Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TÁM CHUYỆN XÂY NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG NGÀN TỶ

TÁM CHUYỆN XÂY NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG NGÀN TỶ Mỗi một triều đại đều mong muốn để lại những dấu ấn hoành tráng cho đời sau. Bia đá cũng mòn theo ...

TÁM CHUYỆN XÂY NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG NGÀN TỶ

Mỗi một triều đại đều mong muốn để lại những dấu ấn hoành tráng cho đời sau. Bia đá cũng mòn theo thời gian, còn bia miệng mới vĩnh hằng vì khắc trong tâm trí nhiều thế hệ. Cho nên, dân gian có câu “Trăm năm bia đá thì mòn- Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” chứng tỏ sự bền vững của bia miệng. Mà thói đời, muốn ghi dấu ấn phải gây sốc, tạo sự tương phản, khác biệt. 
Vua Trụ ngày xưa ở bên Tàu xây Lộc Đài, là một ngôi nhà to và cao vút để từ trên đỉnh có thể thưởng ngoạn cảnh vật của đất nước, tạo sự khác biệt với nhà dân lao động. Chính vậy, việc Vua Trụ xây Lộc Đài được mọi người biết đến đời đời kiếp kiếp, vì nếu không có cái Lộc Đài này, người dân lao động sao biết được. Thời nhà Tần có Tần Thủy Hoàng cũng xây Cung A Phòng cho nhân dân, là các kỹ nữ ở và múa hát nhạc để lưu hậu thế.
Ở Việt Nam xưa cũng vậy,  Vua Lý Cao Tông của nhà Lý, thời Lý Mạt. Khi bắt đầu độc quyền thâu tóm quốc gia, cho dựng cung Nghênh Thiềm và hàng loạt cung điện khắp nơi để lại dấu ấn cho một triều đại.
Đời nhà Tiền Lê, cũng thời Lê Mạt, có ông vua Lê Tương Dực nổi tiếng với việc sai người thợ cả Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, xây Cửu Trùng Đài. Sự kiên trì của nhà Vua là, dù quân dân xây trong mấy năm trời không xong nhưng vẫn kiên trì.
Việc xây nhà hát giao hưởng hiện nay tại Thủ Thiêm cũng chỉ là kế thừa truyền thống của người xưa trong một thời đại mới. Nhà hát này cũng chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt các tượng đài ngàn tỷ ở khắp nơi. Xã hội sau bao giờ cũng hơn xã hội trước. Nói không đâu xa, nhà cụ Bá Kiến thời Đông Dương, nghe nhà văn Nam Cao miêu tả là nhà ngói ba gian, bé xíu so với những căn biệt phủ của các quan chức bây giờ. Nếu để hai ngôi nhà cạnh nhau, một của Bá Kiến, một của vị quan chức chuyên bán chổi đót, chạy xe ôm, thì nhà của Bá Kiến nhỏ như cái sợi lông mao bám vào cái con vật chủ.
So với quá khứ trước kia, sự phát triển hiện nay đã vinh quang hơn trước gấp triệu lần. Cái nhà hát giao hưởng cũng vậy. Khi người dân bị mất đất, nhà thờ bị xóa bỏ, nhà chùa bị quy hoạch và xây tại chỗ đó một nhà hát giao hưởng thì quá tuyệt vời. 
Từ xưa, âm nhạc luôn có sự nhiệm màu. Bá Nha, Tử Kỳ hiểu nhau qua nhạc, Tư Mã Tương Như với nhạc khúc Phụng Cầu Hoàng; đến cô Nhậm Doanh Doanh sáng tác bản nhạc làm mê mẩn Lệnh Hồ Xung, rồi bản nhạc Tiếu Ngạo Giang hồ của hai phe Hắc Bạch đạo. Nhưng thua nhạc giao hưởng cả triệu lần. Bởi vì nhạc giao hưởng là loại nhạc đa âm, có đủ các loại nhạc cụ, từ violon, ghita điện, trống, kèn và có nhạc trưởng cầm cái đũa vung lên vẩy vẩy bắt nhịp. Thì các bản nhạc giao hưởng trình diễn ở nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm trong tương lai sẽ góp phần nâng cao dân trí thưởng thức âm nhạc. Nhất là loại nhạc giao hưởng đa âm này. Một người bạn là nhạc sĩ hỏi “Đố mầy biết, nghe nhạc lúc nào thì thấy hay” và anh ta diễn giải phải nghe lúc bụng đói. Khi bụng đói mà nghe nhạc, sẽ có tiếng đệm sôi ọc ọc trong bao tử thì mới thấy nhạc thấm vào cơ thể và người nghe quên đi sự đói nghèo của họ. Lúc đó, người nghe cảm nhận sự lâng lâng sung sướng hạnh phúc. Do vậy, cần thiết phải xây dựng nhà hát nhạc giao hưởng này để cho người nghèo hạnh phúc. Nhạc giao hưởng sẽ có tác động mạnh mẽ cho người dân phát triển trí não qua đó phát triển khoa học công nghệ. Nhạc giao hưởng sẽ thúc đẩy các con đường cao lên không ngập nước. Ngay cả khi kẹt xe mà nghe nhạc giao hưởng, mọi người sẽ vui vẻ hòa mình trong niềm vui của những nhà thầu xây dựng. Ngay cả giáo dục cũng sẽ phát triển vượt bậc bởi chúng ta có nhà hát giao hưởng; vì các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh con bò Kober khi nghe nhạc giao hưởng thì thịt bò sẽ ngon hơn vì con bò sẽ thông minh hơn và thịt bò Kober đã nổi tiếng toàn cầu; thì chắc chắn, có nhà hát nhạc giao hưởng này sẽ phát triển giáo dục cho thanh thiếu niên nâng chỉ số IQ.
 Các quốc gia Châu Âu và Mỹ có nhà hát giao hưởng thì chúng ta cũng cần phải có nhà hát giao hưởng này, vừa kế thừa truyền thống các vua chúa thời xưa vừa sánh vai với các cường quốc khắp năm châu.
Thật tuyệt vời vì nhạc giao hưởng này sẽ xen lẫn tiếng réo rắt của violon, tiếng trống, tiếng kèn, chắc có tiếng người dân kêu khóc và la hét, có tiếng tụng kinh phảng phất, có tiếng chuông nhà thờ văng vẳng và cả những tiếng thở dài của những oan hồn, có lẽ, sẽ là bản nhạc giao hưởng của sự kế thừa và phát triển mạnh mẽ của một thời đại. Do vậy, có anh bạn chuyên nhạc bolero nói rằng "xin ủng hộ hết mình việc bỏ ra ngàn tỷ xây nhà hát giao hưởng cho người dân nghe nhạc". "Hết mình" ở đây hiểu theo đúng nghĩa, con người gồm có ba phần: Đầu, Mình và Tứ Chi. Nghĩa là anh bạn nhạc sĩ này không ủng hộ bằng cái đầu, bằng hai tay hai chân, mà ủng hộ có khúc giữa cơ thể của anh ta.

Lê Ngọc Lâm



Không có nhận xét nào