ĐẤT NƯỚC TRÊN NỀN RÁC 2 Quốc gia vẫn đang phát triển qua các chỉ số tăng trưởng. Nhưng phía sau các tín hiệu lạc quan về kinh tế, những bất ...
ĐẤT NƯỚC TRÊN NỀN RÁC 2
Quốc gia vẫn đang phát triển qua các chỉ số tăng trưởng. Nhưng phía sau các tín hiệu lạc quan về kinh tế, những bất an về môi trường an sinh xã hội và thậm chí là an ninh quốc gia vẫn đang hiện ra ngày một rõ nét vì ô nhiễm.
Khắp nơi đang quá tải vì rác thải!
Rác sinh hoạt quá tải. Rác công nghiệp cũng quá tải. Các loại chất thải rắn đang bị đổ trộm nhiều nơi.v.v.. Không khí ô nhiễm, đất ô nhiễm, nguồn nước cũng ô nhiễm!
Hiện nay, 80% rác thải của đất nước được xử lý bằng chôn lấp. TS. Hoàng Dương Tùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết lý do vì sao rác đa phần được chôn lấp: "Chôn lấp là biện pháp rẻ tiền nhất, ít tốn kém nhất nên được sử dụng nhiều."
Tôi cho rằng điều này không đúng thực tế!
Bãi rác Đa Phước của "vua rác" David Dương được quảng cáo là công nghệ hiện đại nhưng thực chất vẫn là chôn lấp. Quảng cáo rất kêu nhưng thực tế là cư dân khu Nam Sài Gòn đều hứng chịu mùi rác nồng nặc. Dân khốn khổ vì rác nhưng công ty VWS (chủ đầu tư của bãi rác Đa Phước) lại được UBND Tp.HCM ưu ái ký nhiều điều khoản rất trời ơi trong hợp đồng như ứng tiền trước, giá xử lý cao hơn, làm cầu đi vào bãi rác giá siêu cao,...
Nhìn rộng ra, các bãi rác chôn lấp khác đều có bóng dáng tiêu cực. Kể cả các bãi rác từ nguồn vốn ODA nhưng gây ô nhiễm khủng khiếp (ví dụ bãi rác Thọ Vức ở Phú Yên).
Quyết định 491/2018 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 7/5/2018 về việc Phê duyệt điều chỉnh chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050 có đoạn: "Phấn đấu tới 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với từng địa phương, hạn chế chất thải rắn chôn lấp ở mức thấp nhất."
Việc phê duyệt này tôi cho là chậm. Không, quá chậm mới đúng, vì dấu hiệu quá tải rác phải tính từ giai đoạn 2013, khi nhiều địa phương có dấu hiệu kín bãi rác. Tựa bài viết "Nước đến chân.. chưa nhảy" của báo Đại Đoàn Kết về việc xử lý rác ở Nam Định có thể áp dụng với nhiều tỉnh thành. Mà "phấn đấu" là sao? Chỉ định tính mà không có định lượng nào cụ thể cả...
Và quan trọng hơn, tầm nhìn chiến lược quốc gia không thể cứ mãi nhìn ngắn rồi sửa sai bằng điều chỉnh mãi được!
Khuôn khổ bài viết này có hạn nên tôi chưa viết về hướng xử lý rác trong tương lai gần và tương lai xa. Nhưng nếu cần một nơi để quy trách nhiệm thì có thể truy 3 đời Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường gần nhất tính từ bộ trưởng đương nhiệm.
Lý do vì sao ư? Cứ thử đối chiếu toàn bộ ĐTM (đánh giá tác động môi trường) của các dự án xử lý rác quốc gia trong khoảng 10-15 năm nay, tôi đảm bảo sẽ có nhiều "kịch hay" lộ ra. Kiểm toán Nhà nước cứ vào cuộc xem tiền xử lý rác "đi đâu". Thanh tra Nhà nước cứ rà soát lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến các dự án như từng rà soát các dự án BOT giao thông.
Và Bộ Công an, tuy quá tải về việc xử lý các đại án các tập đoàn, doanh nghiệp xài vốn ngân sách và đất công; nhưng vào cuộc về các dự án rác thì sẽ thấy những thứ tôi nêu có "xứng" để đánh án hay không...
Sức chịu đựng của quốc gia về ô nhiễm đã vượt ngưỡng rồi. Chẳng qua ô nhiễm cần thời gian để bùng phát mà thôi!
(Cũng có lãnh đạo muốn biết địa phương mình tới ngưỡng nào của ô nhiễm và gửi văn bản đến ông Hà Tài Môi. Chỉ khác là thay vì gửi văn bản trả lời "yên tâm, yên tâm, yên tâm" như trả lời QH thì ông ta im lặng...)
Mai Quốc Ấn
Không có nhận xét nào