Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ ĐỌC NHIỀU CÓ LỢI HAY KHÔNG ?

Về đọc nhiều có lợi hay không ? Câu hỏi này có vẻ ngô nghê nhưng khi áp dụng vào tình trạng sách sử và văn hóa được viết bằng tiếng Việt bên...

Về đọc nhiều có lợi hay không ?

Câu hỏi này có vẻ ngô nghê nhưng khi áp dụng vào tình trạng sách sử và văn hóa được viết bằng tiếng Việt bên Việt Nam, chúng ta thật sự cần suy nghĩ thật kỹ.

Một vài ví dụ:

1. Sách sử của các sử gia Hà Nội viết bậy và cách dùng câu đầy hận thù dạng "bọn ác độc, cướp của" gì đấy, ví dụ vài quyển sách sử do thầy Đinh Xuân Lâm chấp bút, thì chắc chắn chúng ta nên tránh.  Sử gia mà viết sách sử như vậy để dạy học trò, đó là có tội với tất cả người Việt.

2. Sách sử của các nhà nghiên cứu tay ngang như Dũng Phan chẳng hạn, viết khá hay nhưng đầy lỗi.  Các quyển sách dạng này không thuộc về sử, mà chỉ là những quyển bút ký, của những người bạn có lòng với sử.  Chắc chắn các quyển này không thể thuộc dạng dùng làm nghiên cứu.

3. Sách sử thuộc dạng dịch thuật ví dụ Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, hoặc Xứ Đàng Trong đã bị dịch thoát và cắt xén.  Có thể kiến thức mà bạn có được từ các quyển sách dịch này là nửa vời, và đáng sợ là bạn có thể đem chúng ra mà dạy lại con cái hoặc học trò.

4. Sách sử thời nay thuộc dạng tiểu thuyết, ví dụ vị nào kỳ trước viết công chúa nhà Trần còn hơn con đĩ, mà lại tự hào nào là văn phong mới mẻ, đó không là sử, và cũng không hẳn là dã sử, mà đó chỉ là dạng sách hổ lốn rẻ tiền, không giúp ích gì cho kiến thức sử, và chắc chắn nếu chúng ta cần đọc về sex, thì đã có đủ loại sách sex trên mạng lẫn các phim JAV.

5. Sách sử thời xưa thuộc dạng tiểu thuyết, được in lại dưới cái tên mỹ miều là để "lấp khoảng trống sử học" như nhà xuất bản nào đó đưa ra cho dạng sách Góc Sử Việt.  Nhưng các loại sách sử xưa này độc hại không kém với sách sử thời nay.  Một ví dụ là sách của thầy Đào Trinh Nhất, thầy viết bịa, viết láo, viết bậy đủ thứ mà không ai kiểm chứng, lại còn đem ra làm sử kiện.  Các tác giả như thầy Đào Trinh Nhất đã góp phần đầu độc kiến thức người Việt về sử Việt.  Dạng sách này càng đọc càng thấy đau lòng vì sự dễ dãi của người Việt mình trong việc bảo vệ kiến thức.

6. Các bài viết sử học ngày nay, chúng ta vừa đọc vừa phải dò từng sử kiện đúng sai.  Như vậy làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng được những gì họ viết ? Mình thấy chỉ có thầy Nguyễn Duy Chính có thể viết là tương đối tin được, nhưng mình chưa đọc kỹ lắm, vì thầy vốn chuyên về nhà Tây Sơn mà mình thì không hứng thú lắm với lịch sử triều đại Tây Sơn, vì mình đã đọc nhiều về các triều đại trên thế giới đã được tạo dựng ra từ sự cách mạng, hoặc "khởi nghĩa nông dân".  Mình không cần biết thêm một triều đại như vậy nữa.  Mình tìm đọc các triều đại đã dựng nước và giữ nước ra sao trên mặt trận văn hóa, nông nghiệp, giao thương, v.v.  Nhà Tây Sơn là một triều đại đầy oai hùng trong sử Việt, nhưng triều đại này chả có gì đáng để mà nói về các mặt khác như văn hóa, nông nghiệp, giao thương, v.v.  

Trở lại về các bài viết sử học, mình thấy có các điều sau:

a.  Các bài viết trên tạp chí Xua & Nay, chắc là được viết bởi những nhà nghiên cứu dạng hobbyists, nên nhiều bài viết sai đủ thứ.  Mình thấy tạp chí này có đủ giáo sư trong ban lãnh đạo, nhưng xem ra nhóm biên tập viên của tạp chí này, theo mình đánh giá, chưa đủ trình độ về sử, lẫn kiến thức Hán Nôm để mà sàng lọc các bài viết.  Mình đọc để giải trí tinh thần.  Mình chưa đọc được bài viết nào thuộc dạng kinh khủng, tức đưa ra các đề tài làm người ta chóng mặt, dạng câu hỏi như mình nêu ra "liệu 2 cụ Võ Trường Toản và Nguyễn Đình Chiểu có xứng đáng là 2 nhà văn hóa lớn đại diện cho miền Nam" không chẳng hạn.  

b. Các bài viết trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, mình đọc thấy rất hay dù các thầy này chắc là các Đảng Viên Cộng Sản.  Bỏ qua các bài viết kiểu tuyên truyền, bạn có thể học hỏi nhiều từ các thầy này đó.  Nhưng chắc chắn họ sai không ít đâu.  Mình có thể đem các bài viết này ra mà phân tích từ từ nhưng chưa làm, vì mình đang đi quét rác của thời nay.  Bạn nên đọc tạp chí này, nhưng cần cẩn thận vì cách họ viết, họ đưa nhiều sự tuyên truyền vào, khá tinh vi, ví dụ như bài Tuyên Ngôn Độc Lập gì đó mà mình phân tích.  Nếu bạn có kiến thức và đọc được tiếng Anh, tiếng Pháp, bạn  chả phải lo sợ gì cả mà có khi bạn còn cảm thấy tội nghiệp cho họ, những tác giả đã phải vắt óc ra để viết khéo che đậy những điều như vậy, dạng theo mình là mị dân.  

c. Các bài viết nào mà lấy sử kiện từ bộ Đại Nam Thực Lục, bạn rất nên kiểm tra lại, vì không chừng Viện Sử Học và thầy Đào Duy Anh khi dịch, đã đánh lừa bạn đó, và bạn theo đó, mà trích đoạn, thì bạn lại càng sai xa hơn nữa.

Và một điều, mà mình thấy rất rõ sự khác biệt giữa môi trường văn hóa Mỹ và Việt Nam - đó là cách đối xử với trẻ con và các trẻ thiếu niên.  Ở Mỹ, trẻ con được tôn trọng dù chúng có thể chưa có kiến thức đúng đắn về đời và xã hội.  Nhưng bên Mỹ người ta tin rằng dạy con nít từ nhỏ đúng đắn và giúp chúng mở mang kiến thức và thách thức xã hội là một điều hoàn toàn tự nhiên, dạng sóng sau đè sóng trước, tức cách đào tạo nhân tài cho xã hội. Ở Việt Nam, mình thấy người ta viết sách sử vẽ tranh mà lại viết đủ thứ nào là "bọn quan lại nhà Hán ác độc, chúng ..." rồi bịa đủ thứ, lẫn viết sách dạng coi thường học sinh, viết không cần chú thích kỹ càng như quyển Nguyễn Đình Chiểu.  Con nít mà từ nhỏ đã bị dạy hận thù rồi bị xem thường, thì làm sao chúng lớn lên trở thành nhân tài ? Vậy mà nhiều bạn lại còn nói là dạy vậy để con nít có lòng yêu nước.  Yêu nước không là qua sự hận thù và bị xem thường là trẻ nít, mà yêu nước chính là khi con nít thấy người lớn tôn trọng chúng, dạy chúng đàng hoàng để trở nên những người có ích cho xã hội.  

Vậy khi đọc sách sử và văn hóa viết bằng tiếng Việt, không hẳn đọc nhiều là tốt, vì chúng ta đang bị bao vây bốn phương tám hướng bởi các tác giả viết vô trách nhiệm, bởi những NXB chỉ biết có tiền, và cả một hệ thống sử gia đã toa rập cùng bọn người ác lũng đoạn kiến thức về sử của chúng ta.  Nên vì vậy, mình nghĩ, ở Việt Nam, đọc sách (sử) nhiều là có hại hơn là có lợi, và nhất là không ai chịu trách nhiệm cho sự đầu độc kiến thức này cả.

Rất có thể trong tương lai, mình sẽ cùng các bạn lập mạng để NÊU RÕ những sai lầm trong sách sử và dịch thuật, và chúng ta sẽ NÊU RÕ TÊN HỌ của những vị thầy đã đầu độc kiến thức của tất cả chúng ta.  Có thể những vị thầy nếu còn sống, ví dụ như vị thầy Nguyễn Thừa Hỷ chẳng hạn, chúng ta sẽ dồn họ vào con đường cùng, và đuổi họ ra khỏi giới viết sách báo.  Chúng ta đã có quá đủ các giáo sư, tiến sĩ.  Chúng ta cần những tác giả viết với tinh thần trách nhiệm cao, có ăn học đàng hoàng, biết Hán Nôm, biết sửa sai.  

Mình nghe nói các vị thầy như Nguyễn Thừa Hỷ, có thể họ giỏi ngoại ngữ, nhưng khi họ được giao quyền dịch sách, họ đưa cho học trò dịch rồi để tên của họ lên đó.  Nếu đúng là có việc này, thì chúng ta cần chung tay với nhau hơn nữa để đuổi thầy ra khỏi giới viết sách báo.  Việc làm như vậy là không chấp nhận được.  Chúng ta có thể là những người Cộng Sản, Quốc Gia, dân làm ăn, bọn nhậu nhẹt, v.v, nhưng có một điều chắc là mình nghĩ tất cả đều đồng ý - đó là người Việt mình không phải sinh ra để làm những con bò cho những tác giả vô trách nhiệm vắt sữa không thương tiếc.  Người Việt mình giờ cũng có chút tiền, có chút kiến thức, nên không thể nào mãi mãi sống với bọn bình dân học vụ, hoặc bọn người chăn vịt mà đòi làm thầy thiên hạ, và nhất là, chúng ta cần cự tuyệt với những thầy giáo sư, dịch giả, tiếng thì lớn, mà họ lại nhẫn tâm đầu độc kiến thức của tất cả chúng ta.

Mình càng đi chơi nhiều, càng thấy tự hào là người Việt vì người Việt nhỏ mà có võ.  Nhưng chúng ta chắc chắn cần dẹp đi những quý vị đầy mặt mũi mà chả giúp gì được trong công cuộc nâng cao kiến thức về sử học nước nhà.  Mình nghĩ những người này, hoặc là họ phải thay đổi cách họ đối xử với chúng ta, hoặc họ nên về hưu và đừng viết hoặc tham gia vào giới học thuật nữa.  Họ chỉ làm bẩn cả danh tiếng người Việt vốn là những người học giỏi, chịu khó và rất ham học.  Có thể lý do mà ngày nay người Việt chỉ đọc 0.8 quyển sách, theo một thống kê nào đó, là do chán nản khi đọc các dạng sách báo của các vị thầy này.  Mình tin rằng chúng ta chung tay lại cùng nhau, sẽ đưa sử Việt bay thật cao và xa, và để làm điều đó, chúng ta cần bước ra khỏi cái bóng mát của những thế hệ tiền nhân, và tự đi tìm con đường của riêng mình.  Mình cũng có 2 tay, 2 chân và khối óc vĩ đại, tại sao suốt đời phải nép bóng ai đó để đi tìm con đường cho riêng mình ? Bạn và mình cũng có thể sẽ trở thành vĩ nhân mà, đúng không ? Bọn mình vác kiếm đánh nhau với người trên thế giới, điều này mới đã hơn nhiều, so với việc chỉ quanh quẩn ao làng.  Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần dẹp đi những con sâu làm rầu nồi canh và đuổi họ đi, đừng để họ lợi dụng lòng tốt hoặc sự thờ ơ của chúng ta, mà làm đục cả văn hóa và sử Việt.

Thu 2018 @ Paris

Brian




Không có nhận xét nào