Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TÔI KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN

TÔI KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN Vấn đề 1. Ông cho rằng: Đối với ý kiến tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm còn chưa có nhưng lại ...

TÔI KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN

Vấn đề 1. Ông cho rằng: Đối với ý kiến tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm còn chưa có nhưng lại đi làm nhà hát 1.500 tỉ đồng, Bí thư Nhân cho rằng, thực tế kinh phí xây dựng nhà hát không ảnh hưởng gì tới việc đền bù cho người dân. Đây là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.

Đối với việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm, TP đang làm theo quy trình. Sau khi có kết luận thanh tra, UBND TP đã xây dựng 11 giải pháp, sau đó gặp gỡ người dân trao đổi thêm, tìm sự đồng thuận. Khi hoàn chỉnh rồi, TP sẽ ban hành giải pháp hỗ trợ, đền bù cho người dân ở đây.

"Kinh phí đền bù cho người dân sẽ sử dụng tiền ngân sách. Kinh phí xây nhà hát là số tiền TP bán đất ở quận 1 từ mấy năm trước" – Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định.

Tôi cho rằng: Cái cách xử lý hai việc song hành đồng thời với nhau như vậy đó chính là lối xử lý thất nhân tâm đã gây ra biết bao tổn thương tâm lý tình cảm cho những vụ khiếu nại về đất đai lâu nay.

Lâu nay khi người dân bị thu hồi đất và khiếu nại, thì một mặt cơ quan chức năng sẽ giải quyết khiếu nại và mặt khác người dân vẫn phải chấp hành việc thu hồi đất. Đó là lối xử lý công vụ áp đặt bất công mà người dân không bao giờ đồng tình.

Rõ ràng là người dân sẽ muốn phải giải quyết đền bù thỏa đáng trước rồi mới bàn giao đất, công bằng như thỏa thuận nhất trí giá cả rồi mới giao hàng trong mua bán vậy. Nhưng sự công bằng trong mua bán đâu tồn tại trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Cho nên cái quy trình lâu nay là ko công bằng cho người dân. 

Trong vụ việc ở Thủ Thiêm, có thể hình dung là dự án xây nhà hát đã được lên đề án từ nhiều năm trước. Tới năm vừa rồi mới rộ lên thông tin về sai phạm trong quy hoạch, có thông tin nhiều phần diện tích bị cưỡng chế mặc dù nằm ngoài quy hoạch khu đô thị thủ thiêm. Và thực tế là còn hàng trăm hàng nghìn con người đang khiếu kiện và chịu thiệt thòi khi phải sống trong điều kiện thấp kém khi dự án khu đô thị Thủ Thiêm được thực thi yếu kém hàng chục năm qua.

Như vậy, đáng ra phải dừng hoãn lại toàn bộ các dự án chưa được triển khai, để tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề sai phạm và yên lòng dân đi đã, rồi hãy xây nhà hát. Đằng này khi nước mắt còn đang rơi mà người làm sai lại tính xây nhà hát thì đó chỉ là sự xát muối vào nỗi đau mà thôi. Và đó ko phải là cách xử lý tôn trọng nhận thức và tình cảm của dân chúng.

Vấn đề 2: Giải thích về việc Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ phục vụ ai, ông Nhân so sánh 100 năm trước khi Pháp xây nhà hát TP, số lượng dân TP ước chừng chắc chỉ 100.000 người. Bây giờ, TP khoảng 10 triệu dân, trong số đó có 5 triệu lao động với 30% trình độ đại học, cao đẳng, cao gấp 3 lần bình quân cả nước. Đó là chưa tính còn 100.000 người nước ngoài đang sinh sống ở đây.

Tôi cho rằng có sự ngụy biện ở đây. Đáng ra ông Nhân cần liệt kê thêm thành phố đang có bao nhiêu nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thanh niên, sân vận động, công viên vui chơi, phố đi bộ, bảo tàng, khu ẩm thực, quán bar, sàn nhảy... 

Vì ông Nhân khi nói ra số dân hàng triệu mà chỉ nói đến một nhà hát sẽ khiến nhầm tưởng rằng một nhà hát là quá ít ỏi để giải quyết nhu cầu giải trí cho dân chúng. Trong khi thực tế thành phố còn rất nhiều giải pháp cho giải trí khác cho dân chúng và ko phải ai cũng thích nhà hát giao hưởng. Việc đặt một nhà hát bên cạnh số dân hàng triệu là sự ngụy biện ko trung thực.

Ông Nhân cũng nói đến thực dân Pháp xây nhà hát như muốn nhấn mạnh đến sự chính đáng giải quyết nhu cầu cho tầng lớp trên, nhưng xin thưa rằng thực dân Pháp nó đâu có điếm xỉa đến nguyện vọng của dân chúng? Nó là thực dân mà, nó có quan tâm tới nguyện vọng của dân chúng đâu. Trong khi thực dân Pháp xây nhà hát thì dân đen có biết bao nhu cầu thiết thân khác mà xét ở góc độ đảm bảo quyền sống tối thiểu của con người thì chính đáng hơn mà nó đâu có coi trọng?

Vấn đề 3: Ông Nhân bảo tiền xây nhà hát là tiền riêng, tiền xây bệnh viện trường học cũng có mấy chục nghìn tỷ rồi, như muốn nói là đã tính đến sự đồng đều cân bằng giữa các nhu cầu, tiền ko có thiếu, việc xây nhà hát là chính đáng.

Các con số nghìn tỷ ông nêu ra chỉ so sánh và đặt sự nhìn chiếu vào trong nội bộ một thành phố HCM mà thôi, nó bất cập ngay trong nội bộ và nó còn bất cập hơn khi nhìn rộng ra các tỉnh thành khác.
Trong nội bộ thì có nhiều vấn đề cấp thiết khác cần giải quyết hơn so với xây nhà hát, đó là đảm bảo cải thiện đời sống dân sinh cho người dân lao động. Hãy lan tỏa thành tựu phát triển ra rông khắp cho mọi người thay vì tập trung lợi ích vào cục bộ một khu vực.

Dân vùng ven Sài gòn đã được đảm bảo sử dụng nước sạch đầy đủ chưa? Hay là vẫn còn những vùng dân cư rộng lớn chưa được sử dụng nước máy? Ngay trong nội đô việc xử lý nước thải sinh hoạt và rác thải thế nào, cống máng kênh mương đã sạch chưa hay là vẫn ô nhiễm. Đó là vấn đề rất căn bản cần giải quyết để cải thiện môi trường dân sinh. Hãy hình dung xem những đứa trẻ tuổi thiếu niên sống trong ngôi nhà bên cạnh dòng kênh ô nhiễm thì nhân cách sẽ phát triển thể nào?

Tôi xin hỏi Ông Nhân rằng ông có biết vì sao thành phố HCM có nhiều cướp giật không? Đó một phần là do các chính sách phát triển bỏ quên người nghèo và bất công xã hội đã gây ra đó. Ông có biết nước Mỹ vì sao họ phải đầu tư chăm lo cho các nước kém phát triển ko? Vì họ biết rằng một nước Mỹ giàu ko thể sống yên bình trong khi xung quanh còn nhiều nước nghèo.

Các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ thì sao? Sự khó khăn vẫn còn hiện diện rộng khắp, các tỉnh thiếu các công trình trọng điểm, các yếu tố đời sống cơ bản còn chưa được đảm bảo. Thành phố HCM có thể yên tâm sống giàu trong khi những tỉnh khác còn nghèo không?

Ông Nhân và nhiều người có lẽ quên rằng thành phố HCM giàu có do đâu. Tất nhiên một phần là ưu thế địa lý tự nhiên và sự nỗ lực của con người. Nhưng nhìn sâu hơn thì đó là kết quả của những kế hoạch quy hoạch phát triển vùng mà nhà nước trung ương họ vạch ra trong nhiều năm, tạo điều kiện quy hoạch tập trung cho đầu tư nước ngoài ở đó, nhà máy ở đó, và do vậy tập trung lợi ích cục bộ cho Sài gòn. 

Rõ ràng là thông qua các chính sách về ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư, nhà nước trung ương đã nắn chỉnh dòng chảy tiền tệ để nguồn vốn đầu tư tập trung cho Sài gòn. Nếu nhìn ra như vậy thì sự giàu có sẽ đi đôi với trách nhiệm.

Một khía cạnh khác là hàng triệu thanh niên nam nữ khắp các tỉnh đổ về lao động và tạo ra của cải tư bản cho Sài gòn, trong khi các công nhân lại đang chịu đựng một cuộc sống chưa xứng với vai trò của họ. Ông Nhân và các lãnh đạo thành phố nên nhìn ra điều đó.

Do các tỉnh khó khăn nên thanh niên khắp nơi đổ về Sài gòn. Thành phố hãy chăm lo đến đời sống người công nhân lao động trong các khu công nghiệp, đầu tư giải quyết vấn đề sân chơi và nhu cầu giải trí thông thường, nhu cầu không gian vận động thể thao tại mỗi khu vực tập trung đông công nhân. Thay vì xa xỉ xây nhà hát giao hưởng xa lạ với dân lao động. Mà chính vì chính sách đầu tư hạn chế như bị bỏ rơi là nguyên nhân tạo ra bất công xã hội và tình trạng tội phạm.

Cuối cùng, nói ra không phải là để tạo mâu thuẫn, mà bản thân sự việc cần được nhìn nhận đánh giá theo nhiều giác độ khác nhau. Suốt hàng chục năm qua báo chí và các ban ngành đã kêu ca về chất lượng kém của hoạt động đầu tư công. Ko phải tự nhiên mà người ta phê phán như vậy, những đề án công trình lãng phí, không cần thiết, rồi sự rút ruột công trình này nọ... Đề án xây dựng nhà hát lại được thiết lập bởi cùng với dự án công trình khu đô thị Thủ Thiêm (mà thực tế như thế nào mọi người đều đã biết sau hàng chục năm cỏ vẫn mọc đầy), cùng những con người và bối cảnh như vậy, thì hẳn nó đều chất chứa những sự ko đúng đắn và đó là một kiểu dạng sản phẩm mà người ta sẽ luôn đặt dấu hỏi về chất lượng của việc đầu tư.

Ngô Ngọc Trai



Không có nhận xét nào