Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGƯỜI DÂN LUÔN ĐÚNG

NGƯỜI DÂN LUÔN ĐÚNG Kiên định chủ thuyết, đường lối thì sẽ bị bạn bè quốc tế quay lưng, sẽ đói khổ và thiếu thốn như đã từng.  Vừa muốn giữ ...

NGƯỜI DÂN LUÔN ĐÚNG

Kiên định chủ thuyết, đường lối thì sẽ bị bạn bè quốc tế quay lưng, sẽ đói khổ và thiếu thốn như đã từng. 

Vừa muốn giữ đường lối lại vừa muốn linh động để phát triển, hội nhập thì sẽ sinh ra những lý luận và giải thích vòng vo, thậm chí trở nên ngớ ngẩn,... toàn dân tộc sẽ đúng sai, lẫn lộn. 

Chỉ có thể chọn 1 mà thôi. Đó mới là cái gốc của vấn đề. Nó tạo nên sự quyết đoán, liêm trực trong mỗi con người. 

Thượng tầng lơ lửng thì hạ tầng sẽ phát sinh những kiểu ngẩn ngơ, tâm thần như “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm”, “con đường ấy là con đường nào” hay “gạt tay trúng má”,... để cơ hội, nịnh bợ và trốn tránh trách nhiệm. Đây là chuyện rất bình thường, không khó lý giải. 

Nó nói lên sự bế tắc tột cùng, chuyển qua trạng thái nói cùn, mặt dày, vô liêm sỉ, trơ trẽn,... đôi khi như đứa trẻ con. 

Mà trơ trẽn thế, cùn thế, quản lý được ai? Dạy được ai trong thời buổi internet tới từng ngõ ngách của cuộc sống này?

Xung đột về tư tưởng, ý thức và vùng miền sẽ luôn xảy ra và bùng lên như là một vấn đề tất yếu tự nhiên phải có. Các chủ trương bị ném đá tơi bời, đó là một lẽ tự nhiên. Để trả thù có, để mỉa mai có và để khinh bỉ cũng có.

Đừng nghĩ dân đeo bám chỉ để cho vui, không phải đâu. Đằng sau những lời lẽ hài hước mỉa mai hay thậm chí những câu chửi nặng nề, ai cũng thương yêu mảnh đất chữ S tới tận trái tim mình. Có những mảnh đời bị chèn ép khốn cùng tới mức chỉ muốn tìm súng bắn vào đồng loại thôi, nhưng họ dằn lòng lại. Sở dĩ tôi nói còn yêu thương là vì họ đã không làm điều đó. 

Đi theo một con đường độc đạo, nguy hiểm giống như Bắc Triều Tiên hay Venezuela mà đất nước chúng ta may mắn không rơi vào thảm cảnh của họ, đấy là một sự dằn lòng và cố gắng vô cùng lớn của người dân. Nên khắc cốt ghi tâm điều này và đừng đòi hỏi người dân thêm nhiều. Tất cả đều có giới hạn. 

Đừng ai dại dột cưỡng lại cơn thịnh nộ của cộng đồng. Đó là quy luật tự nhiên. Là điều luôn diễn ra ở bất kể dân tộc nào. Phải chăng, chúng ta đã được nhồi quá nhiều điều tươi đẹp đến mức phi thực tế để rồi khó có thể chấp nhận lẽ tự nhiên ấy? Ta cho rằng làm vậy là không văn minh hay ta đang cưỡng ý chí của mình, dẫn nó không theo quy luật tự nhiên vốn có?

Nhưng một điều chắc chắn: Giáo dục còn một chiều, còn những kẻ không dám nói lên cái sai của hệ thống mà chĩa mũi dùi về phía người dân, quản lý còn bảo thủ, duy ý chí thì dân sẽ còn lẫn lộn đúng sai, mạo danh đạo đức và sẽ còn xung đột.

Các quốc gia phát triển mà ta đang đi vay tiền của họ, những vấn đề hệ trọng họ đều trưng cầu ý dân. Sao lại thế? Hay họ dở hơn ta?

Tự thân quản lý nhà nước với kiểu nói một đằng làm một nẻo hay với những quyết định tiền hậu bất nhất lươn lẹo, ma lanh sẽ đánh đổ hết các giá trị truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc chứ không phải người dân. Nếu cứ tiếp tục thế thì sẽ xuống cấp nhanh thôi, đã bắt đầu đúng sai lẫn lộn và ngớ ngẩn rồi, kể cả những người lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm sống. 

Biến những phẫn uất của cộng đồng thành nội lực của dân tộc để vươn lên mới là nhà quản lý thực thụ. Còn cố tỏ ra văn minh, dùng quyền lực để dìm và đè nén nó thì chỉ là thao tác của kẻ đốc công.  Muôn đời là như thế.
Nguyễn Tuấn Anh



Không có nhận xét nào