Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ĐÀI LOAN BẦU CỬ VÀ TRƯNG CẦU DÂN Ý NGÀY HÔM NAY: HƯỚNG ĐI ĐẾN ĐỘC LẬP

ĐÀI LOAN BẦU CỬ VÀ TRƯNG CẦU DÂN Ý NGÀY HÔM NAY: HƯỚNG ĐI ĐẾN ĐỘC LẬP Hôm nay, thứ Bảy 24/11/2018, trên 19 triệu cử trị Đài Loan đã đi bầu c...

ĐÀI LOAN BẦU CỬ VÀ TRƯNG CẦU DÂN Ý NGÀY HÔM NAY: HƯỚNG ĐI ĐẾN ĐỘC LẬP

Hôm nay, thứ Bảy 24/11/2018, trên 19 triệu cử trị Đài Loan đã đi bầu cho trên 10 ngàn ghế trong 9 tầng lớp chính quyền địa phương vào trong cùng một ngày; vì thế, người ta thường gọi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này là "chín-trong-một" (nine-in-one elections). Các tầng lớp cao cấp là thị trưởng, tỉnh trưởng, sau đó là các cấp quận xã và hội đồng đại diện thổ dân.

Mặc dù mức độ quan trọng của cuộc bầu cử chính quyền địa phương không bằng các cuộc bầu cử Quốc hội hoặc Tổng thống, tuy nhiên cuộc bầu cử "chín-trong-một" năm nay đã được nhiều người quan tâm đến. Kết quả của nó sẽ đánh giá những thành quả của bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen 蔡英文) và chính sách của đảng Dân chủ Tiến bộ, Democratic Progressive Party (DPP) do bà Thái lãnh đạo từ tháng 5 năm 2016 cho đến nay.

Ngoài ra, trong cuộc bầu cử hôm nay, cử tri Đài Loan sẽ được trưng cầu dân ý với 10 câu hỏi đã gây nhiều tranh luận, từ vấn đề hôn nhân đồng tính luyến ái, bảo vệ môi trường cho đến sự thay đổi danh xưng từ "Chinese Taipei" trở thành "Taiwan" cho đội tuyển thể thao của Đài Loan tham dự giải quốc tế, kể cả Thế Vận Hội Olympic 2020 tại Tokyo.

Thay đổi danh xưng của một đội tuyển thể thao có lẽ không mấy ai để ý đến, nếu nó không phải là sự thay đổi từ tên gọi "Trung Quốc Đài Bắc" trở thành ra "Đài Loan".

Đại đa số người Đài Loan muốn được gọi là "Taiwanese" và họ luôn mơ ước Đài Loan sẽ được cộng đồng quốc tế nhìn nhận chính thức như một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, nguyện vọng đó của người dân Đài Loan đã bị Trung Quốc liên tục chà đạp. Trước áp lực kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, cho đến ngày 21/8/2018, sau khi El Salvador chạy theo Bắc Kinh, chính phủ Đài Loan chỉ còn được nhìn nhận bởi 17 quốc gia bao gồm Vatican City và một số tiểu quốc Nam Mỹ và Thái Bình Dương.

Theo thống kê của Braintrust, gần 90% dân Đài Loan sẽ gọi họ là người Đài Loan (Taiwanese) thay vì người Trung Quốc (Chinese) nếu họ phải chọn lựa một trong hai. Khuynh hướng độc lập rất mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ dưới 29 tuổi, đến 97,6% tự hào gọi họ là "Taiwanese". Giữa sự chọn lựa độc lập (independence) hoặc thống nhất (unification) với Trung Quốc, trong tổng số 1.079 người được thăm dò bởi Braintrust đã có đến 68,9% muốn độc lập, chỉ có 17,1% muốn thống nhất và 14% chưa có quyết định.

Đại đa số tuổi trẻ Đài Loan đều ủng hộ một nền độc lập. Theo thống kê của Taiwan National Security Survey, đối với thành phần người trẻ dưới 40 tuổi, đã có 84% muốn Đài Loan được độc lập và 43% chấp nhận sẵn sàng ngay cả việc đánh trả lại các cuộc tấn công của Trung Quốc để có được độc lập cho Đài Loan.

Sự khao khát độc lập cho Đài Loan đã được biểu hiện khi cô Fu Yue, 36 tuổi, đạo diễn cuốn phim tài liệu "Thời Tuổi Trẻ Chúng Tôi tại Đài Loan" đã xúc động bày tỏ nguyện vọng của cô khi nhận giải thưởng Golden Horse vào cuối tuần trước. "Tôi thật sự mơ ước một ngày đất nước của chúng tôi sẽ được đối xử như một quốc gia độc lập thật sự. Đây là ước nguyện lớn nhất của tôi, của một người Đài Loan", cô Fu đã nói.

SƠ LƯỢC VỀ CHÍNH TRỊ ĐÀI LOAN

Đài Loan thuộc chính thể Dân Chủ Cộng Hòa trong đó Tổng thống là nguyên thủ quốc gia (do dân trực tiếp bầu lên) và Thủ tướng là Viện trưởng Hành pháp viện (do Tổng thống bổ nhiệm). Hành pháp viện gồm có thủ tướng, phó thủ tướng và các thành viên nội các là những người có trách nhiệm thi hành "pháp" của quốc gia. Đó là hành pháp.

Lập pháp của Đài Loan nằm trong tay của Lập pháp Viện "Legislative Yuan" (立法院) tạm dịch là "Quốc hội Tôn Trung Sơn". Lập pháp Viện hiện có tổng cộng 113 nghị viên cũng do người dân bầu lên.

Tư pháp của Đài Loan hoàn toàn độc lập từ lập pháp và hành pháp. Tư pháp Viện "Judicial Yuan" (司法院) quản lý hệ thống tòa án của Đài Loan, gồm có Hội đồng Thẩm phán Tối cao (Council of Grand Justices) với 15 thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 8 năm và không được tái bổ nhiệm.

Ngoài ra, Đài Loan còn có hai viện: Giám sát và Khảo thí. Giám sát Viện để giám sát hiệu quả của dịch vụ công và đảm trách phòng chống tham nhũng. Khảo thí Viện để tuyển mộ công chức qua các kỳ thi cạnh tranh (để tránh tình trạng hối lộ mua chức một cách mục nát giống như Việt Nam hiện nay).

Đài Loan là chế độ đa đảng. Hai chính đảng lớn nhất hiện nay tại Đài Loan là đảng Dân chủ Tiến bộ (DDP) và Quốc Dân Đảng (Kuomintang, viết tắt KMT). Vì thế, các đảng phái trên chính trường Đài Loan đã chia thành hai phe: phe Xanh Lam (màu xanh da trời) và Xanh Lục (màu xanh lá cây).

Chính trị Đài Loan không dễ dàng phân biệt được cánh hữu hay cánh tả như các nước Tây phương. Nếu chỉ nhận định trên căn bản chủ quyền quốc gia không thôi, phe Xanh Lam "Pan-Blue Coalition" của KMT có lập trường thiên về sự tìm kiếm một giải pháp "thống nhất" với Trung Quốc (trong khi buồn cười là tiền thân của KMT đã bị Cộng Sản Hoa Lục rượt đuổi truy sát vào năm 1949 đến nổi lãnh đạo KMT là Tưởng Giới Thạch thời bấy giờ phải bỏ chạy ra đảo Đài Loan).

Trong khi đó, liên minh Xanh Lục gồm có đảng Dân chủ Tiến bộ DPP (hiện đang lãnh đạo bởi bà Thái Anh Văn) và đảng Đoàn kết Đài Loan (Taiwan Solidarity Union, viết tắt TSU), lại có chủ trương độc lập cho Đài Loan.

Sự khác biệt giữa KMT và DPP có thể nhìn thấy qua hai diễn biến lịch sử gần đây. Thứ nhất là Phong trào Hoa Hướng Dương (Sunflower Movement) khi sinh viên Đài Loan đã biểu tình phản đối KMT đơn phương tuyên bố vào ngày 17/3/2014 sẽ thông qua Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc mà không kiểm điểm lại những điều khoản theo quy định thỏa thuận với đảng Đối Lập trong Lập pháp Viện. Sinh viên đã chiếm tòa nhà Lập pháp Viện trong gần ba tuần lễ, kể từ ngày 18/3/2014 đến 6/4/2014, để bày tỏ sự phản đối việc ký kết và thông qua hiệp định với Bắc Kinh mà không có một đạo luật nào để quy định sự kiểm soát.

Một nhóm 25 giáo sư khoa toán Đại học Quốc gia Đài Loan đã tuyên bố: "Chúng tôi không chống lại việc ký kết hiệp định thương mại, bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nhưng quá trình ký kết và xem xét phải được thực hiện minh bạch và đúng thủ tục. Đây là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ các yêu cầu của sinh viên, đó là từ chối bất kỳ thỏa thuận ký kết ‘trong hộp đen’." Cuối cùng, Tổng thống Mã Anh Cửu, lãnh đạo KMT thời bấy giờ, đã phải can thiệp và nhượng bộ.

Bài học rút ra được từ "Phong trào Hoa Hướng Dương" là thế hệ trẻ Đài Loan đã không sợ hãi khi cần phải đứng lên đấu tranh bảo vệ dân chủ cho Đài Loan; và thêm vào đó, chính phủ Taipei đã không sử dụng vũ lực để đàn áp sinh viên. Điều này khác hẵn với những gì đã xảy ra tại quảng trường Thiên An Môn; và khiến cho Trung Cộng rất quan tâm đến hướng đi dân chủ tiến bộ của Đài Loan về phía tương lai.

Sự kiện thứ hai đã xảy ra vào ngày 7/11/2015, khi Tổng thống Mã Anh Cửu đã đáp chuyến bay thẳng từ Đài Bắc đến Singapore vào 10h30 sáng, để có buổi họp kín với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại khách sạn Shangri La, vào buổi chiều cùng ngày. Họ Tập đã bay từ Việt Nam sang Singapore trước đó một ngày. Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu đã có cái bắt tay kéo dài 1 phút 20 giây, "dài nhất" trong lịch sử quan hệ Đài Loan và Trung Quốc.

Tập Cận Bình đã công bố "Chúng ta là một gia đình. Chúng ta quyết định thay thế xung đột bằng đối thoại hòa bình". Cả hai đã đồng ý trên nguyên tắc để tiếp tục đối thoại về sự nhận thức "một Trung Quốc".

Hai sự kiện kể trên đã giúp cho bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan vào năm 2016 với 56,12% tổng số phiếu và đảng DPP đã nắm được trên 60% với 68 ghế trong tổng số 113 ghế của Lập pháp Viện. Từ đó đến nay, Quốc Dân Đảng KMT đã mất quyền kiểm soát hành pháp và lập pháp trong cùng lúc, để bà Thái Anh Văn có thể dễ dàng thực hiện những chính sách của đảng Dân chủ Tiến bộ DPP hai năm vừa qua.

Vì thế, kết quả bầu cử ngày hôm nay, cho dù là chính quyền địa phương, vẫn cho chúng ta nhìn thấy được sự đánh giá của cử tri Đài Loan đối với chính phủ Thái Anh Văn và cho thấy hướng đi mà người dân Đài Loan thật sự mong muốn.

Người Đà Lạt Xưa
November 24, 2018.








Không có nhận xét nào