MẸ MÙ LÒA 88 TUỔI CHĂM CON ĐIÊN DẠI Từ khi còn mặc quần thủng đít cắp sách tới trường cho tới nay đã gần 30 tuổi, hầu như tuần nào tôi cũng ...
MẸ MÙ LÒA 88 TUỔI CHĂM CON ĐIÊN DẠI
Từ khi còn mặc quần thủng đít cắp sách tới trường cho tới nay đã gần 30 tuổi, hầu như tuần nào tôi cũng gặp chị lang thang trên đê tả Đáy (thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) để nhặt những rác rưởi về nhà . Song, tới nay tôi mới được biết hoàn cảnh bần hàn, cơ cực tới tận cùng đáy xã hội của gia đình chị.
***********************************************
Đôi mắt mù lòa, bước đi còn không vững thế nhưng cụ Nguyễn Thị Hồ (88 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn cố gắng mò mẫm chăm sóc con gái 50 tuổi mắc bệnh tâm thần.
Ở tuổi 88 cuộc đời cụ Hồ chưa được một ngày hạnh phúc trọn vẹn, biết bao năm cụ phải sống trong bóng tối “nhìn đường” bằng gậy. Ấy vậy mà cụ vẫn luôn là chỗ dựa cho đứa con tâm thần, ngây dại, thi thoảng lên cơn điên nó lại phỉ nhổ vào mặt mẹ, có lần tắm cho con gái thì bị nó lấy tay đánh vào mặt, cụ Hồ hỏi sao con lại đánh mẹ, đánh mẹ như thế là phải tội đấy, thì nó lại cười hềnh hệch.
NGƯỜI ĐÀN BÀ KHỔ NHẤT THẾ GIAN
Chúng tôi tìm về thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) hỏi thăm nhà cụ Nguyễn Thị Hồ (88 tuổi) thì đến đứa trẻ lên 5 cũng kéo tay chỉ tận nhà. Ở làng này, thậm chí xã này, ai cũng bảo cụ Hồ là người khổ nhất thế gian.
Khi vừa đến, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một cụ già tóc bạc phơ, dáng đi còng còng, đôi chân run rẩy, một tay vịn vào bờ tường, tay còn lại cầm chiếc gậy gõ gõ xuống đất. Nghe thấy tiếng người lạ cụ bỗng chững lại, mãi đến khi chúng tôi giới thiệu về chuyến viếng thăm đường đột của mình thì cụ mới tiến lại gần cánh cổng để mời khách vào. Cụ lần sờ mãi không trúng cái then cài cổng, cuối cùng chúng tôi xin phép giúp cụ mở cửa vào nhà.
Khi cánh cửa nhà vừa mở ra thì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên trong gian nhà gây cảm giác khó chịu. Bên trong rác bẩn la liệt từ ngoài sân vào trong nhà. Cụ Hồ bảo: “Những thứ này là do con gái tôi mang về đấy, nó bị bệnh bại não, ngày nào cũng đi lang thang ngoài đường, thấy cái gì cũng nhặt rồi đem về nhà để, mấy lần tôi dọn đi bị nó bắt quả tang, nó đánh cho sưng hết cả mặt”.
Cụ Hồ kể, cụ vốn là người Đắc Sở, sinh ra trong một gia đình 8 anh chị em, bố mẹ mất sớm, là chị cả nên cụ phải bươn trải, làm đủ mọi thứ để kiếm tiền nuôi các em, đến khi các em đã khôn lớn và trưởng thành, lúc đó cụ đã ngoài 30 tuổi, con gái tuổi đó thời bấy giờ được xếp vào dạng “quá lứa lỡ thì”.
Sau này cụ mới lấy chồng về thôn Đào Nguyên, thời điểm đó cụ đã gần 40. Chồng cụ vốn là người hiền lành, chăm chỉ lao động. Vợ chồng cụ có với nhau được hai người con, đứa con đầu lòng khi mới sinh ra đã mắc bệnh nặng, không lâu sau thì qua đời, còn người con thứ 2 là cô Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi) hiện đang sống với cụ thì bị bệnh bại não sau trận ốm nặng.
Nhắc về cô con gái, cụ Hồ không giấu nổi đau đớn: “Nuôi nó vất vả lắm, từ khi sinh ra nó đã ốm yếu không nói được. Cho tới khi lên 8 tuổi sau những trận sốt kéo dài không dứt, tôi vay mượn đủ chỗ để lấy tiền đưa con đi chạy chữa khắp nơi, uống đủ các thứ thuốc Nam, Bắc, Đông y… nhưng vẫn không thể chữa nổi cho con bé.
Sau những trận ốm thập tử nhất sinh con gái cụ Hồ dù thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng lại sống cuộc đời cơ cực khi một tay tật nguyền, đầu óc không còn minh mẫn để nhận thức. Bệnh tình ngày một nặng khiến người mẹ phải ở nhà để chăm lo săn sóc cho con. Chồng cụ khi này là chỗ dựa cho hai mẹ con kiếm ăn bằng công việc bốc gạch thuê.
CON ĐIÊN DẠI BỎ ĐI, MẸ GIÀ KHÓC ĐẾN MÙ MẮT
Những tưởng khó khăn sẽ vơi bớt phần nào khi hai vợ chồng và đứa con nhỏ rau cháo nuôi nhau. Tuy nhiên đến năm 1980 thì chồng cụ lại ra đi mãi mãi vì căn bệnh xuất huyết đường ruột.
Người chồng, người đàn ông trụ cột duy nhất của gia đình đã không còn, cụ Hồ buộc phải để con ở nhà, đi làm kiếm tiền nuôi con đau ốm. Hàng ngày cụ hái rau mang ra chợ gần nhà ngồi bán, đến bữa lại về chuẩn bị cơm cháo cho người con mắc bệnh tâm thần.
Cụ Hồ ngậm ngùi kể: “Khổ lắm các anh ạ. Ở làng này ai cũng gọi nó là “con dở, con dại” suốt mấy chục năm nay cứ lang thang khắp nơi nhặt rác, đến bữa lại về nhà, ăn xong lại đi.”
Bình thường chị Hồng chỉ lang thang ở quanh làng, quanh xã và đến bữa là về nhà. Thế nhưng đầu năm 2012 chị Hồng bị lạc mất, lúc đó cụ Hồ đã bắt xe ôm đi tìm con gái khắp nơi trong suốt nhiều ngày liên tục nhưng đều bất lực. Thương con, cụ Hồ khóc đến nỗi mù cả đôi mắt.
Mãi đến hơn 1 năm sau người họ hàng xa nhà cụ Hồ phát hiện chị Hồng đang lưu lạc ở Hòa Bình, nên đã đưa chị về nhà. Ngày chị Hồng trở về, cụ Hồ hỏi: “Con có nhớ mẹ không?” thì chị Hồng chỉ lao vào ôm mẹ rồi khóc.
6 năm nay, mắt cụ Hồ đã mù hẳn. Tuy vậy, cụ vẫn phải lo cho người con từng bữa ăn. Vì không còn sức lao động, nên những ai chứng kiến mâm cơm của 2 mẹ con cụ cũng không khỏi ái ngại.
“Hai mẹ con nhà cụ Hồ này khổ lắm, ai cho gì thì ăn nấy, có khi nấu cơm 1 bữa ăn vài ngày, thức ăn với canh rau đã bốc mùi lên rồi vẫn ăn. Có hôm tôi đi dọc trên bờ đê thấy cô Hồng nhặt miếng mít đã thối giữa người ta vứt ở vệ đường lên ăn ngon lành” - chị Nguyễn Thị Bích (hàng xóm nhà cụ Hồ) nói.
Dù hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng cụ Hồ vẫn tự nhắc mình sống phải lạc quan, cụ bảo sống ngày nào biết ngày ấy, mình lo cũng chẳng làm được gì. Cụ kể: “Mình tôi còm cõi ở nhà đành ngồi 1 mình, nhưng có nó về lại vui. Tôi chẳng dám đi đâu vì mắt mù lòa, nên chỉ mong con đi biết tìm đường về với mẹ.”
Khi hỏi về ước muốn tuổi già của mình, cụ thẫn thờ bảo chỉ mong sao cho trời cho sức khỏe để mà còn ở bênh cạnh con. Thế nhưng, dù lạc quan đến mấy, cụ Hồ vẫn chẳng thể nào nguôi được nỗi lo khi cụ nằm xuống không biết đứa con gái thần kinh của mình sẽ sống ra sao...
Van Truong
Không có nhận xét nào