Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ANH TRẦN MẠNH HẢO HIỂU SAI NAM CAO

ANH TRẦN MẠNH HẢO HIỂU SAI NAM CAO  Nam Cao có tham gia kháng chiến, nhưng tôi dám chắc khi viết truyện ngắn Giăng sáng, ông không có chút q...

ANH TRẦN MẠNH HẢO HIỂU SAI NAM CAO 

Nam Cao có tham gia kháng chiến, nhưng tôi dám chắc khi viết truyện ngắn Giăng sáng, ông không có chút quan hệ gì với cộng sản. Giăng sáng được công bố chính thức trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 439, ngày 14.11.1942. Tác phẩm mang hình thức tự truyện bởi nhân vật Điền như một hóa thân của Nam Cao. Tác phẩm có ngữ cảnh rõ ràng. Điền, nhà giáo, nhà văn từng viết văn lãng mạn, từng "mơ theo trăng", "trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ" mà quên cái nghèo, cái đói và nỗi đau của đồng loại. Mãi đến khi bị thất nghiệp về quê sống nhờ vợ con, Điền vẫn chưa thoát khỏi giấc mộng văn chương lãng mạn một thời mình đeo đuổi. Đến lúc trải nghiệm đầy đủ sự cơ cực, cay đắng trong chuyện miếng ăn và cái đói hàng ngày của vợ con, của chính mình và hàng xóm, Điền mới thức tỉnh và tuyên bố rời chủ nghĩa lãng mạn để đi theo chủ nghĩa hiện thực, một trào lưu lớn thời điểm bấy giờ: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”
Có thể tuyên ngôn này gây oan sai cho văn chương Tự lực văn đoàn. Oan sai không phải ở thời điểm lịch sử ấy, vì chuyện các trào lưu tuyên bố đối lập hay cãi nhau là chuyện thường tình, chẳng chết ai. Chỉ vì sau này do các nhà phê bình và làm sách giáo khoa cộng sản gán "ánh trăng lừa dối" ấy cho Tự Lực văn đoàn mới dẫn đến đày đọa Tự Lực văn đoàn vào chung hố sâu vụ án chính trị gọi là "phản động".
"Ánh trăng lừa dối" là một cụm từ Nam Cao viết rất ý nhị trong ngữ cảnh của truyện ngắn. Đó là thứ ánh trăng có tính ẩn dụ, nôm na là sự mộng mơ thái quá làm cho nhà văn quên đi tiếng kêu lầm than và đau khổ của đồng loại. Hoàn toàn không mang nghĩa là ánh trăng tự nhiên xưa nay vẫn mang lại nguồn sáng tạo vô tận của văn chương. Sự thực, vẫn là đối tượng trăng của tự nhiên, nhưng đâu phải trăng bao giờ cũng mang tính chất lừa dối. Quan trọng là cách nhìn trăng của nghệ sĩ chứ không phải bản thân trăng của tự nhiên. Trăng mang nỗi nhớ nhung của Lý Bạch, nỗi cô sầu của Đỗ Phủ, của Thôi Hiệu, của Vương Duy, nỗi đau đớn của Nguyễn Du, của Nguyễn Gia Thiều, chiến tranh và chết chóc của Đặng Trần Côn,... kể cả mang máu đau thương của Hàn Mặc Tử.
Cả cụm từ "Ánh trăng lừa dối" và mệnh đề "Ánh trăng mang lại sự lừa dối" là hai vấn đề khác biệt. Một bên là loại trăng của cái nhìn hoang tưởng (đã phân loại) và một bên là trăng như một đối tượng của tự nhiên hay mọi ánh trăng trong mọi cái nhìn (quy chụp). Nam Cao không ngớ ngẩn đến mức quy chụp mọi ánh trăng đều lừa dối, khác nào chup mũ cái mảnh trăng vô tội trên trời hay quy chụp cả tổ tiên nhà văn của mình.
Nếu nói chủ nghĩa hiện thực phê phán là sản phẩm của cộng sản thì trên thế giới trước Marx đã có chủ nghĩa cộng sản vì lối viết hiện thực đã từng ra đời từ rất sớm. Còn chống "ánh trăng lừa dối" thì theo tôi, chẳng nhẽ các nhà phê bình, nhà văn cộng sản tự chống mình? Nên nhớ chủ nghĩa hiện thực phê phán luôn là kẻ thù của quyền lực, trừ phi giới quyền lực thỏa hiệp nhất thời hoặc lợi dụng thành vũ khí tấn công đối thủ.
Riêng bài phê bình này anh Trần Mạnh Hảo nên xem lại.
Nếu muốn phê phán Nam Cao, theo tôi, hãy phê phán truyện ngắn Đôi mắt, ra đời sau 1945. Đây là truyện ngắn dở nhất của Nam Cao. Nhưng thú thật, nhiều lần tôi muốn phê mà thấy khó. Nam Cao viết khôn đến mức, ông chửi nhà văn Hoàng mà như khen cái đôi mắt tinh đời của anh ta, trong khi khen Độ mà như chế giễu cái thứ chủ nghĩa nhân đạo bình dân học vụ mù lòa vậy.
Viết khôn vậy mà Nam Cao vẫn chết, nếu không chết trong chiến tranh cũng chết sớm trong thời bình.
Chu Mộng Long
-----------------------

TUYÊN NGÔN VỀ NGHỆ THUẬT CỦA NHÀ VĂN NAM CAO RẤT SAI TRÁI.

Trần Mạnh Hảo.

Đề từ : Khoảng năm 1948-1949, trước khi vào đảng cộng sản, Nam Cao phải viết bản thú tội về những tác phẩm xấu xa đầy chất tiểu tư sản của mình trước năm 1945. May mà ông điềm đạm, nhỏ nhẹ, không lập công chuộc tội với đảng như Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân biểu diễn màn kịch nịnh đảng ngoạn mục vô cùng : treo cuốn "Vang bóng một thời" của mình in năm 1941 lên cây, dùng roi gai đánh cho tan nát không còn manh giấy, giống kiểu người làm thịt dê treo con dê lên cây, dùng roi quất tóe máu cho con dê ra hết mồ hôi rồi mới làm thịt ! Kinh !
Trong truyện ngắn "Trăng sáng", nhà văn Nam Cao viết: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”
Nam Cao là nhà văn hiện thực phê phán. Ông để lại nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết giá trị. Truyện ngắn “Chí Phèo” của ông sẽ tuyệt vời hơn nếu như không có “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn. Câu định nghĩa nghệ thuật của Nam Cao : “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” đươc trích dẫn, được ra đề thi rất nhiều lần trong việc dạy môn văn phổ thông cũng như trên bậc đại học của đa số các giáo sư đầu ngành dốt văn.
Vầng trăng từ ngàn xưa đến nay đã thành vẻ tuyệt đẹp của vũ trụ và con người. Trăng còn đẹp hơn nữa khi nó vào ca dao, thơ văn, tranh ảnh. Các tác gia vĩ đại từ thời cổ đại như : Homere, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tagore, Hugo, Puskin, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mạc tử…đều ca ngợi vầng trăng và coi chúng là biểu tượng cho sáng tạo nghệ thuật muôn đời.
Tóm lại, vầng trăng chính là tượng trưng cho cái đẹp nghệ thuật, cho thi ca, văn học. Bản thân vầng trăng không hề có lỗi, có trách nhiệm gì với nỗi thống khổ của con người.
Việc tuyệt đối hóa văn học hiện thực phê phán, coi nó mới chính là văn học chân chính, còn dòng văn học mang yếu tố lãng mạn của Thơ mới, văn xuôi như văn của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam…là xấu là lừa dối, là không phải văn học chính là cái sai rất căn bản của nhà văn Nam Cao bắt đầu mang yếu tố chính trị vào áp đặt cho văn học vậy !
Từ nhận thức về nghệ thuật rất ấu trĩ, rất sai lầm của Nam Cao khi ông nguyền rủa vầng trăng, nguyền rủa cái đẹp tự nhiên muôn đời, coi ánh trăng kia là sự lừa dối, là không có thật, để lên án thứ nghệ thuật “ánh trăng chủ nghĩa” giống hệt chiến dịch diệt chim sẻ của Mao Trạch Đông, coi chim sẻ là nguyên nhấn mất mùa của nông dân, coi sự lãng mạn là lừa dối, chỉ có dòng văn học tố cáo, đấu tố mới là văn học thực sự đã gây tai hại cho các thế hệ dạy văn và học văn theo mỹ học Mác xít. Thế thì thơ mới, văn chương lãng mạn tự lực văn đoàn thảy là ánh trăng lừa dối hay sao ?
Tôi lại nhớ thời đánh nhân văn giai phẩm do Trường Chinh, Tố Hữu chủ trương và chiến sĩ dao găm Xuân Diệu tiên phong xông trận : chuyện về nhà thơ Tế Hanh. Ông Tế Hanh chỉ nói vài ý trên báo rằng : trước bông hoa đẹp, vầng trăng đẹp ai ai cũng có thể xúc cảm về cái đẹp vô cùng của tự nhiên. Ông Tế Hanh bị đánh tới tấp vì quan niệm phi giai cấp trước cái đẹp mang “tính người chung chung”, rằng cái đẹp có tính giai cấp, vầng trăng, bông hoa là cái đẹp của bọn địa chủ tư sản phong kiến, người lao động bị bóc lột không thèm ngắm vầng trăng lừa dối, bông hoa lừa dối…
Thương thay cho nhà văn Nam Cao một thời bị những quan niệm dung tục, thô thiển, tả khuynh, lố bịch của cộng sản lừa dối, chứ ánh trăng có bao giờ lừa dối ông ?

Sài Gòn ngày 13-11-2015
T.M.H.




Không có nhận xét nào