Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NHỮNG CÁI CHẾT CỦA TRÍ THỨC

NHỮNG CÁI CHẾT CỦA TRÍ THỨC  Khi bàn về thân phận của trí thức, Vũ Tài Lục có nêu ra một hiện tượng là trí thức thường bị ngược đãi và đồ sá...

NHỮNG CÁI CHẾT CỦA TRÍ THỨC 

Khi bàn về thân phận của trí thức, Vũ Tài Lục có nêu ra một hiện tượng là trí thức thường bị ngược đãi và đồ sát bởi thế lực chính trị. Lenin gọi trí thức phản biện là “não đầy cứt”, Mao cũng gọi trí thức là “cục phân”. Những trí thức ban đầu đi theo “lý tưởng cộng sản” rồi vấp phải thực tế mà tỉnh ngộ thường bị căm thù và săn đuổi bởi các đồng chí. Bị coi là phản bội và bị giết bằng những hình thức man rợ. Cái “tội” chết người của họ không phải chỉ vì bất đồng quan điểm mà là tội “phạm thượng” dám coi khinh lãnh tụ.

 Đầu tiên là Trotsky, sau khi bị Stalin trục xuất, Trotsky đã sang đến Nam Mỹ mà vẫn bị mật vụ Soviet săn đuổi. Ông chết như thế nào ? Ta hãy nghe một đoạn của tay sát thủ khai trước tòa :
“Tôi đặt chiếc áo mưa lên bàn sao cho có thể lấy được chiếc rìu phá băng trong túi ra. Tôi quyết định không bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời đang có. Thời điểm Trotsky bắt đầu đọc bài viết, cơ hội của tôi đã đến; tôi rút chiếc rìu ra khỏi túi áo, nắm chặt trong tay, nhắm mắt lại, giáng cho ông một cú chết người vào đầu”.

Một lần, trong đại hội đảng, Stalin chìa tay ra, Trotsky không bắt mà nhổ nước bọt vào lòng bàn tay của bạo chúa, một thái độ khinh bỉ đến cùng cực của trí thức đối với phần tử “tinh hoa lãnh đạo”. Stalin không thể nuốt nổi mối hận này.

Hay Tạ Thu Thâu, người ta nói, ông chết vì đã dám coi thường Hồ Chí Minh, cái chết của Tạ Thu Thâu được bàn cãi nhiều, nhưng có một bài báo mà ít người được đọc, đó là bài : “Tôi thấy Tạ Thu Thâu chết” của một người ký tên là Nguyễn Văn Thiệt, đăng trên tờ tuần báo “Hồn nước” của Tập đoàn công binh Việt Nam (Rassemblement des travailleurs vietnamiens) vùng Paris trong hai số 7 (ngày 30-7) và số 8 (ngày 7-8) năm 1949 :

“… Hôm nay thì chắc Tạ Thu Thâu phải chết! Các bạn tôi và cả anh lính cũng bảo thế, vì vừa được lệnh riêng của Cụ Hồ ở Hà Nội điện vô khiển trách Ủy ban bất tuân thượng lệnh.Tôi bàng hoàng lo sợ, ngồi bệt xuống đất, hồi hộp đợi chờ, trong cái im lặng rợn người, một tiếng đoành (Tạ Thu Thâu bị đưa ra pháp trường 2 lần, nhưng những người được lệnh hành quyết không nổ súng- NNĐ).

Bỗng người lính gác kêu lên:

–  Châu cha ! Tạ Thu Thâu lại về !

Tất cả đều nhao nhao. Quả Tạ Thu Thâu về thiệt. Đám người đi qua rặng cây và đang tiến về phía trái. Nước mắt tôi trào lên, sung sướng khi thấy cái bóng trắng khấp khểnh kia có vẻ vững chắc hơn và trên môi lạt tôi tưởng tượng thoáng thấy một nụ cười ngạo mạn.

Sự sung sướng của tôi không được lâu. Đám người đi vừa đến gần cổng lao thì một người trai trẻ mặc áo nâu quần sọc trắng ra vẻ học trò, tuổi lối mười bảy, mười tám đang đứng ở cạnh cổng, hung hăng nhảy ra, rút cây dao găm dắt ở lưng đâm vào vai Tạ Thu Thâu, miệng vừa hét:

– Đồ Việt gian phản động!

Rồi đạp Tạ Thu Thâu vào bụng cho ngã quay ra đất, đoạn đấm, đá túi bụi. Câu chuyện xảy ra rất mau, kể lại thì xem ra lâu quá. Thêm chỗ tôi đứng và chỗ tấn kịch rùng rợn đang diễn ra hơi xa nhau, mắt tôi lại đẫm lệ nên không thấy được tường tận. Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh của một đám người bao quanh một bóng trắng đang quằn quại giữa vũng máu. Và từ đó, một giọng the thé rất trong của người thiếu niên vang lên:

– Các đồng chí hèn quá, một thằng Việt gian cũng không dám giết!

Đến nay, bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua rồi mà không mấy đêm nằm ngủ tôi không thấy trước mắt cái bóng người quằn quại kia và nghe cái giọng nói the thé ấy”.

Hết trích.
Trong buổi phỏng vấn năm 1946, Hồ Chí Minh đã trả lời đảng viên Xã hội Daniel Guérin về cái chết của Tạ Thu Thâu như sau: “Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc, chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất... Nhưng tất cả những ai không theo con đường tôi đã vạch đều sẽ bị tiêu diệt”.

Hay giáo sư khảo cổ học Nghiêm Thẩm, năm 56 sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại Pháp ông về nước, không theo lời mời từ Hà Nội mà lại về Sài Gòn (dù nơi ông sinh ra là Hà nội). Năm 1982, ông bị đập chết bằng chiếc búa khảo cổ chính trong ngôi nhà của mình. Công an kết luận là một vụ cướp. Hãy đọc một đoạn hồi ký kể về cuộc gặp gỡ giữa trí thức và lãnh đạo Lê Duẩn :

“… Cuối buổi tiệc Lê Duẩn nói :
- Anh Nghiêm Thẩm, chắc anh biết, cả thế giới đang coi ViệtNam mình như “đỉnh cao trí tuệ loài người”, mà anh cũng được vinh dự ấy. Việt Nam chúng ta phải làm chủ miền Đông Nam Á này. Mọi yếu tố làm chủ hầu như đã đầy đủ, chỉ còn thiếu một điều... Từ trước tới nay, mấy thằng chép sử “nhãi ranh” vẫn cho rằng: nguồn gốc các sắc tộc miền Đông Nam Á này là Mã Lai hay Indonesien. Liên Xô mới tìm được  dấu vết chứng tỏ rằng Việt Nam chúng mình mới là thủy tổ. Chúng ta đang làm lại lịch sử Đông Nam Á. Khoa nhân chủng học và khảo cổ của ta lúc này đang phát triển, nên anh phải nắm lấy cơ hội này, với uy tín sẵn có của anh, anh phải viết một bài lớn, thẩm định lại: Dân Việt Nam là thủy tổ các dân tộc Đông Nam Á. Như thế mới đúng ý nghĩa của “Đỉnh cao trí tuệ loài người” và mới xứng đáng tài năng hiếm có của anh. 

Tôi im lặng một phút... trả lời hắn: 

- Uy tín của tôi lúc này là nói đúng và nói thật. Theo các tài liệu khoa học hiển nhiên, nhất là khoa khảo cổ học và nhân chủng học quá rõ ràng, tôi không thể viết thế khác được. Viết như đồng chí nói là phản khoa học. 

Hắn mỉm cười, bảo tôi:

- Anh nói thế tức là còn đang ở trong vòng gò bó của sách vở, của óc đế quốc, của hủ lậu, chứ không theo sử quan một tí nào cả.

Tôi cảm thấy tức đầy ruột, và thực sự lúc ấy tôi nhìn thằng Lê Duẩn như một con chó chết đê hèn, nên tôi hơi bạo lời:

- Nếu tôi viết như thế, thì các nhà khảo cổ và nhân chủng học trên thế giới sẽ cho tôi và cả chế độ tôi phục vụ là con chó chết. Tôi không bao giờ làm chuyện sa đoạ ấy.

Lê Duẩn vẫn không lộ vẻ tức giận. Hắn hỏi tôi vắn tắt:

- Anh nhất định không làm chuyện đó?

Tôi bỗng tìm được một danh từ xưng hô, trả lời hắn:

- Tôi không thể đáp ứng yêu cầu của “đàn anh” trong việc này.

Lê Duẩn ném cho tôi một cái nhìn có vẻ dữ tợn với câu nói cộc lốc:

- Anh nhất định thế... Mong anh đổi ý.

Tôi cũng nhìn thẳng vào mặt hắn, trả lời cương  quyết:

- Tôi không bao giờ đổi ý.

Hắn ra đi, không nói thêm nửa lời.

Tôi coi đó như một biến cố đổ vỡ trong đời tôi, dưới chế độ khốn nạn này. Nhưng tôi thà tan vỡ cả tấm thân với cả chế độ này, còn hơn đổ vỡ cho đất nước tôi, cho chí hướng và danh dự học thức của tôi”.
Hết trích.
Lần gặp gỡ của giáo sư Trần Đức Thảo với Lê Duẩn được ông kể lại cũng cho ta thấy sự đụng độ giữa trí thức và quyền lực chính trị với thành phần “tinh hoa”.

 Tất cả các lãnh tụ như Hitler, Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh vv…hay Stalin, Chu Ân Lai, Trường Chinh, Lê Duẩn, Polpot, vv…không có ai xuất thân từ những giai cấp  nông dân, thợ thuyền. Họ được gọi là “tinh hoa”.

Kẻ sỹ, người đọc sách và sau này gọi là “trí thức” cũng chỉ xuất thân chỉ ở giai cấp trung lưu, tiểu tư sản ?  Vì vua chúa, đại tư bản không thèm đọc sách, dân nghèo không có điều kiện để đọc sách.

Cùng xuất thân ở một tầng lớp, tại sao trí thức lại thường bị đồ sát bởi người anh em cùng nguồn gốc nhưng tự coi mình mới đúng là “tinh hoa” ?

 Có lẽ, xem xét cuộc đời của Maurice Barrès, một nhà văn Pháp sau này theo đuổi chính trị, được bầu vào Hạ viện với ước mơ xây dựng Pháp thành một “Quốc gia Cộng hòa XHCN” ta sẽ thấy được sự khác biệt giữa “trí thức” và “tinh hoa”, tất nhiên không nói đến thành phần “trí thức tinh hoa” một sự kết hợp hiếm hoi. Maurice Barrès viết về trí thức như sau :

“ Không có gì đáng ghét bằng lũ trí thức nửa mùa tự nhận là những tay quý tộc tư tưởng tự cho ta khác xa với đám quần chúng tanh hôi…Bọn ấy đúng là rơm rác mà xã hội đang cố gắng tạo thành tinh hoa. Những thiên tài thiếu tháng, những tâm hồn bị đầu độc đáng cho ta thương hại chúng như lũ heo được đưa về viện Pasteus để thử thuốc điên rồ. Đương nhiên người ta phải giết chúng không thì cũng phải giam nhốt chúng”.

 Sứ mạng của trí thức là đi tìm chân lý và phê phán.

 Chính vì thực hiện sứ mạng này mà trí thức thường mang thái độ đối lập.

 Phê phán thì động chạm, những kẻ nắm quyền lực độc tài không bao giờ chấp nhận thái độ đó, chúng tìm mọi cơ hội để tiêu diệt phê phán. Cũng vì sứ mạng mà trí thức chấp nhận bị ngược đãi và đồ sát, cũng vì thế họ khác biệt với kẻ cũng đọc sách mà sẵn sàng gạt bỏ mọi quy chuẩn đạo đức để tiến thân, tự nhận là “tinh hoa”. 

Phê phán tạo nên sự thù hận giữa kẻ cầm quyền độc tài và trí thức, nhưng thù hận mặc, phê phán cứ phê phán, trí thức chấp nhận bị ngược đãi, bị thủ tiêu vì sứ mạng của mình.

Ngô Nhật Đăng



Không có nhận xét nào