QUẢNG NAM CÓ VĂN HỌC, VĂN CHƯƠNG TỰ BAO GIỜ ? Nhà văn Nguyễn Văn Xuân Câu hỏi đó rất khó trả lời. Vì người Quảng Nam thật sự xuất hiện và đư...
QUẢNG NAM CÓ VĂN HỌC, VĂN CHƯƠNG TỰ BAO GIỜ ?
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân
Câu hỏi đó rất khó trả lời.
Vì người Quảng Nam thật sự xuất hiện và được biết tới là vào những thời Trần, Hồ, Lê, Mạc trong hai vùng Điện Bàn và Thăng Hoa (tên hai phủ của Quảng Nam xưa). Tên Quảng Nam chỉ xuất hiện để chỉ một xứ: xứ Quảng Nam bao gồm từ Thăng Hoa đến vùng nay là Bình Định – Điện Bàn thuộc về xứ Thuận Hoá (nay là Thừa Thiên Huế) bên kia Hải Vân.
Cho đến thời Nguyễn Hoàng mới rút Điện Bàn ra khỏi Thuận Hoá để thành Thăng – Điện. Sau 1802, khi lập tỉnh mới gộp hai phủ ấy lại thành tỉnh Quảng Nam.
Khi còn là Thăng, Điện, ở đây sự học chưa thực sự mở mang và những chức vụ lớn đều ở trong tay người Đàng Ngoài. Tuy vậy, theo các sách do người Pháp viết để lại, bấy giờ đã có diễn tuồng. Mà muốn diễn phải có tuồng bản. Sự thật văn tuồng có thể được xem là văn học cổ nhất, nhưng không thấy lưu lại bản nào. Còn văn học dân gian thì chắc đã có từ lâu, nào hò, nào vè, hò khoan, ca dao, tục ngữ. Ví dụ những câu sau đây cho biết tình trạng Hội An khi còn nghèo:
Hội An bán gánh, bán lều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành.
Cho tới khi Hội An giàu có thịnh vượng:
Hội An bán gấm, bán điều
Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành.
Kim Bồng là vùng cách Hội An một con sông. Vùng ấy về sau chuyên về xây dựng và nghề mộc khá tinh xảo. Còn Trà Nhiêu là một đầm rộng lớn để tàu thuyền ngoại quốc vào đậu. Cửa Đà Nẵng chỉ dành cho các tàu thuyền lớn có tính cách tiền cảng. Vào thời xa xưa, chưa có tàu thuyền lớn thì chắc chắn Hội An giữ vai trò chuyên biệt thương mại của Hội An.
Sự lớn mạnh của thương mại và xuất nhập của tỉnh Quảng Nam (chứ không còn là xứ Quảng Nam) bắt đầu từ triều Nguyễn.
Biết bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng.
Đào sông Cao Nhí, đắp đàng Bông Miêu.
Câu ca dao nói lên thực tế xa xưa đó. Dưới thời Minh Mạng, đào sông Vĩnh Điện, sông này mở khẩu từ làng Câu Nhí nên cũng mang tên ấy và rất thuận lợi tiếp nối với sông Hàn, biến nơi này thành nơi tụ hội một hải đội chuyên xuất khẩu.
Từ Hội An ra cửa Hàn, sao bạn lại không lên đường đi chơi đèo Hải Vân và Hải Vân Quan. Tôi thấy mấy ông nhà văn, nhà thơ ngày trước như Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Lưu Trọng Lư… thỉnh thoảng vào Quảng Nam, lại rủ nhau lên đỉnh đèo uống rượu trước trời cao, biển rộng và mây trắng bay sau các lùm cây. Các tiệc rượu như thế thanh tao và thanh cao biết bao nhiêu. Các du khách còn được xem lại cửa ải xưa, nơi lập ra để ngăn chặn quân địch đổ bộ vào Đà Nẵng để kéo quân ra Huế đánh kinh đô.
Cũng tại con đèo núi tiếp núi này, nơi:
Chiều chiều ra đứng Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn.
Chắc đây là tiếng than thở của dân làng bị định cư tại lưng đèo để bảo vệ đèo hoặc của một phụ nữ nào đó sống trong quạnh quẽ, cô đơn. Tuy vậy, vào ngày nắng sáng mùa hè, chính mắt tôi đã từng trông thấy những lẵng hoa vĩ đại rực rỡ chói chang. Đó là một loại hoa màu mát dịu như hoa rau muống nhưng lớn hơn, trải khắp hết cụm núi này sang cụm núi nọ, dưới chân lại có loại hoa vàng đậm như để đan viền cho những tấm thảm khổng lồ, bất tận kia.
Tôi mời bạn đến với Ngũ Hành Sơn. Thời xa xưa, trước Minh Mạng có tên cúng cơm Non Nước trải qua nhiều thế kỷ. Cuối thế kỷ XVII, chúa Hiển Tông Nguyễn Phước Chu (1691 – 1725) có mời một đại sư Trung Quốc sang xứ Đàng Trong. Nhà sư đến Non Nước chơi và khi trở về có viết tập Hải ngoại ký sự – Viện đại học Huế ấn hành bản dịch năm 1963. Ông khen cảnh đẹp, cảm hứng làm nhiều bài thơ ca tụng Tam Thai (tức Non Nước). Ông cũng trách thi nhân ta đã không biết thưởng thức cảnh đẹp, không dùng đề tài ấy để ngâm vịnh.
Khi tôi lớn lên, không cần ông động viên (vì sách của ông chưa ai biết) thấy các sườn núi đã đầy ngập những thơ Hán, Nôm, dở hay, làng nhàng cũng đều có, thường dân, danh sĩ cũng có. Những người Quảng Nam thường thích đọc hai bài (không rõ có đục vào sườn núi hay không) của bà Bang Nhãn và ông Thái Duy Thanh.
Bài của bà Bang Nhãn có khẩu chí chân tình:
Núi chen sắc đá màu phơi gấm
Chùa nực hơi hương khói lộn mây
Bài của Thái Duy Thanh độc đáo:…
Ngó lại, ngó qua năm đống đá
Tu lên, tu xuống mấy ông thầy
Lên đài Vọng Hải trông xa tít;
Vào động Huyền Không ngó trống quầy
Lếu láo ngâm đưa đôi chén rượu,
Cõi trần khi cũng có tiên đây.
Ngũ Hành Sơn là cái tên mới đặt thời vua Minh Mạng. Đó là nơi vua Minh Mạng, Thành Thái đến xây dựng hoặc vãn cảnh. Lại có một bà công chúa đến tu. Đây là nơi người Quảng Nam rất tôn trọng, xem như “Địa linh nhân kiệt”, nơi tạo ra những nhân tài xuất chúng. Học trò thời trước thường đến vãn cảnh và trước khi ra Huế thi Hương, thi Hội vẫn có mặt ở đây để xin được phù trì. Những cảnh đẹp nào Huyền Không động, động Chiêm Thành, nào Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài, nào các chùa danh tiếng, nào những bậc cấp khéo xây, huyền thoại ly kỳ về con rắn biển đã tạo nên cửa Đà Nẵng, sông Hàn rồi đẻ trứng tại đây hoá thành núi… Một thi nhân cũ tặng cho Ngũ Hành Sơn một câu thơ đầy ý nghĩa “Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết” (dịch).
Bạn đã biết các khu vực nổi tiếng qua ca dao. Nhưng thiếu sót biết bao nếu không ngược dòng Thu Bồn, viếng xem những cảnh trí khác cũng rất nổi tiếng thời xưa – chúng ta có thể từ Hội An ngược lên. Bạn sẽ thấy, trước hết cùng nước bao la xa đổ về biển. Ấy là vùng Trà Nhiêu. Cũng tại cái đầm vĩ đại mà chắc chắn thời Chiêm Thành lập kinh đô tại đây, nó cũng đóng vai trò Chiêm cảng. Ngược sông Thu Bồn đến cầu Câu Lâu, nhìn qua hướng bên phải là một dải đất rộng, nơi có những làng Phú Chiêm, Thanh Chiêm vốn rút từ Chiêm của Chiêm động ra.
Lại ngược sông nữa, bạn sẽ gặp một vùng gọi là Gò Nổi. Đây là vùng trù phú nổi tiếng về dệt các mặt hàng vải, tơ lụa. Cũng vì có tơ lụa nên có những ruộng dâu xanh ngắt. Các cô con gái làm nghề tằm tang quen ở trong bóng mát nên có tiếng xinh đẹp nhất.
Cũng vì có dâu xanh lúa tốt, nên Gò Nổi sản xuất biết bao danh nhân lững lẫy trong học vấn, trong chính trị – từ Hoàng Diệu đến Phạm Phú Thứ, từ Trần Cao Vân đến Phan Thành Tài. Riêng một họ Phan, về lớp sau cũng sản sinh những Phan Khôi, Phan Thanh… thú vị hơn nữa là những cô gái Bảo An xinh đẹp một thời.
Lại ngược dòng nữa, trải qua những di tích cũ-mới, ở đây có lễ hội hằng năm ở miếu thờ bà Thu Bồn – và các địa danh nổi tiếng.
Rồi bạn đến nơi có ca dao ai cũng biết:
Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!
Từ nguồn xa xôi, nước đổ về đây rồi dừng lại, chậm lại ở Hòn Kẽm, hai bên có đá dựng. Nước tạo nên một dải giống hệt một cái hồ tuyệt đẹp gợi cho chúng ta cảm tưởng “Non bồng, nước Nhược” cực kỳ êm ả. Nếu có một con thuyền nhỏ, bạn cùng người yêu đưa nhau đi trên hồ thiên tạo này, bạn sẽ cảm thấy thế giới “Kinh tế thị trường” dưới kia sao mà ồn ào, trần tục đến thế. Ở đây có bãi cát đẹp, bạn có thể đóng trại một hai hôm để thưởng thức tinh tuý tươi mát trong lành của trời đất.
Nói đến cảnh đẹp Quảng Nam mà quên “Hòn Kẽm Đá Dừng” cũng như quên “Mỹ Sơn thánh địa” của Chiêm Thành thì phải nói là chưa đủ đấy! Nhất là quần Tháp và các di vật lưu lại ở vùng thung lũng dưới sự chứng kiến đời đời của ngọn núi Quắp độc đáo mang tính thiêng liêng khó hiểu. Có đến Mỹ Sơn bạn mới có sự thông cảm sâu sắc hơn với cổ viện Chàm tại Đà Nẵng, một cổ viện không đồ sộ nhưng danh tiếng lớn. Một thi sĩ xưa vịnh câu này và Huỳnh Thúc Kháng coi là tuyệt hay “Núi thấp nhất nhưng danh vọng cao nhất” như đã nói, ta cũng có thể gán câu đó cho cổ viện Chàm.
Nói đến Quảng Nam, người ta hay nhắc chuyện học. Người Quảng Nam cũng tự tin, tự hào về mặt này.
Họ lại cũng hay nhắc về “Ngũ phụng tề phi”. Tôi nhớ trước kia, các sinh viên Quảng Nam có đề nghị tôi phát biểu về sự kiện này. Tôi cũng cho đó là điều đáng quan tâm qua những kỳ thi Hội, thi Đình ở một vài tỉnh. Ba tiến sĩ, hai phó bảng cùng đỗ một khoa thi thì cũng đúng là “năm con phượng cùng bay”. Nhưng trong việc học, bằng cấp cao đến đâu cũng chỉ đánh dấu sự khởi đầu… Điều quan trọng nhất của việc học hành, chính là đậu để làm gì? Để lập sự nghiệp. Năm nhà đại khoa đó có sự nghiệp chính trị, văn hoá, học thuật nào? Tôi không thấy. Vậy ta nên coi đó là giai thoại giúp cho các bạn trẻ phấn chấn hơn trong việc học hành. Học giỏi, đậu cao, phụng sự đất nước, có sự nghiệp xứng đáng, lưu danh là điều đáng quý, đáng trân trọng, noi gương. Song đã có “Lục phụng bất tề phi”. Phạm Phú Thứ (tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (phó bảng), Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng Giáp) và ngoại trừ Phạm Như Xương ít hiểu biết nên cho dù ông bỏ quan để theo Nghĩa hội Quảng Nam rồi sau đó là chỗ dựa bí mật và là cố vấn cho Quang Phục Hội (phong trào Đông Du của Tiểu La và Phan Bội Châu). Nếu nói học thì ông có học vị cao nhất khắp miền Nam, còn hành thì ông hành động như một đại trí thức.
“Lục phụng bất tề phi” mới thực sự nêu gương cho người Quảng Nam và Việt Nam để tuổi trẻ biết thế nào là học và hành”, bây giờ và cả trường kỳ lịch sử. Ví như Phạm Phú Thứ, đỗ song nguyên (cử nhân, tiến sĩ đầu) khi sang Pháp chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đã chuyên tâm viết bộ Du ký lừng lẫy (Tây hành nhật ký) đến nay còn giá trị đối với lịch sử trong nước và thế giới. Vậy mà lúc về, không quên mang theo về cái xe đạp nước kéo bằng trâu theo kiểu mẫu Ai Cập, gọi là xe trâu. Phan Châu Trinh khi ở Côn Đảo là tay câu cá giỏi, sang Pháp là “xếp” một câu lạc bộ câu cá và kiếm sống bằng nghề thợ ảnh đồng thời là tác giả bao nhiêu bộ sách chính trị vang động giới chính trị Pari (Việt và Pháp). Trần Quý Cáp chuyên nghề bút canh (Cày ruộng bằng bút) là thầy đồ tiếng tăm, cả các tỉnh Nam ra học và nhờ đó ông mới hướng đạo được cuộc Nam du của ba chí sĩ (Phan, Huỳnh và Trần) đã là bậc giáo thọ tử vì đạo. Ông Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân Pháp đã đề cao “Ông nghè Trần Quý Cáp, một nhà nho thanh cao ai cũng kính phục”. Ông là nhà hùng văn và hùng biện. Huỳnh Thúc Kháng (cũng song nguyên) là người học trò nức tiếng thuở trẻ. Khi đi tù Côn Đảo, ông học làm đồi mồi và quản lý sở buôn. Ông trở về đất liền trên tay có bộ từ điển Pháp Việt mà người ta bảo ông học thuộc lòng từ đầu chí cuối. Với nghề đồi mồi, ông đã thực hành và đưa các mặt hàng mỹ nghệ nữ trang đi chào để xuất khẩu sang Pháp và sau này, ông tự đứng làm quản lý cho công ty Huỳnh Thúc Kháng (nhà in và báo Tiếng Dân). Cũng cần nhắc thêm 1905, ba nhà đại khoa này đã giúp Phan Thiết lập công ty nước mắm Liên Thành đầu tiên. Học như thế mới gọi là học, và nêu cái gương học vấn cho dân, cho nước. Lục phụng này mới thật là phụng hoàng không thẹn cùng nhật nguyệt.
Còn không học đúng ra là không có bằng cấp thì cũng có nhiều tay cự phách: Tiểu La, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Phan Khôi…
“Đất Quảng quê tôi” còn nhiều điều để nói, với tính đặc thù của nó, hầu góp phần vào kho tàng văn hoá nước nhà, đang đi lên trong sự nghiệp đổi mới.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân
Không có nhận xét nào