Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THÚY KIỀU CÓ THUỘC VẺ ĐẸP THUẦN KHIẾT?

THÚY KIỀU CÓ THUỘC VẺ ĐẸP THUẦN KHIẾT? Bài trước, mượn lời Nguyễn Hưng Quốc, tôi giả định nếu Kiều thuộc vẻ đẹp thuần khiết đi nữa mà vào ta...

THÚY KIỀU CÓ THUỘC VẺ ĐẸP THUẦN KHIẾT?

Bài trước, mượn lời Nguyễn Hưng Quốc, tôi giả định nếu Kiều thuộc vẻ đẹp thuần khiết đi nữa mà vào tay Mã Giám Sinh cũng trở thành con đĩ. Mục đích để nói cái nhà hát giao hưởng ngàn tỉ tiền xương máu của dân mà trao cho bọn "quý tộc tinh hoa" nhà sản kinh doanh thì chẳng khác cái nhà chứa của mụ Tú Bà.
Thực ra, chiếu theo quan điểm siêu hình học của mỹ học Hy Lạp cổ, điển hình là quan điểm của Socrates - Plato, Thúy Kiều của Nguyễn Du thuộc vẻ đẹp trần tục nhất.
Việc tạo ra một nguyên mẫu siêu hình của vẻ đẹp thần thánh, tức vẻ đẹp không có sắc dục, nếu tồn tại chăng trong thế giới Truyện Kiều, chỉ có thể là Thúy Vân với "Gương trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da". Thúy Vân được cụ Nguyễn xem là nguyên mẫu của tự nhiên, tức thuộc về ý niệm siêu việt của thần thánh.
Nhưng tôi nghi ngờ điều này. Bởi buổi đầu gặp chàng Kim, do kém xa Kiều về sắc (tài thì lúc đó chưa biết được) nên Vân không thu hút được chàng Kim. Nếu đúng Vân thuộc nguyên mẫu của vẻ đẹp thần thánh thì chắc chắn sống với chàng Kim đủ 100 năm cũng không thể có con. Sự thực là sau đó Vân có năm bảy mặt con với chàng Kim trong 15 năm chung chăn gối. Vân không phải nguyên mẫu thần thánh để chàng Kim chỉ biết chiêm ngưỡng như chiêm ngưỡng một bức họa thiên nhiên.
Vậy thì vẻ đẹp không phụ thuộc bản thể hay cái khách quan tự nó mà phụ thuộc chủ thể, kẻ ngắm nó là người thế nào.
Thần thánh cỡ Nữ Oa mà còn bị Trụ Vương sàm sỡ, huống là người bằng da bằng thịt như Thúy Vân.
Thúy Vân đã là vẻ đẹp trần tục. Và Kiều càng trần tục hơn. Cái vẻ đẹp "Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh", rõ là vẻ đẹp nằm ngoài các nguyên mẫu siêu hình mà các thánh nhân tưởng tượng. Nhìn vào đôi mắt long lanh sóng nước ấy, thằng đàn ông không dâm mới là chuyện lạ, dù đó là chàng Kim. Giới phê bình thường chỉ trích họ Mã hiếp Kiều trong chuyến đi "Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh" mà không nhận ra, nếu không có chuyến đi này, Kiều cũng bị chàng Kim hiếp. Hiếp ở đây mang nghĩa là chưa có sự thỏa thuận đã ăn cơm trước kẻng, theo lễ giáo Nho gia. Chàng Kim được ngợi ca là "Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa", nhưng tôi dám chắc anh ta không thuộc một Socrates hay Plato, thậm chí là cụ Khổng của phương Đông. Bởi cái đêm Kiều "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" giao hàng cho chàng Kim, cụ Nguyễn đã không làm chủ được ngòi bút khi miêu tả hành động của chàng: "Xem trong âu yếm có chiều lả lơi". Nếu không bị cái bài học "bố kinh" Kiều mang ra ngăn cản, chàng Kim đã hiếp Kiều ngay vào cái giờ phút ấy.
Mà "bố kinh" cái con khỉ gì khi bị họ Mã hiếp, Kiều đã tiếc chằm chặp rằng "nhị đào thà bẻ cho người tình chung". Giả định, Kiều không bị họ Mã hiếp thì trước sau cũng bị chàng Kim hiếp. Chỉ cần vài lần Kiều xăm xăm giao hàng ở nhà chàng Kim là bài học "bố kinh" cụ Khổng dạy kia sẽ bốc hơi ra khỏi tâm trí và ở đó chỉ còn "sâu nghĩa bể, dài tình sông" như chàng Thúc Sinh sau đó đã thực hiện đủ sâu và dài của cuộc truy hoan.
Xấu như Thị Nở còn bị Chí Phèo hiếp, huống hồ là đẹp như Kiều. Tình yêu thần thánh chỉ là cái vỏ giáo điều do mấy thánh nghĩ ra mà bọn họa sĩ vẽ khỏa thân tưởng thật và cố cắn răng nhốt chim trong lồng rồi gióng mồm lên cãi như lần trước cãi về vụ họa sĩ hiếp người mẫu. 
Chị em đừng tin có vẻ đẹp thần thánh. Vẻ đẹp là thân xác trước khi nói về tâm hồn. Biết để mà cảnh giác và trao thân đúng chỗ, vì trước sau gì cũng phải trao. Không làm gái bao cho cả đám "tinh hoa quý tộc" thì cũng làm gái bao cho một người. Khác nhau là thuê bao trả trước với thuê bao trả sau, giá ba trăm lạng nhận một lần hay nhận trước vài chỉ rồi được trả góp theo lương tháng và tăng dần đến lúc nghỉ hưu.

Chu Mộng Long




Không có nhận xét nào