TỰ DO HAY LÀ NÔ LỆ? Đang ngồi trà đá góc phố với một người em. Tự dưng cô gái nói, em sợ ngồi một mình vì khi nhìn thấy những con người xung...
TỰ DO HAY LÀ NÔ LỆ?
Đang ngồi trà đá góc phố với một người em. Tự dưng cô gái nói, em sợ ngồi một mình vì khi nhìn thấy những con người xung quanh như người chạy xe ôm, người bán hàng rong trên phố thì em lại suy nghĩ và đặt ra câu hỏi: họ sống để làm gì và với mục đích gì, như thế nào? Rất nhiều câu hỏi cứ vậy sẽ hiện ra trong đầu.
Tôi cười nói, vậy là em có hơi hướng của một nhà triết học rồi đấy. Vì triết học từ xưa tới nay cái cuối cùng muốn vươn tới để đạt được câu trả lời thực cũng chỉ là “sống để làm gì và sống như thế nào”. Và nó là một lãnh vực của triết học hiện sinh. Đại biểu thực tế của nó là Heidegger, Nietzsche, Jean Paul Sartre...
Tôi thì ngược lại với cô gái ở trên, khi nếu ngồi trên phố và quan sát cuộc sống, tôi lại thấy mình tĩnh và đạt được sự tập trung cao độ về suy nghĩ. Mọi tư duy sẽ có câu trả lời dựa vào những vận động thực tại của xung quanh đang phơi bày trước mắt mà được truyền đưa vào trong tâm trí.
Và tôi dẫn luôn ra câu chuyện người mẹ trẻ ném con (thi hài) mới đẻ từ tầng cao xuống mặt đất. Rồi tôi nhắc lại câu hỏi: vậy cuối cùng người ta sống để làm gì và với mục đích là gì? Cái nan đề và đáp án cuối cùng của con người chính là ở trường hợp điển hình đó. Và trong tình cảnh đó, đúng là phải như Nietzshe đặt ra cho con người đó là con người phải có khả năng để vượt qua nghịch cảnh, và nhờ vào đó mà có thể trở nên mạnh mẽ, tốt đẹp hơn. Nhưng như thế, gần như sẽ đưa con người đến một trạng thái là “ai cũng phải là một siêu nhân”. Mà điều này thì quả là không tưởng. Nhưng nó là một triết lý giúp con người vượt qua nghịch cảnh để tồn tại và sống có ý nghĩa hơn.
Heidegger thì cho rằng, con người sợ cái chết. Và vì thế mà họ ngày càng trở nên sống chẳng ra gì. Họ sợ cái chết đến nỗi sẽ sẵn sàng làm những điều tồi tệ, ác ôn để tránh khỏi cái chết. Và vì vậy mà họ xứng đáng bị nô dịch và nhận lấy những sự kiềm chế, kiểm soát từ những lực lượng tốt đẹp hơn. Nhưng đây là nguyên nhân dẫn tới thảm hoạ của “dân tộc thượng đẳng” mà nước Đức vấp phải trong thế kỷ trước.
Jean Paul Sartre cũng là một kẻ vô thần, chỉ tin vào những gì hiện hữu, và là một kẻ cực đoan chủ nghĩa. Ủng hộ cộng sản thì chửi người chống cộng sản là những kẻ chó đẻ. Ngược lại, khi hiểu ra và chống lại thứ chủ nghĩa này, ông lại chửi những kẻ cộng sản là chó đẻ. Nhưng ông vẫn là một nhà văn và triết gia dũng cảm với quan điểm của mình khi đã đưa ra và khi chống lại nó. Ông coi thế giới khách quan không phải là cái gì khó hiểu hay được tư duy trừu tượng hoá như cách các nhà triết học vẫn làm, mà nó là thế giới hiện hữu sinh động ngay trước mắt chúng ta. Nó được con người cảm thấy và nhận diện thông qua trực giác sinh động. Và những hiện tượng xảy ra mà ta quan sát thấy, những quy luật, nguyên lý là do nhận thức có tính quy nạp (cái đúng được lặp lại mà không phải chứng minh). Và dó đó, những cái mà có tác động qua lại với con người mới có thể là thứ hữu ích. Những gì trừu tượng lại rơi vào lãnh vực tinh thần thuần tuý.
Trần Đức Thảo cũng đã từng một thời muốn làm cầu nối giữa triết học hiện sinh và chủ nghĩa duy vật biện chứng của Marx. Vì để giải quyết được vấn đề “tinh thần” bị phủ bác và xem nhẹ trong triết học duy vật này, ông đã phải tìm đến và nương nhờ vào chủ nghĩa hiện sinh. Nhưng rồi ông lại nghi ngờ chính mình và lựa chọn theo hướng chủ nghĩa duy vật, dù trước đó ông vừa là một người sùng bái chủ nghĩa Marx, vừa chống lại những khuynh hướng sai lầm tai hại của chính chủ nghĩa này.
Quay trở lại câu hỏi: con người sinh ra để làm gì và sống với mục đích gì? Hay lại như Rousseau đã khẳng định: con người sinh ra tự do nhưng rồi đâu đâu họ cũng sống trong xiềng xích. Họ xấu xa trong những trò thủ đoạn cạnh tranh, họ lấy nỗi đau và sự thống khổ của kẻ khác làm niềm vui hoan hỉ. Họ theo đuổi giá trị sống của những kẻ giàu có hơn họ, thành đạt hơn họ. Họ tha hóa, xa lạ với bản chất, mất cảm quan về những giá trị đúng đắn. Những thứ mưu cầu đó đã làm con người trở thành kẻ nô lệ và bị nô dịch. Và vì vậy mà họ đã hành động bất chấp sai trái, luật pháp hay luân thường đạo lý.
Và rồi, hầu như, tất cả chúng ta đều trở thành nô lệ của nhau nhưng ai cũng coi mình là những con người của tự do và đang thụ hưởng tự do. Chúng ta đang phải nô dịch cho một xã hội đã rời xa tất cả những chuẩn mực chung và tối thiểu của con người. Chúng ta nhân danh những điều tốt đẹp để phán xét và kết án người khác. Cái tà ác thực đã ẩn nấp và chui rúc vào cái áo choàng của sự nhân đạo và lòng hướng thiện của con người.
Chỉ có những con người thoát bỏ được những sự phán xét hồ đồ và phải đứng tách mình khỏi những cuộc xét xử tập thể bằng cảm xúc thuần tuý và thay bằng lý tính và công lý có tổ chức, lúc đó may ra chúng ta mới có thể có được tự do đúng nghĩa mà nó thuộc về và cần phải hiện diện. Nếu không chúng ta lại rơi vào ngộ nhận của tự do và đi vào con đường tội lỗi của những kẻ mà chúng ta đã và đang kịch liệt lên án, khi có được vị thế của họ.
Lê Luân
Không có nhận xét nào