VÔ HÌNH TRƯỚC LUẬT PHÁP Mục đích của luật pháp là gì, một khi nó khiến cho những người có chức vụ, quyền hạn trở nên vô hình trước luật pháp...
VÔ HÌNH TRƯỚC LUẬT PHÁP
Mục đích của luật pháp là gì, một khi nó khiến cho những người có chức vụ, quyền hạn trở nên vô hình trước luật pháp như cách quy định trong dự thảo về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang được thảo luận tại nghị trường?
Tài sản, thông tin nhân thân hoặc các vấn đề liên quan đến người có chức vụ là những thứ buộc phải công khai và nó chính là lĩnh vực của luật công chứ không nằm trong phạm vi luật tư. Và do đó, những chủ thể đó phải là những con người luôn ở trạng thái “minh bạch” và “bị giám sát” thương trực.
Người dân phải nắm rõ được về người mà đang ở vào vị trí được nhận uỷ quyền quyền lực từ nhân dân. Và nhân dân thì chỉ có thể giám sát khi được tiếp cận đầy đủ và nhanh chóng những thông tin về và đối với những con người này một cách chính thống và không thể bị giới hạn. Nếu luật coi thông tin về tài sản, thân thế và sự nghiệp của người lãnh đạo, có chức vụ, mà nó thực chất chính là hệ quả của việc có được chức vị trong hệ thống công quyền, là một vấn đề bí mật thì không có quyền lực nào của nhân dân có thể kiểm soát được họ vì họ trở nên vô hình trước cả nhân dân và luật pháp. Và do đó luật phòng, chống tham nhũng và luật tiếp cận thông tin cũng trở nên vô dụng. Nên không thể để cho bất cứ ai trở nên vô hình trước luật pháp khi đảm nhận chức vị chính trị và bộ máy nhà nước.
Đồng thời với đó lại là vấn đề của đảng, mọi hoạt động của đảng lại trở thành một “bí mật nhà nước”. Vậy có nghĩa tổ chức đảng thực sự đã đồng nhất nhà nước, trong khi bản thân nó chỉ là một tổ chức chính trị (đảng phái) đơn thuần. Và do vậy, đưa vấn đề hoạt động của đảng vào vòng bí mật thì trở thành sai đối tượng điều chỉnh của luật. Vì luật dân sự đã điều chỉnh vấn đề bí mật thông tin của cá nhan, tổ chức. Nên đảng không phải ngoại lệ của luật pháp và không thể là đối tượng để dẫn chiếu tới đạo luật này.
Hơn nữa, luật pháp càng trở nên kỳ dị và đã không còn là luật pháp thông thường nữa mà đã thực sự biến thành một thứ công cụ cản trở tâm trí và tư duy của con người và thực tế là nhốt hãm chúng lại vào một nhà tù.
Thông tin về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp nhân dân từ đâu và vì sao lại trở thành một thứ phải đưa vào vòng bí mật đối với nhà nước? Vậy phải chăng việc này sẽ dẫn tới một hệ quả tiếp theo là việc thu thập thông tin về tư tưởng của người khác cũng trở thành bí mật và rồi người ta cũng sẽ trở thành tội phạm khi xâm phạm vào một vấn đề thuộc về tư tưởng, một nền tảng tối thiểu cho bất cứ một con người nào nếu muốn được coi là một con người?
Nếu tư tưởng cũng trở thành một vấn đề cấm đoán và trở nên là một mối nguy hiểm tiềm tàng thì không hiểu rồi mỗi con người trong xã hội đó sẽ sống thế nào, khi mà tâm tưởng và thông tin về tâm tưởng của những người khác trong xã hội đã trở thành một lãnh địa/món hàng cấm không được phép động chạm đến? Bất cứ ai rồi cũng sẽ trở thành những câm điếc và không dám mở lời ngôn luận về bất cứ điều gì về tư tưởng và đời sống xã hội, và nhà nước thì chỉ chực chờ để ra tay trừng phạt những kẻ dám xâm phạm vào bí mật nhà nước về tư tưởng một cách nặng nề.
Khi đặt ra phạm vi bí mật nhà nước về những vấn đề đó, nó kéo theo hệ quả pháp lý là, sẽ hình thành nên tội phạm về chính những gì nó vừa liệt kê ra. Và ai cũng sẽ trở thành tù nhân chờ đến lượt đưa vào nhà tụ dự khán. Trong khi đó thì quan chức đã trở nên không những vô song trước quyền lực, vô hình trước luật pháp mà nó còn vô hình trước cả nhân dân, và như vậy thì sự vô vọng của người dân lại càng không có hạn định.
Ngày càng ngày lại càng có nhiều thêm những thứ luật pháp kỳ dị và những ngoại lệ của luật pháp đối với chính thể. Và do đó, nhân dân càng bị thiết chặt lại trong những chiếc thòng lọng treo trên đầu mình.
Lê Luân
Không có nhận xét nào