ĐẠI NẠN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG: NÊN TẤN CÔNG VÀO ĐÂU? Đại nạn thì ắt sinh ra tị nạn. Nhưng đợi các cháu lớn lên vào đại học mới có điều kiện chạ...
ĐẠI NẠN GIÁO DỤC PHỔ THÔNG: NÊN TẤN CÔNG VÀO ĐÂU?
Đại nạn thì ắt sinh ra tị nạn. Nhưng đợi các cháu lớn lên vào đại học mới có điều kiện chạy tị nạn ra nước ngoài thì muộn rồi. Bởi 12 năm học phổ thông, các cháu đã bị nhồi nhét quá tải với đủ các chấn thương tâm lý, bây giờ cái cây đó có trồng trên đất khách cũng èo uột, bệnh hoạn, trừ phi số ít những cháu có đủ bản lĩnh vượt qua các chấn thương.
Số ít vượt qua được các chấn thương thì một đi không trở về, còn lại số đông ở lại trong nước sẽ thành những công dân bệnh hoạn, hoặc ăn theo nói leo như những robot trong tay điều hành của kẻ khác, hoặc bị stress và có dấu hiệu tâm thần.
Đừng khoe cả vạn giáo sư tiến sĩ làm thành tích khi cả vạn đó toàn ăn theo nói leo.
Báo chí, dư luận xã hội và các đại biểu quốc hội bao nhiêu lâu nay vẫn một điệp khúc “chương trình quá tải” và những người làm sách giáo khoa đang tìm cách giảm tải. Nhưng sự thực, đó mới chỉ là quá tải về số lượng, cho nên sự giảm tải gần đây chỉ nhằm vào sự cắt bỏ bớt một số tiết học. Trong khi sự quá tải về độ khó, độ phức tạp trong giáo dục phổ thông mới là nguyên nhân gây chấn thương trầm trọng ở trẻ em. Tôi đem đối chiếu chương trình, sách giáo khoa hiện hành với chương trình sách giáo khoa thời tôi đi học và ở nước ngoài, ở tất cả các môn, đều thấy hiện tượng các nhà làm sách đưa tri thức hàn lâm từ trên cao xuống dưới thấp bắt trẻ em phải gánh. Nhiều tri thức ở cấp độ tư duy đại học, thậm chí thạc sĩ tiến sĩ cũng ném xuống phổ thông, khó đến mức học sinh phải học thuộc mẫu (nên nhớ là cả mẫu toán và khoa học tự nhiên chứ không chỉ văn) để đối phó các kì thi. Mà những tri thức ấy chồng chéo, cái nọ đá cái kia chan chát chứ không phải một hệ thống mạch lạc của tư duy. Chẳng hạn, một câu tiếng Việt, học sinh phải vừa phân biệt theo ngữ pháp cấu trúc, vừa phân biệt theo ngữ pháp chức năng, lại vừa phân biệt theo ngữ dụng học trong một ma trận rối bòng bong. Một hiện tượng “đầu súng”, bài tập thì yêu cầu chỉ ra phép chuyển nghĩa tu từ, nhưng khi giải thì lôi cả ngôn ngữ học tri nhận để giải thích như mấy học trò các giáo sư Việt ngữ học đã làm trong tranh luận vừa rồi. Đó là lý do, học sinh học tiếng mẹ đẻ mà còn khó hơn học ngoại ngữ và hậu quả là học sinh từ nói đúng tiếng Việt dẫn đến nói sai và viết sai. Còn toán, hóa, lý, sinh thì ôi thôi, các loại tri thức cao cấp trên đại học ném xuống tràn lan để chứng minh rằng học sinh Việt Nam giỏi hơn học sinh thế giới.
Đó là lý do có chuyện ngược đời ở Việt Nam. Trẻ em học ở phổ thông rất căng thẳng đến mức đã có không ít trường hợp tự vẫn hoặc có dấu hiệu tâm thần vì không có thời gian và điều kiện vui chơi, thư giãn như trẻ em các nước văn minh. Trong khi lên đại học, cao học, thậm chí tiến sĩ, học trò nước người ta đua năng lực từng ngày để học tập và sáng tạo, còn sinh viên, học viên của ta thì lại tha hồ ăn chơi và chờ lấy bằng. Trên thế giới, người ta nghiên cứu kỹ về tâm lý con người để đề xuất những phương án giáo dục hợp lý. Với trẻ em, học gắn liền với vui chơi. Tuổi ấu thơ và vị thành niên rất dễ chấn thương trước các áp lực, dù chỉ là áp lực thi cử. Phải vượt qua giai đoạn vị thành niên, trẻ em mới đủ sức chịu đựng và hình thành bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tiếp nhận tri thức. Nhưng Việt Nam thì khác. Ông nào tham gia soạn sách giáo khoa cũng thi nhau khoe tri thức (mà lại là tri thức chộp giật). Ông tiếng Việt khoe đủ các loại tri thức ngôn ngữ của đại học và học viện; ông Toán, Lý, Hóa, Sinh khoe tri thức ở các viện nghiên cứu, thậm chí đến ông âm nhạc cũng thi nhau khoe tri thức của nhạc viện. Cứ thế người ta nhồi vào đầu trẻ em để chứng tỏ mình gì cũng biết, bất luận là trí não trẻ em có chịu đựng nổi không.
Các bậc phụ huynh hiểu biết và những trí thức có lương tâm hay chỉ trích vào một chủ trương nào đó của nền chính trị ngu dân. Tôi thì nghĩ khác. Ông Tổng bí thư hay ông Trưởng ban Tuyên giáo nếu có chỉ đạo nào đó thì chỉ đạo về tư tưởng chính trị chứ không thể chỉ đạo về chuyên môn. Chuyên môn vẫn phải phó thác cho giới chuyên môn. Việc nhồi sọ tất cả các loại tri thức cao cấp xuống phổ thông thuộc tội ác của các giáo sư tiến sĩ thiếu hiểu biết về giáo dục. Đến lúc tấn công trực diện vào mấy ông bà này chứ đừng đổ tội suông cho chính trị làm cho mấy ông bà này đang cứ nhầm tưởng rằng mình vô can.
-------------
P/S: Vừa rồi chấm thi lớp vừa làm vừa học ngành tiểu học, bài tập từ vựng và ngữ pháp cấu trúc cùng dạng với sách giáo khoa hiện hành, hơn 100 bài làm giống nhau như đúc, đến những chi tiết sai cũng giống nhau như đúc. Có nghĩa là giáo viên không làm được thì trẻ em làm sao làm được, trừ phi cô giáo chép mẫu và học sinh cũng chép mẫu.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào