bộ Đại Nam Thực Lục có viết những tên phạm âm này như:

1. Âm húy Tùng - Mậu Tý, năm Đồng Khánh thứ 3 [1888] "Chuẩn cho thưởng thăng Lãnh binh 3 người : ... Phó lãnh binh 1 người (Lê Tùng) ...."

2. Âm húy Hân - Bính Tý, Tự Đức năm thứ 29 [1876], mùa thu, tháng 9, "Trước, Tổng đốc Hải Dương Phạm Phú Thứ dâng tập tâu : Thuộc hạt ấy (xã Xuân Dục, huyện Đường Hào) có Nguyễn Văn Hân là con Nguyễn Văn Tố đã chết"

3. Âm húy Tần - Kỷ Mão, Tự Đức năm thứ 32 [1879], (Thanh, Quang Tự năm thứ 5), mùa xuân, tháng giêng, "Giặc ở tỉnh Tuyên Quang là bọn Bùi Đình Tần (người Mán, nguyên nhận chức nguỵ của chúa Thuận người Mèo xưng là Thống chế)"

4. Âm húy Dung - Quý Mùi, Tự Đức năm thứ 36 [1883], (Thanh, Quang Tự thứ 9), mùa xuân, tháng giêng, "Nêu thưởng tiết phụ tỉnh Hải Dương (Nguyễn Thị Dung hạng bình)."

5. Âm húy Quyền -  Đinh Hợi, Đồng Khánh năm thứ 2 [1887], "Khi trước, viên Toàn quyền ở Bắc Kỳ là Bi-u bàn với nha Kinh lược nói : “Viên Thông sự là Lê Văn Quyền, làm việc khó nhọc tài cán, xin cho thăng 2 trật“"

6. Âm húy Thuần - Nhâm Ngọ, Tự Đức năm thứ 35 [1882], mùa hạ, "Nêu thưởng tiết phụ tỉnh Thừa Thiên. (Nguyễn Thị Thuần, Nguyễn Thị Quản đều hạng bình)."

...

Như vậy mặc dù có lệnh kiêng âm 47 chữ này, thời bấy giờ vẫn có những trường hợp phạm húy chép ngay trong bộ Đại Nam Thực Lục, còn ở các sử sách khác ra sao, thì theo mình chắc sẽ có chứ không hẳn là không có.

Vậy lệnh kiêng âm 47 chữ hoàn toàn KHÔNG THỂ dùng để khẳng định do lệnh húy này mà âm Hoàng được đọc trại đi là Huỳnh trong phương ngữ miền Nam, vì lệnh kiêng âm thời Tự Đức này chắc là để củng cố lệnh đã ban ra thời Minh Mạng, chứ không là nguồn gốc của sự đọc trại âm trong phương ngữ miền Nam.  

Và chắc chắn chúng ta cũng không thể khẳng định là từ lệnh kiêng húy Tự Đức 14 năm 1861, mà chữ Hoàng được lệnh đọc trại ra là Huỳnh.  Vì rất có thể, người ta đọc là Huỳnh, hay là Vàng, v.v.

Và xa hơn nữa, nếu ta bàn về họ, thì ta thấy rất rõ là ngoài Bắc còn có các nhân vật lịch sử Hoàng Cao Khải hoặc Hoàng Tá Viêm không hề đổi họ Hoàng ngoài Bắc, trong khi ở Nam, thì họ Hoàng đã bị đổi thành Huỳnh ở nhiều dòng họ khác nhau.  Vậy ta không thể nào suy luận rằng trong cùng một thời gian (bắt đầu từ năm Tự Đức 1861), Hoàng đổi là Huỳnh do kiêng âm vì ngoài Bắc vẫn dùng họ Hoàng đó thôi, còn trong Nam thì họ Huỳnh rât phổ biến và có thể đã có từ rất lâu, chứ không là bắt đầu từ thời Tự Đức 1861.  

Vậy do đâu mà họ Huỳnh lại có mặt ở miền Nam (và rất có thể ở miền Trung), điều này thầy An Chi chưa viết nên chúng ta hoàn toàn không biết thầy nghĩ sao về điều này.  Nhưng chắc là họ Huỳnh ở miền Nam không thể nào là sản phẩm của lệnh ký húy 1861 cả, vì lệnh ấy chỉ cấm đặt tên, chứ chưa bao giờ cấm về họ cả.

Và dĩ nhiên, cũng như lệnh kiêng húy thời Minh Mạng, lệnh kiêng âm Tự Đức này diễn ra vào năm 1861 và chỉ vài năm sau, người Pháp chiếm trọn miền Nam, nên trong thời gian chỉ vài năm, lệnh kiêng âm này quá ngắn để mà ta có thể khẳng định nó là nguồn gốc cho sự đổi âm Hoàng-Huỳnh / Nguyên-Ngươn / Nhân-Nhơn, v..v

Như vậy, lệnh kiêng âm 47 chữ thời Tự Đức 14 (1861) đúng là có, nhưng nó chưa bao giờ có thể là chứng cớ để ta có thể dùng mà khẳng định 100% rằng là sự đọc trại Hoàng-Huỳnh / Nguyên-Ngươn / Nhân-Nhơn trong phương ngữ miền Nam là từ nó mà ra cả.  Nếu có, lệnh kiêng húy 1861 chỉ là phần tiếp nối của lệnh kiêng húy Minh Mạng 1825, nhưng có đúng là các âm đọc trại trong phương ngữ miền Nam do từ 2 lệnh kiêng húy này ra không, thì ta hoàn toàn chưa có đủ dữ liệu / sử liệu để làm cơ sở khẳng định.

****

Vậy với 3 điều trên, mình nghĩ thầy An Chi đã đưa ra các sử liệu phản luận rất chặt chẽ để ủng hộ cho thuyết phương ngữ miền Nam bị ảnh hưởng bởi lệnh kiêng húy vương triều Nguyễn.  Nhưng những gì thầy An Chi đưa ra lại không chứng minh được các điều sau,  mà theo mình, quan trọng hơn:

1. Có hay không sự kiêng âm các chúa Nguyễn trong phương ngữ miền Nam thời chúa Nguyễn đến hết thời Gia Long ? Thầy Ngô Đức Thọ viết là có, thầy An Chi hoàn toàn không viết về điều này.  Còn mình khẳng định ta không có sử liệu nào khẳng định điều này cả, đây chỉ là truyền thuyết dân gian mà thôi.  Do đó, suy luận của thầy Ngô Đức Thọ là SAI (hoặc ít nhất chưa thể chứng minh được).

2. Các lệnh kiêng âm thời vương triều Nguyễn quá ngắn khi ta bàn về thời gian, tức là chỉ trên dưới 40 năm từ thời Minh Mạng 4 1825 đến năm Pháp chiếm miền Nam những năm 1860s, để mà chúng có thể là những nguyên nhân chính cho sự đọc trại âm Hoàng-Huỳnh / Nguyên-Ngươn / Nhân-Nhơn, v.v trong phương ngữ miền Nam 

3. Các điểm mà thầy An Chi đưa ra để ủng hộ thuyết của thầy, chỉ đúng với các trường hợp mà thầy dùng làm ví dụ (như Hoàng-Huỳnh), nhưng các trường hợp khác thì lại hoàn toàn không đúng (như Lan, Tần, Thụ, Khoát, Hiểu, Thuần).

4. Lệnh kiêng âm 47 chữ thời Tự Đức 14 (1861) đúng là có ghi rõ ràng sự kiêng âm 47 chữ, nhưng từ thời gian mà lệnh này được ban ra vào năm 1861 tới năm Pháp chiếm trọn miền Nam những năm 1860s là QUÁ NGẮN để mà chúng ta có thể nói lệnh kiêng âm này là nguyên do của việc đọc hoặc viết trại âm Hoàng-Huỳnh / Nguyên-Ngươn / Nhân-Nhơn, v.v trong phương ngữ miền Nam.

Nên tóm lại, bài viết của thầy An Chi có thể dùng để phản luận từng điểm một trong bài của thầy Cao Tự Thanh, nhưng bài viết của thầy An Chi chưa bao giờ có thể dùng để chứng minh rằng sự đọc trại âm Hoàng-Huỳnh / Nguyên-Ngươn / Nhân-Nhơn, v.v trong phương ngữ miền Nam là từ các lệnh kiêng húy thời vương triều Nguyễn cả.  

Và chắc chắn, sự suy luận của thầy Ngô Đức Thọ rằng cách đọc trại âm trong phương ngữ miền Nam ĐÃ CÓ từ thời các chúa Nguyễn, chỉ có thể là một giả thiết (assumption - 假设) chứ chưa thể là một giả thuyết (hypothesis - 假说) và chúng ta hoàn toàn không thể tin vào sự suy luận này của thầy Ngô Đức Thọ vì nó chưa bao giờ được chứng minh với các sử liệu / dữ liệu một cách khoa học cả.

Phương ngữ miền Nam rất đẹp và như mình đã viết nhiều lần trước đây, càng tìm hiểu nhiều về phương ngữ miền Nam, mình càng thương nó.  Ở ngoại quốc, người ta nghiên cứu về pidgin, về sự cấu thành của một ngôn ngữ tạp được hình thành từ sự giao thoa giữa những nền văn hóa khác nhau.  Tiếng miền Nam thật đẹp và mình tự hào về nó, và bạn cũng nên tự hào về nó, thay vì lại cho rằng đó chỉ là một phương ngữ quê mùa và cố quên nó đi hoặc xấu hổ về nó.  Hãy đọc và học hỏi nhiều từ nhau, vì biết đâu, chính những nghiên cứu về sử miền Nam và phương ngữ miền Nam sẽ viết lại những trang sử hào hùng của ông cha người Việt mình, về những bằng chứng hùng hồn cho sự giao thoa văn hóa Chàm, Việt, Tàu, Khmer, Mã Lai ở miền Nam Việt Nam, và qua đó, khẳng định vị trí quan trọng của nước Việt mình trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á thời bấy giờ, trong hiện tại và hướng về tương lai.

Chúng ta không thể nào MÃI MÃI hàng ngày lại viết tung tóe lên về sự Nam tiến, về truyền thống "con cháu vua Hùng mở cõi miền Nam" gì đó, mà rất có thể những điều này đã, đang và sẽ làm mờ đi vai trò của người Việt xưa trong lịch sử ở miền Nam nói riêng, và ở cả khu Đông Nam Á nói chung.  Không chừng, phương ngữ miền Nam mà được nghiên cứu kỹ càng, nó có thể sẽ là một Di sản Văn hóa Phi vật thể của toàn thế giới, và là niềm tự hào của tất cả người Việt từ Bắc đến Nam, từ Việt Nam qua tới Mỹ, chứ không chỉ là một phương ngữ èo uột, bị người ta chê cười đủ thứ.

*** Viết luôn câu dưới đây để nịnh cô Hán Nôm ***

Có khi phương ngữ miền Nam cần người có tấm lòng với nó, cũng như một người con gái mong rằng mình được thương và lấy một người đàn ông hiểu, thông cảm và che chở cho mình cả đời vậy.  Tiếng miền Nam đẹp lắm bạn ơi.  Bạn mà có lấy một anh miền Nam mê tiếng Việt, mỗi ngày mà bạn nghe ảnh nói "bậu ơi, sao mà qua nhớ bậu quá trời vậy nè, bậu đừng giận qua nữa nghen bậu, qua thương bậu lắm bậu ơi", bạn sẽ xỉu luôn đa.

Bậu ơi, lưới thưa mà bủa cá kìm, lòng qua thương bậu bậu tìm nơi nao ...

Trưa đầu tháng 10 năm 2018 @ California 

Brian 

P.S: Nếu bạn cần tải quyển sách húy Chữ Húy của thầy Ngô Đức Thọ, bạn tải tại đây >> https://drive.google.com/file/d/1dp1uSZ-c01PRm4QcXmvCqd_VKADmcfmR/view










Không có nhận xét nào