Về những nghiên cứu liên quan đến xứ Đàng Trong mà mình muốn đọc Mình cảm thấy những nghiên cứu về xứ Đàng Trong ở Việt Nam ngày nay khá ngh...
Về những nghiên cứu liên quan đến xứ Đàng Trong mà mình muốn đọc
Mình cảm thấy những nghiên cứu về xứ Đàng Trong ở Việt Nam ngày nay khá nghèo nàn, có thể nói phần lớn chỉ cọp dê lại ý tưởng từ các sách đã có từ xưa. Bạn không tin, bạn tự đọc và xin lên tiếng.
Có lẽ vì vậy mà độc giả Việt mới cảm thấy hào hứng và tìm mua những quyển sách dịch về xứ Đàng Trong. Nhưng những dịch giả, những người đáng lẽ cần dịch đúng và đủ, lại toa rập cùng bọn con buôn cắt xén, và đã vô trách nhiệm dịch bậy bạ, đầu độc kiến thức độc giả. Điều này lại càng làm cho độc giả người Việt mịt mờ hơn về những kiến thức liên quan đến xứ Đàng Trong.
Để mình xin nêu ra vài vấn đề liên quan đến xứ Đàng Trong, để chúng ta cùng từ từ tìm hiểu. Chúng là:
1. Có hay không việc văn hóa miền đồng bằng sông Hồng - tức văn hóa Bắc thuộc - đã bị dập tắt và thay thế bằng văn hóa bản địa ở Đàng Trong ?
Điều này mình chưa thấy ai viết cả và mình đã nêu ra trong bài viết này >> https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2088198974764387&set=a.1379012825683009&type=3.
Những gì mình nêu ra trong bài viết cho thấy, văn hóa Đàng Trong là văn hóa bản địa được kết tụ từ văn hóa Chiêm Thành, Mã Lai. Đây là các nền văn hóa Ấn hóa của các quốc gia Đông Nam Á xưa. Như vậy, nếu đúng là có sự dẹp bỏ văn hóa Bắc thuộc tại Đàng Trong, thì rất có thể, cuộc đấu tranh giữa hai nhà Trịnh Nguyễn không hẳn chỉ liên quan đến vấn đề đất đai mà còn là về ý thức hệ, đúng không bạn ?
Chúng ta cần tìm hiểu tại sao các chúa Nguyễn, vốn là con cháu cựu thần nhà Lê, tức là những người được sinh ra trong các gia đình quan lại hiểu RẤT RÕ về văn hóa đồng bằng sông Hồng, lại không tiếp tục áp dụng văn hóa Bắc thuộc khi họ vào mở đất miền Nam ? Có phải đơn thuần là do họ cần "nhập gia tùy tục" không ? Hay là họ đã từ bỏ quá khứ văn hóa Bắc thuộc và hòa nhập vào với văn hóa bản địa, vì họ muốn lập nên một đế quốc bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau như các vị hoàng đế ở vùng biên bên Trung Quốc thời Nam Bắc Triều hoặc Ngũ Đại Thập Quốc đã làm khi xưa vậy ? Như vậy, những suy nghĩ của các chúa Nguyễn rất có thể là những suy nghĩ của những vị hoàng đế vĩ đại trên thế giới, khi họ muốn lập ra một đế quốc bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau, và họ sẵn sàng hòa nhập cùng văn hóa bản địa, chứ không là của những ông vua ao làng chỉ biết có mỗi văn hóa xứ mình. Có thể các chúa Nguyễn đã bước ra khỏi lũy tre làng, đã nhìn thấy cái hay của những nền văn hóa Ấn hóa và họ sẵn sàng cởi bỏ lớp áo văn hóa Bắc thuộc, để đưa người Việt vào với văn hóa bản địa, cũng như người Mãn Thanh đã làm, khi họ bước vào Trung Nguyên và cai trị người Trung Quốc vậy.
Vậy nếu ta đều biết là vua quan người Mãn Thanh họ rất tự hào về nền Hán học của họ, thế thì tại sao ở Việt Nam, đã vào thế kỷ 21, mà người ta vẫn chưa ai có thể nghiên cứu về việc có hay không các chúa Nguyễn đã áp dụng các biện pháp "bản địa hóa" văn hóa tựa như việc người Mãn Thanh đã làm ở Trung Nguyên, tức là các tầng lớp vua quan này đã hòa nhập văn hóa bản địa vào đời sống văn hóa tôn giáo chính trị để thống trị ? Tại sao ngày nay các sử gia Việt Nam cứ ngày ngày lại ra rả là người Việt ta rất anh dũng, văn hóa Việt "con cháu vua Hùng" gì đấy rất đáng tự hào ở miền Nam ?
Đã đến lúc mình nghĩ chúng ta cần phải đặt câu hỏi về vị trí của nền văn hóa Bắc thuộc tại Đàng Trong. Mà chính xác hơn, chúng ta cần phải hỏi là, có hay không sự gột bỏ văn hóa Bắc thuộc tại Đàng Trong ? Và điều này sẽ cho chúng ta cơ hội so sánh việc các chúa Nguyễn làm so với việc các vua quan nhà Thanh đã làm bên Trung Nguyên. Điều này cũng giúp chúng ta vượt ra khỏi sự tự hào ao làng của các sử gia người Việt bao đời nay vẫn viết về văn hóa "con cháu vua Hùng" nào đó ở miền Nam. Có khi các chúa Nguyễn ĐÃ nhận ra rằng, để làm vua thiên hạ, họ cần phải hòa nhập cùng với văn hóa bản địa, tức cũng như ngày nay, Việt Nam cần hòa nhập với thế giới, học hỏi từ thế giới để trở thành một quốc gia hùng mạnh, chứ không phải là Việt Nam ép thế giới phải nghe theo vì người Việt tự hào nước Việt ta có 4 ngàn năm văn hiến, nhưng trên thực tế thì càng ngày càng thua xa cả Campuchia và Lào, là những nước xưa kia ta còn gọi là bọn Man, bọn Mọi gì đấy.
2. Theo nghiên cứu của cô Li Tana, một trong những nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của Đàng Trong, ấy là do địa thế của xứ Đàng Trong là theo chiều dọc (vertical) nên sức mạnh quân sự của Đàng Trong bị kéo căng tới hết mức, nhất là khi phải gởi quân đi can thiệp vào các cuộc chiến vùng biên với quân Xiêm La. Như vậy, chúng ta rất có thể phải nghiên cứu lại về có đúng là chiến thuật tằm ăn dâu của cụ Nguyễn Cư Trinh hiến kế cho các chúa Nguyễn là có đúng hay không ? Một đất nước mà Bắc thọ địch (Đàng Ngoài), giữa còn có nước Chiêm Thành (tuy nhỏ nhưng còn đó), núi non cản trở từ Trung về Nam, và ở miền Nam, có rất nhiều thế lực cạnh tranh nhau để chiếm đất, từ người Xiêm, tới người Chân Lạp, rồi người Tàu, v.v. Vậy tằm ăn dâu mà lực lượng quân sự bị trải mỏng ra như vậy chắc là có vấn đề chứ đúng không ? Có khi các chúa Nguyễn được miền Nam do thời, và các sử gia nhà Nguyễn đã tô son trát phấn để vẽ ra cái kế hoạch tằm ăn dâu thì sao bạn ? Đã bao giờ bạn nghĩ vậy chưa ?
Và miền Nam chính là "mồ chôn" các chúa Nguyễn như cô Li Tana đã đưa ra trong sách của cô, chứ miền Nam không chỉ là sự hãnh diện Nam Tiến mà các sử gia Việt Nam ngày ngày lại viết ca tụng lên tới mây. Nhưng sử gia Việt xưa nay có vị nào viết miền Nam là "mồ chôn" của các chúa Nguyễn đâu nhỉ ? Họ chỉ viết linh tinh về việc nào là nông dân nghèo khổ, nạn đói kém gì đấy nên có nhà Tây Sơn nổi lên. Cô Li Tana đã quăng hết xuống sông những lý luận cách mạng này khi cô viết về nhà Tây Sơn trong sách Nguyen Cochichina. Bạn nên tìm mà đọc thêm.
3. Nếu đúng là có việc bắt lính, cứ 3 hoặc 4 tháng 1 lần, và những người đàn ông từ 16 tới 50 hay 60 bị bắt làm lính hết, và không cho về làng cho tới khi về hưu, như thích Đại Sán đã viết, như vậy đời sống xứ Đàng Trong thời bấy giờ ra sao ? Có phải vì vậy mà xã hội Đàng Trong không có nhiều sĩ tử, không cho ra được những tác phẩm văn hóa đồ sộ không ? Nếu đúng là có tình trạng bắt lính vậy, thế những sử kiện về các kỳ thi ở xứ Đàng Trong có đúng không ? Vì các kỳ thi này sẽ có ai đi thi khi mà gần như tất cả mọi người đàn ông từ 16 tới 60 tuổi đều đi lính cả ?
4. Và cuối cùng, có đúng là dòng họ Mạc đã thuần phục các chúa Nguyễn và xin dâng đất Hà Tiên không ? Hay là họ chỉ xưng thần, cho cả 2 nước Xiêm La và Đại Việt, kiểu một quốc gia vùng độn, nằm giữa hai nước lớn là Xiêm La và Đại Việt ? Tại sao dòng họ Mạc cần phải dâng đất Hà Tiên cho các chúa Nguyễn trong khi người Xiêm ở kế sát cạnh bên họ và đang điều khiển vương triều Chân Lạp ? Và các chúa Nguyễn ở tận ngoài Huế thì làm sao có thể giúp dòng học Mạc ở Hà Tiên khi chiến tranh xảy ra ? Sự dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn ở xa, mà giặc Xiêm La ở gần là một hành động tự sát của dòng họ Mạc, đúng không bạn ? Tại sao cha con dòng họ Mạc phải làm vậy nhỉ ? Trong lịch sử thế giới, đã có một quốc gia vùng độn nào mà nằm giữa 2 nước lớn đánh nhau, họ lại chọn dâng đất cho nước ở xa không bạn ?
Vài điều cho bạn suy nghĩ, mình sẽ viết tiếp. Có lẽ chúng ta đã quá chán nản với các tác giả, danh là học nhiều, mà chẳng thể nào đưa ra những điều mới mẻ gì về lịch sử.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào