Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ QUYỂN ‘NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU TÁC PHẨM CHỌN LỌC’ CỦA TÁC GIẢ PHẠN VĂN ÁNH

Về quyển Nguyễn Đình Chiểu Tác phẩm chọn lọc của tác giả Phạm Văn Ánh Mình đang đọc quyển này để hiểu thêm về cụ Đồ Chiểu đã viết gì. Nhưng ...

Về quyển Nguyễn Đình Chiểu Tác phẩm chọn lọc của tác giả Phạm Văn Ánh

Mình đang đọc quyển này để hiểu thêm về cụ Đồ Chiểu đã viết gì.

Nhưng mình càng đọc quyển này, càng thấy đây không thể là một quyển sách chuyên về văn thơ Nguyễn Đình Chiểu ở những điểm như sau:

1. Quyển này hoàn toàn KHÔNG HỀ in thông tin gì về nguồn gốc, năm tháng của các bài thơ.  Làm sao tác giả Phạm Văn Ánh và Viện Văn Học lại có thể tin rằng đây là các bài thơ của cụ Đồ Chiểu nhỉ ? Có khi đây là quyển sách độc hại, lượm những bài thơ không biết ở đâu đưa vào đây thì sao ? 

2. Quyển này hoàn toàn KHÔNG HỀ kèm theo bản Nôm nào cả.  Chúng ta hoàn toàn không biết là các bài thơ này có bị" hiệu đính "sai" từ thầy Phạm Văn Ánh hay từ viện Văn Học hay không.  Hoặc tệ hơn, biết đâu thầy Phạm Văn Ánh đem các bài thơ này từ những quyển sách nào đó in ấn thời VNDCCH rồi cho in lại mà không kiểm tra lại đúng hay sai thì sao ? 

3. Nhiều chữ trong các bài thơ chắc là đã bị chỉnh sửa theo giọng đọc ngoài Bắc.  Ví dụ, trong bài Đơn Đao Phó Hội ở trang 30, chữ Nghìn trong "Nghìn năm còn để tiếng vườn đào".  Ví dụ, trong bài Nước Lụt Thi ở trang 34, chữ Vũ trong "Này ông Hạ Vũ ở đâu ôi !".  Để viết về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, chắc là một tác giả còn cần phải có kiến thức về phương ngữ miền Nam, chứ không chỉ biết tiếng Việt thôi đâu, đúng không bạn ? 

4. Có các điển tích xưa đã bị tác giả Phạm Văn Ánh giảng bậy hoặc rất có vấn đề cần xem lại.  Một vài ví dụ như sau:

a. Trang 37 - "Sào Phủ Hứa Do - hai vị ẩn sĩ thời cổ, ẩn dật ở núi Thú Dương, thà ăn rau vi - một thứ rau dại chứ không chịu ăn thóc gạo của nhà Chu.  Sau cả hai đều bị chết đói trong núi".  Nhưng tích hai vị ẩn sĩ chết đói chắc là chỉ cho hai ngài Bá Di Thúc Tề, chứ làm gì mà lại là hai vị Sào Phủ Hứa Do chết đói.

b. Trang 41 - "Ngựa Hồ Chim Việt ... nói sự xa cách mỗi người một nơi mà đem lòng nhớ nhau ..".  Nhưng giảng vậy là giảng một nửa sự thật.  Vì xưa nay khi người ta dùng điển tích Ngựa Hồ Chim Việt, ấy là để nói là lòng nhớ cố quốc, tức là nghĩa bóng chỉ cho sự không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người, chứ làm gì có việc "nói sự xa cách mỗi người một nơi mà đem lòng nhớ nhau".  Và trong bài thơ này, chắc ý cụ Chiểu là khi nghĩ lại giờ quê hương đã bị mất, và thân cụ như thân phận ngựa Hồ chim Việt, tức nhớ về cố quốc, mà nay nghĩ lại mà nhớ tới bạn là ngài Phan công.  Đọc câu Ngựa Hồ Chim Việt là người ta nghĩ về một người buồn nhớ về cố hương của mình, chứ chưa ai đọc Ngựa Hồ Chim Việt để mà nghĩ rằng người đó nhớ bạn phương xa tựa trai nhớ gái, bạn bè nhớ nhau dạng kẻ ở Mỹ người ở Việt Nam cả.

c. Trang 62 - "Biên manh - dân ở vùng biên giới".  Đây là câu trong "Tủi phận biên manh, căm loài Dương tặc" thuộc bài văn tế nghĩa sĩ Lục Tỉnh.  Nhưng biên manh ở đây theo mình cần là chỉ cho phận người dân, tức là 普通的民众;老百姓:平民百姓, chứ không thể nào là dân ở vùng biên giới.  Ý của câu trong bài văn tế này là chỉ cho một người tủi cho phận dân của mình (vì đất đai đã mất).  Không hiểu khi tác giả Phạm Văn Ánh giảng biên manh tức "dân ở vùng biên giới" thì nghĩa là sao ? Chả lẽ lại "tủi phận mình là người dân vùng biên giới" ? Người dân vùng biên giới thì liên quan gì đến việc đất đai đã bị mất để mà căm loài Dương tặc ?  Và cả miền Nam đã mất thì ở đâu còn có dân vùng biên giới nhỉ ?

d. Trang 62 - "Lục trầm - chết đuối trên cạn".  Mời bạn đọc bài này >> http://www.thesaigonposts.com/2018/10/ve-su-chet-uoi-tren-can.html và có lời giảng của Yu Kogi rất rõ là "Bản nghĩa của trầm 沉 là chìm đắm giữa nước, một số ngữ cảnh liên quan đến người thì nó có nghĩa là chết đuối, ví như Khuất Nguyên tự trầm ở Mịch La ghì ta hiểu là chết đuối. Nhưng khi nó là từ ghép sự vật như lục trầm 陸沉 thì nó không mang nghĩa là người chết đuối. Vật vô tri như đất liền bị trầm thì nó bị che khuât đi thôi. Ta hay nói trầm luân, thăng trầm là chìm đắm để nói cuộc đời nhiều biến cố. Không có lý nào chìm đắm ở trên cạn.".  Nên như vậy khi tác giả giảng "chết đuối trên cạn" cho danh từ Lục Trầm ở câu "trong một phương sao mắc chữ lục trầm, người vì nước rủ nhau chết ngặt" là sai đấy chứ ? 

5. Nhiều từ trong văn thơ được chép trong sách này, nếu chúng ta không có bản Nôm, hoàn toàn không biết bản gốc có đúng là dùng các chữ này không ? Ví dụ 

a. Trang 57, trong bài Văn Tế Trương Định, câu "Chí lăm ví cờ xuê lộ bố, chói sắc giữa trào; ai muốn đem gương báu Can Tương, chôn hơi ngoài ải".

Nếu không đọc bản gốc Nôm, ta không biết "cờ xuê" tức nghĩa là "cờ xí xum xuê" hay là cờ xe "tức "cờ xí xe cộ" bởi vì đây là câu văn của một Nho sĩ miền Nam, nên xuê hay xe mới đúng đây ?

Và chắc không ai viết là "gương báu Can Tương" cả, mà chỉ có "gươm báu Can Tương". Gương là chỉ cho cái gương soi mặt (a mirror), gươm là thanh kiếm (a sword).  Không biết cụ đồ Chiểu có biết phân biệt "gương" và "gươm" không ? Hay là do tác giả Phạm Văn Ánh viết bậy từ gươm thành gương ? 

b. Trang 40, bài Điếu Phan Công.  Không biết cụ Chiểu có đúng là phát âm "Càn Khôn" hay là "Kiền Khôn" lúc làm thơ ? 

Và thời cụ Chiểu, đã có ai dùng danh từ "đất nước" trong Nôm chưa ? Mình cứ tưởng đất nước là chữ sau này thời Quốc Ngữ lên ngôi chứ ?  Nếu đã có ai làm thơ Nôm mà có chữ "đất nước" trước hoặc thời cụ Chiểu, bạn có thể share cho mình đọc không ? Mà nếu không có thì mình lại đặt câu hỏi là ta có chắc bài này của cụ Chiểu làm không ?

c. Trang 36, bài Biệt Cố Nhơn Thi.  Câu "Day mũi thuyền nam dạ xót xa" hình như đâu có đúng.  Thuyền Nam là thuyền gì nhỉ ? Chắc là thuyền nan mới đúng phải không ? 

Rồi câu "Chén rượu đỏ lòng KHUYÊN cạn chén" là sao ? Đáng lẽ nếu từ biệt bạn, thì chữ KHUYÊN phải là XIN mới đúng chứ, "Chén rượu đỏ lòng XIN cạn chén, Nhớ nhau ngày khác biết sao mà !" mới đúng là người muốn từ biệt bạn mà đi.  Dĩ nhiên với kiến thức "xính xái" tiếng Việt ngày nay, người ta cho rằng dùng chữ "KHUYÊN", chữ "MAU", chữ "ĐÂY" gì đó cũng được, nhưng chắc thơ phải có ý trong đó nữa, chứ không phải cứ bỏ bậy chữ nào cũng được đúng không ?

Và mình mới đọc chưa tới 1/3 quyển sách này, do vừa đọc vừa suy gẫm.

Dĩ nhiên sách có những điều sai là việc bình thường, nhưng làm thế nào mà một thầy Hán Nôm lại sai cả những điển tích Hán ngữ rất thông thường, ví dụ Sào Phủ Hứa Do mà lại thành ra 2 ngài ẩn sĩ không ăn chết đói, rồi sự giảng nghĩa qua quýt cho hai chữ Lục Trầm, đến việc không kèm bản Nôm làm độc giả không biết có đúng là cụ Chiểu viết chính xác vậy hay không, hay là tác giả đã tự đổi ý từ "ngàn" thành "nghìn", từ "Võ" thành "Vũ", từ "gươm" thành "gương", từ "Kiền" thành "Càn" ? Và đáng sợ hơn, không biết là tác giả có viết sai cả câu từ không, ví dụ "thuyền nan" lại trở thành "thuyền nam", "xin cạn chén" lại trở thành "khuyên cạn chén", v.v

Nên một tiến sĩ Hán Nôm mà viết một quyển sách như vậy, dù mình chưa đọc hết, theo mình là thất bại.  Thất bại bởi vì những gì tác giả giảng quá dễ, người ta có thể lên trên mạng mà tra, không cần đến một vị tiến sĩ (nếu đúng là tác giả Phạm Văn Ánh là tiến sĩ) Hán Nôm và viện Văn Học viết quyển sách này làm gì.  Điều mà độc giả cần ở một quyển sách như vậy là lai lịch các bài thơ ra sao, những chữ nào mà theo tác giả là cụ Chiểu đúng sai, hoặc ví dụ những đoạn khó hiểu như Lục Trầm thì cần phải giải thích rõ tại sao lại là "chết đuối trên cạn" làm độc giả thật bất ngờ là làm thế nào mà chuyện mất nước lại hóa ra thành sự "chết đuối trên cạn" ? Một thầy Hán Nôm mà viết đánh đố thiên hạ như vậy, theo mình, là làm cho độc giả thêm phiền khi đọc, vì đọc rồi còn phải đi dò các tư liệu khác xem tác giả có viết đúng câu văn hay không, và phần lớn các lời giảng thích của tác giả không giúp được gì cho độc giả hiểu thêm tại sao cụ Chiểu lại dùng các điển tích này.

Viện Văn Học lẫn tác giả mà viết quyển này, mình chê.  Đáng lẽ với kiến thức Hán Nôm, họ cần viết kỹ hơn nữa.  Viết như vậy thiên hạ ai cũng viết được cả.  Vì viết như vậy, cũng như dạng trang thơ trên thivien.net mà thôi.  Nhưng tệ hơn, là các trang thivien.net còn sửa sai được, còn quyển sách này mà người ta đem làm sách gối đầu giường rồi, thì làm sao mà sửa sai được đây ? 

Mình chưa đọc hết, có khi bạn cũng đọc rồi góp ý kiến luôn xem sao.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian













Không có nhận xét nào