AI MÀ KHÔNG PHẢI THỞ? (Cafe đắng đầu tuần) Hãy lấy vài tờ giấy trắng A4. Hãy đặt cố định chúng ở phòng khách, phòng ngủ, bếp ăn, ban công và...
AI MÀ KHÔNG PHẢI THỞ?
(Cafe đắng đầu tuần)
Hãy lấy vài tờ giấy trắng A4. Hãy đặt cố định chúng ở phòng khách, phòng ngủ, bếp ăn, ban công và đừng đụng gì tới chúng trong 1 tuần, 1 tháng. Khi xem lại, bạn có thể hiểu được mật độ bụi mịn, bụi siêu mịn không nhìn thấy bằng mắt thường đã "tập kết" đủ lượng là bao nhiêu.
Hãy nhìn các tờ giấy sau 1 tuần, 1 tháng đó và nghĩ về phổi của bạn. Giấy vô tri còn bạn thì chắc chắn phải hô hấp. Bạn bắt buộc phải hít thứ không khí có thứ bụi mịn, bụi siêu mịn đang bám trên tờ giấy ấy, dĩ nhiên nhiều hơn.
Nếu có điều kiện, hãy đi xét nghiệm bụi trên tờ giấy đó. Những thành phần trong bụi có độc tố hay không, độc tố gì là chính nếu có. Bên cạnh ăn uống những thứ ô nhiễm, bệnh tật từ việc hít thở mà ra cũng đầy ra đấy!
Nhà bạn có máy lọc không khí là an toàn? Xin thưa là không. Chỉ hạn chế được phần nào thôi. Và đại đa số chúng ta ở ngoài ngôi nhà mình nhiều hơn trong nhà. Chúng ta có công việc, các cuộc hẹn, và cả mưu sinh. Không khí ngoài đường dĩ nhiên kinh khủng hơn trong nhà. Cũng không nhiều gia đình đủ điều kiện mua máy lọc không khí và xét nghiệm bụi của thứ không khí ô nhiễm không phải do họ gây ra.
Nhưng tất cả chúng ta phải thở, nếu muốn còn sống!
Và thứ kinh khủng nhất chính là bụi mịn, bụi siêu mịn. Thứ bụi nhỏ bằng 1/28-1/40 sợi tóc, chỉ có thể thấy được qua kính hiển vi và có thể ngấm trực tiếp qua da vào mao mạch máu, thì bạn sẽ đề phòng ra sao? Khẩu trang còn bị chúng"vô hiệu" hóa đấy!
Tôi có một cuộc nói chuyện sâu với một cảnh sát môi trường tâm huyết. Thậm chí tôi không ngại để anh nghe một cuộc trò chuyện của tôi với một đồng nghiệp nước ngoài đang làm ở New York Times về tác hại của ô nhiễm bụi mịn, bụi siêu mịn và ô nhiễm nói chung. Chúng sẽ làm chúng ta tích lũy độc tố vào cơ thể từ từ và phát bệnh khi đủ độ tích lũy, tùy theo sức khỏe của mỗi người.
Bụi mịn, bụi siêu mịn có thể ngấm rất nhanh vào đất và nước ngầm và trái cây, rau củ, gia súc, gia cầm sẽ tích tụ các độc chất. Và tiếp tục thành thức ăn, nước uống hàng ngày của chúng ta. Tôi bày tỏ sự mong muốn cần có 1 nghiên cứu sâu và toàn diện về vấn đề này trên cả nước. Những nơi ô nhiễm như Vĩnh Tân, Duyên Hải, Vũng Áng,.v.v.. tôi từng đến, nước giếng hay cây cối đã "không còn là nó". Cả những đứa trẻ nữa...
Tôi đùa: Anh có chắc rằng biết rõ buồng trứng của vợ anh hay "hai hòn bi" của anh đang biến dị vì ô nhiễm không? Cái đó phải xét nghiệm rất sâu về chuyên môn và ở Việt Nam không nhiều chỗ có thể làm được điều này. Thoái hóa giống nòi là thứ tôi lo sợ nhất chứ không phải bệnh tật thấy được đâu!
Không có nhiều người ở quốc gia này đủ tiền hay các điều kiện khác để kiếm một tấm thẻ xanh định cư ở nước ngoài. Nếu có, cuộc di tản môi trường xuyên quốc gia cũng chưa chắc đem lại hạnh phúc. Những người bắt buộc phải rời cố quốc chưa bao giờ là những người hạnh phúc cả. Và có một câu nói khác: "Chỉ có lũ chuột mới nháo nhào tìm đường thoát khỏi con tàu sắp đắm."
Trước đây và sau này, tôi không đi định cư nước ngoài đâu, dù có nhiều cơ hội!- tôi nói với người cảnh sát môi trường như vậy sau khi nghe anh kể về những điểm ô nhiễm mà anh biết. Cả những cay đắng của anh khi làm nhiệm vụ. Chúng tôi bắt tay nhau trước khi chia tay với cùng một ý chung: Không thể bỏ mặc quốc gia này cho những kẻ mà ta khinh bỉ!*
Chỉ tiếc rằng đất nước này đang có một đám đông lặng im vô cảm trước bệnh tật, trước thoái hóa giống nòi. Họ còn thở, còn đi kiếm danh vọng và bạc tiền. Thậm chí còn làm tăng ô nhiễm bởi lối sống vô trách nhiệm. Những chữ ký tàn phá rừng, những món lợi nhuận từ việc "nuốt chửng" sự trong sạch bầu không khí, những cuộc vui xa hoa mà chi phí của nó là các họng thải tàn phá sông suối, các tài sản từ chiếm hữu tài nguyên,... đã đẩy ô nhiễm lên đến mức rất nguy hiểm.
Cả những cơn gió mùa Đông Bắc mang theo thứ không khí độc hại của "bạn vàng" nữa! Học theo họ để phát triển kinh tế bất chấp các trả giá về môi trường an sinh xã hội, an ninh nguồn nước và quyền được sống của người dân là đại sai lầm. Cũng như tại Trung Quốc, bọn học phiệt và các quan chức báo cáo láo đã thao túng quá lâu và quá mức chịu đựng của quốc gia này rồi.
Nhưng người giàu lẫn người nghèo, người lên tiếng và người lặng im, người hành động vì môi trường và người đang chuẩn bị di tản môi trường; ai mà không phải thở để sống?
Chỉ là có sống như một con người hay không mà thôi...
Chú thích: Nguồn ảnh internet
*: Lấy ý từ câu “Ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”. Câu này hình như của chồng bà Ayn Rand ( tác giả Suối Nguồn) nói với bà ấy.
Lưu ý: Hãy xem các clip về ô nhiễm ở comment và đừng tin rằng họ bị con nghiện kích động để xuống đường đòi quyền sống. Các bạn chỉ khá hơn họ đôi chút thôi. Hãy yêu môi trường và chống ô nhiễm môi trường.
Chú thích: Ảnh của TNO
Mai Quốc Ấn
Không có nhận xét nào