Sống như con vật hay chết như con người? Bài này dài lắm, nhưng tôi xin các bạn đọc hết, suy ngẫm và nếu có thể hãy chia sẻ giúp tôi. Xin c...
Sống như con vật hay chết như con người?
Bài này dài lắm, nhưng tôi xin các bạn đọc hết, suy ngẫm và nếu có thể hãy chia sẻ giúp tôi. Xin cảm ơn các bạn.
Bạn bè hối thúc tôi viết về luật An Ninh Mạng, có người còn cho rằng tôi sợ nên đã chùn tay không dám viết về luật này. Tôi không viết không phải vì tôi sợ mà bởi có việc đi dịch cabin một tuần qua, một công việc mà tôi rất thích bởi vừa có thu nhập tốt lại vừa khiến kiến thức được mở rộng và để dịch song song thao thao bất tuyệt cùng với người nói luôn là một thử thách thú vị. Sự rèn luyện não luôn là một điều tôi thích làm.
Hơn nữa, sợ vốn là từ tôi ghét nhất trên đời. Tôi thích câu nói của một người bạn, nhà thơ Vũ Thi: Sống là không sợ mà đã sợ thì đừng sống.
Tôi đã đọc nhiều và thấy mình có thể đóng góp ở khía cạnh là luật An Ninh Mạng sẽ có nguy cơ xâm hại tới quyền riêng tư của công dân. Vậy tại sao quyền riêng tư lại quan trọng và cần thiết với mỗi chúng ta?
Khi một xã hội dân trí chưa phát triển thì người dân ít nhận ra cái quyền này và không biết cách bảo vệ quyền này của mình, dễ thoả hiệp với những kẻ xâm phạm quyền này. Có một số điểm cần nhớ về quyền riêng tư.
1. Giới hạn về quyền lực. Khi luật ANM được ra đời, cục ANM sẽ có một quyền hạn vô cùng lớn với mỗi cá nhân trong xã hội và từ quyền hạn này sẽ sinh ra quyền lực khi mà quyền hạn bị lạm quyền. Chắc hẳn các bạn đã nghe việc những người đi biểu tình, thậm chí chỉ ngồi ở quán cà phê gần nơi có biểu tình bị bắt vào đồn, bị đánh đập khi không cung cấp mật khẩu điện thoại cho công an để họ có thể mở ra xem các tin nhắn.
Đấy là một sự lạm quyền rất đáng ghê tởm, là sự xâm hại nhân quyền, quyền riêng tư của một người còn đang có đầy đủ quyền công dân trong xã hội. Vậy với cái đà lạm quyền này, khi luật ANM mang ra đời, thì điều gì sẽ xảy ra? Đấy sẽ là một thảm hoạ với mỗi người trong chúng ta. Chúng ta sống mà nơm nớp lo sợ khi có kẻ biết hết mọi thông tin về mình. Ai đấy sẽ nói rằng nếu không làm điều gì xấu thì sợ gì?
Nói vậy là ngây thơ tới mức ngu dại. Vấn đề là ở đây là xấu hay tốt với ai. Với bạn là tốt nhưng lại là xấu với những người cầm quyền không có lương tâm. Chẳng phải những con người lên tiếng vì môi trường, phản đối những bất công trong xã hội thường bị chụp mũ là “phản động” đấy sao? Mỗi cơ quan thực thi pháp luật cần có một giới hạn về quyền hạn của mình. Rồi đây ai sẽ kiểm soát quyền hạn của cục ANM và rồi ai sẽ bảo vệ người dân khỏi sự lạm quyền?
Chẳng phải ở Việt Nam, những người thực thi pháp luật lại là những người vi phạm luật pháp nhiều nhất đấy sao? Những cơ quan tố tụng lại là những cơ quan thường xuyên vi phạm luật pháp trong nghiệp vụ đấy sao?
Nếu chúng ta im lặng, ấy là chúng ta trao cho công quyền một công cụ để đàn áp tiếng nói lương tri, là tiếp tay cho một thứ làm chậm sự phát triển của xã hội.
Trong xã hội, một kẻ nào đấy càng biết về chúng ta, hắn càng có quyền lực với chúng ta. Những dữ liệu riêng tư giúp chúng ta tạo ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Dữ liệu này sẽ tác động tới thanh danh của chúng ta, nó được dùng để tác động tới quyết định và định hình hành vi của chúng ta. Nó có thể được dùng như là một công cụ để kiểm soát chúng ta. Và khi dữ liệu đấy vào những kẻ xấu, nó có thể gây ra những sự tổn hại ghê gớm với cuộc sống của chúng ta.
2. Sự tôn trọng cá nhân
Sự riêng tư chính là điểm mấu chốt tác động tới những cá nhân. Nếu một người muốn giữ một số điều cho riêng mình, đấy là quyền của họ và nếu họ bị chối bỏ hay xâm phạm, ấy là một sự thiếu tôn trọng. Tất nhiên, ở đây cần phân biệt rạch ròi giữa điều riêng tư và những “bí mật” có thể gây hại cho xã hội.
Qua những gì xảy ra ở tôi thấy công an thường không có khái niệm về việc tôn trọng cá nhân. Việc họ tự cho mình cái quyền được tước điện thoại, ép người dân cho mật khẩu để vào đọc tin nhắn của người vẫn còn đầy đủ quyền công dân cho thấy điều ấy.
3. Hình ảnh cá nhân.
Những điều riêng tư chính là điều một người cần và có quyền làm chủ để bảo vệ danh tiếng, hình ảnh của họ. Việc mọi người đánh giá như thế nào về một người sẽ tác động tới cơ hội công việc, đời sống tình cảm và nói chung là cuộc sống của họ. Khi những điều riêng tư bị phơi bày có chủ đích sẽ ảnh hưởng xấu và tác động một cách không công bằng tới một người. Xã hội và nhất là những kẻ xấu sẽ lợi dụng những chi tiết này để phán xét, bôi nhọ ai đấy khi những thông tin này bị lộ ra.
Chính vì vậy mà tại sao mỗi người cần có một giới hạn với xã hội. Tại sao chúng ta cần ngôi nhà của mình, khi ta có thể ăn mặc tuỳ ý, nói những điều ta thích. Khi những thông tin cá nhân bị dòm ngó, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không có nơi nào được gọi là “nhà”, không có mối quan hệ nào được gọi là riêng tư và ta sẽ có cảm giác không phải là người mà là một loại động vật bị quản lý bằng công nghệ.
Ta là con người, ta có quyền làm chủ đời ta, ta có những điều thầm kín chỉ mình ta được biết và mang theo ta xuống mồ. Nếu ta mất cái quyền ấy ta sẽ cảm thấy bị hạ nhục, bị đày đoạ trong kiếp sống được gọi là kiếp người này.
4. Sự tin tưởng. Trong quan hệ nào cũng có những điều riêng tư cần bảo vệ. Thậm chí trong quan hệ công việc giữa luật sư với khách hàng, bác sỹ với bệnh nhân, chuyên gia tư vấn tâm lý và người bệnh... đều có quy định không được tiết lộ bí mật. Vậy tại sao một thằng bỏ mẹ nào đấy ngồi ở cái cục được gọi là cục ANM lại có quyền biết những điều riêng tư của chúng ta? Hắn ta có phải là chúa trời không? Khi ta đi xưng tội với cha xứ, mà ngài là đại diện của Chúa, ngài còn phải giữ bí mật của ta cơ mà.
5. Quyền suy nghĩ và phát ngôn.
Xã hội loài người chỉ có thể phát triển được, mỗi cá nhân chỉ có thể phát triển được khi có quyền tìm tòi, suy ngẫm, trao đổi thông tin, đặt câu hỏi, kết luận và phát ngôn. Giờ với luật ANM, mọi trao đổi giữa chúng ta trên mạng xã hội có thể được dùng là bằng chứng một cách khiên cưỡng để quy kết tội cho mỗi người. Con người sẽ lo sợ, đề phòng và đóng kín bản thân lại. Đến chế độ phát xít cũng không trừng phạt con người dựa trên tư tưởng và suy nghĩ của họ. Có bạn sẽ bảo rằng có thể tôi suy diễn nhưng nếu bạn đã được chứng kiến sự lạm quyền của cơ quan công an ở Việt Nam, bạn sẽ hiểu điều tôi nói là không quá xa xôi.
Tại sao khi bỏ phiếu, người ta không phải lộ việc đã ủng hộ ai? Ấy là quyền tự do về xã hội và quyền được bảo vệ suy nghĩ về chính trị. Nếu luật ANM được áp dụng, người ta sẽ lo sợ và nó sẽ gây ra một tổn hại khủng khiếp tới các quyền này của con người.
Hơn nữa, con người là một thực thể luôn biến đổi, con người cần khoảng trống để suy ngẫm, va chạm, tìm hiểu bản thân và xã hội và tái sinh về tâm thức. Một cá nhân có thể mắc lỗi và thực tế là con người đồng nghĩa với lỗi lầm và việc xoá bỏ những lỗi lầm không nghiêm trọng trong quá khứ là điều cần thiết để con người làm mới mình. Tất nhiên, không phải lỗi nào cũng được bỏ qua nhất là khi lỗi ấy gây hại nghiêm trọng trong xã hội. Thử tưởng tượng xem, mọi lỗi lầm của ta được ghi chép, cũng giống như mọi cọng lông và nốt ruồi ở chỗ thầm kín của ta bị một số kẻ chụp ảnh, săm soi thì điều ấy sẽ tác động thế nào tới sự phát triển cá nhân của ta?
Và rồi, cứ mỗi khi chat một câu, post một điều gì, nhắn tin, gọi điện thoại, làm một điều gì ta lại phải cân nhắc xem nó sẽ được tiếp nhận, phản ứng bởi người khác, có bị ghi lại để những kẻ ghét ta có thể dùng để chống lại ta một lúc nào đấy thì cuộc sống này sẽ là một nỗi kinh hoàng, một nhà tù, một nơi xấu xa đầy thù địch. Vậy chẳng lẽ đấy là cái thiên đường XHCN mà những người cầm quyền hay nói tới?
Còn với cá nhân tôi, có luật ANM hay không, không hề ảnh hưởng tới những phát ngôn của tôi, tôi thà phải chết như một con người còn hơn là được sống như một con vật.
Chau Doan
Không có nhận xét nào